Nấm móng là một tình trạng nhiễm trùng ở móng do vi nấm gây nên. Khi bị nhiễm nấm, móng sẽ đổi màu và thay đổi hình dạng. Tùy mức độ nhiễm trùng nặng hay nhẹ mà người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Nếu không điều trị, bệnh sẽ không tự khỏi mà tiến triển nhiều tháng nhiều năm. Trong bài viết này, YouMed sẽ trình bày những phương pháp điều trị và phòng ngừa nấm móng hiệu quả.
1. Phương pháp điều trị nấm móng?
Nấm móng không thể tự khỏi nếu không được điều trị. Mặc khác, bệnh sẽ tiến triển nhiều tháng nhiều năm và lây nhiễm cho những người xung quanh. Vì vậy, người bệnh nghi ngờ bị nấm móng nên nhanh chóng đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị phù hợp.
Có nhiều phương pháp giúp điều trị nấm móng hiệu quả. Lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng nặng hay nhẹ. Các phương pháp điều trị nấm móng bao gồm:
1.1. Thuốc bôi tại chỗ
– Thuốc bôi chứa thành phần Ketoconazole, Fluconazole, Clotrimazole, Itraconazole… có tác dụng tiêu diệt vi nấm gây bệnh.
– Thuốc bôi trị nấm được sử dụng cho người bệnh chỉ bị nhiễm trùng một hoặc vài móng.
– Những loại thuốc bôi này sẽ dễ dàng thấm vào móng và có tác dụng hơn khi người bệnh được làm mỏng móng trước đó. Các cách làm mỏng móng gồm bôi kem dưỡng có chứa urê hoặc sử dụng dụng cụ chuyên biệt.
– Cách bôi thuốc đúng: đầu tiên người bệnh làm mỏng móng và rửa sạch móng. Sau khi hong khô móng, người bệnh bôi thuốc trị nấm lên bề mặt móng và xung quanh móng.
1.2. Thuốc uống
– Khi người bệnh bị nhiễm trùng lan rộng nhiều móng, bôi thuốc trị nấm là chưa đủ. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống trị nấm có tác dụng toàn thân để nhanh chóng khỏi bệnh.
– Thuốc uống chứa thành phần Ketoconazole, Fluconazole, Clotrimazole, Itraconazole… có tác dụng tiêu diệt vi nấm gây bệnh.
– Ngoài ra bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh nếu nhiễm trùng nặng.
– Người bệnh phải tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả diệt nấm nhanh chóng. Lưu ý trong thời gian uống thuốc, người bệnh cần hạn chế tốt đa rượu bia và những thức uống có cồn khác vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến gan.
1.3. Phẫu thuật
– Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, móng biến dạng làm người bệnh đau đớn nhiều. Bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ móng bị nhiễm trùng và bôi vào phần dưới móng để diệt vi nấm. Các bạn có thể hoàn toàn yên tâm là móng bị bệnh sau khi loại bỏ có thể mọc trở lại.
Nhiễm trùng móng do vi nấm tương đối khó điều trị. Người bệnh phải tuân thủ bôi thuốc hoặc uống thuốc trong thời gian dài, ít nhất 3-6 tháng. Nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng cần thời gian lâu hơn để chữa khỏi bệnh. Sau khi điều trị thành công, móng sẽ được thay mới mà không còn bị thay đổi màu sắc hay biến dạng.
2. Làm thế nào để không bị nấm móng?
Điều trị nấm móng tương đối khó khăn và cần phải dùng thuốc trong một khoảng thời gian dài. Mặc khác vi nấm có thể lây nhiễm bệnh cho những người khác xung quanh. Vì vậy, an toàn nhất là áp dụng các biện pháp dự phòng không bị nấm móng bao gồm:
2.1. Giữ vệ sinh sạch sẽ:
Môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi nấm phát triển và gây bệnh. Vì vậy luôn giữ bàn tay, bàn chân khô ráo bằng cách:
– Không ngâm tay chân dưới nước trong thời gian dài.
– Bảo vệ bàn tay bàn chân bằng ủng hoặc găng tay cao su đối với công việc thường xuyên tiếp xúc với nước như làm ruộng, dọn dẹp…
– Rửa sạch và lau khô tay chân ngay sau khi tiếp xúc với nước.
– Điều trị bệnh cho người bị phong thấp, thường xuyên đổ mồ hôi tay chân.
– Hạn chế đi chân trần ở những nơi ẩm ướt như hồ bơi, phòng tắm công cộng để tránh nhiễm vi nấm.
– Chọn lựa tất (vớ) làm từ chất liệu thoáng mát, dễ hút ẩm. Không nên mang lại một đôi trong nhiều ngày. Thường xuyên thay, giặt sạch và phơi khô tất (vớ) trước khi sử dụng.
2.2. Làm đẹp an toàn:
Cắt tỉa hay sử dụng móng giả là sở thích làm đẹp của phái nữ. Tuy nhiên, các loại hóa chất và móng giả lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nhiễm trùng móng. Vì thế để làm đẹp an toàn, mọi người nên:
– Cắt tỉa móng đều đặn theo phom dáng tự nhiên của móng.
– Không sử dụng chung dụng cụ tỉa móng với người khác.
– Không lấy da thừa khi làm móng.
– Hạn chế sử dụng móng giả vì chúng gây khó khăn trong vệ sinh móng và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng.
2.3. Kiểm soát bệnh lý
– Kiểm soát đường huyết và hướng dẫn người bệnh tiểu đường thường xuyên chăm sóc bàn tay, bàn chân.
– Điều trị các bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch hay bệnh lý mạch máu cung cấp cho bàn tay, bàn chân.
Nấm móng là bệnh nhiễm trùng ở móng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên nó có làm tổn thương móng vĩnh viễn và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Nấm móng có thể được điều trị khỏi, mặc dù thời gian điều trị kéo dài và bệnh có thể tái phát trở lại. Vì vậy, bên cạnh dùng thuốc điều trị nấm, người bệnh cần thay đổi các thói quen sinh hoạt và làm việc để vi nấm không thể quay lại gây bệnh.
Nhiều người còn chưa cụ thể thế nào là bệnh nấm móng, vì sao lại bị bệnh. Vậy thì hãy tham khảo bài viết “Nấm móng: Nguyên nhân, triệu chứng và chuẩn đoán” để biết thêm thông tin chi tiết.
Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền