02/04/2019
Mùng 10 tháng 3 là ngày gì? Vì sao lại có ngày Giỗ tổ Hùng Vương? Các bạn có thể tham khảo bào viết bên dưới đây.
“Cây cao có cội, sông sâu có nguồn,
Ngàn đời Việt Nam vẫn còn in bóng Hùng Vương,
Người dựng xây nên nước non này,
Để nghìn sau con cháu sum vầy,
Làm đẹp hơn mái nhà Việt Nam suốt năm nghìn năm. ”
Cứ vào những ngày tháng 3 hàng năm, người dân Việt Nam trên khắp cả nước lại hân hoan chuẩn bị chào đón một ngày lễ trọng đại của dân tộc. Đó chính là ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng.
Nghi thức thờ cúng bái lễ Vua Hùng
Và có lẽ ai trong chúng ta cũng đã quá quen với câu:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”.
Dân tộc Việt Nam luôn tự hào bởi những truyền thống tốt đẹp được gìn giữ từ bao đời qua. Đó chính là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “Nước chảy về cội”.
Chính vì thế dù đã trải qua hơn mấy nghìn năm lịch sử nhưng dân tộc Việt Nam vẫn luôn một lòng tưởng nhớ và khắc ghi công ơn vua Hùng Vương đã có công dựng nước và giữ nước để xây dựng nên nước Việt Nam ngày hôm nay.
Theo truyền thuyết dân gian, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng.
Bởi vậy Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt.
Người dân cả nước đi giỗ Vua Hùng ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm
Mùng 10 tháng 3 là ngày Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào dịp tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm.
Thế nhưng vì sao ngày này lại được chọn là ngày lễ vua Hùng thì có rất nhiều người vẫn chưa rõ. Thật ra trước đây người dân không đi lễ vào ngày mùng 10 tháng 3 mà tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của mình, rồi đến lễ bái các vua Hùng suốt năm.
Thời điểm đông nhất thường rơi vào các tháng xuân – thu chứ không định rõ ngày nào. Người dân tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao thì lấy ngày 11.3, kết hợp với thờ Thổ kỳ, làm lễ riêng.
Do đó, thời gian lễ bái thường kéo dài liên miên, vừa tốn kém tiền của lại không bày tỏ được rõ lòng thành kính, không tập hợp được lòng dân.
Nhận thấy điều này, Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, gửi công văn ghi ngày 25 tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch thì cử hành “quốc tế” hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.
Đồng thời, ông cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu. Sau đó, Bộ Lễ đã ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hằng năm.
Việc này được ghi trên tấm bia “Hùng miếu điển lệ bi” do Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập và dựng tại đền Thượng – Khu di tích đền Hùng vào mùa xuân năm 1923.
Theo như nội dung khắc trên bia như sau: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba.
Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”
Các em học sinh thắp hương tưởng nhớ Vua Hùng ngày mùng 10 tháng 3
Từ đó về sau, vào ngày 10 tháng 3 nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất cội nguồn – xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.
Sau khi nền cộng hòa thành lập, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh, xem ngày 10 tháng Ba là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia, các công chức được nghỉ lễ có hường lương.
Trong lễ Giỗ Tổ năm Bính Tuất (ngày 11 tháng 4 năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học bách khoa Hà Nội).
Chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng ghi nhận ngày 10 tháng Ba là ngày nghỉ lễ chính thức cho đến năm 1975. Sau khi Việt Nam thống nhất, chính quyền vẫn xem ngày 10 tháng 3 là một ngày lễ kỷ niệm nhưng không chính thức trở thành ngày nghỉ lễ quốc gia.
Mãi đến năm 2007, ngày 10 tháng Ba mới chính thức được quy định là ngày lễ quốc gia, mọi người đều được nghỉ lễ.
Vào ngày 6/12/2012, việc giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn mà còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.
Gói bánh chưng, bánh giày dâng lễ Vua Hùng vào ngày giỗ
Cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm thì tại tỉnh Phú Thọ diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đậm đà bản sắc dân tộc.
Người dân ở khắp mọi nơi đều kéo nhau về đây dâng hương, hoa, sản vật của quê hương lên vua Hùng.
Bên cạnh đó, các hoạt động mang tính cổ truyền của dân tộc cũng được diễn ra sôi nổi như hội thi gói xôi Đông Tảo hay hội thi gói bánh chưng, bánh giày dâng lên cúng tế để tỏ lòng biết ơn và công đức của Vua Hùng.
Ngoài ra, có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các tỉnh tham gia góp giỗ; các giải thể thao quần chúng như vật dân tộc, bóng chuyền, bắn nỏ truyền thống; tổ chức trưng bày tư liệu, hiện vật về văn hóa phi vật thể: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tinh hoa cổ vật vùng đất Tổ”…
Ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm là ngày hội chung của toàn dân. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Nghi thức dâng hoa tưởng nhớ Vua Hùng
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Đây còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của dân tộc.
Là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
* Nhân ngày mùng 10 tháng 3 Moshimoshi có chương trình giảm giá 5% đối với cá bào Hana Katsuo Nami. Xem chi tiết Tại Đây.
Ngoài ra bạn có thể vào trang website Moshimosshi.vn để lựa chọn các mặt hàng đang giảm giá khác.
Nếu bạn yêu thích văn hóa, ẩm thực, làm đẹp của Nhật Bản thì đừng quên ghé thăm web để cập nhật các tin tức và sản phẩm mới nhất bạn nhé!