Ai người dám vuốt râu Rồng ?
Cách đây ít lâu tôi gặp một người bạn cũ tên là Thắng, nhà ở phố Đào Tấn. Nhà anh ta, tôi dám nói, có thể thỏa mãn những người khó tính nhất về nội ngoại thất bởi cách bài trí tinh tế.
Song, ấn tượng nhất phải là hai bể cá rồng lớn, liền kề nhau phối hợp với một không gian tiểu cảnh rất thơ mộng. Anh bạn rất tự hào. Anh kể khoảng trời này là nơi anh bỏ nhiều công nhất, “kết” nhất trong suốt quá trình xây nhà. Trong hai bể kính, hai chú cá rồng lớn, một vàng, một đỏ phẩm cấp cao đang uốn lượn khoan thai khoe dáng, khoe mầu. Tôi đùa: “Mày thành đại gia bao giờ thế? Một bể cá vài trăm triệu, thật là kính nể, kính nể!”. Anh cười to: “Đại gia gì! Cá rồng bây giờ rẻ nhiều, nhưng vì mê nên cố cho thỏa! Tôi nuôi mới được hai năm, nhưng làm ăn thuận lắm. Vợ tôi nó còn định mua cho bên nhà vợ một con màu đỏ đây này”.
Say chuyện, Thắng rủ tôi đến một cửa hàng chuyên bán cá rồng ở phố Yên Phụ. Chủ cửa hàng tên là Hiệp là bạn lâu năm của Thắng. Gian hàng của anh Hiệp tuy nhỏ nhưng hội tụ rất nhiều cá rồng có phẩm hạng cao. Trước khi kinh doanh cá cảnh, anh Hiệp là một người cực đam mê nuôi cá rồng. Đối với anh mỗi con cá đều là bạn. Tôi tưởng sẽ khó moi chuyện về cá và thị trường tiêu thụ từ anh, nhưng trái lại, anh rất vui và nhiệt tình tâm sự như thể trong nhà, thân thiết lắm.
Chiêu ngụm nước trà thơm, nóng bỏng, anh kể: “Gần đây, thị trường cá rồng và khách chơi cá khác trước nhiều lắm. Không phải nhập về từ Trung Quốc mà nhập trực tiếp từ các trại cá của Indonesia, Malaysia và Singapore. Một số cửa hàng cá lớn ở thành phố Hồ Chí Minh còn thành lập thành công ty rồi đứng ra nhập khẩu mỗi lần hàng nghìn con cá rồi phân phối cho các cửa hàng bán lẻ trong cả nước. Khách hàng bây giờ có nhiều sự lựa chọn hơn trước vì ở Malaysia và Indonesia có nhiều trại cá hơn, cạnh tranh nhiều hơn nhưng một số trại cá nổi tiếng vẫn xuất ra cá có giá cao hơn nhưng vẫn được chấp nhận.
“Hồi xưa mỗi con cá giá trị bằng cái ôtô. Giờ chỉ còn tương đương một chiếc xe máy xoàng!” Anh chốt hạ, không biết tiếc nuối hay giễu cợt thoáng trong nụ cười hóm hỉnh.
Tôi ngơ ngẩn: “Nếu vậy ra thì chỉ có những người có khả năng kinh tế khá mới chơi được chứ công chức như tôi, có mà nằm mơ! Vậy khách của anh là ai vậy”.
Anh Hiệp nhẩn nha ngắm cá: “Thì đúng là chơi cá rồng chỉ là những người có kinh tế ổn định. Nhưng mà cũng không hẳn. Khách của tôi cũng đa dạng lắm, nhiều lúc có cả ông già, có khi lại là cậu sinh viên… Không hẳn cá rồng nào cũng giá ngất ngưởng như ông nghĩ đâu, như rồng vàng cũng có loại như Kim long hồng vỹ (Red tail golden arowana) giá cũng chỉ từ 4-6 triệu đồng cho một con nhỏ loại đẹp và loại này bán chạy nhất. Còn như Ngân long nhỏ cũng chỉ vài trăm nghìn thôi.
Tôi như được “khai hóa văn minh” khi anh cho biết, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nhiều người chơi cá rồng bạo liệt, nuôi trong nhà hàng chục con loại cực đẹp, giá trị lên tới hàng tỷ đồng như anh Ngọc ở Gia Lâm, anh Minh ở phố Phương Mai, anh Cường ở phố Đại La…
Lại càng hoang mang nữa khi anh bảo: “Loại cửa hàng nhỏ như tôi thì ở Hà Nội có ít nhất…12 hiệu!”. “Ở phố Hàng Đậu cũng có bán cá rồng nhưng số lượng ít hơn, đấy là chưa tính loại tẹp nhẹp kiểu hàng xén, la ghim, gì gỉ gì gi, cá gì cũng có…”
Năm 2012, anh bảo số cá bán ra có sụt giảm rất nhiều so với các năm trước vì thực sự đây là thứ “đồ chơi xa xỉ” trong khi phần lớn mọi người đang thắt lưng buộc bụng do kinh tế khó khăn. “Hiện tại buôn bán cũng rất oải, nhưng không phải thuê cửa hàng nên đỡ hơn rất nhiều so với các bạn buôn”.
Tôi thắc mắc, tại sao anh Hiệp chỉ bán mỗi loại cá rồng mà không bán kèm loại nào nữa, rằng nếu gặp khách ú ớ lần đầu chơi cá rồng, hỏi cái gì cũng không biết, thì làm sao? Anh thẳng tưng: “Ôm nhiều không xuể, ông ạ, như này là cố sức rồi! Cá rồng là loại tôi hiểu nhất. Hồi xưa, khi còn là người chơi, tôi được rất nhiều bạn bè giúp đỡ khi gặp khó khăn về nuôi dưỡng. Giờ đây có chút kinh nghiệm, mỗi khách hàng đều có thể là bạn về sau nên tôi luôn giúp đỡ. Phải hỏi xem họ có bể lớn bao nhiêu, đã kiểm tra mẫu nước chưa, hệ thống lọc nước thiết kế thế nào, hệ thống chiếu sáng ra làm sao…”. “Này, con cá cũng như con chim, con thú, nuôi nó cũng không đơn giản. Nó cũng ốm đau, bệnh tật, cũng bỏ ăn, cũng “dỗi cơm”…chậc, lắm kiểu lắm. Rồi nước, rồi thuốc, rồi thức ăn…
Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn vì hoang mang với cái công phu của nghề chơi. Anh Hiệp trấn an tôi: “Nếu chưa biết thì kể cũng khó. Nhưng đã quen rồi thì nhàn cực kỳ! Quan trọng nhất là nguồn nước phải tốt. Hệ thống nước máy trong Hà Nội cũng khác nhau lắm, một số khu vực nhiễm Amonin cực cao, không nuôi nổi cá đâu. Hệ thống lọc nước phải tốt, ngoài nhiệm vụ làm nước trong bể luôn trong suốt, đẹp về thẩm mỹ, nó còn là môi trường không ô nhiễm, giữ cho cá luôn khỏe mạnh.
Kích thước bể và thể tích nước rất quan trọng khi cá đạt kích thước tối đa. Thường, bể cá rồng có chiều dài tối thiểu gấp ba lần chiều dài của cá trưởng thành, chiều rộng và chiều cao thì ít nhất cũng bằng chiều dài của cá (cá rồng châu Á nuôi trong môi trường nhân tạo có chiều dài khi trưởng thành khoảng 60-75cm). Thể tích nước cho mỗi con cá trưởng thành cũng khoảng trên 500 lít. Trên bể phải có nắp kín vì cá rồng rất hay nhảy ra ngoài vì bản tính tự nhiên.
Anh say sưa: “Này, đừng có coi thường ánh sáng nhé, cực kỳ quan trọng đấy. Mỗi loại cá lại đòi hỏi một loại bóng đèn rọi cá riêng, chỉ đơn giản là nó tham gia quyết định độ đẹp về mầu sắc vảy cá. Nếu là rồng châu Mỹ như Ngân Long thì có thể nuôi một cặp, riêng cá rồng châu Á thì nên nuôi mỗi con một bể. Lý do là cá rồng có tính lãnh địa riêng rất cao, đặc biệt là cá đực đến độ tuổi phát dục nó sẵn sàng cắn xé những con cá đực khác.
Giữa cuộc chuyện trò, tôi ngớ ra vì những những niềm tin vô lối của dân chơi cá nghiệp dư. Đừng tưởng cá rồng là loài ăn thịt, phàm ăn, thức ăn của cá rồng là thịt bò, tôm cá nhỏ, nội tạng gia cầm… mà cứ cho ăn vô tội vạ. “Sai toét ông ơi! Đừng tưởng cứ lắm tiền mua đồ ăn “xịn”, cho ăn càng lắm thịt lắm cá mà cá Rồng càng mau lớn, mau đẹp, sai toét! Cho ăn nhiều thì chỉ mau béo chứ đâu lớn! Giống i mấy thằng em chã, suốt ngày ăn fast food, khác gì. Còn muốn lớn cũng phải có tuổi chứ. Cá mà béo thì hỏng dáng bơi vì mình nó dày quá nhanh nên mất đi vẻ uyển chuyển. Lượng mỡ tăng cao nên có xu hưởng đẩy tròng mắt lồi ra ngoài khiến cá bị lác. Vảy không to kịp với kích thước cơ thể nên có hiện tượng hở chân vẩy. Thêm nữa, ăn nhiều thì thải nhiều. Lượng Amoniac trong nước tăng cao nên cá yếu đi, dễ mắc phải những bệnh cơ hội như nấm vảy, đường ruột..”
Tôi bắt đầu nhìn Hiệp bằng con mắt khác. Lão này hình như không chỉ thuần túy là tay chơi cá có đai có vạch. Bình luận của lão, có hơi hướng xã hội thì phải. Cứ cái mạch đó, lão có thể tư vấn cho các trung tâm spa, thể dục thể hình hay tư vấn làm đẹp cho chị em…
“Theo tôi thì cá nhỏ thì ngày cho ăn một lần là đủ. Cá trưởng thành ,2-3 ngày ăn một lần, mỗi lần ăn vừa đủ no. Chế độ ăn phải đi kèm với chế độ thay nước định kỳ. Cá con thì hai ngày nên thay 1/5 lượng nước đang có trong bể. Còn với cá trưởng thành thì một tuần thay 1/3 lượng nước trong bể. Vì là cá nhiệt đới nên nhiệt độ nước rất quan trọng, lý tưởng là khoảng 26-29oC. Tiếng thế thôi, chứ chả tránh được trục trặc. Một con cá nuôi từ bé đến lớn, ít nhất cũng vài lần bị ốm, “đi khám”, “nằm viện” vì nhiều loại bệnh khác nhau, ở cửa hàng tôi có đầy đủ các chế phẩm để chữa bệnh dành riêng cho cá rồng..”
Càng đi vào thế giới cá rồng, tôi càng như vào mê cung. Chỉ riêng cửa hàng của anh Hiệp, bộ sưu tập loài cá đẳng cấp đã làm tôi hết hồn! – “Hiện tại cửa hàng có một số Ngân long và một số Kim long Hồng vĩ giá hợp lý. Loại này phục vụ những khách mới tập chơi! Dãy phía trên là Kim long Quá bối (Xback) gồm b a loại chính là Kim long có lòng vảy ánh xanh là (Blue Base Cross Back), Kim long Rồng vàng 18k và Kim long Đầu vàng 24k (Full Gold Cross Back). Dãy bên này là đám Hồng long cao cấp như: Rồng đỏ máu (Blood Red) và Rồng đỏ ớt (Chilli Red). “Anh tiết lộ : “Kinh doanh là chính, nhưng tôi vẫn máu nuôi lắm. Tôi đang chăm riêng trên gác một con Rồng Đỏ đặc biệt, khách có thèm mấy, trả cao đến mấy cũng không bán. Quá yêu nó rồi, ông ạ”.
Tôi bắt đầu lờ mờ hiểu một trường phái chơi. Theo quan niệm của người phương Đông, đặc biệt là người Trung Hoa, vì cá rồng là một trong những loài cá phong thủy nên nếu cá Rồng đang khỏe mà ốm yếu thì được coi điều hãm tài hãm lộc, gia chủ có người sẵn sàng đem ra sông hồ phóng sinh dù tiếc đến mấy. Còn nếu để cá rồng chết trong nhà đó được coi là điều đại kỵ, có thể “đem tai họa đến với người nuôi”.
Đấy là đám mê tín. Còn bình thường, cá Rồng là một loài cá khá đắt tiền, người nuôi dành cho nó khá nhiều tình cảm nên nếu có điều gì đó xảy ra với con cá cưng thì cũng thật là tiếc. Thời bao cấp, con lợn ốm, ông cán sự, chị chuyên viên lo sốt vó thế nào thì giờ, cá mà ốm thì gia chủ cũng bần thần, mất ăn mất ngủ như thế.
Mà còn hơn thế, vì dẫu nuôi con nào cũng tương đương một tài sản, nhưng người ta có thể mê đắm, thăng hoa, thư giãn ngắm cá Rồng khoan thai, hùng dũng trong bể kính chứ không ai mê mẩn ngắm…lợn trong chuồng khụt khịt sục cám cả.
Thế mới là Rồng chứ!