Một số kỹ năng làm bài văn nghị luận Văn học
I. TÌM HIỂU CHUNG VỀ NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
1. Khái niệm
Nghị luận văn học là dạng văn bản dùng để bày tỏ sự cảm thụ tác phẩm văn học theo suy nghĩ của cá nhân, là những lý lẽ để đánh giá, phân tích, bàn bạc về vấn đề thuộc lĩnh vực văn học để khám phá thế giới nội tâm của tác giả, đồng thời tìm ra những giá trị thuyết phục người khác nghe theo quan điểm, ý kiến cá nhân của mình.
2. Một số yêu cầu chung cần nắm khi viết một bài văn nghị luận văn học
- Tìm hiểu tác giả, hoàn cảnh sáng tác, năm tháng tác phẩm ra đời.
- Tìm hiểu tâm tư tình cảm tác giả.
- Các vấn đề bàn luận là các vấn đề bàn bạc về văn học, có thể là tác giả, tác phẩm, ý kiến nhận định về tác phẩm, nhân vật trong tác phẩm.
- Đối với thơ thì cần chú ý đến hình thức như nhịp điệu, cách gieo vần, cấu trúc, nghệ thuật sử dụng ngôn từ… Lưu ý nhiều đến tính thẩm mỹ trong tác phẩm.
- Đối với tác phẩm văn xuôi thì chú ý đến cốt truyện, nhân vật, tình tiết, hình tượng điển hình, tình huống truyện. Cần khai thác nội dung hiện thực và nội dung tư tưởng của tác phẩm, thông điệp của tác giả. Các dẫn chứng cần chính xác, chọn lọc.
3. Tìm hiểu đề
- Tìm hiểu đề bao gồm tìm ý và lập dàn ý. Đây là khâu quan trọng để xác định
- Muốn làm tốt bài văn nghị luận cần phải nắm vững những kĩ năng phân tích theo trình tự: bước định hướng, lập dàn ý, tạo văn bản và kiểm tra.
II. CÁC BƯỚC XÂY DỰNG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
1. Bước định hướng
Trước khi làm bài, cần tìm hiểu về nội dung, yêu cầu của đề bài, định hướng xây dựng văn bản.Bước định hướng là khâu rất quan trọng trong bài văn nghị luận văn học. Định hướng đúng sẽ tránh viết sai thể loại, lạc đề. Vì thế cần phải đọc kỹ để và xác định:
- Thể loại
- Nội dung
- Giới hạn đề
- Yêu cầu phụ.
Thông thường thì sẽ có hai dạng đề bài: với dạng đề nổi thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết được trên câu chữ, cần gạch chân các từ khóa để dễ thực hiện bài viết. Đối với đề chìm thì các cần nghiên cứu kỹ nội dung ẩn ý của tác phẩm, dụng ý nghệ thuật của tác giả, chủ đề của tác phẩm mà xác định mục tiêu đề bài.
2. Bước lập đề cương
Cần xác định và tái hiện lại kiến thức những giá trị về nội dung của tác phẩm.
- Nội dung cơ bản (tìm ý): Ở bước này chúng ta cần tái hiện lại kiến thức những giá trị về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó.
- Bố cục của bài văn (lập dàn ý): Sắp xếp các ý theo trình tự hợp lý (từ ý lớn đến ý nhỏ, nghệ thuật, nội dung).
Sau khi tìm được ý, cần phác họa ra dàn ý sơ lược và sau đó triển khai thành dàn ý chi tiết.
3. Bước tạo văn bản
Trên cơ sở đề cương đã được lập, bắt đầu thực hiện việc tạo văn bản. Đây là khâu quan trọng nhất. Cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Đây là một văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ văn bản chính luận nên cần lưu ý về đặc điểm chung và đặc điểm về cách thức diễn đạt;
- Thực hiện theo bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài (khái quát – phân tích – tổng hợp);
- Cần lưu ý về thể loại của tác phẩm để chọn trình tự hợp lý:
+ Đối với loại tự sự cần chú ý phân tích nhiều đến nội dung, cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện. Khi phân tích cần tách nội dung và nghệ thuật riêng (nội dung trước rồi đến nghệ thuật sau).
+ Đối vơí loại trữ tình cần lưu ý các phép biểu hiện tình cảm cảm xúc, hình ảnh nhịp điệu. Phân tích nghệ thuật gắn liền với nội dung.
- Cần liên kết các câu, đoạn mạch lạc hợp lý.
4. Bước kiểm tra
Viết xong đoạn văn nào, ý nào nên kiểm tra lại. Cần dành 5 phút cuối đọc lại toàn bộ bài viết, sữa lỗi chính tả, dấu câu.
III. CẤU TRÚC BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
1. Cấu trúc phần mở bài
Cách 1
Giới thiệu
tác giả
Hoàn cảnh
sáng tác
Chủ đề và đại ý
tác phẩm
Trích đề, nêu nhận xét chung
Ví dụ:
Xuất hiện trên thi đàn Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX, Bà Huyện Thanh Quan đã đi vào lòng người bằng nét bút trang nhã, điêu luyện. Bà làm thơ không nhiều nhưng mỗi bài thơ là một tuyệt bút. Trên đường từ Thăng Long vào kinh đô Huế nhậm chức, bà đã dừng chân trên đỉnh Đèo Ngang, xúc cảnh sinh tình trước cảnh quan thiên nhiên trong nỗi buồn sâu lắng, bài thơ Qua Đèo Ngang ra đời miêu tả cảnh vật đồng thời còn bày tỏ mối u hoài về thời thế. Bài thơ đã khắc tạc tên tuổi của bà vào lịch sử thi ca.
Cách 2:
Chọn những câu thơ có nội dung phù hợp với tác phẩm để dẫn dắt vào đề
Giới thiệu tác giả
Hoàn cảnh sáng tác
Chủ đề và đại ý tác phẩm
Trích đề, nêu nhận xét chung
Ví dụ:
“Chao ôi mong nhớ ôi mong nhớ !
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn”
(Chế lan Viên)
Đi về đâu hỡi cánh chim lẻ loi kia giữa chiều thu giăng mắc? Tự bao giờ, mùa thu thường mang đến cho các thi nhân nỗi buồn man mác sâu kín, khơi gợi nỗi nhớ nhung xa vắng. Trước cái se lạnh của đất trời, lãng phất lá vàng rơi nơi vùng quê chiêm trũng đã lay động tâm hồn cụ Tam nguyên Yên Đổ để những ý thơ cất lên như những tiếng tơ lòng thể hiện mối u hoài trước thời thế. Nguyễn Khuyến được mệnh danh là thi sĩ của mùa thu, của làng quê Việt Nam. Bài thơ Thu điếu ra đời miêu tả cảnh sắc mùa thu ở vùng nông thôn Bắc bộ, qua đó bày tỏ tâm sự u hoài sâu kín.
Bài thơ là một tuyệt sắc về mùa thu trong văn học Việt Nam.
Cách 3:
Mượn nội dung, tiêu đề để dẫn dắt vào đề
Giới thiệu tác giả
Hoàn cảnh sáng tác
Chủ đề và đại ý tác phẩm
Trích đề, nêu nhận xét chung
Ví dụ:
Năm tháng rồi sẽ qua đi theo quy luật nghiệt ngã của thời gian, song có một điều vẫn đọng mãi trong mọi người về một thời để nhớ, một thời không thể nào quên. Vâng! Đó là những năm tháng đầy đau thương mà anh dũng trong cuộc chiến đấu chống Mỹ vĩ đại. Khí thế hăm hở cả nước ra trận đã thổi vào hồn thơ Phạm Tiến Duật như thứ ánh sáng chói chang như từng cơn lộng gió để “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ra đời khắc họa hình ảnh người chiến sĩ lái xe gan dạ dũng trên tuyến lửa Trường Sơn. Đặc biệt qua ba khổ đầu:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
…
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lắm cười ha ha …”
Đoạn trích ca ngợi vẻ đẹp của người lính, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
* LƯU Ý VỀ VIỆC TRÍCH ĐỀ:
- Đối với bài thơ ngắn hoặc đoạn trích (khoảng dưới 8 câu) các em cần chép nguyên bài thơ hoặc đoạn trích. Tuy nhiên khi phân tích đoạn trích trong phần mở bài ngoài việc giới thiệu chung tác phẩm cần phải giới thiệu nội dung đoạn trích (xem ví dụ phần mở bài theo cách 3).
- Đối với bài thơ dài, phần trích đề chỉ nên giới thiệu câu đầu và câu cuối. Ví dụ trích đề khi phân tích bài thơ Đồng chí mở đầu bằng hoàn cảnh xuất thân của người lính:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua”
Và khép lại trong hình ảnh đầy lãng mạn:
“Đầu súng trăng treo”.
- Đối với truyện (văn xuôi tự sự) thì không trích đề.
2. Cấu trúc đoạn văn phần thân bài
- Đoạn văn phần thân bài trong bài phân tích thường được sắp xếp theo trình tự: khái quát – phân tích – tổng hợp. Đối với thể loại trữ tình có thể được dựng đoạn theo cách sau đây:
- Câu mở đoạn (khái quát): Mượn một nét nghệ thuật để dẫn đến nội dung khái quát hoặc giới thiệu ý chung của câu thơ, đoạn thơ, đoạn văn.
- Trích dẫn câu thơ, đoạn thơ, đoạn văn.
- Phân tích:
- Giải thích từ ngữ, câu
- Nghệ thuật (giọng điệu, không gian, thời gian, từ ngữ, hình ảnh, phép tu từ… và tác dụng để làm rõ nội dung)
- Nội dung diễn đạt
- Liên hệ tác giả, hoàn cảnh xã hội
- Liên hệ so sánh văn học, cảm xúc của người phân tích.
- Câu kết đoạn và chuyển ý (tổng hợp)
* LƯU Ý KHI VIẾT PHẦN THÂN BÀI
- Trong quá trình phân tích trình tự có thể thay đổi theo dụng ý riêng của người viết và không nhất thiết đoạn nào cũng dựng như mẫu trên mà có biến hóa cho sinh động.
- Thông thường phần đầu tiên của thân bài nên giới thiệu về hoàn cảnh xã hội. Ví dụ khi phân tích bài thơ Đồng chí – Chính Hữu thì phần đầu tiên của thân bài cần liên hệ hoàn cảnh nước ta sau cách mạng tháng tám 1945.
- Sau khi giới thiệu hoàn cảnh xã hội đương thời cần phân tích thêm về tiêu đề bài thơ.
- Phần cuối cùng của thân bài cần liên hệ giá trị tư tưởng hay ý nghĩa thực tiễn qua bài học.
Sau đây là cấu trúc chung của phần thân bài:
- Hoàn cảnh xã hội
- Phân tích theo bố cục từng phần:
- Đối với thơ: kết hợp nghệ thuật và nội dung (chú ý nhiều đến sắc thái biểu cảm).
- Đối với truyện chủ yếu phân tích nội dung hiện thực và nội dung tư tưởng rồi sau đó mới phân tích nghệ thuật (mỗi nội dung dựng thành đoạn văn riêng, sau đó dựng đoạn văn phân tích nghệ thuật).
- Giá trị tư tưởng, liên hệ, đối chiếu với hiện thực cuộc sống.
ĐOẠN VĂN MINH HỌA CHO CÁCH DỰNG ĐOẠN
Ví dụ 1: Đoạn văn phân tích cặp câu đề trong bài Thu điếu – Nguyễn Khuyến
Không chọn cho mình một dòng sông yên ả xuôi nguồn ra bể lớn, một mặt hồ lung linh sắc biếc của mây trời, không gian thu của Nguyễn Khuyến là làng quê chiêm trũng với chiếc ao bé nhỏ quen thuộc:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”
Chiếc ao bé nhỏ của làng quê trong thành ngữ “ao tù nước đọng” chật chội kia bỗng trở nên thanh khiết trong sắc màu thu về của cụ Tam nguyên . Ngữ “ao thu” là sự kết hợp độc đáo không gian và thời gian. Thời gian ở đây không là một khoảng khắc thu, một ngày thu, mà là cả một mùa thu lắng đọng trong chiếc ao bình dị. Sự khám phá độc đáo ở chỗ nhà thơ đã mặc chiếc áo thu diệu kì để làn ao trở thành “trong veo” như chiếc gương của thiên nhiên thâu cả mảng trời xanh biếc, đám mây trắng hửng hờ, và cả bóng dáng co ro của con người trong chiếc thuyền câu. Sắc trời thu, mặt ao thu, con thuyền câu, người câu hài hòa trong bức tranh thơ, song lại man mác sắc màu thu luống u buồn .Mùa thu với làn gió heo may se se lạnh vừa đủ tiễn đưa cái oi ả của mùa hè nhưng sao thi nhân nghe như thấm lạnh cả đất trời, cả hồn người. Làn gió thu muôn đời vô hình kia sao lại “lạnh lẽo” đến tê lòng hay là cái lạnh từ nỗi buồn thương nơi thẩm đáy lòng thi nhân đã lan tỏa, thấm sâu vào ngàn cây ngọn cỏ, vào hơi thở của đất trời, thấm lạnh vào hồn người câu đang co ro trên con thuyền bé “tẻo teo”. Ngôn ngữ thật cô đọng, độc đáo vần “eo” trong “lạnh lẽo”, “trong veo”, “tẻo teo” nhưng chắt lọc cả không gian mênh mông vào một phạm vi bé nhỏ cô tịch. Người ngồi câu không ngồi trên bờ, mặc dù chiếc ao vốn nhỏ. Bởi lẽ ngồi trên bờ thì dẫu sao cũng còn có bờ đất bụi cỏ làm điểm tựa. Hơn nữa ngồi trên bờ thì tầm nhìn bị hạn chế vì chỉ nhìn về một phía. Nhà thơ đã đặt người ngồi câu trên chiếc thuyền thúng bé nhỏ đẩy ra giữa mặt ao, giữa khoảng không bé nhỏ vắng lặng để mở rộng tầm nhìn về bốn phía, để người ngồi câu mới cảm nhận được hương thu, sắc thu, tiếng thu, và cả nỗi cô đơn giữa mùa thu của chính mình. Đọc câu thơ Nguyễn khuyến sao không khỏi nhớ đến Vũ Đình Liên:
“Làn gió heo may xa hiu hắt
Lạnh lùng chẳng biết tiễn đưa ai”
Vẻ lạnh lùng của ngọn gió vô tình khơi gợi nỗi cô đơn hoang trống, còn làn gió “lạnh lẽo” của Nguyễn khuyến cứ quặn thắt lòng người, trăn trở nỗi đau đời quay quắt.
(Nguyễn Văn Thành)
Ví dụ 2: Đoạn văn trong nghị luận Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
“Lần đầu tiên, khi không ai ngờ tới, Thu cất tiếng gọi ba. Đó là tiếng kêu như tiếng xé, xé không khí và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng ba Thu đã kìm nén bao năm nay. Tiếng ba như vỡ tung ra từ đáy lòng nó. Và đau đớn thay, đây là tiếng gọi ba đầu tiên cũng là tiếng gọi cuối cùng trong cuộc đời cô bé. Sau tiếng gọi ba là một loạt những hành động “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên, giang hay tay ôm chặt lấy cổ ba nó rồi nó hôn ba nó cùng khắp, hôn cả vết thẹo dài trên má của ba”. Tất cả những hành động đó đều biểu hiện một tình cảm ruột thịt nồng nàn là nỗi mong nhớ bùng lên thật mãnh liệt, hối hả, cuống quýt có xen lẫn sự hối hận. Và khi nghe ông Sáu nói: “Thôi, ba đi nghe con”, nó đã thét lên “Không!” rồi “hai tay xiết chặt cổ ba nó, giang cả hai chân câu chặt lấy ba, đôi vai nhỏ bé rung rung”, bé Thu khóc. Đó là tiếng khóc của sự xót xa ân hận vì lỗi lầm của mình, vì thương ba đau khổ. Khi hiểu ra mọi lẽ, khi nhận ra cha thì đã quá muộn. Do đó tất cả mọi hành động của Thu đối với cha như muốn đền bù những hụt hẫng đã qua. Chứng kiến những biểu hiện tình cảm ấy, trong cảnh ngộ cha con ông Sáu phải chia tay, có người không cầm được nước mắt. Riêng bác Ba – người kể chuyện cảm thấy như có bàn tay cứ nắm lấy trái tim mình. Nhà văn viết không nhiều, chỉ bằng một nét chấm phá đó thôi nhưng đủ cho ta xúc động trước nỗi niềm và tâm trạng của nhân vật.”
(Nguyễn Huyền Nga)
3. Cấu trúc đoạn văn phần kết bài
Phần kết bài là cả một nghệ thuật. Làm sao đọng lại trong lòng người đọc những cảm xúc sâu lắng. Cấu trúc thường là:
- Tổng hợp đánh giá chung về nghệ thuật và nội dung, hình thành kết luận quan trọng.
- Cảm nghĩ chung của người phân tích.
Để kết bài cho hay, các em có thể chọn hai câu thơ thật hay, thật phù hợp để kết bài tạo ấn tượng. Ví dụ viết phần kết bài phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải:
Lời thơ giản dị chân thành, tứ thơ sâu lắng trong nhịp thơ nhẹ nhàng êm ái như tiếng lòng của Thanh Hải trang trải trước thiên nhiên, con người, cuộc sống. Bài thơ thể hiện quan niệm sống đẹp, sống là cống hiến cho cuộc đời, cho quê hương. Tấm chân tình đôn hậu, bình dị mà thiết tha yêu cuộc sống ấy sẽ đọng mãi trong lòng mọi người chúng ta biết bao nghĩ suy và chúng ta phải làm một “Mùa xuân nho nhỏ” để góp phần đưa “Tổ Quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê Anh Xuân).
Để viết bài văn hoàn chỉnh cần chú ý thời gian làm bài. Cố gắng tính toán thời gian hợp lý sau cho bài làm văn phải đảm bảo đủ 3 phần mở bài – thân bài – kết bài. Thông thường phần mở bài và kết bài mỗi phần tối đa 1/5 thời gian cho phép. Phần thân bài từ 3/5 đến 3/4 thời gian. Phải tận dụng hết thời gian được phép, tránh làm bài xong quá sớm hoặc không đủ thời gian (bài làm dang dở).
Trên đây là một số gợi ý làm văn nghị luận văn học. Chúc các bạn làm bài hiệu quả.
Biên soạn Vũ Thị Hoàng Oanh