Nấm rơm là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, có hương vị và giá trị riêng. Ngoài ra, nấm còn rất tốt cho sức khỏe trong việc phòng và trị bệnh. Trong lĩnh vực y học, loại nấm đặc biệt này còn có tác dụng hạ lipid máu, chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch,… Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
- Nấm rơm là gì?
- Công dụng của nấm rơm
- Nấm rơm sử dụng như thế nào?
- Bài thuốc kinh nghiệm từ nấm rơm
Nấm rơm là gì?
Nấm rơm còn gọi là nấm mũ rơm, có tên khoa học Volvariella volvacea Singer, thuộc họ Pluteaceae. Đây là loài nấm phát triển từ các loại rơm rạ. Nó gồm bao gốc, cuống nấm và mũ nấm.
Bao nấm dài và cao lúc nhỏ, bao lấy tai nấm. Khi trưởng thành, bao nấm chứa melanin tạo màu đen ở bao gốc. Cuống nấm mềm, bó sợi xốp, xếp kiểu vòng tròn đồng tâm, giòn khi non, xơ cứng khi già. Mũ nấm hình nón, melanin nhạt dần từ trung tâm ra rìa mép.
Nấm sinh trưởng và phát triển nhanh (10-12 ngày). Vào những ngày đầu, nấm nhỏ và màu trắng. Nấm lớn nhanh sau 2-3 ngày. Nhiệt độ cho nấm phát triển 30-32 độ C, thoáng khí.
Quá trình hình thành của loại nấm này qua 6 giai đoạn: Nụ nấm, hình nút nhỏ, hình nút, hình trứng, hình chuông và phát tán bao tử.
Phân bố: nguồn gốc ở Đông Nam Á, hiện phân bố nhiều ở vùng nhiệt đới thuộc Châu Á, Châu Phi, Châu Úc.
Bộ phận dùng: toàn bộ thành phần của nấm.
Công dụng của nấm rơm
Tăng cường hệ miễn dịch
Theo nghiên cứu, loại nấm này tăng kích thích cytokin được sản xuất bởi th1 ở tế bào lách chuột. Tham gia tạo các tế bào lympho T gây độc, dẫn đến đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Do vậy nấm rơm có khả năng chống lại tế bào đã nhiễm virus, nhiễm khuẩn.
Nấm rơm giúp sung dinh dưỡng
Nấm rơm khô chứa lượng lớn protein (21-30%), chất xơ, vitamin c, riboflavin, biotin, thiamine. Riboflavin giúp duy trì tế bào khỏe mạnh, ngừa bệnh đau nửa đầu. Biotin hay còn gọi là vitamin B7 giúp duy trì chức năng thần kinh, tiêu hóa, tim mạch.
Hàm lượng các chất béo 5.7%, carbonhydrat 56.8%, các axit amin thiết yếu, khoáng chất cần thiết như K, P, Na. Các yếu tố vi lượng canxi, sắt giúp tăng trưởng xương, bổ sung các chất tạo hồng cầu, ngừa bệnh thiếu máu. Ngoài ra còn có các vitamin A, C, D, giúp tăng cường hệ miễn dịch, sáng da, sáng mắt, tăng hấp thu canxi và phospho tại đường tiêu hóa.
Nấm tươi chứa 90% nước, đạm 3.6%, chất xơ 1.1%, chất béo 0.3%, đường 3.2%, 28mg% Ca, 80mg%P,… Cứ 100gram nấm tươi bổ sung 31kCal.
Chống oxy hóa
Sự lão hóa, thoái hóa là tiến trình tự nhiên của cơ thể. Theo thời gian các bệnh lý về tim mạch, xương khớp, thần kinh xuất hiện do sự thoái hóa của tế bào. Các thành phần trong rau củ có tác dụng ngăn chặn quá trình lão hóa theo cơ chế riêng. Một trong số đó là polyphenol.
Nấm rơm chứa hàm lượng polyphenol cao. Nó còn chứa catalase, superoxide dismutase, glutathion peroxidase, glutathion reductase nhiều trong sợi nấm. Những chất này có khả năng làm chậm quá trình oxi hóa. Do vậy, loại nấm này làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, viêm khớp, thoái hóa thần kinh, lão hóa.
Hạ mỡ máu
Cholesterol toàn phần gồm LDL và HDL. Trong đó LDL là cholesterol xấu do nó dây nên tình trạng xơ vữa động mạch. Theo nghiên cứu, 2 loại polysaccharit ngoại bào của nó làm giảm LDL, nên giảm nguy cơ tổn thương tim mạch, bảo vệ mạch máu, phòng ngừa đột quỵ.
Tác dụng của nấm rơm theo y học cổ truyền
Nấm này có vị ngọt, tính hàn, có công dụng cải thiện tiêu hóa, khử nhiệt, tăng sức đề kháng. Dùng dạng tươi để làm thuốc.
Nấm rơm sử dụng như thế nào?
Đối với nấm khô, cần ngâm nước muối pha loãng sau khi mua về, đun sôi khoảng 5 phút, rửa lại với nước sạch, vớt để ráo.
Đối với nấm tươi: chọn nấm có mũ tròn, cứng, không bị mềm nhũn. Đem ngâm nước muối pha lõng từ 5-10 phút, không nên ngâm quá lâu dễ bị mất chất. Sau đó xả sạch.
Bài thuốc kinh nghiệm từ nấm rơm
Ăn không tiêu, đau dạ dày
Canh nấm rơm, giá đỗ, hành hẹ: Tao sơ nấm với hành, muối. Sau đó cho nước dùng và thả đậu phụ thêm vào, nêm nếm theo khẩu vị. Cuối cùng đun sôi, tắt bếp, cho lá hẹ vào.
Yếu sinh lý, di tinh, hoạt tinh
Xào rau dền vừa chín tới, nêm gia vị. Xào chín tôm (đã qua bóc vỏ), nêm gia vị, rồi xào chung nấm vừa chín tới. Trộn rau dền với tôm, nấm để dùng.
Giải cảm cúm, bồi bổ
Nấm rơm dùng nấu cháo với thịt bò, cà rốt , thêm gia vị hành, ngò, tiêu. Món này rất tốt cho người mới bị cảm, hoặc sau ốm dậy.
Gan nhiễm mỡ
Dùng 100gr nấm tươi tươi xào cùng 5 quả trứng cút hoặc trứng bồ câu, ăn 1 lần trong ngày. Ăn trong 15 ngày.
Tăng sức đề kháng
Dùng 200gr nấm rơm nấu với 5 – 7 quả đại táo , ăn 1 lần trong ngày, ăn 5 – 7 ngày liên tục.
Hỗ trợ trị vết loét hở lâu ngày
Dùng 60gr nấm rơm tươi, 60gr nấm đầu khỉ, rửa sạch, xào chung để ăn. Dùng liên tục trong 7-10 ngày
Cơ thể suy nhược, giảm trí nhớ
Nấm rơm tươi 150g, trứng cút 20 quả, thêm hành, gừng, gia vị. Dùng nấu canh hoặc xào để ăn. Nên ăn 2 lần/ tuần, trong 3 tháng.
Hỗ trợ chữa ung thư
Nấm rơm tươi 100gr, đậu phụ 50g, dùng dạng canh trong bữa cơm. Nên dùng liên tục trong các đợt xạ trị hóa chất.
Nấm rơm chứa các khoáng chất, vitamin, protein, các acid amin thiết yếu. Vì thế nó không chỉ là thực phẩm mà còn dùng làm thuốc hỗ trợ các bệnh lipid máu, xơ vữa, tiểu đường, tăng sức đề kháng. Trên đây là bài viết tham khảo về công dụng và bài thuốc từ nấm rơm, hi vọng cung cấp kiến thức bổ ích cho bạn đọc.