Mừng thọ theo quy định của Nhà nước, phù hợp với truyền thống của địa phương
Lễ mừng thọ là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt từ lâu đời. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, hầu khắp các địa phương trong cả nước đều tổ chức lễ mừng thọ NCT với ý nghĩa phát huy truyền thống “kính lão, trọng thọ” trong dòng họ, cộng đồng. Sống lâu, sống thọ là một ước mong chính đáng của mọi người. Ngày xưa, khi tuổi thọ chưa cao chỉ 50, 60 tuổi đã được tổ chức lễ mừng thọ. Nhưng ngày nay, điều kiện sống ngày một cải thiện nên tuổi thọ con người cũng dần được nâng cao, lễ mừng thọ được tổ chức từ 70 tuổi trở lên.
Thời gian qua, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là hội viên Hội NCT tổ chức mừng thọ theo quy định của pháp luật và thực hiện nếp sống văn minh nên đã có những chuyển biến rõ nét. UBND nhiều xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội NCT cùng cấp và các gia đình tổ chức mừng thọ NCT vào một trong những ngày quy định trong năm và tại một địa điểm, buổi lễ diễn ra trang trọng, giản dị nhưng ấm áp, đầy ý nghĩa đã tạo dư luận tốt trong nhân dân… Các cụ đại thọ và thượng thượng thọ mặc áo dài đỏ ra dự lễ, nhận lời chúc sức khỏe, trường thọ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương. Trường hợp tổ chức lễ mừng thọ tại gia đình cũng phải bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hoá, hoàn cảnh của gia đình và chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và địa phương.
Không ai phủ nhận ý nghĩa nhân văn của việc tổ chức lễ mừng thọ. Tuy vậy không phải cứ tổ chức lễ mừng thọ linh đình với sự phô trương, rườm rà mới là hiếu nghĩa. Lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ chính là trong suy nghĩ và sự chăm sóc thường xuyên hàng ngày. Trong tâm thức của người Việt, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được Ngũ Phúc trong đời bao gồm năm yếu tố là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh; trong đó, Thọ là yếu tố khó đạt được nhất nên cũng là điều mà mọi người mong muốn nhất. Tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng. Người xưa cho rằng những người sống thọ là có phúc lớn nên mới được “trời ban” cho sống lâu, sống khỏe, mới có con cháu đề huề. Bởi vậy, theo tục lệ, vào những năm chẵn tuổi của ông bà, con cháu sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà. Mừng thọ chính là mừng cái phúc được sống lâu, sống khỏe với con cháu. Khi các cụ được 70, 80 tuổi, Hội NCT phường, xã đều tổ chức chúc mừng, trao thư, tặng quà và chụp ảnh lưu niệm. Những dịp như thế này mang lại tình cảm gắn kết các cụ với con cháu, cộng đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế ở một số nơi vẫn còn không ít gia đình tổ chức ăn uống linh đình, lãng phí,… làm nhiều người tỏ ra ái ngại mỗi khi được mời đi ăn mừng thọ. Để các cấp, các ngành, gia đình NCT tổ chức chúc thọ, mừng thọ đúng quy định của Nhà nước và phù hợp với phong tục, truyền thống, xin trao đổi một số điểm chính.
Điều 21 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định việc mừng thọ cho người cao tuổi như sau: 1/ Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà; 2/ Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà; 3/ Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội Người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau đây: a) Ngày Người cao tuổi Việt Nam; b) Ngày Quốc tế Người cao tuổi; c) Tết Nguyên đán; d) Sinh nhật của người cao tuổi.
Khoản 4 Điều 8 Thông tư số 06/2012/TT-BVHTTDL ngày 14/5/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ, trong đó có tổ chức mừng thọ NCT, cụ thể:
Điều 8. Trang trí buổi lễ mừng thọ
1. Treo Quốc kỳ ở phía bên trái của sân khấu (nhìn từ phía dưới lên).
2. Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bục cao phía dưới Quốc kỳ. Trường hợp cờ được treo trên cột thì tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt chếch phía trước bên phải cột cờ (nhìn từ phía dưới lên). Logo Hội Người cao tuổi đặt trên và chính giữa phía trên tiêu đề buổi lễ (cách 25-30cm).
3. Tiêu đề buổi lễ được thể hiện bằng kiểu chữ in hoa trên nền phông về phía bên phải sân khấu.
4. Nội dung tiêu đề thể hiện theo độ tuổi như sau:
a) Đủ 70 tuổi và đủ 75 tuổi: Lễ mừng thọ;
b) Đủ 80 tuổi và đủ 85 tuổi: Lễ mừng thượng thọ;
c) Đủ 90 tuổi, đủ 95 tuổi và 100 tuổi trở lên: Lễ mừng thượng thượng thọ.
d) Trường hợp tổ chức lễ mừng thọ chung đối với người cao tuổi thuộc nhiều độ tuổi khác nhau thì nội dung tiêu đề ghi chung là: Lễ mừng thọ
5. Hoa trang trí đặt ở phía dưới, trước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
6. Khẩu hiệu của buổi lễ (nếu có) được treo ở vị trí nổi bật, phù hợp với không gian hội trường. Nội dung khẩu hiệu do ban tổ chức quyết định.
Điều 9. Trang phục trong buổi lễ mừng thọ
1. Trang phục người cao tuổi được mừng thọ: trang phục truyền thống theo phong tục của dân tộc, tôn giáo.
2. Trang phục người tham dự buổi lễ mừng thọ; trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Điều 10. Trình tự tiến hành buổi lễ
1. Thông báo chương trình buổi lễ.
2. Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng.
3. Phát biểu khai mạc.
4. Công bố danh sách người cao tuổi được tổ chức mừng thọ.
5. Trao giấy mừng thọ và tặng quà cho người cao tuổi được mừng thọ.
6. Văn nghệ chúc mừng: hát, đọc thơ hoặc hình thức văn nghệ khác.
7. Đại diện lãnh đạo chính quyền phát biểu chúc mừng.
8. Người được mừng thọ phát biểu ý kiến. Trong trường hợp nhiều người được mừng thọ thì cử đại diện phát biểu ý kiến.
9. Kết thúc buổi lễ.
Điều 11. Nguyên tắc tiến hành lễ mừng thọ
1. Người điều hành buổi lễ là đại diện lãnh đạo Hội Người cao tuổi cấp xã.
2. Trường hợp người được mừng thọ ốm, yếu không đến dự lễ mừng thọ, ban tổ chức có trách nhiệm đến tận nơi trao giấy mừng thọ và tặng quà.
3. Việc tổ chức mừng thọ tại gia đình phải đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của gia đình.
Về quà tặng khi tổ chức chúc thọ, mừng thọ NCT và mức kinh phí khi tổ chức mừng thọ, chúc thọ. Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 96/2018/TT-BTC về quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ; ưu đãi tín dụng và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi thay thế Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính. Trong đó, Khoản 2, Điều 3 quy định rõ nội dung và mức chi:
2. Chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
a) Mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
– Người cao tuổi thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà gồm 5 mét vải lụa và 700.000 đồng tiền mặt;
– Người cao tuổi thọ 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà gồm hiện vật trị giá 150.000 đồng và 500.000 đồng tiền mặt;
Mức chi nêu trên là mức tối thiểu. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương và tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể xem xét, quyết định mức chi cao hơn mức quy định tại Thông tư này; đồng thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền mức quà tặng người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 95 tuổi và trên 100 tuổi trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Nguồn kinh phí
Kinh phí chúc thọ và tặng quà người cao tuổi thọ 100 tuổi và 90 tuổi bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Cơ quan thường trực của Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh). Kinh phí tặng quà người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tặng quà cho người cao tuổi theo phân cấp của địa phương;
c) Nội dung và mức chi tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Hội Người cao tuổi tại địa phương và gia đình của người cao tuổi tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hoá, phong tục, tập quán của địa phương; bảo đảm kinh phí để chi cho các hoạt động sau:
– Chi in ấn hoặc mua “Giấy mừng thọ”, “Thiếp chúc thọ”, làm khung “Giấy mừng thọ”, “Thiếp chúc thọ”;
– Chi nước uống, hoa quả, bánh kẹo. Mức chi 20.000 đồng/người tham dự;
– Chi thuê hội trường, phông, bạt, bàn ghế, thiết bị loa đài và các khoản chi cần thiết khác (nếu có). Mức chi theo thực tế phát sinh, phù hợp với dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
Mong rằng việc chúc thọ, mừng thọ sẽ luôn là niềm vui của mỗi người, mỗi nhà và cộng đồng.
Đặng Tài Tính