Nên hay không nên chọn một căn nhà mobile home? – Đời Sống Việt – viendongdaily.com

mobilehome-canhbui.jpg


(Bà Cảnh Bùi và mảnh vườn trước nhà)

Bài và ảnh: Phụng
Linh/Viễn Đông

LTS: Người Việt Nam
có câu: “An cư lạc nghiệp”. Những cư dân người Việt lớn tuổi sống
trong các khu mobile home có những niềm vui và những nỗi lo riêng. Phóng viên
Viễn Đông tìm hiểu về đời sống mobile home và những mối quan tâm của cư dân tại
đây.

Hơn hai năm nay, cư
dân các khu nhà mobile home dọc đường Bolsa – đại lộ của thủ đô Little Sài Gòn
tại Quận Cam xôn xao tin đồn sắp bị giải tỏa, đuổi nhà.

Từ tháng Bảy năm
ngoái, cuộc sống của các cư dân khu mobile home Green Lantern Village, số 14352
đường Beach, thành phố Westminster (gần góc đường Hazard) trở nên bất an vì
thông báo chính thức sẽ đuổi nhà vào tháng Giêng, năm 2013.

Đối với nhiều người
Việt lớn tuổi chọn cảnh sống đạm bạc, đơn sơ, tuy chật hẹp nhưng gần chợ, gần
trường học, nhất là gần bác sĩ và bệnh viện, rủ nhau về hội tụ tại gần mười khu
nhà tiền chế chung quanh thương xá Phước Lộc Thọ, những ngày an nhàn của họ trở
nên xáo trộn bất thường. Gặp nhau, họ thường hỏi: “Có sao không? Có phải dọn đi
nơi khác không?”

Green Lantern
Village, niềm vui ngắn lại…

Đến khu Green Lantern
Village trong những ngày này, người ta khó tìm lại không khí êm đềm và tươi mát
của thuở nào. Bãi đậu xe trải dài dành cho hơn 10 chiếc xe của khách đẹp như mơ
của khu nhà này nay không còn là nơi lui tới rộn rịp của những người hạnh phúc.
Khu này có 40 gia đình cư dân Việt với gần 100 gia đình khác, đa số là Mỹ trắng
đã trở nên bất ổn không ngờ kể từ khi họ nhận được thông báo của ông chủ kinh
doanh khu nhà, bảo sẽ thu hồi khu đất vào tháng Giêng năm 2013, tức còn hơn 3 năm
rưỡi nữa. Nhiều người bật khóc, nhiều người xôn xao đòi đâm đơn kiện, nhiều người
đang khỏe mạnh xông xổng bỗng trở chứng cao máu, đau tim… Chỉ trong vòng mấy
tháng qua, năm cư dân đột ngột ra đi, chưa kể bà quản trị viên khu nhà.

Đêm thứ Hai 23 tháng
Hai, ông bà Vũ Ngọc Bích, cư dân khu Green Lantern Village cho phóng viên Viễn Đông
biết, đã có nhiều cuộc họp được tổ chức để thảo luận về vấn đề sắp bị đuổi nhà,
nhưng hầu như vẫn không giải quyết được gì. Họ tiếp tục được yêu cầu bảo đợi vì
kiện tụng bây giờ cũng khó vì không biết kiện ai.

mobilehome-taductri.jpg(Nghị viên Tạ Đức Trí trước căn nhà mobile home của
mình)

Các dân cử thành phố
Westminster và tiểu bang California, trong đó có nghị viên Tạ Đức Trí, thượng
nghị sĩ Lou Correa đã đến gặp các cư dân để tìm hiểu tình cảnh của họ, nhưng
hầu như mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Bác Bích quả quyết rằng vào năm 2005,
khi tìm đến khu nhà này yêu cầu ký hợp đồng thuê đất trong thời hạn 15 – 20 năm,
hai bác đã được ông chủ kinh doanh khu nhà nói rằng “đừng lo, cứ ở cho đến khi nào
chết”.

Bác nói: “Chúng tôi
mới ở được 3 năm rưỡi, tháng Bảy vừa rồi, họ đưa thông báo cho biết năm 2013
tháng Giêng buộc phải dời đi. Các luật sư nói chúng tôi ở mobile home giống như
cầm dao đằng lưỡi. Những tưởng sẽ được sống ở đây cho tới cuối đời để được hưởng
không khí biển, gần trung tâm thủ đô tị nạn. Chúng tôi chẳng bao giờ ngờ rằng
cuộc sống hôm nay lại bị xáo trộn hoàn toàn. Họ nói sẽ dời chúng tôi đến một nơi
cách xa 100 dặm, có thể đến vùng sa mạc khô cằn thì thật là khổ. Đã có vài lần
họp, có người bảo chúng tôi tìm luật sư, nhưng chúng tôi có biết gì đâu trong
khi phần lớn cư dân đều đã già cả rồi. Gần đây chúng tôi mới hiểu ra, người chủ
đất và người chủ kinh doanh khu nhà thứ hai đã ký kết hợp đồng thuê đất trong
thời hạn 50 năm. Tới 2013 là đến thời hạn 50 năm rồi, chủ đất đòi trả lại đất
trống. Hai bên giằng co nhau mãi vẫn chưa ngã ngũ trong khi chúng tôi bị đặt
vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Rõ ràng là chúng tôi đã bị lừa. Thật ra vào năm
2005 khi đến tìm hiểu về khu nhà này, nếu biết rằng khu nhà sẽ phải dời đi vào
tháng Giêng năm 2013 thì chúng tôi không bao giờ vào đây. Lúc đó mình có thể đi
tìm chỗ khác, đâu vào đây để gặp trở ngại như thế này, để rồi muốn khác cũng
không được, đi chỗ khác cũng không xong. Thật lòng cũng không biết đi đâu. Khó
lòng quá. Có người muốn bán căn nhà đang ở chỉ với giá dưới $30.000 trong khi
giá mua mấy năm trước là $60.000, coi như bị lỗ nặng. Đó là cả một sự mất mát,
thiệt thòi lớn cho chúng tôi”.

Cũng theo bác, giá
nhà ở đây rất khác nhau, có nhà $4.000 – $10.000, có nhà $50.000, nhà đàng sau
tới $140.000. Còn căn nhà của bác Bích mới nguyên. Hai bác vào vào ở gắn thêm
máy lạnh cho cả 2 phòng ngủ, khu vườn ở ngoài, thay đèn, thay bếp…theo hai bác,
đa số cư dân sẵn sàng bỏ tiền ra sửa chữa, tôn tạo cho ngôi nhà của mình vì lời
hứa hẹn sẽ được thuê để ở cho đến cuối đời và cũng vì tiền đất thấp. Bác nói:
“Khi chúng tôi vừa đến, ba năm trước, tiền thuê đất khoảng $539/tháng, bây giờ
là $635.

Họ buộc chúng tôi dời
tới chỗ xa 100 dặïm, không ai muốn đi. Hiện nay giá nhà bên ngoài rẻ thật, tôi
muốn mua nhưng tiền đâu để mua, muốn dọn đi nhưng làm sao để dọn… Hồi xưa chúng
tôi ở một nhà rộng 2.460 sq. ft., tới mùa hè bị dị ứng sưng cả mặt, chồng tôi
bị chảy máu cam, bệnh tim. Tìm được chỗ ở này chúng tôi rất hài lòng vì khí hậu
tốt, họ nói ở cho đến hết đời nên yên tâm nhảy vào.”

Cũng theo bác Bích,
xem như còn 3 năm nữa sẽ phải dời đi. Và kể từ ngày đó đến nay, nhà cửa trong
khu này hoàn toàn bất động, không mua bán gì được. Cũng có người chấp nhận mua
một căn nhà với giá khoảng $20.000/căn để vào ở trong 3 năm còn lại, mà theo sự
tính toán của họ chỉ phải trả tiền thuê đất chưa tới $600/tháng, tổng cộng
khoảng $40.000 trong 3 năm, rẻ hơn thuê ngoài tốn $1.400/tháng, vị chi mất trên
$50.000.

Bác tâm sự thêm: “Chúng
tôi tính nát đầu vẫn không biết phải làm gì. Ai cũng bảo vất bỏ đi nhưng bỏ
bằng cách nào. Nếu dỡ nhà đưa đến khu đất khác cũng gần đây thì ai chịu tiền
cho mình dở đi rồi lắp đặt lại, tổng cộng trọn gói khoảng $30.000, chưa tính
thiệt hại cảnh vườn bên ngoài. Nếu được đền đầy đủ thì tôi không lo. Đàng này
chủ kinh doanh bảo muốn đi thì đi, không bồi thường gì cả. Chúng tôi hoang
mang. Như vậy là chết rồi”.

Tường nhà của bác có
chôn một lớp cách âm cách nhiệt rất tốt bên trong cho nên nhiệt độ hết sức ôn
hòa. Bác nói: “Đây là nhà tiền chế chứ không phải mobile home nên không bị nóng
quá và lạnh quá hơn, vì vậy mà không thuộc DMV, mà đóng thuế đất ở Santa Ana”.

Cũng theo bác, căn
nhà phía đàng sau hồi mua đến $165.000 bây giờ gọi bán với giá $80.000 thôi. Đó
là căn nhà mới tinh 3 phòng, được đưa về trước nhà bác Bích khoảng 2 tháng. Ai
nghe qua cũng động lòng vì chỉ mới ba năm mà một cư dân thuộc tầng lớp trung lưu
mất hơn $80.000.

Tại khu mobile home ở
góc đường Bolsa – Bushard có 80% dân Việt cư ngụ, tin đồn giải tỏa nay đã lắng
xuống và ai cũng mong đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Hai vợ chồng ông Đỗ Kim
Bảng cho biết đã cảm thấy vững tâm hơn sau khi các viên chức thành phố
Westminster xác định đó chỉ là tin đồn.

Gặp phóng viên Viễn Đông
sáng thứ Bảy, 21 tháng Hai, nghị viên thành phố Westminster kiêm phó thị trưởng
thành phố Tạ Đức Trí nói rằng tin đồn giải tỏa nay không còn gây băn khoăn cho
cư dân khu mobile home ở dọc đường Bolsa vì đó là đề nghị cách nay hơn một năm
của một công ty tư vấn về địa ốc. Công ty này có nhiệm vụ nghiên cứu tiềm năng
thương mại của khu vực Little Saigon và đưa ra đề nghị với thành phố. Tuy
nhiên, hội đồng thành phố còn phải căn cứ vào nguyện vọng của người dân để tính
toán vấn đề mỹ quan của thành phố chứ không hoàn toàn dựa vào ý kiến của công
ty tư vấn. Ông cũng cho rằng tiền thuê đất các khu mobile home tăng cao hiện
vẫn là vấn đề khó giải quyết vì đó là đất của tư nhân, chính quyêàn thành phố
không có thẩm quyền can thiệp. Ông nói: “Trước đây khoảng 20 năm, tiểu bang California
có luật kiểm soát giá cho thuê đất (Rent control). Nhưng thời gian qua lâu,
không rõ là hiện nay có còn hiệu lực ở cấp tiểu bang hay không. Tuy nhiên,
không phải khu mobile home nào tiền đất cũng cao.”

Ông Tạ Đức Trí là cư
dân khu mobile home Mission Del Amo góc đường Bolsa – Bushard đã 5 năm nay. Ông
cho biết, khu nhà mobile home khá thuận tiện nhờ không khí biệt lập, có phần
riêng tư so với căn nhà apartment, mà giá cả lại nằm trong khả năng tài chính
của cư dân có lợi tức thấp. Ông nói: “Sống ở mobile home có điều không thuận
tiện là phải trả tiền thuê đất hàng tháng đều đặn. Những người muốn nhà có vườn
rộng để chăm sóc thì không thích vì diện tích đa số mobile home nhỏ, sân chật.
Những ai không thích làm vườn nhiều lắm mà thích riêng tư thì chọn mobile
home.”

Del Prado sốt giá cho
thuê…

mobilehome-Sales.jpg(Nhà rao bán ở khu mobile home Del Prado)

Từ vài năm trở lại đây,
cư dân khu mobile home Del Prado, góc Bolsa – Newland sốt vó vì giá tiền thuê đất
bị đẩy lên không ngừng, tới $1.500 – 1.600/tháng đối với người mới vào. Bà Cảnh
Bùi, cư dân ở đây đưa phóng viên Viễn Đông đi thăm một vòng để nhìn thấy một
loạt nhà treo bảng bán. Chúng tôi nhìn thấy tới 5 căn nhà treo bảng chỉ riêng
tại một con đường nội bộ. Nhiều căn khác bị giăng dây vàng bao quanh vì chủ nhà
đã “bỏ của chạy lấy người”. Các căn nhà rao bán $25.000 – 30.000 đô cả năm trời
cũng không có “ma” nào đến hỏi.

Một cư dân khác còn
cho biết, tháng Mười Hai năm ngoái đã có nhiều người gồm cả cư dân Mỹ, Mễ, Việt
rủ nhau làm đơn thu thập chữ ký cư dân phản đối giá thuê đất tăng cao, nhưng
rồi cũng không đi tới đâu. Họ cho biết cách nay hai năm, tiền thuê đất tăng
khoảng 4 – 5% một năm, nhưng năm vừa rồi tăng đến 10% một năm. Ông nói: “Người
quản trị khu nhà này cũng rất khó chịu. Họ bắt mình phải chặt cây lùm xùm, sơn
nhà mới lại. Có nhà treo màn sáo cũng không cho, hoặc đậu xe lâu quá ở park
cũng không được…”. Nói tóm lại, vì bộ mặt sạch đẹp của khu nhà mà ông quản trị
viên trở nên “hách xì xằng”, không để cư dân bày bàn ghế ngoài hành lang trống
trải. Một số cư dân ở đây bực bội nên làm đơn kiện, kiện không được phải bán
nhà đi nơi khác.

Nếu không bị dọa đuổi
thì tuyệt vời…

Đối với hầu hết cư
dân ở các khu mobile home khác không bị dọa đuổi nhà, hoặc hiện nay tin đồn đã
lắng xuống thì gần trung tâm Little Sài Gòn là đặc điểm hết sức lý tưởng đối
với họ. Căn nhà hai phòng của cụ Nhị ở khu mobile home Bolsa Verde sát thương
xá Phước Lộc Thọ bày trí đẹp mắt, nghệ thuật không thua một căn nhà biệt lập.
Trên bàn salon ở phòng khách trưng bày cả một phiến đá đen cạnh một khóm hoa.
Toàn bộ phòng ốc đều có nhiều vật dụng kiểu Nhật. Cụ nói: “Các món vật dụng này
có thứ của mẹ mua, có thứ của con mua vì cả hai mẹ con đều thích “gu” Nhật Bản.
Tôi không thích kiểu Tàu vì đã xưa, cũ rồi trong khi kiến trúc Nhật có nét
thanh hơn nhiều”. Theo cụ, không nên bày biện nhiều đồ đạc trong nhà, không mua
đồ lung tung. Cụ còn nói: “Nhà người ta cứ tiếc, nên để tích tụ lại đủ thứ lỉnh
kỉnh. Trời lạnh thấy hôi hám, trời nóng thì lại thấy nực quá. Cứ sơ sài, giản
dị, gọn và sạch, lau chùi sạch sẽ. Cần nhất là sạch và ít đồ”.

Cụ cho biết thêm:
“Tôi ở đây đã 6 năm. Trước kia tôi ở với con, toàn nhà lớn, đẹp, có hồ tắm các
thứ đẹp lắm nhưng tôi lớn tuổi rồi, phải ở gần bác sĩ. Dù giàu hay nghèo thì
con cũng bận đi làm, không giúp mình được nhiều. Ở đây bị đau chân mà không đi được
thì gọi các nhân viên dịch vụ đến đưa mình đi bác sĩ. Ở nhà lớn được sung sướng
tấm thân nhưng đó cũng là nhà của con. Ở khu mobile home này, tôi thấy ấm cúng,
được tự do hơn. Bắt đầu một ngày, cậu con đi làm suốt chỉ có bà già ở nhà một
mình. Thế là buổi sáng sau khi dọn giường chiếu tươm tất rồi, tôi bắt đầu vệ
sinh cá nhân, rồi sửa soạn ăn sáng, uống trà, có khi xay rau má uống”.

Với cụ Nhị, ở nhà
mobile home tiện lợi vì không tốn tiền thuế. Khi nào thấy hơi lạnh hơn so với
nhà biệt lập thì mở máy sưởi nhỏ để ở chân giữ ấm. Cụ cho biết: “Ở một mình ở đây
gần chợ, gần đường, muốn mua gì thì rủ bạn đi chợ cùng mua cá, mua rau. Hồi trước
ở với con thì xa lắm, một cháu ở Pasadena, một cháu ở Texas. Cháu ngoan, có
hiếu, nhưng ở khu toàn là Mỹ. Ngày nào tôi cũng thui thủi một mình, buổi sáng
gặp họ lại cứ “good morning, how are you” rồi thôi, không tâm sự gì được. Ở đây
gần bạn bè, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt rôm rả cả ngày, vui
lắm”.

Một trong những đặc điểm
bất tiện của nhà mobile home là lạnh quá vào mùa đông và nóng quá vào mùa hè.
Tuy nhiên, theo ông Steven Vũ, một chuyên viên xây dựng ở thành phố Garden
Grove, sự bất tiện đó hoàn toàn có thể xóa được bằng cách đặt một cuộn giấy
cách âm vào trong vách, hoặc bỏ vách cũ, lắp vách của nhà biệt lập, với chi phí
khoảng 5.000 đô la thì căn nhà coi như toàn hảo. Steven cho biết, vách cách âm
giúp nhà mobile home không bị nóng quá hay lạnh quá: trời lạnh mở máy sưởi,
trời nóng mở máy lạnh, vách cách âm giữ kín, không để hơi thoát ra ngoài.


ràng là nhà mobile home vùng Little Sài Gòn vẫn còn là khu nhà lý tưởng của đa
số cư dân Mỹ gốc Việt, nếu không bị đuổi nhà hay vì những tin đồn làm cuộc sống
của họ trở nên xáo trộn, bất an.

© Vien Dong Daily News

Rate this post

Viết một bình luận