Ngán ngẩm học môn đại cương, “ét-vê” giải quyết cách nào?

Không nghĩ lại khó đến vậy

Được tuyển thẳng vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dù đã chuẩn bị tâm thế chiến đấu với những môn đại cương từ trước nhưng tân sinh viên ngành Sư phạm Tiểu học (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) Nguyễn Thanh Thảo vẫn rất choáng ngợp khi bước vào môn Triết học Mác Lênin bằng hình thức trực tuyến.

Ngán ngẩm học môn đại cương, Cô nàng Nguyễn Thanh Thảo, tân sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Thanh Thảo tâm sự: “Mình cũng nghe nói về các môn học đại cương thường rất khó. Bản thân đã chủ động chuẩn bị bài vở trước khi lên lớp nhưng học online làm mình hạn chế nhiều thứ. Nếu trên lớp, những kiến thức này có thể được giảng viên thể hiện trực quan, rõ ràng thông qua việc giao tiếp, nắm bắt tâm lý sinh viên thì giờ đây với việc học trực tuyến quả là một trở ngại lớn. Học online khiến chúng mình cũng ngại phải hỏi lại điều gì đó khi chưa hiểu…”.

Đã là lần thứ 2 học lại môn Pháp luật Đại cương nhưng Nguyễn Duy Anh (sinh viên năm 2, Học viện Tài chính) vẫn đang loay hoay tìm cách học online sao cho hiệu quả để trả nợ môn.

Ngán ngẩm học môn đại cương, Những môn học đại cương gây “ám ảnh” nhiều sinh viên

Các môn Triết học, Pháp luật Đại cương, Xác suất thống kê là nỗi ám ảnh của rất nhiều thế hệ sinh viên. Có quá nhiều lời đồn đại như “cứ thi là trượt” hay “không ra được trường vì nợ môn đại cương” khiến sinh viên năm nhất dù chưa học nhưng nghe tên đã thấy “run”.

Tìm cách học đúng đắn

PGS.TS Trần Hải Minh, Phó Trưởng khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Nhiều bạn từ cấp III quen với phương pháp học thuộc lòng. Lên đại học có rất nhiều môn, mỗi môn lại có lượng kiến thức lớn nên dùng phương pháp này khó hiệu quả. Các bạn phải hiểu vấn đề, đúc kết cái nào quan trọng nhất để ghi nhớ.

Những môn đại cương thường sẽ học vào năm thứ nhất, thứ hai. Đây là giai đoạn mới chuyển tiếp từ cấp III lên đại học, đặc biệt trong bối cảnh học online nhiều bạn chưa biết cách học sao cho hiệu quả. Vì vậy, các bạn nên tham khảo cách học từ các anh chị khóa trước, đặc biệt là nhờ tới sự giúp đỡ của cố vấn học tập cũng như các thầy cô bộ môn giải đáp thắc mắc kịp thời, tránh e ngại vì giảng viên thấy lớp không phản hồi cũng thường mặc định lớp tiếp thu ổn…”.

Ngán ngẩm học môn đại cương, PGS TS Trần Hải Minh, Phó Trưởng khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Theo PGS.TS Trần Hải Minh: Nhiều sinh viên luôn mặc định những môn đại cương chỉ học để qua. Sinh viên không hiểu, chính môn đại cương như: Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Pháp luật đại cương, Tâm lý, Xác suất thống kê… sẽ giúp bạn có tư duy logic và phương pháp học tốt các môn chuyên ngành của mình. Môn đại cương là nền móng cho các môn học sau này của bậc đại học.

Để đạt được điểm cao những môn đại cương này không phải là điều quá khó. Bạn Đỗ Hải Bình, sinh viên năm 4, khoa Chính trị học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết: “Trên thực tế, để đạt điểm cao các môn đại cương thì không hề khó nếu bạn chú ý nghe giảng trong lớp. Vì chú ý nghe giảng là cách đơn giản nhất để bạn hiểu từ những khái niệm cơ bản đến những nội dung phức tạp. Hầu hết những nội dung có trong bài thi sẽ được thầy cô phân tích khá kỹ trong tiết học. Nếu bạn chú ý và ghi chép thông minh, việc ôn thi đã nhẹ nhàng đi một nửa rồi”.

“Bên cạnh đó, bạn nhớ liên hệ đến cuộc sống. Rất nhiều trường hiện nay áp dụng đề mở để kiểm tra khả năng vận dụng của sinh viên thay vì học thuộc lý thuyết. Nếu là đề mở, hãy tập trung thời gian để làm thật kĩ phần vận dụng thực tế để ghi điểm. Đừng quên liên hệ trách nhiệm, vị trí của bản thân, trường lớp bạn đang học trong vấn đề được đặt ra ở bài thi để đạt điểm cao”, bạn Đỗ Hải Bình chia sẻ.

Rate this post

Viết một bình luận