Mù tạt hay còn gọi là mù tạc, là tên gọi chung để chỉ một số loài thực vật có hạt nhỏ được sử dụng để làm gia vị bằng cách nghiền nhỏ sau đó trộn với nước, giấm hay các chất lỏng khác trở thành các loại bột nhão làm mù tạc thương phẩm. Hạt của chúng cũng được ép để sản xuất, dầu mù tạc và lá non của chúng có thể ăn như một loại rau xanh.
Một số loại mù tạt trên thị trường Việt Nam
Mù tạt vàng: Được làm từ hạt mù tạt trắng trộn với đường, giấm và nghệ tươi nên có màu vàng mật ong. Nó có vị nồng nhẹ. Món xúc xích nướng vàng ươm, nóng hổi kẹp giữa chiếc bánh mì mềm mại sẽ bớt ngon nếu thiếu đi hương vị của mù tạt vàng.
Mù tạt Meaux: Đây là loại mù tạt được ép từ hạt mù tạt đen, trộn với giấm, tạo nên một hỗn hợp giòn cay. Bạn có thể dùng để ướp thức ăn hoặc phết lên bề mặt miếng thịt sau khi nướng. Mù tạt không chỉ dùng trong các món trộn, các món thịt nướng mà còn được dùng kèm với hải sản.
Mù tạt Dijon: Loại mù tạt kiểu Pháp này được chế biến từ hạt mù tạt đen nguyên vỏ với rượu trắng, muối và một số gia vị đặc trưng. Nó có màu vàng tươi, vị từ nhẹ nhàng đến cay nồng. Các đầu bếp thường dùng mù tạt Dijon làm sốt, trộn salad…
Mù tạt dạng bột: Đây không phải là loại mù tạt chính thống, chúng được kết hợp từ muối, tiêu và mù tạt. Khi dùng, bạn có thể vắt thêm một lát chanh. Mù tạt dạng bột chấm kèm với hải sản hoặc thịt nướng rất ngon.
Mù tạt xanh: Không giống ớt, mù tạt xanh tạo mùi cay nồng từ mũi, không làm người ăn cảm thấy cay xé ở lưỡi. Vị cay ấy cũng không kéo dài, chỉ đọng lại trong giây lát và tan biến khi bạn hớp một ngụm nước.
Mùi cay nồng đặc trưng này rất dễ bay hơi. Khi chế biến món cơm nắm sushi truyền thống của Nhật Bản, các đầu bếp thường để mù tạt xanh wasabi nằm giữa cá và cơm, nhằm giữ cho mùi vị đặc biệt này không bị bốc hơi.
Ngoài củ, lá mù tạt xanh cũng được dùng để tạo vị cay nồng. Người ta thái nhỏ lá, trộn với giấm, làm đồ chua hoặc nấu canh với nước tương ngon.