Mùa cây ngân rụng lá

TP – Thi gặp hắn ta ở trong trại, cái trại trung chuyển gia súc gia cầm luôn hôi nồng mùi của những con bò mới bắt vội trong chuồng và cả lũ lợn hãy còn kêu eng éc. Gã trai, đầu tóc xác xơ như một cái đuôi bò bị chủ kéo, ánh mắt vằn ngang vằn dọc những tia đỏ, dấu hiệu của việc mất ngủ dài ngày. Đứng cạnh gã, Thi không còn có cảm giác nhận biết đâu là mùi người, đâu là mùi gia súc. 

Cô ở đâu? gã hất hàm. Tôi đến mang lũ súc vật này đi khắp nơi. Cô biết lái xe? Lái xe là nghề cao quý, riêng tư? Gã đàn ông không nói gì nữa. Thi chờ những gã trai khác lai dắt lũ lợn, bò, chó… theo các ngăn khác nhau lên xe, kéo cái cổ áo khoác len màu đỏ trùm qua đầu tra chìa khóa chuẩn bị nổ máy xe. Mùa này, tháng khác công việc của Thi gắn liền với lũ gia súc, gia cầm chết tiệt luôn hôi nồng nặc. Đến nỗi, chồng Thi thường khịt khịt mũi hoặc thở một cách chậm chạp mỗi khi cô về. Và mỗi khi Thi bước vào nhà, không để cho cô kịp nói gì, hắn ta đã cười toe toét, thay giày, đi tắm đi em. Và Thi, như một cái máy, tháo giày, bỏ tất và bước ngay vào phòng tắm…

Cha của Thi làm nghề gác rừng. Ông ẩn mình trong rừng xanh lâu đến nỗi, Thi có cảm giác mỗi lần nhìn thấy ông là như nhìn thấy cây lá, những tán lá xanh mướt, rậm rạp, tròn xoe xoe phủ bóng hiền lành xuống lớp đất mịn, nâu xám lặng lẽ. Chính ông dạy cho Thi công việc lái xe. Ông bảo, cha con chúng ta làm chủ cả một vùng đồi núi bao la. Cha đã ở đây bao nhiêu năm nhưng cũng chưa dám chắc là đi mòn những lớp đường rừng. Có xe sẽ nhanh hơn, một đám cháy cần cứu những đồi cây, một con vật bị bắn, cần phải có người cảnh báo. Cái xe tải ông chắt chiu mua cùng với tiền hỗ trợ từ chính quyền giúp cha con Thi chạy bon bon trong rừng. Ban đầu, Thi học lái đâm dúi dụi. Hai cha con buộc thêm cả con ngựa, con bò vào xe rồi hò nhau lôi lên từ đầm nước. Thi với cái xe trở thành bạn. Chỉ cần nghe tiếng động cơ nổ là Thi biết “bạn xe” có bệnh gì. Chạy xe về giữa đêm, sợ cha ồn mất ngủ, Thi tắt máy, vỗ vỗ vào thành xe, tao với mày ngủ giữa rừng nha. Thi có thói quen hay vỗ vỗ vào cánh cửa xe những khi cần tâm tình, trao đổi, những chuyện con gái giấu cha… Đùng một cái có ông chủ doanh nghiệp bự con dẫn theo cả đám người vào chụp ảnh, quay quay dẫm nát cả đất rừng. Cha Thi lo không ăn không ngủ nằm trên cái chòi cây trước nhà mắt lóng nga long ngóng dõi theo cả đoàn. Mấy hôm nữa thì máy xúc máy ủi vào rừng nhả khói đen kịt. Đàn khỉ rừng lấp ló nhảy loạn xị rồi trốn biệt. Họ làm du lịch sinh thái, cha Thi nghe vậy thì không đứng được nữa. Ông nằm bẹp trên cái chòi gỗ tự tay cất theo đúng như ý của Thi, cho giống trên ti vi, ngôi nhà trên cây, hay lắm đó cha. Một ngày, ông gọi Thi vào nhà bảo, để cha lại giữa rừng thôi, quen mất rồi, bao năm sống giữa thú rừng, cây rừng. Giờ về lại phố phường, có khi lại sợ. Ở lại xin chân bảo vệ khu du lịch cũng được. Thi hậm hực không chịu. Cha Thi nói, cũng đã đến lúc để con về với phường phố, còn lấy chồng sinh con. Ông cho Thi cái xe tải cũ làm quà. Thực ra, cha Thi biết, đó là người bạn thân thiết của Thi, Thi có cái xe mà giao lưu mà rời bước khỏi rừng. Mà đúng như cha dự định, có cái nghề lái xe tải, Thi xin được việc, quen với chồng và có cái nhà như bây giờ. Thi nghĩ, ôi cha cứ quan trọng, đi ra rồi mới thấy, ở rừng hay ở phố cũng có khó lắm đâu. Quan trọng là mình có cái “vốn”.

Cuối thu, gió đã trở nên lảnh lót, vi vu hơn rất nhiều so với những trở mình vội vã hồi đầu mùa. Trời sụp tối rất nhanh. Mẹ kiếp, không dưng lại trở chứng, đã già nua lắm rồi, già nua lắm rồi bạn ơi. Thu vỗ bồm bộp vào cửa xe. Thật là sai lầm bạn ạ. Hôm nọ đã nghe bạn nổ khang khác, đáng lẽ phải đưa bạn đi kiểm tra tổng thể, nhưng lão chồng lại bảo, cuối tuần về quê thăm họ hàng, anh em. Vội quá, không đưa bạn đi khám được. Hôm nay thì bạn nặng quá rồi, không lết được về thành phố nữa. Chắc phải để bạn ở đây thôi. Mai chúng ta cùng gọi người đến đưa bạn về. Cô có cách “giao lưu” với cái xe hay nhỉ? Thi giật mình, gã đàn ông đứng đó, nheo nheo mắt. Nó đếch đề được nữa, chắc là chết hẳn máy. Tôi tò mò, không hiểu cô có nói chuyện được với lũ lợn không? Nếu tôi chuyên nghề lai dắt lợn như anh, chắc tôi cũng nói để lũ lợn hiểu được vài câu đấy. Cô chẳng chịu thua ai cái gì nhỉ? Tối nay, chúng tôi còn thừa một chỗ cạnh mấy cái nhà xây để nhốt bò, ngựa tránh mưa đấy. Gì thì gì, tôi cũng chẳng chết được sau một đêm. Thi nhảy xuống khỏi xe nhẹ nhàng đóng cửa. Ngủ tạm một đêm mùa thu ở ngoài bạn nhé. Gã đàn ông vẫn không thôi cái kiểu nheo nheo mắt kỳ quặc.

Cô uống được bia chứ? Thi thò đầu ra khỏi chăn khi nghe có tiếng người vỗ vào thùng xe. Ở ngoài này lạnh đấy, với cả thỉnh thoảng vẫn có đám khách vãng lai xuất hiện hỏi thăm mấy con ngựa, con trâu. Mà tôi cũng cảm thấy buồn. Không hiểu sao, cứ vào những đêm mùa thu, tôi luôn thấy buồn… Đống lửa nhỏ cháy giữa một không gian đặc lại toàn mùi gia súc. Thỉnh thoảng một vài con dê mơ ngủ be những tiếng nhè nhẹ, lạc giọng. Chắc hẳn, lũ chó sẽ tranh nhau chỗ ghê lắm nên khục khặc, gừ gừ suốt đêm. Trời đêm không cao vời vợi mà chà sát nhẹ xuống những thân cây mang theo lớp sương mù phủ lớp màn nhung mỏng tang, có cảm giác cầm vào tay sẽ vầy ra được nước. Gã đàn ông chốc chốc lại ném một nắm cỏ khô vào đống lửa, lửa giật mình bắn lên những tiếng tanh tách, cháy rất đượm. Khung cảnh này, Thi thấy vừa lạ vừa quen. Đó là những năm tháng cô ở rừng cùng với cha, trò chuyện cùng bầy khỉ, rong ruổi bên con nai bị gẫy một chân. Và chỉ có duy nhất một người bạn biết nói tiếng tiếng người, là cha. Nhưng cũng lạ, những năm tháng đó, chưa bao giờ Thi có cảm giác cô đơn. Chỉ là có chút tĩnh lặng, như đêm nay. Cô học lái xe từ ai? Kể ra, con gái, ít người lái xe tải. Tôi học từ cha tôi, một người quen sống với rừng hơn với người. Những câu chuyện của cô luôn luôn ấn tượng như vậy sao? Gã nhếch mép cười nhạt nhẽo. Sao anh lại ở đây, một mình, thân thiết với mấy con lợn, con ngựa? Chúng tôi có hai người, thay nhau làm việc. Nhưng hôm nay anh ấy phải trở về nhà, hình như là do mẹ bị ốm. Tôi có lý do để chọn công việc này. Tôi cần phải lẩn trốn trong bộ dạng bẩn thỉu, nhếch nhác này để không ai tìm ra tôi. Cô có sợ khi nghe tôi nói như vậy không? Giữa một nơi xa lạ, chỉ có lũ dê và chó, anh bảo anh là một kẻ lẩn trốn, tôi cũng không thể không sợ. Nhưng đã ngồi đây, tôi muốn nghe câu chuyện của anh. Chắc hẳn là một đêm thu buồn và chán nản, anh mới cần một người nghe đến như thế.

Nếu cô có một người chồng có học, chăm sóc cô chu đáo, sẵn sàng bán cả tương lai, gia tài đi để cứu cô sống khi ốm đau. Nhưng lại không mang được hạnh phúc cuối cùng cho cô, vẫn khiến cô phải quyết định từ bỏ anh ta, theo cô, người chồng đó thế nào? Anh chắc hẳn rất nhớ vợ của mình. Tôi thường nghĩ đến cái áo len màu đỏ mà cô ấy mặc vào mùa đông năm cuối cùng chúng tôi ở bên nhau. Màu đỏ sậm, nhìn có cảm giác cái áo rất giầy và ấm. Vợ tôi quan niệm màu đỏ mang lại may mắn cho cô ấy. Từ khi cô ấy đi, tôi hầu như không nói chuyện với phụ nữ, ngoài bà chủ của tôi mỗi tháng đến trả tiền công và cô hôm nay. Tại sao anh lại chọn tôi để tâm sự những chuyện anh đã giữ kín? Vì hôm nay, khi nhìn thấy cô mặc cái áo len màu đỏ này, tôi nhớ vợ tôi quá… Thi cũng không biết nói gì, chỉ nghe thấy bên ngoài tiếng gió mùa thu đã gần chạm đáy, để chuyển sang mùa mới. Bất giác, Thi nhìn xuống chiếc áo len mình đang mặc. Trong ánh lửa, trong bóng tối, màu đỏ sẫm lại thành một màu gì đó kỳ quặc, ảm đạm. Tôi không biết nên nói gì về hạnh phúc gia đình anh trước đó. Là một người phụ nữ, tôi cũng không biết cô ấy như vậy là tốt hay là xấu. Sự phản bội có lẽ bắt nguồn từ những lo lắng, bất an thường nhật. Và muốn giữ một người phụ nữ, hoặc có thể cả một người đàn ông, anh phải làm cô ta yên lòng. Đương nhiên, sự nhàm chán cũng có thể bắt nguồn từ những giây phút bình yên. Cá nhân tôi vẫn cho rằng, con người ai cũng muốn giữ những giây phút bình yên của mình. Nói đến đây, tự nhiên Thi ngưng bặt. Cô có cảm giác như đang nói về chính mình. Ngôi nhà của Thi, chồng của cô và cái khịt khịt mũi mỗi ngày của anh, khi cô trở về nhà. Đôi dép anh để cố định một chỗ ngoài cửa chờ cô thay đôi giày đẫm mùi của súc vật. Linh cảm sâu xa về những thứ mùi kinh dị, từ lợn, gà, dê, chó mỗi ngày. Hành động tưởng như là yêu thương, lo lắng, cái cách anh bảo cô đi tắm. Và công việc vất vả nhưng được trả lương hậu hĩnh mỗi tháng. Đủ để duy trì những loại mùi thơm từ tiếng bật bếp ga, tiếng xào nấu mà chồng cô chuẩn bị hàng tuần khi Thi trở về nhà. Với người phụ nữ, hay với cả đàn ông, cảm giác đó có thực sự là thỏa mãn. Người ta cũng không thể mong mỏi gì hơn về cuộc sống gia đình với một người chồng và cái bếp luôn có mùi thơm, có hơi lửa, luôn sạch sẽ. Nhưng dẫu có như vậy, Thi vẫn cảm thấy mơ hồ những lo lắng, bất an sâu thẳm. Nếu được yêu thương thật lòng, bất kể đàn ông, đàn bà chẳng ai tạo ra những áp lực cho đối phương…

Bắt đầu những cơn mưa thu đêm rất nhẹ. Cỏ đã tàn mà không ai buồn ném thêm vào đống lửa. Người đàn ông thu mình vào một góc tối, phía bên kia đống lửa. Khuôn mặt anh ta rất kỳ lạ, mang hình những chiếc lá chấp chới, lay động không ngừng. Có thể là do ánh sáng của lửa phản chiếu. Cũng có thể do bia đã ngấm nên mắt của Thi có chút hoang mang. Phía bên này, Thi chụm đầu gục gặc trong lớp chăn mỏng. Mưa thu lây phây ngả bóng rà rà. Thi rùng mình, kéo cao mũ chiếc áo len, trùm kín mít qua đầu, che lấp một bên mắt. Thi có cảm giác buồn ngủ. Đầu óc hoa hoa, lâng lâng. Có lẽ do cả bia và cả tiết trời của một đêm cuối thu. Bàng bạc, lạnh lẽo, ẩm ướt và bâng khuâng. Và có cảm giác buồn, không hiểu tại sao buồn đến não nề. Giữa thảo nguyên bao la, giữa một nơi trống hơ hoắc, những cơn gió lạ, thoạt nghe cũng đã thấy run rẩy. Giữa đống lửa sáng và ấm, bập bùng của đêm nay. Có cái gì nhen nhóm trong lòng những ký ức xa xôi, những cảm giác tự do, gần như đã biến mất hoặc bị chôn dấu vào đâu đó. Như những năm tháng sống ở rừng, như những năm tháng ở cùng người đàn ông đầu tiên Thi nhìn thấy, thân quen và yêu mến suốt đời. Không một chút lo lắng, không khi nào bất an. Em lạnh sao? Áo len đỏ giầy thế này cơ mà, anh cần phải mua cho em một cái áo ấm hơn mới được. Lửa trước mặt Thi lởn vởn rồi lại sập tối. Đầu óc chống chếnh lạ thường. Đêm mùa thu không lạnh sao được. Có lẽ cũng do uống cả bia. Cái áo đỏ này cũ rồi em nhỉ, đồ cũ thì ít may mắn. Với cả áo len rất dễ bắt bụi, em hay đi làm xa, không nên mặc áo len. Anh sẽ mua cho em một cái áo khoác màu đỏ. Gã đàn ông vụng về bỏ mũ áo ra khỏi đầu Thi, vuốt ve những sợi tóc mai đang nằm xẹp một bên trán do gió, do những giọt nước mùa thu. Bàn tay gã nóng hổi trên mặt Thi. Tay gã chai sần, như lớp vỏ cây thô ráp mà Thi vẫn hay cọ má vào hồi nhỏ. Để cha nhắc nhở mãi, trong vỏ cây có sâu thì sao? Nó “đục” cho hỏng má đấy con. Con muốn nghe những câu chuyện đằng sau lớp vỏ cây này. Cha không thấy sao, ở những cây già, vỏ thường phồng rộp lên, quăn queo, bị thương. Hàng đàn kiến vẫn chui qua được, con sâu vẫn đi lại bình thường. Thậm chí, cha này, vỏ cây còn rơi ra hàng đống bụi bẩn. Nhưng cha nhìn kìa, lá vẫn xanh, cành vẫn chắc, ngọn cây vẫn dài ra. Con muốn nghe được những câu chuyện trong đó, sau lớp vỏ cây cha ạ. Bàn tay gã, di xuống mũi của Thi, chạy lên mắt, vuốt ve những sợi lông mi cùn cọc vì nắng vì gió, vì những chuyến đi bất tận, vì mùi phân lâu ngày đã ám của gia súc. Và không hiểu sao, tự nhiên Thi khóc. Bao nhiêu năm rồi, Thi không khóc. Hình như từ ngày mẹ Thi mất. Kể cả khi Thi lấy chồng, chưa bao giờ Thi có cảm giác mất mát hoặc buồn hoặc tủi như đêm nay. Nỗi buồn bất ngờ, âm ỉ và dữ dội. Nỗi buồn trống vắng, mơ hồ. Y như một cánh chim, một ngọn gió tự nhiên bị giam hãm lại, tự nhiên bị “chốt” ở nơi nào đó, mỏi mệt rã rời. Gã đàn ông cảm nhận những giọt nước mắt nóng nảy, bã buồn, nhẹ nhàng của Thi. Gã luống cuống, gã vội vã, gã đau thương. Tay gã trượt xuống môi Thi, cũng y như một tảng đá nặng nề đã tìm được chỗ dừng chân. Đã tìm được chỗ đứng sau chuỗi ngày chông chênh. Và gã hôn, nhẹ nhàng, tới tấp, ẩm ướt, mê hoặc. Thi chìm nghỉm, đầu không còn cảm giác về những thứ thực tế. Chỉ thấy môi ướt át, kiếm tìm. Lúc cuồng vội, lúc tham lam, lúc lục lọi. Người nhẹ bẫng, lâng lâng. Lửa đã bạc, lửa lại được gió thổi. Những thanh củi cuối cùng, hình như đang cố nốt để cháy. Cho đến kiệt từng thớ gỗ. Và gió thổi đều đều vào đám lửa, nâng nốt những ngọn sáng bay lên. Mưa không dám rơi thêm một hạt nào. Đám cỏ bên cạnh đống lửa bệt xác xơ trên đất. Tối nay, thiên nhiên hình như cũng vào một đợt truy hoan…

Buổi sáng mùa thu trong trẻo, bay bổng. Không một dấu hiệu nào của đêm qua đã mưa, đã buốt lạnh còn lưu lại trong rừng, trên thảo nguyên, những dãy nhà tạm bợ nhốt gia súc. Chỉ còn lại trên mặt đất tàn xác trăng trắng của củi, của cỏ vương vấn. Người đàn ông quay hẳn người, chống khuỷu tay lên đầu nhìn Thi bằng ánh mắt lim dim, đắm chìm khó tả. Rồi kéo mảnh chăn lên đến tận cổ cho Thi, tránh vùng ngực trần bị lạnh. Thi có cảm giác nong nóng ở mặt, vươn hai tay ra gối phía sau đầu. Gã nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh, gỡ tay Thi ra đặt tay mình dưới đầu Thi. Có lẽ mặt trời hãy còn ưu ái, hoặc lười nhác, hoặc bị những đám mây khuất lấp chưa kịp lên. Nên trên đầu họ, từng cây ngân thắp sáng. Những chùm lá vàng ươm cuối thu của cây ngân là vô số những mặt trời nhỏ bé, vui tươi và xao động. Một chiếc lá ngân vừa bị gió bứt lìa xoáy tròn rồi thẳng đứng rơi vào mặt Thi, trùm lấp hai phần khuôn mặt. Gã đàn ông cầm cuống lá nhấc lên lại để xuống, cố ý đặt ngang hai phần mắt. Như trò chơi ú òa qua kẽ tay ngày xưa Thi vẫn nghịch cùng cha. Đột nhiên, Thi cười tít mắt. Gã cùng cười. Cả hai ôm nhau cười rũ rượi. Buồn cười quá, họ lại thả nhau ra, gập bụng lại để cười. Những chiếc lá ngân bị đợt gió nữa bứt xuống phủ đầy mặt đất. Dưới chân cả hai mảnh chăn mỏng cũng đã nhuộm một màu vàng ối.

Bây giờ thì thế nào được nhỉ? Chúng ta sẽ làm như thế nào đây? Gió đứng yên, rừng lá ngân thôi lay động. Những mắt lá ngân tròn xoe xoe. Đáp lại, chỉ có gió rừng là vi vu.

Thi lên xe, vẫn cố tra chìa khóa vào ổ đề để nổ máy. Tiếng động cơ đáp lại giòn giã rồi êm dần, êm dần. Ơ, lại được rồi nhỉ? Thi buột miệng, không biết buồn hay vui. Thôi lại cứ đi vậy. Thi cố kéo cho mũ áo trùm cả xuống mắt. Đừng cố quá, cứ chạy thử một vòng xem đã. Lỡ đâu lúc nổ được, lúc không. Giọng người đàn ông lọt thỏm, nài nỉ. Thi nhấn ga, cho xe chạy thẳng, không dám nhìn vào kính hậu. Đi thẳng một quãng dài, Thi mới hít sâu đẩy hơi thở qua lớp áo len nhìn khe khẽ vào cửa kính. Hình người phía sau chỉ còn là một chấm nhỏ chơ vơ. Người đàn ông mắt đã mờ tịt vì bụi vẫn cố mở to. Lỡ may xe lại chết máy trên đường thì sao? Ở nơi xa xôi như thế này. Nhưng mà, chắc chẳng sao đâu. Con xe của cô ấy ngang bướng như cô ấy. Vẫn cố sức tàn để đưa cô ấy về nhà. Về cái nơi cô ấy cho là an toàn, để có thể sửa chữa lại được. Có thể là cho cả những câu chuyện như đêm qua. Như cô ấy đã trả lời. Bây giờ thì chả làm sao cả, đã không có chuyện gì xảy ra cả. Như đêm mùa thu cuối cùng, chẳng còn lưu lại gì cho mặt đất trước khi chuyển mùa. Vì ngay cả đám lá ngân cũng đã bị những đợt gió mùa mới quét đi sạch sẽ. Và cả khu rừng, cả thảo nguyên cũng chỉ còn trơ trọi lại một màu xám ngắt, lặng lẽ.  

Mùa cây ngân rụng lá ảnh 1Ở trong truyện ngắn rất đàn bà và ẩn giấu điều gì hoang dã này, có những câu chuyện tình và những ẩn ức. Hoa Xuân biết cách kể những chuyện này rất gợi.

 Nhưng điều đáng kể trong truyện ngắn này, là những “nhân vật” không phải con người. Đó là chiếc xe tải, là những con gia súc, thậm chí mùi của chúng, đất đai và cây lá. Tất cả, tạo nên một không khí mà không có nó, dường như tất cả những con người kia, đều nhạt đi…

L.A.H

Truyện ngắn của Hoa Xuân

Rate this post

Viết một bình luận