Ngâm chân bằng thảo dược trị nhiều bệnh

Một số loại nước ngâm chân đơn giản

Nước gừng tươi: Tác dụng tốt với người sợ lạnh hoặc hay bị lạnh chân tay, giúp tuần hoàn máu tốt. Cách làm: Gừng tươi 20 – 30g, đập dập, cho vào khoảng nửa nồi nước, đậy kín vung để tránh làm bay hơi một số chất trong gừng, đun sôi trong khoảng 10 phút. Đổ toàn bộ nước và gừng đã đun vào chậu pha thêm nước lạnh khoảng 40 độ là ngâm được.

Ngâm chân bằng thảo dược giúp tăng cường lưu thông máu, giúp xương, khớp dẻo dai.

Ngải cứu: Có tác dụng cải thiện chức năng phổi, rất tốt đối với các bệnh nhân viêm phế quản mạn tính và những người thường xuyên bị ho có đờm. Cách làm: Ngải cứu tươi 20 – 30g, cho vào nửa nồi nước đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ cả lá và nước pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 40 độ thì ngâm hai chân. Không được ngâm quá mắt cá chân.

Vỏ quế và hoa tiêu: Có tác dụng rất tốt trị chứng phù thũng do chức năng bài tiết của thận. Cách làm: Vỏ quế, hoa tiêu mỗi thứ 15g cho vào nồi đổ nước, đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ ra chậu pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 40 độ là được. Chú ý không được ngâm quá mắt cá chân.

Hồng hoa: Có tác dụng hoạt huyết thông kinh, tiêu ứ, giảm đau. Dùng tốt cho người thường bị chứng tê cóng hoặc da bị nứt nẻ khi trời lạnh. Cách làm: Lấy 10 – 15g hồng hoa cho vào nồi đổ nước, đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, đổ cả nước và bã ra chậu, pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 40 độ là được. Không được ngâm quá mắt cá chân. Nếu dùng 30 – 50g ngải cứu khô và 10 – 15g hồng hoa đun nước ngâm chân thì còn có thể kích thích tuần hoàn máu, phòng chống và giảm nhẹ được chứng cong phồng tĩnh mạch và chứng viêm dây thần kinh ngoại vi.

Ngâm sao cho đúng cách?

Khi ngâm có thể kết hợp nhiều loại thảo dược trên và ngâm thảo dược trong nước khoảng 15 – 30 phút trước khi nấu để hoạt chất trong dược liệu dễ hòa tan hơn. Tùy vào điều kiện, thùng ngâm chân có thể dùng thùng nhôm hoặc thùng gỗ, có chiều cao lên tới gối, nếu được thùng gỗ càng tốt. Nước thuốc có thể pha thêm nước lạnh sao cho độ ấm khoảng 40 độ C là vừa, lượng ít hay nhiều tùy người sử dụng. Khi ngâm, không nên nhúng ngay bàn chân vào chậu nước mà nên đặt bàn chân cách mặt nước một khoảng để xông hơi trước, vừa giúp chân không bị “sốc nhiệt” và giúp nở lỗ chân lông. Sau đó từ từ hạ bàn chân sát mặt nước rồi mới ngâm cả chân.

Lưu ý: Những người bị bệnh da như nấm, chàm, ghẻ, lở khi áp dụng biện pháp ngâm chân cần có chỉ định của thầy thuốc và có thùng ngâm riêng để tránh lây bệnh cho người khác. Nên ngâm chân sau bữa ăn, trước khi đi ngủ 30 phút là tốt nhất.

Bác sĩ  Lê Hoài Hương

Rate this post

Viết một bình luận