Loa Thành hay thành Cổ Loa vẫn mặc định được coi là tọa lạc ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đó là kinh đô của An Dương Vương từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Cương mục chép: “Bấy giờ nhà vua đã lấy được Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê” và sử thần chua thêm “Phong Khê: Bây giờ là thành Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh”[1]. Ngày nay, di tích thành Cổ Loa vẫn còn và được cấp bằng Di tích Quốc gia. Nhưng căn cứ vào nền móng cung điện cũ, có lẽ kinh đô trước đó không phải là Loa Thành.
Loa Thành hay thành Cổ Loa vẫn mặc định được coi là tọa lạc ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Di tích Cổ Loa với giếng ngọc đã có từ rất lâu rồi. Cuối thời Lê Trung Hưng đầu thời Nguyễn, trong tác phẩm Tang thương ngẫu lục – Truyện ông Nguyễn Công Hãng, tác giả đã viết: “Lệ cống phải có hũ nước để rửa ngọc trai, lấy ở cái giếng tại Loa Thành. Ông đổ đi, múc nước giếng Ba Sơn đem theo. Họ thử, không thấy nghiệm, kỳ kèo. Ông nói: ‘Vì khí mạch lâu ngày nó biến đổi đi.’ Hai thứ đồ cống ấy được miễn là bắt đầu từ ông vậy”.
Loại chí ghi rất rõ về Loa Thành ở Kinh Bắc2: “Loa Thành ở xã Cổ Loa, huyện Yên Phong, đời cổ gọi là Phong Khê, là Kinh đô của An Dương Vương. Thành đắp rộng một nghìn thước, xoáy tròn như hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành. Lại gọi là Tư Long thành. Người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn, ý bảo thành ấy cao lắm. Nay chân móng cũ hãy còn”.3
Sang thời Nguyễn, khi mới lên ngôi, vua Gia Long đã sai dựng miếu thờ lịch đại đế vương cùng dân sở tại lo việc phục dịch, trong đó có “miếu Thục An Dương Vương 79 người (xã Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc).”4
Mặc dầu vậy, các đoạn sử chép về vị vua này phần nhiều mang tính truyền kỳ, như quỷ núi Thất Diệu, thần Kim quy, nỏ thần, sừng tê rẽ nước… rồi các nhân vật mang tính truyền thuyết như Cao Lỗ (có sách chép tên Cao Thông), Lý Ông Trọng (thân cao hai trượng ba thước),… khiến các thông tin liên quan tới ngài đều không thực sự khả tín.
Trong cái chết của An Dương Vương, các bộ sử nước ta đều chép tương tự nhau, đại để: Triệu Đà đem quân tới đánh, An Dương Vương lấy nỏ thần ra bắn thì lẫy nỏ đã hỏng, Vương cho Mị Châu cùng cưỡi ngựa chạy về phía Nam. Đến biển, vua phát hiện Mị Châu dùng lông ngỗng đánh dấu đường, liền chém rồi đi xuống biển.
Về địa điểm An Dương Vương trầm mình, tục truyền là tại núi Mộ Dạ, thuộc Diễn Châu, Nghệ An. Từ Cổ Loa (thuộc Đông Anh) tới núi Mộ Dạ khoảng hơn 250km, và ngay cả từ Cổ Loa tới bờ biển gần nhất về phía Nam (có thể là hướng Đông Nam) ở khoảng địa phận Thái Bình hoặc Nam Định ngày nay thì cũng hơn 100km5. Với điều kiện giao thông thời cổ (cách đây hơn hai ngàn năm), làm sao một ngựa chở hai người có thể đi xa đến như vậy, lại trong điều kiện bị giặc truy đuổi?
Phải chăng An Dương Vương không hề đóng đô ở Loa Thành thuộc Đông Anh?
An Dương Vương và rùa thần Kim Quy. Tranh: Tạ Huy Long © Lĩnh Nam chích quái, NXB Kim Đồng, 2017.
I. SỬ NHÀ LÊ VIẾT GÌ
Phần Ngoại kỷ của Toàn thư ra đời trước Cương mục khoảng 400 năm, trong đó có chép về Loa Thành và An Dương Vương ở hai chỗ. Đầu tiên là nhắc về việc đóng đô: “Họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa)”6. Sau đó là nhắc tới việc xây thành: “Bấy giờ Thục Vương đắp thành ở Việt Thường7, rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành, lại có tên là thành Tư Long (người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn, vì thành rất cao)”8.
Ngoài địa danh Phong Khê được nhắc tới, Toàn thư còn chỉ đích danh An Dương Vương (tức Thục Vương) đắp thành ở Việt Thường. Việt Thường là ở đâu? Rất khó để xác định chính xác địa giới Việt Thường thời cổ. Đó là tên một trong mười lăm bộ tương truyền có từ thời Văn Lang9, địa giới trải dài ở khoảng giữa nước ta hiện nay, từ Thanh Hóa tới Thừa Thiên-Huế10. Rõ ràng Toàn thư đã không viết Loa Thành của An Dương Vương ở huyện Đông Anh, Hà Nội mà đẩy nó lui xuống rất nhiều về phía Nam.
Quả thực nếu Loa Thành ở Thanh Hóa hay Nghệ An thì từ đó chạy ra núi Mộ Dạ, Diễn Châu chỉ vài chục kilomet thậm chí vài kilomet, sẽ hợp lý hơn rất nhiều là phi ngựa gần 300 cây số từ tận Cổ Loa. Cũng cần lưu ý rằng giao thông thời cổ cực kỳ tệ, nếu từ miền Bắc di chuyển tới địa phận Thanh, Nghệ thì còn phải dùng thuyền.
II. SÁCH VỞ THỜI TRẦN
Từ Lê sơ ngược lên thời Trần để tìm hiểu về Loa Thành, ta có vài văn bản ghi dấu đáng để tham khảo. Đầu tiên là Lĩnh Nam chích quái chép về Loa Thành trong “Truyện rùa vàng”: “[An Dương Vương] diệt nước Văn Lang, cải tên nước thành Âu Lạc, rồi lên làm vua, xây thành ở đất Việt Thường11, hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy”. Đáng chú ý là Lĩnh Nam chích quái ghi rõ “Đời truyền rằng nơi đó là đất Dạ Sơn, tổng Cao Xá, phủ Diễn Châu”.
Một cuốn sách rất đáng tham khảo khác là An Nam chí lược thì không dùng tên “Loa Thành” để gọi mà nhắc tới “Việt Vương thành”: “Việt Vương thành, tục gọi là thành Khả Lũ, có một cái ao cổ, Quốc vương mỗi năm lấy ngọc châu, dùng nước ao ấy rửa thì sắc ngọc tươi đẹp… Vua nước Thục, thường sai con đem ba vạn binh, đi chinh phục các Lạc tướng, nhân đó cử giữ đất Lạc mà tự xưng là An Dương vương”12. Đáng chú ý là An Nam chí lược nhắc tới “Nay ở huyện Bình Địa, dấu tích cung điện và thành trì của An Dương Vương hãy còn”. Đáng tiếc là tác giả không chú thích huyện Bình Địa là ở đâu.
III. HAI BỘ SÁCH KHÁC LIÊN QUAN TỚI AN NAM CHÍ LƯỢC
Khi Lê Tắc viết An Nam chí lược, ông đã sang hàng nhà Nguyên. Sang tới thời Minh, có hai cuốn sách viết về Đại Việt do quan viên triều đình nhà Minh viết ra là An Nam chí [nguyên] và Việt Kiệu thư. Hai bộ sách này cùng dựa rất nhiều vào các ghi chép của Lê Tắc (dĩ nhiên có khảo cứu thêm nhiều sách vở tài liệu khác) và đều có chép về Việt Vương thành.
An Nam chí viết: “Thành Việt vương ở huyện Đông Ngạn13. Thành này còn có tên là Loa Thành, vì nó khuất khúc như hình trôn ốc. Kiểu mẫu thành này bắt đầu từ An Dương Vương, vòng xoay chín lần, lại gọi là thành Khả Lũ do An Dương Vương xây đắp từ ngày xưa, chỗ An Dương Vương đóng đô vốn là đất Việt nên người sau gọi là Việt Vương thành. Trong thành có cung đình của An Dương Vương, nền cũ hầu còn, Lưu Chiêu có nói: ‘Giao Chỉ tức là nước của An Dương Vương’”.
Về giếng ngọc, An Nam chí viết: “Giếng Minh Châu14 ở trong Loa Thành, huyện Đông Ngạn. Tương truyền do An Dương Vương đào. Hễ rửa hạt trai bằng giếng này thì màu sắc hạt trai nổi tươi sáng và đẹp đẽ”.
Hai ghi chép về Loa Thành trong sách đều tương đồng nhau về mặt địa danh, đó là huyện Đông Ngạn. Huyện Đông Ngạn ở đâu? Thăng Long, Bắc Ninh hay Việt Thường?
Theo An Nam chí thì huyện Đông Ngạn ở đâu? Có hai ghi chép về Đông Ngạn trong sách này. Một là huyện Đông Ngạn ở phủ Nghệ An: “Phủ Nghệ An có… bốn châu (năm huyện): Nam Tĩnh châu (gồm ba huyện: Kỳ La, Hà Hoa, Bàn Thạch); Hoan Châu (gồm hai huyện: Đông Ngạn, Thạch Đường); Trà Lung châu; Ngọc Ma châu”. Hai là sông Đông Ngạn: “Sông Thiên Đức – tên cũ là sông Nghịch Đãng, lại gọi là sông Đông Ngạn”.
Như vậy, mặc dù không xác quyết Loa Thành là ở miền Bắc hay đất Việt Thường cũ, nhưng An Nam chí hầu như chỉ đích danh Loa Thành là ở huyện Đông Ngạn thuộc địa phận tỉnh Nghệ An ngày nay, cũng là đất Việt Thường thuở xưa.
Việt Kiệu thư của Lý Văn Phượng thì chép cực kỳ minh bạch: “Việt Vương thành ở huyện Đông Ngạn, phủ Nghệ An, lại có tên là Loa Thành vì tường thành quanh co như con ốc. Thời Hán, An Dương Vương xây dựng nên”.
Huyện Đông Ngạn, Việt Kiệu thư ghi nhận tại hai nơi, một là phủ Bắc Giang, hai là phủ Nghệ An. Huyện Đông Ngạn ở phủ Bắc Giang thời Lê (thời Minh ở Trung Quốc) chính là huyện Đông Ngạn/Ngàn được Toàn thư ghi lại từ thời Trần15, cũng là huyện Đông Ngàn thuộc Bắc Ninh ở thời Nguyễn, rồi tách thành Từ Sơn (Bắc Ninh), Đông Anh và Gia Lâm (Hà Nội).
Huyện Đông Ngạn ở phủ Nghệ An, theo Đại Nam nhất thống chí thì thời Thuộc Đường, nó thuộc Diễn Châu; thời nhà Trần mang tên huyện Thổ Thành, thời Thuộc Minh mang tên Đông Ngạn, thời Lê đổi sang tên hiện nay (tức huyện Đông Thành). Ngày nay thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Xét về địa lý, đền Cuông ở phía Đông Nam so với Yên Thành, cách nhau khoảng hơn 20 km. Về phương hướng và khoảng cách thì rất thích hợp với ghi chép của sử, rằng An Dương Vương (cùng Mị Châu) chạy về phía Nam tới bờ biển.
Đền Cuông (thờ An Dương Vương) trên núi Mộ Dạ ở huyện Diễn Châu – Nghệ An. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An.
IV. VÀI GHI CHÉP KHÁC
Thủy kinh chú sớ16 dẫn khá nhiều sách cổ có ghi chép liên quan tới An Dương Vương và Loa Thành. Trong đó Lịch Đạo Nguyên chép “Nay ở sau huyện Bình Đạo, thấy còn có dấu cũ của thành cung của vua”, Dương Thủ Kính chú rằng “Theo Quảng Châu ký, An Dương Vương đóng đô ở huyện Phong Khê, cho nên họ Lịch dẫn Giao Châu ngoại vực ký ở chỗ này về huyện Bình Đạo. Nguyên Hòa chí nói thành cũ của An Dương Vương ở phía Đông Bắc huyện Tống Bình 31 dặm”.
Bình Đạo, theo Thủy kinh chú sớ dẫn sách Nguyên Hòa chí thì “huyện Bình Đạo vốn là đất của người Di Phù Nghiêm, thời Ngô mở làm quận Vũ Bình, đồng thời lập huyện Bình Đạo tức là nơi sở tại của suối này. Ở phía Bắc quận, cách qua một con sông, tức là con sông này. Phía Bắc sông đối với huyện Chu Diên quận Giao Chỉ”. Còn Tống Bình là đất Phong Khê, Chu Diên cũ17. Như vậy theo Thủy kinh chú sớ thì Loa Thành là ở Phong Khê, tương đồng với địa phận huyện Đông Anh ngày nay. Có lẽ Bình Đạo trong Thủy kinh chú sớ chính là Bình Địa trong An Nam chí lược.
Nhưng một bộ sách rất có uy tín khác là Đại Thanh nhất thống chí thì lại tiếp thu ghi chép của Việt Kiệu thư: “Việt Vương thành ở huyện Đông Ngạn, phủ Nghệ An, lại có tên là Loa Thành vì tường thành quanh co như con ốc. Thời Hán, An Dương Vương xây dựng nên”.
Có thể thấy tới thời Thanh, thuyết Loa Thành vẫn chia làm đôi, một bên cho là thành ở Đông Anh, một bên cho là thành ở Nghệ An.
V. GIẢ THUYẾT VỀ LOA THÀNH
Trở lại với ghi chép rõ ràng nhất về Loa Thành theo thuyết Nghệ An, Lý Văn Phượng cho biết: “Đô thành cũ của An Dương Vương ở đất Việt18, nên xưng là Việt Vương thành. Trong thành, nền móng cung điện cũ vẫn còn”.
Đại Thanh nhất thống chí tiếp thu ghi chép trên và bổ sung “Theo Nguyên Hòa chí, thành cũ của An Dương Vương19 cách huyện Tống Bình hơn ba mươi dặm về phía Đông Bắc”.
Với hai ghi chép này, kết hợp với Toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, ta có thể đưa ra một giả thuyết rằng An Dương Vương từng lập hai kinh đô. Kinh đô thứ nhất (tức cựu đô hay cố thành) là ở Phong Khê (theo ghi chép của sử Việt) hoặc huyện Tống Bình (theo ghi chép của sử Trung Quốc), cũng là địa phận huyện Đông Anh ngày nay. Sau đó, ông dời đô về huyện Đông Ngạn phủ Nghệ An tức là đất Việt Thường xưa mà Toàn thư, Lĩnh Nam chích quái ghi chép. Đây cũng chính là Loa Thành mà các sách ghi chép lại.
Nền móng cung điện cũ được nhắc tới có lẽ là di tích của kinh đô trước, không phải Loa Thành.
Loa Thành còn được Toàn thư nhắc tới một lần nữa, là kinh đô của vua Ngô Quyền20. Với sự hiện diện sau này của hậu duệ Ngô Vương là Ngô Xương Xí ở Bình Kiều (Thanh Hóa)21, cũng những chủ thuyết của nhóm học giả Đào Duy Anh cho rằng quận Đường Lâm ở châu Phúc Lộc thời cổ (tức là khoảng Thanh Nghệ Tĩnh)22 cùng các khảo cứu của nhóm học giả Trần Trọng Dương về châu Đường Lâm trong cổ sử của Việt và Trung23, và bản thân Ngô Quyền cũng là thế tộc nắm quyền ở Ái Châu24, rất có thể sau khi đánh tan quân Nam Hán, Ngô Quyền đã lên ngôi vương và trở về lập đô tại Loa Thành ở đất Việt Thường quê hương mình.
An Dương Vương đánh bại Hùng Vương rồi dời đô về Việt Thường, rất có thể đó chính là nơi xuất thân của ông. Điều này cũng hợp lý hơn việc đặt An Dương Vương thành hậu duệ của Cổ Thục quốc bên Trung Quốc, cách xa nước ta tới mấy ngàn dặm, cách trở muôn sông ngàn núi. Nếu quả như vậy, triều đại nhà Thục của An Dương Vương xứng đáng là một triều đại hoàn toàn do người Việt lập ra. □
———–
Tài liệu tham khảo:
– An Nam chí [nguyên] – Cao Hùng Trưng.
– An Nam chí lược – Lê Tắc
– Đất nước Việt Nam qua các đời – Đào Duy Anh.
– Đại Nam nhất thống chí.
– Đại Nam thực lục – Quốc sử quán.
– Đại Thanh nhất thống chí.
– Đại Việt sử ký toàn thư – Ngô Sĩ Liên
– Khâm định Việt sử thông giám cương mục – Quốc sử quán.
– Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú.
– Lĩnh Nam chích quái.
– Sử học bị khảo – Đặng Xuân Bảng.
– Tang thương ngẫu lục – Nguyễn Án, Phạm Đình Hổ.
– Thủy kinh chú sớ – Lịch Đạo Nguyên, Dương Thủ Kính.
– Việt kiệu thư – Lý Văn Phượng
– Việt Nam thế kỷ X: Những mảnh vỡ lịch sử – Trần Trọng Dương.
——
Chú thích
1 Thời Nguyễn, huyện Đông Ngàn thuộc tỉnh Bắc Ninh, sau này mới thuộc về Hà Nội.
2 Tức Bắc Ninh và một phần Hà Nội ngày nay
3 Loại chí – Dư địa chí – Kinh Bắc.
4 Thực lục, đệ nhất kỷ, 1803.
5 Xác định bờ biển theo địa lý cách đây hai ngàn năm là một việc khá phức tạp. Nhưng chúng ta biết rằng thời Loạn mười hai sứ quân, một cửa biển rất nổi tiếng ở khoảng Thái Bình, Nam Định là Bố Hải Khẩu (địa bàn của Trần Lãm), sau trở thành đồng bằng, thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Từ Đông Anh tới Kiến Xương, quãng đường cũng hơn 100km.
6 Toàn thư – Ngoại kỷ, Thục.
7 Nguyên văn: “於是築城于越裳”- vu thị trúc thành vu Việt Thường.
8 Toàn thư – Ngoại kỷ, Thục.
9Toàn thư chép Hùng Vương chia nước thành mười lăm bộ, gồm: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức.
10 Xem chú giải về Cửu Chân tại Cương mục, Tiền biên, quyển 1; chú giải về Nhật Nam tại Cương mục, Tiền biên, quyển 2; chú giải về Cửu Đức tại Cương mục, Tiền biên, quyển 3; chú giải về Ô Lý tại Cương mục, Chính biên, quyển 1; chú giải về Địa Lý tại Cương mục, Chính biên, quyển 3.
11 Nguyên văn: ““築城於越裳之地”” – trúc thành ư Việt Thường chi địa.
12 An Nam chí lược, quyển 1.
13 Nguyên văn: “東岸”, chữ (岸) âm Hán là “ngạn”, lại có âm nôm đọc là “ngàn”, huyện Đông Ngạn cũng tức là huyện Đông Ngàn.
14 Nguyên văn: Minh Châu trì.
15 Toàn thư, Trần, 1226, 1285.
16 Thủy kinh chú là tác phẩm của Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy Lưu Tống, được Dương Thủ Kính – học giả thời Thanh – viết thêm phần chú, hợp thành Thủy kinh chú sớ. Tác phẩm này đã được dịch giả Nguyễn Bá Mão dịch và xuất bản một phần có liên quan tới nước ta.
17 Sử học bị khảo, Đặng Xuân Bảng.
18 Nguyên văn: An Dương vương cựu đô Việt địa.
19 Nguyên văn: An Dương vương cố thành.
20 Toàn thư – Ngoại kỷ, Nhà Ngô, 938.
21Toàn thư – Ngoại kỷ, Ngô sứ quân, 966.
22 Đất nước Việt Nam qua các đời – Đào Duy Anh.
23 Việt Nam thế kỷ X: Những mảnh vỡ lịch sử – Trần Trọng Dương.
24Toàn thư – Ngoại kỷ, Nhà Ngô, 938.