Theo Y Học Cổ Truyền, nấm hầu thủ được coi là dược liệu có tác dụng chữa bệnh. Các hợp chất trong nấm có đặc tính chống oxy hóa, điều chỉnh lipid và giảm lượng đường trong máu.
Nấm hầu thủ tươi thường mọc trên các thân cây gỗ tán rộng bị mục nát. Hiện nay, loại nấm này đã được nuôi trồng nhân tạo thành công ở nước ta và các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Nấm hầu thủ non có màu trắng hay trắng ngà, thịt nấm màu trắng, khi già có màu vàng hoặc vàng sậm, các tua nấm chính là lớp bào tầng, có chiều dài từ 0,5–3cm.
Đây là một loại nấm ôn đới, chỉ trồng được ở những vùng khí hậu mát mẻ, nhiệt độ thích hợp sinh trưởng là từ 16-20 độ C.
Nấm hầu thủ là một loại dược liệu quý, nó có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Theo kết quả nghiên cứu của giáo sư Mizuno (Nhật Bản) cho thấy, nấm hầu thủ là một loại thực phẩm bổ dưỡng, cân đối về thành phần, giàu khoáng và vitamin, có mức cung cấp nhiệt lượng vừa phải.
Nấm có hàm lượng cao các acid béo không bão hòa, là thành phần có giá trị dinh dưỡng, phòng chống bệnh tim mạch và ung thư. Nấm hầu thủ cũng là một nguồn khoáng chất phong phú, đặc biệt có Ge – một kim loại cực hiếm có hoạt tính chống ung thư.
Nấm hầu thủ chứa nhiều loại vitamin, B1 và B2 có hàm lượng cao, Niacin và A1 ít, Pro Vitamin D có khả năng chuyển hóa thành vitamin D2 nếu được làm khô, chuyển hóa Calci có khả năng phòng chống bệnh loãng xương.
Nấm hầu thủ có hàm lượng chất béo và giá trị năng lượng thấp, nhưng hàm lượng sắt, canxi và kali lại khá cao, nó thích hợp cho những người ăn kiêng mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ đạm và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.