NGÂM THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HÀ GIANG

        Hình ảnh: Các bệnh nhân đang thực hiện thủ thuật ngâm chân tại khoa Y học cổ truyền

     Từ xa xưa nhiều sử sách đông y việt nam đã ghi nhận việc sử dụng nước để giữ gìn, nâng cao sức khoẻ và chữa bệnh như: Ngâm mình trong suối nước khoáng ấm để giảm đau khớp, nhức mỏi cơ thể, chữa mất ngủ, điều trị các bệnh ngoài da. Đun nóng hòn đá rồi cho vào nồi nước có sẵn một số cây lá thuốc để tạo hơi thuốc xông chữa cảm, cúm, đau nhức xương khớp.

     Nhiều bài thuốc, cây thuốc đã được nhân dân ta sử dụng để đắp, rửa bôi, tắm ngâm, xông, hun, …chữa các bệnh ngoài da, trĩ, cơ xương khớp, thần kinh,…có tác dụng tốt như: Nhị diệu tán, Khô trĩ tán, Khởi trĩ thang, Thanh đại tán, Hoả độc tán, Khổ sâm thang..

Theo Dược điển Việt nam III nhiều vị thuốc dùng ngoài đã được ghi nhận như: Mã tiền, Huyết giác, Ô đầu, Long não, Đại hồi, Địa liền, Đinh hương, Quế, Gừng hay Riềng ấm, Thiên niên kiện, Huyết giác, Thương truật,..

     Y học phương tây từ nhiều thế kỷ đã áp dụng tính chất cơ học và nhiệt học của nước tác động lên mặt ngoài cơ thể để trị liệu, đó là phương pháp Thuỷ trị liệu (Hydrotherapy) bao gồm nhiều kỹ thuật đa dạng tác động toàn thân hay cục bộ như: đắp, ngâm, xông hơi, tia nước trị liệu, khí dung,…

Theo y học hiện đại khi cơ thể được ngâm, xông nước nóng thì xảy ra các tác dụng sau:

+ Mồ hôi tiết ra nhiều, tăng cường sự bài tiết nước tiểu do giãn mạch ngoại vi.

+ Nhịp tim tăng lên thông qua sự kích thích các cơ quan thụ cảm ở da làm tăng cường lưu thông máu trong cơ thể.

+ Huyết áp giảm, nhịp thở tăng lên.

+ Giảm hưng phấn của hệ thần kinh.

     Ngâm thuốc có tác dụng kích thích hệ tuần hoàn, tiêu hoá, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hoá, chống viêm, chống stress và điều hoà cơ thể. Đặc biệt ngâm thuốc giải phóng cho cơ thể khỏi những cơn đau do co gân cơ, cứng khớp.

     Dựa theo phương pháp y học cổ truyền từ xưa kết hợp với phương pháp thủy trị liệu của Y học hiện đại , Khoa Y học cổ truyền – bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang , thực hiện phương pháp ngâm thuốc Y học cổ truyền để điều trị các bệnh lý cơ xương khớp , thần kinh và rối loạn giấc ngủ

     Phương pháp này kết hợp tác dụng của nhiệt và tác dụng của các loại thuốc đông y nhằm thông kinh hoạt lạc bị tắc nghẽn, tăng cường lưu thông máu, cải thiện  trao đổi chất, cơ xương khớp dẻo dai, tăng sức đề kháng, chữa được  nhiều  bệnh tật.

     Vậy phương pháp ngâm chân được dùng trong những trường hợp nào, quy trình ra sao? Sau đây chúng tôi xin được giới thiệu :

1, CHỈ ĐỊNH

– Viêm khớp, đau khớp, đau và viêm dây thần kinh, đau cơ, bong gân, cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động, sẹo co kéo, mỏm cụt đau, …

– Đau do co thắt cơ quan tiêu hoá và tiết niệu, sinh dục.

– Tăng huyết áp, …

– Bệnh ngoài da: viêm da dị ứng, tổ đỉa, nấm, chàm,…

– Vết thương nhiễm khuẩn.

– Tắc động mạch hay tĩnh mạch ở người bệnh.

– Trĩ, nứt kẽ hậu môn, viêm phần phụ, sa sinh dục, sa trực tràng, …

– Rối loạn thần kinh thực vật: mồ hôi lòng bàn tay, bàn chân, một số bệnh rối loạn vận mạch, …

– Chống stress, an thần, giảm béo, giải độc, …

2. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Dị ứng với các thành phần của thuốc.

– Vết thương hở.

– Bệnh cấp cứu.

– Thận trọng:

– Người bệnh say rượu, tâm thần.

– Trường hợp giảm cảm giác nóng, lạnh.

– Trẻ em, người già sa sút trí tuệ, …

– Người có tiền sử động kinh.

3. CHUẨN BỊ

3.1. Người thực hiện Bác sĩ, y sĩ, lương y, kỹ thuật viên, điều dưỡng được đào tạo về y học cổ truyền có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định của luật khám bệnh, chữa bệnh.

3.2. Trang thiết bị

– Nước thuốc ngâm của bài thuốc để ngâm hoặc thuốc bột để hãm với nước sôi.

– Phòng ngâm hoặc phòng điều trị đảm bảo sự riêng tư của người bệnh, kín gió.

– Bồn ngâm có kèm theo chế độ sục và điểu chỉnh nhiệt độ

– Thuốc ngâm chân được sắc đóng túi

– Khăn lau tay, khăn tắm.

– Quần áo sạch để thay.

– Ghế ngồi cho người bệnh.

– Xà phòng rửa tay

– Dầu tắm, dầu gội đầu.

– Dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

– Bàn chải, dung dịch vệ sinh bồn ngâm, chậu ngâm; dung dịch vệ sinh phòng ngâm.

– Găng tay cao su, dép chống trơn trượt.

– Giường nghỉ cho người bệnh sau khi ngâm thuốc toàn thân.

– Hộp chống shock, thuốc chống dị ứng.

– Thuốc trị bỏng (panthenol, …).

– Nước uống.

3.3. Thầy thuốc, người bệnh

– Thầy thuốc: khám và làm bệnh án theo quy định, kê đơn thuốc ngâm phù hợp với bệnh cảnh và điều kiện của từng bệnh nhân , hướng dẫn quy trình ngâm thuốc để người bệnh yên tâm hợp tác. Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh.

– Người bệnh tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc.

4. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

4.1. Thủ thuật

– Ngâm bộ phận

– Bộ phận: chuẩn bị chậu ngâm. Người bệnh bộc lộ và làm sạch bộ phận cần ngâm và uống đủ nước.

– Kiểm tra nhiệt độ của nước ngâm xem nóng quá hoặc chưa đủ nóng đề điều chỉnh, nhiệt độ thích hợp từ 35 – 390C.

– Ngâm bộ phận cần điều trị vào nước thuốc.

– Trong quá trình ngâm thuốc người bệnh tự xoa bóp vùng trị liệu để tăng hiệu quả.

– Làm sạch vùng trị liệu vừa ngâm bằng nước sạch, uống nước bổ sung.

4.2. Liệu trình điều trị

– Ngâm thuốc 15 – 20 phút/lần, 1 – 2 lần/ngày, tùy thuộc vào vị trí, tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh.

– Một liệu trình điều trị từ 10 – 20 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của từng bệnh, có thể tiến hành 2 – 3 liệu trình liên tục.

5. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

5.1. Theo dõi:

– Trong quá trình ngâm theo dõi nhiệt độ nước ngâm đề phòng bị bỏng.

– Những diễn biến trong quá trình ngâm, những tác dụng không mong muốn như: dị ứng, mệt mỏi, chóng mặt, …

5.2. Xử trí tai biến:

– Tại chỗ:

 + Bỏng do nước quá nóng, xử lý bỏng theo phác đồ

 + Dị ứng với thuốc ngâm: dừng ngâm, làm sạch thuốc trên da bằng nước sạch, dùng thuốc điều trị dị ứng

 – Toàn thân: Cho người bệnh nằm nghỉ nếu thấy mệt mỏi, chóng mặt. – Xử trí shock theo phác đồ.

Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện đa khoa tỉnh

Rate this post

Viết một bình luận