–
Thứ năm, 04/08/2022 19:39 (GMT+7)
May mà nam sinh trượt tốt nghiệp tại Cà Mau gục xuống bàn là do ngủ quên trong giờ thi, chứ không phải là do vấn đề về sức khoẻ. Nếu không, hậu quả sự việc còn lớn hơn nhiều, và những lời chỉ trích giám thị sẽ nặng nề hơn…
Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về sự việc một nam sinh tại Cà Mau ngủ quên trong giờ thi, nên bị điểm 0 môn Tiếng Anh, dẫn đến trượt tốt nghiệp.
Lý giải về sự việc này, nam sinh T. trong câu chuyện cho biết, sau khi nhận đề, em làm nháp vào tờ đề thi rồi gục xuống bàn, ngủ quên. Khi giám thị gọi dậy nộp bài thì em mới biết mình ngủ gục, lúc này phần trả lời không có gì hết.
Nam sinh có xin giám thị cho vài phút để điền đáp áp nhưng không được đồng ý vì sai quy chế thi. Trước đó, em đã thức khuya nhiều đêm ôn bài nên bị mệt.
Được biết, T. là học sinh giỏi và nằm trong đội tuyển môn Vật lý của trường, được nhiều thầy cô trong trường đánh giá thừa khả năng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tại buổi thi, thí sinh này đã ngủ gục xuống bàn khoảng 40 phút – quãng thời gian không hề ngắn. Nếu một người gục xuống bàn lâu như vậy, có các khả năng hoặc là họ ngủ quên, hoặc có thể bị một bệnh gì đó nguy hiểm. Dù thí sinh trên bị trượt do bị điểm 0 môn Tiếng Anh, vẫn có thể nói là “rất may” khi thí sinh này chỉ ngủ quên. Giả sử, thí sinh trên bị bệnh gì đó nên gục xuống bàn mà không được ai phát hiện kịp thời để cấp cứu, sự việc còn gây hậu quả lớn như thế nào? Giám thị sẽ còn nhận nhiều lời chỉ trích như thế nào?
Trước khi sự việc nam sinh ngủ quên này được đưa lên báo, một sự việc khác cũng có tình tiết “ngủ quên” là việc người dân tại huyện Kim Động (Hưng Yên) thấy một tài xế gục lâu trong xe, gọi không hồi đáp nên đã phá kính để giải cứu. Rất may, tài xế sau đó tỉnh dậy và nhận mình ngủ quên vì say rượu. Trong trường hợp này, cũng may mà tài xế chỉ là quá buồn ngủ chứ không phải là bị vấn đề gì sức khoẻ.
Câu chuyện ngủ quên của tài xế khác với ngủ quên của thí sinh ở chỗ, người dân đã phá kính – hay nói cách khác là phá vỡ quy định là không được huỷ hoại tài sản của người khác – để nhằm mục đích tốt đẹp là cứu người (mặc dù hoá ra là không cần).
Có một điều cao hơn các quy định, quy chế, đó chính là sự quan tâm đến nhau giữa con người với con người, và sự quan tâm đó được “chuyển hoá” thành hành động, nhất là trong những tình huống nguy cấp.