1. Rồng lá
Đây là loài cá bí ẩn và tuyệt đẹp bậc nhất của đại dương. “Rồng lá” còn được gọi với cái tên thân thiện là Leafy Dragon, sinh sống xung quanh các khu rừng tảo bẹ ở Nam Úc và là biểu tượng của hải dương Australia. Chỉ cần một lần ngắm nhìn nó thôi, chắc chắn bạn sẽ phải xuýt xoa vì vẻ đẹp lộng lẫy của nó đấy!
Loài cá này có những chấm rất đẹp dọc theo cơ thể. Mỗi cá thể lại có những hoa văn dạng đốm riêng. Những hoa văn này giống như dấu vân tay ở người, là đặc điểm giúp phân biệt các cá thể rồng lá với nhau.
Điều kì diệu thu hút ở rồng lá là ở khả năng ngụy trang đứng đầu thế giới của chúng. Trông rồng lá chẳng khác nào một thân cây tảo bẹ lơ lửng trong nước bởi mỗi chiếc “lá” sặc sỡ, màu mè tô điểm khắp đầu, thân, đuôi giúp chúng ngụy trang để tránh nguy hiểm. Khi bị tấn công, “họ hàng” nhà rồng này sẽ xù những chiếc gai ra để chống lại kẻ thù. Nếu không để ý, rất có thể bạn sẽ nhầm chúng với loài cá ngựa quen thuộc nữa đấy! Cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của chúng xem tớ nói có đúng không nhé!
2. Rồng Komodo
Rồng Komodo (Varanus komodoensis) là loài bò sát còn sót lại sau thảm họa cách đây 65 triệu năm trên Trái đất. Đây là một loài động vật thuộc họ kỳ đà (Varanidae), sống nhiều trên các đảo và quần đảo thuộc Indonesia.
Rồng Komodo mang kích thước khổng lồ, chiều dài cá thể trưởng thành rơi vào 2 – 3m, di chuyển chậm chạp nhưng lại là một sát thủ có hạng. Chúng rất giống với những gì mà người phương Tây nghĩ về rồng: to lớn, cực khỏe, hung dữ, khả năng săn mồi thượng hạng… Duy chỉ có một điều là chúng không bay và phun lửa như trong truyền thuyết mà thôi! Hàm răng là điểm mạnh nhất của rồng Komodo; đó là bộ hàm to khỏe như hàm cá sấu, răng sắc nhọn như cá mập và đặc biệt rồng Komodo có nọc độc ở hàm tiết ra khi cắn con mồi, khiến con vật xấu số nhanh chóng bị tê liệt thần kinh, máu chảy liên tục cho đến chết và trở thành bữa tối thịnh soạn cho chúng.
3. Cá rồng
Đây thực ra lại chỉ là một loài cá cảnh mà thôi. Nhưng các bạn đừng vội coi thường, thực sự chúng mang trong mình dòng máu “linh thú” đấy! Cá rồng có các tên gọi dân gian là Arowana hay Nirwana, có nghĩa là sự lí tưởng hoàn hảo. Chúng là loài cá cảnh hung dữ bậc nhất cũng như có tuổi thọ cao nhất, có thể lên đến 50 năm. Thật đáng kinh ngạc phải không nào?
Đối với người Trung Hoa và các nền văn hóa Châu Á, đặc biệt là một số nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông hay vùng Đông Á có ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thì con rồng là biểu tượng của sự quyền quý, may mắn và thịnh vượng. Trong mắt của người Trung Hoa, cá rồng với thân hình dài, dáng bơi luôn khoan thai, điềm đạm là biểu hiện cho một phong thái quân tử và uy nghi của rồng. Đặc biệt, cá rồng có bộ vảy lớn với màu sắc vàng, bạc, đỏ lóng lánh được liên tưởng đến vảy rồng, râu cá rồng cũng được liên tưởng đến râu của con rồng huyền thoại. Sự tiến hóa hàng trăm triệu năm cùng tuổi thọ cao của loài cá này cũng được cho là biểu hiện của sự trường tồn.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, mọi nhà đều muốn nuôi loại cá này với mong ước xua tan những đen đủi, cả năm gặp may mắn, phát tài phát lộc.
4. Rồng biển
Họ hàng nhà rồng cuối cùng tớ muốn giới thiệu đến các ấy đó là loài “rồng biển”. Đây là loài động vật gần như giống hệt loài rồng trong truyền thuyết Trung Hoa về độ bí ẩn bậc nhất của nó. Có rất nhiều những tin đồn xung quanh con vật nửa mơ hồ, nửa thật này. Nhưng ngày nay, vẫn chưa có một bằng chứng nào thực sự thuyết phục được đưa ra để minh chứng cho sự tồn tại của loài sinh vật này.
Đi đầu trong việc nghiên cứu loài này là nhà bác học Jzlo Oudamans – Uỷ viên Hội Động vật học Hà Lan. Với tác phẩm “Con rắn biển khổng lồ” dày gần 600 trang, xuất bản năm 1892, Oudamans trình bày chi tiết, đầy sức thuyết phục về sự tồn tại của loài rồng biển. Theo ông, tới thời điểm đó, người ta đã ghi nhận được 162 lần xuất hiện của rồng biển và đã công bố 350 bài viết (dạng tường thuật, khảo cứu…) về loài vật này.
Năm 1868, xác một con “rồng biển” bị sóng đánh dạt vào bãi biển Stonsa và được bác sĩ lừng danh Barclay nghiên cứu, xem xét. Ông công bố dữ liệu về nó: Thân dài 16,75m, đường kính 0,9m, có lông ở cổ, có vây bơi trông như cánh ngỗng trụi. Đáng tiếc là bản báo cáo của ông đã không được giới sinh vật học đương thời chú ý.
Ngày 13/1/1903, Hội Động vật học Pháp họp để xem xét báo cáo của nhà khoa học Emilio Racovitza (từng tham gia thám hiểm Nam Cực) về loài “rồng biển” ông nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn có những hoài nghi về tính chân thực của loài động vật này.
Bên cạnh những bằng chứng của các nhà khoa học trên thì không ít giới nghiên cứu chỉ dám đưa ra những kết luận thận trọng. Các nhà thủy sinh học cho rằng, có thể “rồng biển” chỉ là trường hợp hãn hữu một số cá thể động vật sống sót từ thời tiền sử mà thôi. Nó giống như trường hợp con Ceratodus, nửa cá nửa thằn lằn vẫn đang sống sót ở Australia mặc dù dòng giống của chúng đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm. Hoặc giả nó cũng chỉ là một loài rắn biển khổng lồ thôi.