Mụn cơm là loại mụn mọc mà rất nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân, tuy rằng mụn cơm không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây khó chịu hay đau đớn nhưng lại khiến người bệnh mất tự tin vì thiếu thẩm mỹ khi mọc ở trên vùng mặt, đặc biệt là ở quanh mắt.
Mụn cơm là gì?
Mụn cơm còn có tên gọi khác là mụn cóc. Mụn là dạng tăng cao của da tạo thành nốt sủi nhỏ lành tính trên da do virus HPV-papilloma gây ra. Không giống như các bệnh về mắt khác, mụn cơm có thể mọc ở bất kỳ đâu trên cơ thể như tay, chân, hay cũng có thể quanh mặt, quanh mắt. Mụn có màu trắng hoặc hơi đục, sờ có cảm giác thô ráp và không đau.
Mụn cơm có đặc điểm lành tính, không gây đau. Mụn chỉ xuất hiện trong một thời gian rồi tự biến mất. Tuy nhiên, nếu mụn mọc thành từng đám trên mặt sẽ gây mất thẩm mỹ. Phía trên các nốt mụn sẽ có một hoặc nhiều chấm nhỏ li ti màu đen, đó là những mao mạch bị huyết khối.
Tỷ lệ mắc bệnh mụn cơm ở trẻ em cao hơn người lớn rất nhiều có thể do trẻ hiếu động, thường xuyên làm trầy xước chân tay, hay đi chân không, cắn móng tay hay nghịch đất cát… Những phụ nữ làm móng, cắt khóe móng chân, tay cũng là đối tượng dễ bị mụn cơm.
Mụn cơm cũng có thể lây từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc với dịch mụn bên trong. Đó cũng là lý do giải thích tại sao một người bị mụn cơm sẽ thấy mụn lây lan rất nhanh ra các khu vực lân cận trên cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh mụn cơm
Mụn cơm hay còn gọi là mụn hạt cơm do virus HPV gây ra. Theo các bác sĩ da liễu, có tới hơn 100 chủng loại virus HPV. Loại virus này có thể xâm nhập và sinh trưởng ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể gây mụn cơm ở tay, mụn cơm ở lòng bàn chân, mụn cơm ở quanh mắt hay ở bộ phận sinh dục. Những virus gây tổn thưởng trên da u nhú, mụn cóc phổ biến là loại TYPE 1, 2, 3, 10…
Dấu hiệu nhận biết mụn cơm
Mụn cơm là những nốt sần nhỏ, mềm, có màu da, màu trắng, hồng hoặc nâu, sờ có cảm giác thô ráp. Mụn cơm có thể xuất hiện đơn độc hoặc thành từng đám, thường có một hoặc nhiều chấm nhỏ li ti màu đen đôi khi được gọi là hạt mụn cơm, thực ra là những mao mạch bị huyết khối. Mụn thường không đau và hay gặp nhất ở thanh thiếu niên.
Mụn cơm có thể xảy ra ở lòng bàn chân với biểu hiện là nốt sần nhỏ màu hồng hoặc nâu nhạt với những chấm đen li ti.
Mụn cơm sinh dục là bệnh hay gặp nhất trong số các bệnh lây qua đường sinh dục. Mụn có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục, vùng mu hoặc trong ống hậu môn. Ở phụ nữ mụn cơm sinh dục có thể mọc trong âm đạo.
Mụn cơm phẳng thường nhỏ và mềm hơn các loại mụn cơm thông thường, mọc ở mặt hoặc chân, thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn.
Triệu chứng của bệnh mụn cơm
Mụn cơm là chứng bệnh phổ biến, đặc biệt ở những người từ 10 – 20 tuổi. Đa số các chứng mụn đều tự biến mất trong vòng 2 năm mà không cần điều trị. Trong một số trường hợp, mụn cơm có thể tái phát, cần được sự thăm khám và điều trị của bác sĩ.
Mụn cơm thường gây khó chịu trên da, đôi khi gây chảy máu nếu xuất hiện trên mặt hay đầu. Mụn cơm có thể gây đau và dễ vỡ khi bước đi.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mụn cơm
– Những người thuộc lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên.
– Những người có hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ như người bị bệnh HIV/ AIDS hoặc những người đã cấy ghép nội tạng.
– Đi lại bằng chân trần trên các bề mặt ẩm ướt, như phòng tắm và phòng thay đồ công cộng, hoặc các khu vực hồ bơi.
– Dùng chung khăn tắm, dao cạo râu, các vật dụng cá nhân khác của người bị mụn cóc.
– Cắn móng tay hoặc lớp biểu bì.
– Mang giày chật gây ra tình trạng chảy mồ hôi ở chân.
Điều trị mụn cơm
Mụn cơm là bệnh lành tính và có thể tự biến mất sau 1 – 2 năm do sức đề kháng của cơ thể. Tuy nhiên, ở một số trường hợp lạ lây lan rất nhanh ra xung quanh, gây khó chịu cho người bệnh, đặc biệt là khi mọc ở môi, quanh mắt. Đôi khi chính việc không gây ra biến chứng như đau nhức nhiễm trùng hoặc để lại sẹo. Để điều trị mụn cơm hiệu quả, hiện nay có khá nhiều phương pháp:
– Áp lạnh: Phương pháp này còn có tên gọi là phun nitơ lỏng. Bác sĩ sẽ phun nitơ lỏng vào vùng có mụn cơm. Hơi lạnh sẽ tạo thành nốt phỏng quanh mụn, mô chết sẽ tự bong ra trong vòng một tuần sau đó.
– Cantharidin: là một chất được chiết xuất từ bọ ban miêu. Chất này thường được phối hợp thêm với một số hóa chất khác, sau đó được bôi lên mụn cơm. Thuốc sẽ làm cho da phồng rộp và nhổ bật mụn cơm khỏi da sau vài ngày.
– Vi phẫu: Các nốt mụn cơm sẽ được cắt hoặc đốt bằng dao điện. Phương pháp này có thể để lại sẹo nên thường chỉ thực hiện cho các nốt mụn ở phía lưng hay phía chân, hoặc trong trường hợp không đáp ứng được các biện pháp điều trị khác.
– Phẫu thuật laser: Phương pháp này khá tốn kém, cũng có thể để lại sẹo và thường chỉ dành cho những trường hợp bị mụn cơm khó chữa.
Với trẻ em, thông thường các bác sĩ sẽ thoa lên mụn cơm một ít axit nhẹ. Sau đó lấy đi các lớp da bị đốt bởi axit rồi thoa mỡ vaselin và dán băng đè lên trên cho đến lần thoa axit tiếp theo. Cần lưu ý là bất kỳ mẩu da nào tróc khỏi mụn cơm cũng có thể làm lây sang chỗ khác.
Nếu mụn cơm xuất hiện ở bộ phận sinh dục nữ, các bác sĩ thường chấm bằng dịch podophyllin và giữ một thời gian nhất định. Sau đó rửa sạch vùng kín bằng nước ấm. Chữa trị liên tục 3 – 4 lần như vậy cho đến khi mất hẳn mụn cơm. Những mụn cơm trong âm đạo thì cần phải đốt bằng tuyết CO2 hay nitơ lỏng.
Phòng ngừa bệnh mụn cơm
– Không cắn móng tay, mụn cơm thường xuất hiện khi da bị tổn thương. Việc cắn vùng da quanh móng tay có thể tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào da.
– Chăm sóc da cẩn thận để tránh lây virus, không chải, cắt hoặc cạo ở những khu vực có mụn cơm.
– Không dùng chung vật dụng cá nhân vì virus có thể lây truyền từ vật dụng của người bị mụn cơm.
– Không nặn mụn, tránh tiếp xúc trực tiếp với mụn.
– Tránh đi lại bằng chân trần trên các bề mặt ẩm ướt.
– Giữ chân khô, nếu bàn chân đổ mồ hôi nhiều cần đi tất hút ẩm.
– Tránh làm tổn thương lòng bàn chân, nơi mụn cơm thường phát triển dễ dàng.
– Rửa sạch tay sau khi sờ vào mụn cơm.
– Tập thể dục thường xuyên, thể thao vừa sức để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho bản thân, tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế xâm nhập và ảnh hưởng của các tác nhân gây bệnh.
Những thói quen sinh hoạt hạn chế diễn tiến của mụn cơm
– Rửa tay cẩn thận sau khi chạm vào mụn cơm để tránh làm lây lan.
– Liên hệ với bác sĩ để chữa trị mụn cơm bằng dung dịch acid salicylic không kê đơn.
– Liên hệ với bác sĩ nếu chứng mụn cơm không cải thiện tốt sau vài tuần điều trị.
Bệnh viện Mắt Sài Gòn
BS. Nguyễn Thị Phương
Tài liệu tham khảo
https://www.aad.org/public/diseases/contagious-skin-diseases/warts
https://medlineplus.gov/warts.html
https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/ss/slideshow-warts
https://www.healthline.com/health/skin/warts
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-warts/symptoms-causes/syc-20371125