Ở nước nào cũng có chuyện đọc thơ biểu diễn trước công chúng, nhưng ngâm thơ như ở Việt Nam thì ít thấy, bởi thế, ở các nước khác, không có động từ ngâm, nên ngâm thơ được dịch là hát (kể) thơ (chant of recite a poem).
Ngâm thơ thật hiệu quả khi thể hiện các thể thơ truyền thống, như thơ tứ tuyệt, thơ thất ngôn… và đặc biệt là thể thơ lục bát. Chỉ riêng thể thơ lục bát, ở nước ta đã có nhiều cách ngâm khác nhau, “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du có một kiểu ngâm riêng, điều ấy chứng tỏ ngâm thơ ở nước ta phong phú đến chừng nào! Ngâm thơ là một cách hát thơ, nhưng nó khác hát các ca khúc ở chỗ người ngâm tự tạo lấy nhạc điệu và tiết tấu.
Mặt khác, không có một trường lớp chính quy nào dạy cách ngâm thơ như các trường thanh nhạc. Bản thân người nghệ sĩ phải tự mày mò tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước thông qua truyền khẩu.
Có thể nói rằng, nghệ thuật ngâm thơ ở nước ta được phát triển có phần đóng góp to lớn của Đài Tiếng nói Việt Nam trong tiết mục Tiếng thơ, qua giọng ngâm của các nghệ sĩ Châu Loan, Trần Thị Tuyết, Văn Thành, Linh Nhâm, Kim Cúc, Lài Tâm, Vũ Kim Dung, Hoàng Thanh, Hà Vi… và sau này là Hồng Ngát, Văn Chương và Vương Hà, trong đó NSƯT Trần Thị Tuyết là một điển hình.
Ngâm thơ đã trở thành một món ăn tinh thần của đông đảo khán, thính giả. Nhiều nhà thơ nổi tiếng cũng muốn thơ của mình được ngâm, như nhà thơ Tố Hữu thích ngâm theo giọng Huế và rất mến mộ các nghệ sĩ gốc Huế như Châu Loan, Lài Tâm…
Bài thơ “Mẹ Suốt” của Tố Hữu đã đến với thính giả qua giọng ngâm của hai nghệ sĩ này, khi kết hợp hài hòa giữa ngâm thơ truyền thống với hò Huế và dân ca Bình Trị Thiên. Bài thơ “Mẹ Suốt” qua giọng ngâm quen thuộc đến nỗi, một thời gian dài, mỗi khi gặp hai câu mở đầu “Lặng nghe mẹ kể ngày xưa/ Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” thì ngay một độc giả người Bắc cũng thích đọc theo âm Huế!
Nhưng không phải nhà thơ nào cũng thích thơ mình được ngâm và thích nghe ngâm thơ, điển hình là nhà thơ Xuân Diệu. Nhà thơ Xuân Diệu không thích người khác ngâm thơ mình, và nói chính xác rằng, ông dị ứng với ngâm thơ!
Một lần cơ quan nọ mời ông nói chuyện thơ, phông màn, bàn ghế hội trường và kể cả buổi liên hoan sau buổi nói chuyện cũng đã được chuẩn bị chu đáo, thế mà khi đến nơi, thấy một nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng đã đến trước, Xuân Diệu hỏi: “Cái cô T. kia đến đây làm gì?”.
Sau khi nghe trả lời là để ngâm thơ minh họa, thế là Xuân Diệu đùng đùng bỏ về. Những người lãnh đạo cơ quan phải chạy theo, vừa giải thích, vừa níu kéo…, cuối cùng Xuân Diệu mới chịu ở lại nói chuyện, nhưng phải kèm theo một điều kiện: “Giờ làm việc, thì chỉ có mình tôi nói. Giờ giải lao, chờ khi tôi đi ra khỏi hội trường thì cô T. mới vào ngâm thơ”! Kể ra nhà thơ Xuân Diệu cũng quá cực đoan, chứ nghệ sĩ ngâm thơ có làm chi nên tội, trong khi số đông thính giả thích nghe ngâm thơ.
Xuân Diệu, Vũ Quần Phương và Nguyễn Bùi Vợi là ba nhà thơ Việt Nam có nhiều buổi nói chuyện thơ trước công chúng nhất nước, nhưng quan niệm về việc ngâm thơ của họ rất khác nhau. Là người công tác nhiều năm ở tiết mục Tiếng thơ thuộc ban Văn nghệ của Đài, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi biết được tác dụng của việc ngâm thơ đối với công chúng, nên khi nói chuyện thơ trong thành phố cũng như những chuyến đi dài ngày ở các tỉnh như Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa…, ông luôn mời các nghệ sĩ ngâm thơ minh họa như Vũ Kim Dung, Hoàng Thanh…cùng đi.
Ông từng tâm sự rằng: “Có nghệ sĩ ngâm thơ minh họa cùng đi, không những làm cho buổi nói chuyện của mình thêm sinh động, mà còn đáp ứng sự đòi hỏi bức thiết của thính giả. Có bài thơ mình đã thuộc lòng từ lâu, không biết bao lần đã được nghe ngâm, thế mà mỗi lần nghe, lại một lần xúc động, chả trách có nhiều thính giả lau nước mắt vì hoàn cảnh người phụ nữ trong bài thơ mà giọng ngâm đưa lại”.
Khá nhiều nhà thơ Việt Nam thích thơ mình được các nghệ sĩ (như Quang Hưng) đọc diễn cảm trên nền nhạc piano, nhất là đối với các bài thơ tự do. Không mấy nhà thơ thành kiến với nghệ thuật ngâm thơ, nhưng đòi hỏi nghệ sĩ ngâm thơ ngoài giọng tốt ra, phải tìm cách thể hiện thích hợp với từng bài thơ.
Đáng tiếc là một số nghệ sĩ ngâm thơ chưa làm được việc này, nên nhiều khi người nghe có cảm giác như nghệ sĩ ấy “khoe giọng”, hơn là làm việc truyền cảm xúc của tác giả và ý tứ bài thơ đến người nghe. Đó là chưa kể một số nghệ sĩ do thiếu khâu chuẩn bị, nghiên cứu tác phẩm nên đã ngâm sai thơ, không chỉ làm tác giả bực mình mà còn gây phản cảm đối với những thính giả đã thuộc lòng bài thơ ấy. Trong bài “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, có hai câu:
Không có kính, rồi không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Không biết vì sao, một nghệ sĩ lại ngâm thành:
Không có mui xe, thùng xe có nước.
Khi tác giả góp ý thì nghệ sĩ nói rằng: “Em nghĩ là xe không có mui, không ngăn được mưa nên thùng xe có nước là chính xác chứ”? Phạm Tiến Duật chỉ biết cười!
Hay như bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên, có đoạn:
Tôi nhớ
Giường kê cánh cửa
Bếp lửa khoai vùi…
để nhắc lại kỷ niệm của người lính khi đến nghỉ nhờ ở nhà dân, chủ nhà đã tháo cánh cửa xuống cho bộ đội kê làm giường. Thế nhưng một nghệ sĩ ngâm thơ lại ngâm thành:
Tôi nhớ
Giường kê cạnh cửa…
tức là nói cái vị trí kê giường (bên cạnh cửa)! Tác giả Hồng Nguyên vì qua đời quá sớm không nghe được điều này, còn thính giả chỉ biết lắc đầu tiếc nuối vì một dấu sắc đánh rơi thành dấu nặng, biến một tình tiết thú vị thành một chuyện thường tình!
Khi ngâm thơ, không chỉ ngâm sai từ, sai chữ làm thay đổi ý nghĩa câu thơ, mà kể cả cách ngắt nhịp không đúng có khi làm câu thơ tối nghĩa. Trong bài thơ “Sợi tóc hai màu” của tôi, có hai câu:
Trục thời gian tượng hình trước mặt
Ta đang ta, hay ta khác ta rồi?
Nhưng trong một bản in, người ta bỏ sót dấu phẩy ở câu thứ hai, biến thành: “Ta đang ta hay ta khác ta rồi?”. Kể ra sai sót này cũng chưa đáng kể lắm, không ngờ một nghệ sĩ đã ngắt giọng sai và ngâm thành:
Ta đang/ ta hay/ ta khác/ ta rồi
để khi chính tác giả nghe cũng chẳng hiểu câu thơ ấy nói gì!
Cùng với đọc diễn cảm thơ (trên nền nhạc), ngâm thơ là một hình thức biểu diễn thơ hết sức đặc sắc của dân tộc ta. Ngoài hai hình thức trên, hiện nay một số nhà thơ trẻ còn thể nghiệm hình thức mới là diễn thơ, mà hai Ngày thơ Việt Nam gần đây đã diễn ra ở Sân khấu thơ Trẻ ở Văn Miếu. Một số khán giả ủng hộ, nhưng có người nghi ngờ hiệu quả của hình thức này, bởi thấy nặng về ngoại hình, chứ việc chính là truyền cảm xúc của tác giả cùng ý tứ của bài thơ đến với người nghe thì chưa làm được bao nhiêu, so với hai hình thức biểu diễn thơ truyền thống…
Tháng 3/2009