MỘT SỐ NGÔI CHÙA CỔ Ở VÙNG ĐẤT TÂN YÊN, BẮC GIANG – Chùa Phật học Xá Lợi

MỘT SỐ NGÔI CHÙA CỔ Ở VÙNG ĐẤT TÂN YÊN, BẮC GIANG

 

TẠ VĂN TRƯỜNG
NGUYỄN THU HÀ

 

Chùa Tứ Giáp – Nơi phát tích 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

 

Tân Yên xưa là vùng đất chủ yếu của huyện Yên Thế cũ. Ngày 06/01/1957, huyện Yên Thế cũ được tách ra thành hai huyện là Yên Thế và Tân Yên. Tân Yên là phần đất nằm trong trấn Kinh Bắc, là miền đất phên giậu của kinh thành Thăng Long xưa, là vùng đất cổ, những di tích vật thể như đình, chùa, đền, miếu … ở Tân Yên rất nhiều và phong phú. Qua tổng hợp trên địa bàn huyện có trên 400 điểm di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 92 di tích đã được xếp hạng, gồm 12 di tích Quốc gia đặc biệt (tổng số 14 di tích), 6 di tích cấp Quốc gia và 72 di tích cấp tỉnh. Trong số đó phải kể đến một số ngôi chùa cổ tiêu biểu như: Chùa Kim Tràng, Chùa Nam Thiên, Chùa Thúy Cầu Hạ, Chùa Tứ Giáp, chùa Bạch Vân, chùa Đất Đỏ, chùa Cống Phường, chùa Khánh Quang…

1. Chùa Kim Tràng

Chùa Kim Tràng tọa lạc ở thôn Kim Tràng, xã Việt Lập, trên khu đất rộng, bằng phẳng, hướng tây nam. Tương truyền, vào thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII – XVIII có một vị sư tăng tu ở chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phượng Nhãn (huyện Yên Dũng ngày nay) đi qua làng Kim Tràng, thấy trẻ trâu dựng cây, đắp đất làm chùa, lại hái hoa quả ở núi, đem hương đến lễ Phật rất vui vẻ. Nhà sư ấy dừng lại xem ngắm địa thế, thấy núi Dinh tuy không cao nhưng án ngữ giữa khu vực cầu Cần và cầu Quận. Phía trước mỏm núi có dòng Nhâm Ngao chảy từ cầu Vồng về Phú Khê. Hai bên mỏm núi có nhiều mạch núi quanh vòng ôm ấp làm cho khu đất ấy đẹp tựa đóa hoa sen đang nở hướng ra phía bờ nước. Đài và cuống hoa chạy dần qua làng Đông, làng Um (núi Dành) đồ sộ. Vị sư tăng rất hài lòng bèn vào làng giáo hóa người dân hưng công dựng chùa. Thôn Đông làm trước, Kim Tràng làm sau. Khi xây dựng xong, dân đón nhà sư ấy về trụ trì ở đây rồi đặt tên chùa là “Chân linh ứng tự”. Chùa làm xong có quy mô lớn, kiến trúc “nội công ngoại quốc” theo lối chùa tổ Vĩnh Nghiêm. Người dân đến dâng hương lễ Phật rất đông. Sau khi viên tịch, nhà sư được an táng tại tháp trước chùa. Do có công dựng chùa nên dân đã tạc tượng thờ và coi như vị sư tổ đầu tiên của chùa. Vào năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) triều đại Tây Sơn, người dân quyên góp tiền của hưng công đúc chuông đồng lớn, rồi dựng tòa gác chuông… Trải qua hơn hai trăm năm, chùa đã có bảy vị sư thay nhau trụ trì.

Hiện nay, toàn bộ khu chùa gồm có nhà khách, tiền đường tam bảo, hai dãy hành lang, nhà tổ, nhà tăng ni, vườn tháp, ao, hồ, sân gạch… Hệ thống tượng Phật hầu hết được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Các pho tượng của chùa được bài trí giống như Phật điện chùa Vĩnh Nghiêm. Khu nhà tổ gồm bảy vị sư tổ kế thế ở chùa. Các tổ được tạc ở dạng chân dung trong tư thế tọa thiền tĩnh.

Năm 1991, chùa Kim Tràng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ra Quyết định số 154/QĐ công nhận là di tích lịch sử nghệ thuật.

2. Chùa Nam Thiên (chùa Phố)

Chùa Nam Thiên (chùa Phố) tọa lạc tại Thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên. Chùa được xây dựng vào năm 1822, thuộc làng Cầu. Từ năm 1885, thực dân Pháp lập đồn Nhã Nam và đặt phủ Yên Thế ở nơi đây, phố Nhã Nam hình thành, chùa chuyển về phố. Chùa được trùng tu lớn vào năm 1925. Năm 1947, bị bom giặc Pháp phá, sau đó tiền đường cũ được dùng vào việc xây dựng kho lương thực. Từ năm 1988, chùa được người dân Nhã Nam tu tạo khang trang, tọa lạc trên một khuôn viên rất đẹp. Bố cục mặt bằng theo lối chữ đinh, gồm tòa tiền đường 3 gian, 2 chái, 8 mái đao cong nối vuông góc với 3 gian thượng điện. Chùa Phố là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng liên quan mật thiết đến cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Khu vực này cũng là nơi tập kết binh lính Pháp trước khi đánh vào làng Sặt (1889), Cao Thượng (1890), Hố Chuối (1890-1891), phòng tuyến sông Sỏi (1892), Phồn Xương (1894 và 1909), nơi chứng kiến nhiều lần gặp gỡ giữa thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế với Pháp. Trước khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, chùa là nơi tổ chức lớp học của Hội truyền bá quốc ngữ, tổ chức lớp viết kịch cho thanh niên. Năm 1945, tổ chức Việt Minh Yên Thế chọn chùa Phố làm trạm liên lạc. Cuối năm 1945, chùa Phố là nơi tiếp nhận “Hũ gạo cứu đói” và “Tuần lễ vàng” của nhân dân trong vùng ủng hộ chính quyền cách mạng. Tháng 01/1989 chùa Phố được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận di tích chùa Phố – Nam Thiên tự là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt.

3. Chùa Thúy Cầu Hạ

Chùa Thúy Cầu Hạ (Phúc Sơn tự), tọa lạc tại thôn Đồi Chùa, xã Ngọc Vân. Chùa có nguồn gốc từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVIII qua khảo sát và các tài liệu, hiện vật liên quan đến ngôi chùa, đặc biệt là cây hương đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Chùa kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm tòa tiền đường 5 gian nối với 3 gian thượng điện. Chính giữa có bức đại tự đề “Phúc Sơn tự”. Hai bên đầu hồi có hai cột đồng trụ nối với trụ biểu phía trên tạo thế tường hồi tay ngai. Trên đỉnh cột đồng trụ đắp đôi nghê chầu. Tòa tiền đường 5 gian với 6 vì mái. Tòa thượng điện được xây 3 gian với 4 vì mái, thụt về phía sau, vuông góc với tòa tiền đường, các vì liên kết theo kiểu giá chiêng, kẻ ngồi. Bên trong thượng điện, đồ thờ tự và hệ thống tượng Phật, bao gồm: Tam Thế, A Di Đà, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tòa Cửu Long và thượng Thích Ca sơ sinh, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Đức Ông, Thánh Hiền, Hộ Pháp. Nhà Mẫu được xây dựng năm 1988 gồm 3 gian, kiến trúc hình chữ nhất. Chùa Thúy Cầu Hạ là công trình tôn giáo cổ được xây dựng vào cuối thời Lê Trung Hưng, đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo ở thời Nguyễn, cụ thể qua dòng lạc khoản ghi trên thượng lương của chùa cho biết thông tin vào “Ngày tốt mồng 4 tháng 11 năm Ất Sửu, niên hiệu Khải Định thứ 10 (1925) dựng thượng lương”. Năm 2012 chùa Thúy Cầu Hạ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

4. Chùa Tứ Giáp

Chùa Tứ Giáp (Đại Phúc tự), tọa lạc tại thôn Nguộn, thị trấn Nhã Nam, tên Nôm là chùa Gốc Gạo. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVIII, có một hệ thống tượng Phật lớn bằng đất nung đặt ở trong chùa. Tất cả đầy đủ từ Tam Thế, Tam Thân, A Di Đà, Ca Diếp… đến các vị La Hán ở hành lang. Đây là nơi danh lam cổ tích đệ nhất vùng Yên Thế cũ. Từ những di vật của chùa Tứ Giáp xưa được sưu tầm, đó là những viên gạch đất nung có hoa văn sóng nước và hoa văn cúc leo thô đậm với kích thước lớn, các di vật này dùng để xây ban thờ và đều có niên đại thuộc thế kỷ thứ XVI, thời Lê Mạc. Có thể khẳng định chùa Tứ Giáp có niên đại sớm hơn, tuy nhiên ở di chỉ cũ của ngôi chùa không còn dấu tích gì nữa. Qua nhiều cuộc chiến tranh trong lịch sử, đình, chùa đã bị tàn phá. Cuối năm 1886, người dân Nhã Nam, Dương Lâm, Lý Cốt cùng nhau xây lại đình, chùa. Ngôi chùa xây trên đất làng Nguộn chủ yếu do 4 giáp hưng công gọi là chùa Tứ Giáp. Đầu năm 1945 chùa Tứ Giáp đã được sử dụng làm cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng đánh chiếm phủ Yên Thế, giành chính quyền. Tháng 3/1945, chùa là nơi một bộ phận báo Cứu quốc của Đảng đến đóng và làm việc, in ấn báo chí, tài liệu… để chuyển cho các cơ sở cách mạng của vùng Yên Thế. Cuối năm 1945, Ty Bưu chính Bắc Giang đóng và làm việc tại đây. Năm 1946, chùa là cơ sở của quân khu 12 rồi của Ty Công an tỉnh Bắc Giang. Năm 1947 là trụ sở của Ủy ban kháng chiến tỉnh Bắc Giang. Năm 1949, Huyện ủy Yên Thế (cũ) đến đóng và mở lớp bồi dưỡng lý luận cho hơn 100 đồng chí. Năm 1950, Ủy ban kháng chiến Nhã Nam đến đóng và làm việc tại chùa. Năm 1952, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị thực hiện thuế nông nghiệp. Năm 1953, Huyện ủy Yên Thế mở hội nghị phát động phong trào giảm tô, cải cách và hội nghị động viên bộ đội tiến lên mặt trận Điện Biên Phủ.

Những năm 1946-1958, Công an Khu 12 (nay là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh) đóng quân tại đây. Giám đốc công an Khu 12 là đồng chí Hoàng Mai. Vào 11/3/1948, Bác Hồ gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, trong thư có 6 nội dung nói về “Tư cách người Công an cách mệnh”. Lời dạy Bác Hồ sau đó được in trên Báo Bạn dân, được lan tỏa trong toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an nhân dân. Năm 1992, chùa Tứ Giáp được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận di tích lịch sử nghệ thuật.

5. Chùa Bạch Vân

Chùa Bạch Vân tọa lạc tại thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa. Theo bia đá, chùa được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII), trên đồi Chùa hướng tây nam, ở phía sau đình làng. Xưa chùa có quy mô bề thế gồm tòa tiền đường, thượng điện, nhà tổ, tam quan và gác chuông. Trước cửa chùa có bia đá, cây hương đá, chuông, khánh đá, hai tháp đặt xá lỵ của hai sư tổ từng trụ trì tại chùa. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu đặc biệt vào thời Nhà Nguyễn. Trải qua thời gian và chiến tranh, chùa đã bị tàn phá một số hạng mục như nhà tổ, tam quan, gác chuông… nay một số hạng mục đã được tôn tạo trở lại. Chùa vẫn giữ được nét cổ kính với đao cong, mái lợp ngói mũi, tường xây bằng cay vôi và gạch. Trên đỉnh mái là đôi rồng chầu và một bức đại tự ghi chữ Hán “Bạch Vân tự”. Theo dân gian, cuối thế kỷ XIX, chùa Bạch Vân là nơi hai thủ lĩnh Đề Nắm, Đề Thám thường xuyên tới để chiêu mộ binh lính đánh thực dân Pháp. Thời kỳ (1945-1954) chùa là nơi đóng quân của bộ đội và quân dân du kích. Cùng giai đoạn này, Hội nghị Quân chính khu 12 họp tại khu vực chùa. Ngoài ra còn có quân khu 12 sơ tán về chùa Bạch Vân. Năm 1948, Công binh xưởng của quân khu 12 sơ tán về chùa để đúc đạn phục vụ kháng chiến… Năm 2007, chùa Bạch Vân được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

6. Chùa Đất Đỏ

Chùa Đất Đỏ (An Bài tự), thuộc thôn Trung, xã Hợp Đức, tọa lạc trên khu đồi thấp mang tên đồi Đất Đỏ nhìn về hướng tây nam. Chùa được xây dựng thời Lê, niên hiệu Hồng Đức, vào giữa thế kỷ XV. Đến đời Lê Chiêu Thống (1788) bị quân Tây Sơn đánh đuổi đã chạy đến đây, nhiều quân tướng đêm nằm ở cánh đồng là Bùi (xã Cao Thượng), sau cánh đồng này dân gọi là “cánh đồng vua”, còn Lê Chiêu Thống vào trong chùa Đất Đỏ nghỉ, qua một đêm được bình an, sáng ra vua cảm kích đã viết ba chữ thật to lên tường chùa “An Bài tự”. Từ đó chùa có tên là An Bài tự. Năm 1938, nhân dân địa phương hưng công xây lại phần thượng điện gồm 3 gian nối vuông góc với tòa tiền đường. Mới đây, cạnh Phật điện dựng thêm 2 gian nhà để tượng thánh tăng và tượng mẫu cùng nhà khách. Tuy trải qua thời gian thăng trầm lịch sử, chùa vẫn giữ được nguyên trạng hệ thống tượng Phật và đồ thờ tự cổ. Chùa Đất Đỏ là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Năm 1984, chùa là địa điểm đóng quân của Nguyễn Chí Công (tứ Đề Tiền) tập hợp lực lượng để đánh Pháp. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, chùa là nơi đồng chí Hoàng Quốc Việt chọn làm điểm hoạt động cách mạng nhằm gây dựng cơ sở cách mạng ở vùng Lục Liễu và Phúc Hòa. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ cho con em trong xã. Năm 2012, chùa Đất Đỏ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

7. Chùa Cống Phường

 


 

Chùa Cống Phường, còn có tên gọi khác là chùa Không Bụt, tọa lạc tại thôn Hậu, xã Liên Chung, trên khu đất đồi cao nhìn về hướng nam. Theo các tài liệu lưu giữ tại chùa, căn cứ vào dòng niên đại trên cây lư hương được tạo tác vào năm Quý Tỵ, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9, có thể đoán định chùa được xây dựng vào triều vua Lê Dụ Tông 1713. Sang thời Nguyễn thế kỷ XIX, nhân dân địa phương tiến hành trùng tu chùa, chỉ để lại phần bệ thờ bằng đất để thờ vọng, từ đó dân gian gọi là chùa Không Bụt. Trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chùa là vọng gác cho nghĩa quân hoạt động. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm (1947-1953) dân quân, du kích Liên Chung đã lấy chùa làm nơi hoạt động, hội họp, bàn kế hoạch chống lại các trận càn của thực dân Pháp. Năm 1939, người dân đảo mái xây lại phần bệ, bục thờ. Năm 1947, nhân dân địa phương cho tu sửa phần tiền đường làm trường học của xã. Thập niên 60 (thế kỷ XX), dân trong ba thôn: Hậu, Sấu, Bến tu bổ lại ngôi chùa. Năm 1996, nhân dân tiến hành đảo mái và đóng toàn bộ hệ thống chấn song bằng gỗ bạch đàn tại tòa tiền đường. Năm 2008 chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

8. Chùa Khánh Quang

Chùa Khánh Quang (Linh Quang tự), còn gọi là chùa Tế, tọa lạc tại thôn Kép Thượng, xã Lam Cốt, hướng tây nam. Căn cứ vào những tấm bia đá tại chùa cho biết chùa được xây dựng từ thế kỷ XVIII, bình đồ kiến trúc theo bố cục hình chữ nhị bao gồm tòa tiền đường và tòa thượng điện. Phía trước chùa là khoảng sân rộng nối với nội tự bằng hệ thống bậc tam cấp. Tòa tiền đường 5 gian xây bình đầu bít đốc, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ chảy xây gạch. Chính giữa bờ nóc có bức bình phong, bên trong đắp nổi 3 chữ Hán “Khánh Quang tự”. Ngoài hệ thống tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao, tại đây còn lưu giữ cây hương đá tạo dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714), bia đá năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), bia đá năm Tự Đức thứ nhất (1848), bia đá năm Đồng Khánh thứ 2 (1878) và bia đá năm Thành Thái thứ 11 (1899). Trong thời kỳ kháng chiến, chùa là địa điểm hoạt động bí mật của Việt Minh, thường xuyên về đây hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong vùng, vận động nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 2008 chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Qua thống kê điền dã, trên địa bàn huyện Tân Yên có trên 100 ngôi chùa lớn, nhỏ. Có những ngôi chùa quy mô bề thế, nhưng cũng có những ngôi chùa đơn sơ, bình dị. Hầu hết các ngôi chùa ở Tân Yên đều có niên đại từ thế kỷ XVII trở lại đây, trong đó có nhiều ngôi chùa được trùng tu và xây dựng mới, các ngôi chùa đa số đều gắn với các sự kiện cách mạng, nhân vật lịch sử và những thăng trầm của mỗi giai đoạn lịch sử của địa phương.

Rate this post

Viết một bình luận