Hiện nay, các đơn vị quân đội đang sử dụng nhiều thiết bị liên quan đến bình chịu áp lực và nồi hơi. Để bảo đảm an toàn, tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, chúng tôi giới thiệu một số kỹ thuật an toàn khi sử dụng bình chịu áp lực và nồi hơi để các đơn vị áp dụng.
Bình chịu áp lực: Đây là các thiết bị dùng để tiến hành các quá trình nhiệt học hoặc hóa học, cũng như dùng để chứa, tồn trữ, vận chuyển, bảo quản các chất ở trạng thái có áp suất lớn hơn áp suất khí quyển. Bình chịu áp lực gồm các loại: Bình chứa không khí nén, bình góp hơi, nồi hấp, nồi hơi điện, nồi nấu cơm, canh, chảo xào dùng hơi nước, nồi đun nước nóng bằng hơi nước, bình nhuộm cao áp, bồn chứa khí hóa lỏng, lô sấy sử dụng hơi nước, bình trao đổi nhiệt, bình chứa môi chất, bình phân ly, các chai khí…
Nồi hơi: Là thiết bị dùng để sản xuất hơi nước, có áp suất cao hơn 0,7 bar mà nguồn nhiệt cung cấp cho nó là sự đốt nhiên liệu hữu cơ, do nhiệt của các khí thải. Nồi hơi gồm các loại: Nồi hơi ống nước, nồi hơi ống lò-ống lửa (đặt đứng và đặt nằm), nồi hơi tổ hợp ống lò-ống lửa-ống nước. Nồi hơi, bình chịu áp lực có quy định cụ thể về vật liệu chế tạo, sửa chữa, kết cấu, thiết kế và chế tạo, như: Kim loại dùng để chế tạo, sửa chữa nồi hơi và bình chịu áp lực kể cả que hàn, dây hàn phải có tính dẻo, đủ độ bền theo yêu cầu ở những điều kiện vận hành. Thép dùng cho nồi hơi và bình chịu áp lực phải là thép có chất lượng cao, gồm các loại thép tấm, thép cán, thép rèn, với tỉ lệ: cacbon không lớn hơn 0,25%; phốt pho, lưu huỳnh đều không lớn hơn 0,04%. Trong mọi trường hợp, kim loại dùng để sửa chữa bộ phận chịu áp lực phải có các đặc tính và tính bền tương đương đặc tính của kim loại dùng để tạo ra bộ phận đó. Thép đúc chỉ được sử dụng làm các van và phụ tùng, không được dùng gang để chế tạo van; không sử dụng hợp kim đồng không chứa sắt để chế tạo các bộ phận chịu áp lực, trừ các van và phụ tùng đường ống có áp suất môi chất dưới 1,6Mpa và nhiệt độ không quá 2500 độ C.
Về kết cấu: Nồi hơi và bình chịu áp lực phải đảm bảo đốt nóng đồng đều và giãn nở tự do giữa các chi tiết, bộ phận. Bộ phận đốt nóng có chiều dày thành không được lớn hơn 22mm, độ méo của thân trụ không vượt quá 1%. Nếu thân trụ của bao hơi, bao nước, ống góp, thân bình đặt nằm ngang, chiều dài trên 8m cần có biện pháp chống uốn võng. Thân nồi hơi, thân bình áp lực có đường kính từ 1,4m trở lên phải có ít nhất một lỗ chui vừa người, ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh và kiểm tra bên trong, các bình, nồi hơi phải được thiết kế một số lỗ để thò tay vào. Các nồi hơi, bình chịu áp lực đều phải có thiết bị đo áp suất kế, khống chế áp suất (van an toàn), đo mức nước hoặc chất lỏng (ống thủy).
Quy định về lắp đặt, sửa chữa
Về lắp đặt: Việc lắp đặt nồi hơi, bình chịu áp lực phải có thiết kế lắp đặt bảo đảm đúng quy định của tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hiện hành; do thợ chuyên nghiệp thực hiện. Người lắp đặt phải tuân thủ những quy định của thiết kế, chế tạo, lắp đặt. Mọi sự thay đổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người thiết kế hoặc cơ quan có thẩm quyền. Sau khi lắp đặt phải được thử thủy lực với áp suất thử do nhà thiết kế quy định và không được thấp hơn các quy định của tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hiện hành. Các dụng cụ này phải được chế tạo đồng bộ, đã được bọc bảo ôn, nếu không có biểu hiện bị va đập, biến dạng và đã được thử thủy lực khi xuất xưởng chưa quá 24 tháng đối với nồi hơi và 18 tháng đối với bình chịu áp lực thì không cần thiết phải thử thủy lực sau lắp đặt.
Đối với nhà đặt nồi hơi: Phải cách xa nhà ở và nhà hội họp đông người ít nhất 10m. Nhà đặt nồi hơi nằm sát xưởng máy, phải có tường gạch ngăn cách; nếu tường ngăn cách có cửa, phải mở cửa về phía nhà đặt nồi hơi. Nhà đặt nồi hơi phải được thiết kế, xây dựng đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, phòng cháy chữa cháy, các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan. Nồi hơi cố định phải đặt trong nhà riêng, nếu đặt ngoài trời phải được thiết kế phù hợp với điều kiện thực tế đó. Không được làm trần và bố trí các phòng làm việc ở phía trên công trình nồi hơi, trừ những nồi hơi có công suất nhỏ hơn 100kg/h, áp suất làm việc lớn nhất không quá 4 bar. Nhà đặt nồi hơi phải mở các cửa thông hơi với diện tích không nhỏ hơn 10% tổng diện tích nền nhà và các cửa thoát hơi nước khi sự cố. Trường hợp không có điều kiện trổ cửa phải bố trí quạt thông gió bảo đảm nhiệt độ ở chỗ người vận hành không quá 400 độ C. Không được làm việc và đặt máy móc, thiết bị khác trong nhà nồi hơi nếu việc đó không liên quan trực tiếp đến vận hành và sửa chữa nồi, trừ các động cơ hơi nước, máy bơm, máy nổ dự phòng với điều kiện không gây trở ngại khi vận hành. Nền nhà đặt nồi hơi khu vực người vận hành không được thấp hơn mặt nền xung quanh, không được tạo hố sâu trong nhà nồi hơi. Nhà phải đủ ánh sáng cả ngày lẫn đêm, phải có hệ thống chiếu sáng dự phòng cho các vị trí quan trọng.
Quy định về sửa chữa: Khi sửa chữa phải lập phương án, quy trình sửa chữa và các biện pháp an toàn kèm theo. Đối với các bình chịu áp lực làm việc với các môi chất độc phải tiến hành thu hồi, khử độc theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn. Không được xả môi chất độc ra môi trường. Các bình làm việc với môi chất có thể gây cháy nổ phải tiến hành làm sạch, đuổi khí theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn và phải kiểm tra đạt nồng độ an toàn trước khi sửa chữa. Khi sửa chữa các bộ phận bên trong của nồi hơi, bình chịu áp lực, phải tuân thủ các quy định về an toàn điện hạ áp, đèn điện dùng để chiếu sáng có điện áp không quá 12V. Cấm dùng đèn dầu hỏa và các đèn có chất dễ gây cháy. Mọi công việc lắp đặt, sửa chữa có liên quan đến hàn các chi tiết chịu áp lực phải do thợ hàn có giấy chứng nhận hàn áp lực thực hiện. Khi hoàn thành việc sửa chữa, phải ghi rõ ngày, tháng, năm sửa, lý do, kết quả sửa chữa vào lý lịch của thiết bị.
Quy định chung về quản lý, sử dụng
Người sử dụng nồi hơi, bình chịu áp lực phải lập sổ theo dõi quản lý, trong đó bắt buộc có các nội dung như: Lịch bảo dưỡng, tu sửa, kiểm tra vận hành, kiểm định. Phải tổ chức thực hiện kiểm tra vận hành, kiểm định đúng thời hạn. Không được đưa nồi hơi, bình chịu áp lực đã quá thời hạn kiểm định vào sử dụng. Không được sử dụng áp kế chưa được kiểm định hoặc quá thời hạn, các van an toàn mất niêm phong hoặc chưa được hiệu chỉnh. Tại nơi đặt nồi hơi, bình chịu áp lực phải có bảng tóm tắt quy trình vận hành và xử lý sự cố treo ở vị trí phù hợp. Phải có biện pháp bảo vệ chống sét, an toàn, trang bị các phương tiện chữa cháy cần thiết theo quy định, xây dựng phương án tổ chức chữa cháy khi có cháy, nổ xảy ra.
Người trực tiếp vận hành phải đủ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe, đã qua đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, có kiểm tra sát hạch đạt yêu cầu, được cấp chứng chỉ. Nếu người vận hành đã nghỉ liên tục quá 6 tháng hoặc chuyển sang vận hành các loại thiết bị khác, khi trở lại làm nhiệm vụ phải được tổ chức huấn luyện, kiểm tra, sát hạch lại. Ngoài ra, 02 năm một lần phải kiểm tra sát hạch định kỳ đối với người vận hành các thiết bị này. Cấm chèn, hãm van an toàn và điều chỉnh thông số thiết bị bảo vệ của nồi hơi, bình chịu áp lực khi đang vận hành và trong chu kỳ vận hành.
Người sử dụng nồi hơi phải lập sổ nhật ký vận hành cho mỗi nồi, trong đó có ghi thời gian, số lần xả bẩn; kiểm tra áp kế, van an toàn, tình trạng làm việc của nồi hơi, những trục trặc trong hoạt động của nồi và các thiết bị phụ để ca sau theo dõi. Trong nhà nồi hơi phải trang bị đồng hồ, phương tiện hoặc biện pháp thông tin để bảo đảm liên lạc kịp thời giữa người vận hành với người sử dụng hơi, người cấp nước, nhiên liệu, quản lý. Không được làm việc khác không liên quan khi đang vận hành nồi hơi. Đặc biệt, không được bố trí lao động nữ đảm trách công việc này.
Chất lượng nước cấp cho nồi hơi phải đảm bảo đúng quy định của nhà thiết kế, chế tạo, nhưng không được thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam về kỹ thuật an toàn hiện hành cho loại nồi hơi đó. Quá trình vận hành, phải thực hiện đúng chế độ kiểm tra các thiết bị đo kiểm, bảo vệ, cảnh báo, hệ thống bảo vệ tự động, các thiết bị phụ trợ và bơm cấp. Đối với nồi hơi chuyên dùng sản xuất điện, điện-nhiệt, ngoài việc thực hiện quy định của Quy chuẩn này còn phải tuân thủ quy định riêng của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Các biện pháp phòng ngừa sự cố tai nạn khi sử dụng
Thiết bị phải được chế tạo từ các vật liệu phù hợp với môi chất và điều kiện làm việc; đảm bảo thiết kế phù hợp với điều kiện sử dụng và tuân thủ đầy đủ các quy định trong các tiêu chuẩn an toàn. Quy trình công nghệ phải lựa chọn đảm bảo cho quá trình thao tác ít gây ảnh hưởng nhất đến thiết bị, tránh phải leo trèo, gõ, đập lên thiết bị. Khi sửa chữa phải được giám sát chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình, có kiểm tra và thử nghiệm đầy đủ sau khi hoàn thành. Các thiết bị bảo vệ phải được căn chỉnh, cài đặt ở các thông số tác động phù hợp. Nếu có thiết bị báo động, phải lắp đặt sao cho các tín hiệu âm thanh, ánh sáng của chúng dễ nhận thấy nhất. Các thiết bị xả tự động như van an toàn, màng phòng nổ phải có ống xả dẫn ra vị trí an toàn. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu bất thường; trước khi bảo dưỡng, sửa chữa phải xả hết áp suất bên trong, làm vệ sinh đầy đủ. Chỉ những người có đủ trách nhiệm, thẩm quyền mới được phép thay đổi các thông số cài đặt trên các thiết bị bảo vệ.
Ngoài các biện pháp trên, các đơn vị cần làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho bộ đội; xây dựng bộ máy quản lý, tổ chức về an toàn, vệ sinh lao động và hệ thống quản lý vệ sinh an toàn nghề nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp coi nhẹ quy trình kỹ thuật, cố tình vi phạm các nguyên tắc bảo đảm an toàn.
Đại tá NGUYỄN HỮU TIẾN (Tổng cục Kỹ thuật)