Ngành kỹ thuật bao gồm?

[CSC] Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về ngành Kỹ thuật, ngành kỹ thuật là gì? các ngành con của ngành kỹ thuật,…

Ngành kỹ thuật là gì?

Kỹ thuật (tiếng Anh: engineering), có khi còn gọi là ngành kỹ sư, là việc ứng dụng kiến thức khoa học để mang lại giá trị thực tiễn như việc thiết kế, chế tạo, vận hành những công trình, máy móc, quy trình, và hệ thống một cách hiệu quả và kinh tế nhất.

Ngành kỹ thuật vô cùng rộng, nó bao gồm một loạt các lĩnh vực kỹ thuật đặc thù hơn, mỗi lĩnh vực nhấn mạnh đến những lĩnh vực công nghệ và những kiểu ứng dụng riêng. Những người hành nghề kỹ thuật được gọi là kỹ sư.

Tổ chức ECPD (tiền thân của tổ chức ABET) của các kỹ sư Hoa Kỳ định nghĩa “kỹ thuật” là “việc ứng dụng một cách sáng tạo những nguyên lý khoa học vào việc thiết kế hay phát triển các cấu trúc, máy móc, công cụ, hay quy trình chế tạo, hay những công trình sử dụng chúng một cách riêng lẻ hay kết hợp với nhau; hay vào việc xây dựng hay vận hành những đối tượng vừa kể với sự ý thức đầy đủ về thiết kế của chúng; hay để dự báo đặc tính hoạt động của chúng khi được vận hành trong những điều kiện nhất định; tất cả những việc này đều hướng đến một tính năng mong muốn, tính kinh tế khi vận hành, và sự an toàn đối với con người và của cải.”

Trong tiếng Việt, các từ “khoa học“, “kỹ thuật“, và “công nghệ” đôi khi được dùng với nghĩa tương tự nhau hay được ghép lại với nhau (chẳng hạn “khoa học kỹ thuật“, “kỹ thuật công nghệ“). Tuy vậy, kỹ thuật khác với khoa học và công nghệ.

  • Khoa học là hệ thống kiến thức về những định luật, cấu trúc, và cách vận hành của thế giới tự nhiên, được đúc kết thông qua việc quan sát, mô tả, đo đạc, thực nghiệm, phát triển lý thuyết bằng các phương pháp khoa học.
  • Công nghệ là sự ứng dụng những phát minh khoa học vào những mục tiêu hoặc sản phẩm thực tiễn và cụ thể phục vụ đời sống con người, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hoặc thương mại.

Ngành kỹ thuật bao gồm những ngành nào?

Kỹ thuật là một ngành rộng và thường được chia thành nhiều ngành con. Những ngành này liên quan đến những lĩnh vực công việc kỹ thuật khác nhau. Mặc dù ban đầu người kỹ sư có thể được đào tạo trong một ngành cụ thể, nhưng trong suốt sự nghiệp của mình người này có thể làm việc liên quan đến nhiều ngành và trong những lĩnh vực công việc khác nhau.

Những ngành Kỹ thuật chính:

Kỹ thuật thường được xem là có bốn ngành chính: Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật hóa học, và Kỹ thuật xây dựng. Ngoài ra còn có những ngành kỹ thuật khác và những ngành kỹ thuật liên ngành.

Kỹ thuật cơ khí

Kỹ thuật cơ khíKỹ thuật cơ khí

Kỹ thuật cơ khí là lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, và chế tạo những hệ thống cơ học dựa trên những hiểu biết về những lĩnh vực cơ bản như động học, tĩnh học, nhiệt động lực học, cơ học lưu chất, truyền nhiệt, và cơ tính vật liệu.

Kỹ thuật cơ khí có bốn phân nhánh quan trọng: Thiết bị – máy móc dùng để sản xuất hàng hóa, sản xuất năng lượng, thiết bị quân sự, và kiểm soát môi trường.

Những ứng dụng của kỹ thuật cơ khí bao gồm hệ thống cung cấp điện và năng lượng, sản phẩm hàng không và không gian, hệ thống vũ khí, phương tiện vận tải, động cơ đốt trong, tàu điện, chuỗi động (kinematic chain), công nghệ chân không, thiết bị cách ly rung động, robot, tuabin, thiết bị âm thanh, hệ thống sản xuất công nghiệp, kỹ thuật nhiệt, và cơ điện tử.

>> Xem thêm: Danh sách Trường Đại học đào tạo ngành Kỹ thuật cơ khí

Kỹ thuật điện

Kỹ thuật điệnKỹ thuật điện

Kỹ thuật điện là lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, và chế tạo những hệ thống điện và điện tử.

Những lĩnh vực chuyên ngành của kỹ thuật điện bao gồm: hệ thống năng lượng (như hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện), kỹ thuật điện tử (mạch điện tử và các linh kiện như điện trở, tụ điện, diode bán dẫn, transistor), kỹ thuật điều khiển–tự động hóa (như bộ xử lý tín hiệu số DSP, vi điều khiển, PLC, dụng cụ đo), vi mạch điện tử (như vi mạch tích hợp, công nghệ vi chế tạo, công nghệ micro, công nghệ nano), hệ thống viễn thông (như cáp đồng trục, cáp quang), hệ thống máy tính (như máy tính cá nhân hay hệ thống điều khiển trung tâm).

Thông thường, hai phân ngành kỹ thuật điện tử và kỹ thuật máy tính được tách riêng thành hai lĩnh vực độc lập với kỹ thuật điện.

>> Xem thêm: Danh sách Trường Đại học đào tạo ngành Kỹ thuật điện

Kỹ thuật hóa học

Kỹ thuật hóa họcKỹ thuật hóa học

Kỹ thuật hóa học là lĩnh vực thực hiện sự biến đổi vật chất dựa trên những nguyên lý cơ bản về hóa học, vật lý, và toán học. Những khái niệm đặc trưng của ngành kỹ thuật hóa học bao gồm: tính toán, thiết kế và vận hành nhà máy, thiết kế quá trình hóa học (như sấy, lọc, trích ly, bay hơi) và hiện tượng vận chuyển (như truyền khối, truyền nhiệt, cơ lưu chất). Những kỹ sư hóa học tham gia nghiên cứu, thiết kế và vận hành những quá trình hóa học ở quy mô công nghiệp như sản xuất hóa chất cơ bản, lọc–hóa dầu, dược phẩm, polyme (như nhựa, sợi tổng hợp), giấy, năng lượng hạt nhân, luyện kim, nhiên liệu…

>> Xem thêm: Danh sách Trường Đại học đào tạo ngành Kỹ thuật hóa học

Kỹ thuật xây dựng

Kỹ thuật xây dựngKỹ thuật xây dựng

Kỹ thuật xây dựng là lĩnh vực thiết kế, xây dựng, và bảo trì những công trình công cộng–tư nhân, như hạ tầng cơ sở (sân bay, cảng, đường bộ, đường sắt, hệ thống cấp nước và hệ thống xử lý nước, v.v…), cầu, đập nước, và các tòa nhà.

Kỹ thuật xây dựng được chia thành nhiều chuyên ngành như kỹ thuật kết cấu, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật khảo sát xây dựng. Về mặt lịch sử, ngành kỹ thuật xây dựng được tách ra từ ngành kỹ thuật quân sự.

>> Xem thêm: Ngành Kỹ thuật xây dựng bao gồm?

Kỹ thuật hàng không vũ trụ

Kỹ thuật hàng không vũ trụ chuyên nghiên cứu, thiết kế, và chế tạo máy bay, vệ tinh, hỏa tiễn, trực thăng… Lĩnh vực này nghiên cứu sâu về sự chênh lệch áp suất và các hệ khí động lực học của một thiết bị nhằm đảm bảo an toàn và hiệu suất cao nhất. Vì đây là lĩnh vực nghiên cứu về lưu chất nói chung, nên có thể ứng dụng vào bất kỳ loại phương tiện di chuyển nào, ví dụ như xe hơi.

Kỹ thuật hàng hải

Kỹ thuật hàng hải là lĩnh vực liên quan đến bất cứ thứ gì có mặt trên mặt biển hoặc ở gần biển. Một số ví dụ về đối tượng nghiên cứu của kỹ thuật hàng hải bao gồm: tàu thủy, tàu ngầm, giàn khoan dầu, hệ thống thủy lực, cảng biển… Lĩnh vực này sử dụng kiến thức kết hợp từ nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác như kỹ thuật cơ khí, điện, xây dựng, lập trình.

>> Xem thêm: Danh sách Trường Đại học đào tạo ngành Kỹ thuật Tàu thủy

Kỹ thuật máy tính

Kỹ thuật máy tính là lĩnh vực kết hợp bởi ngành khoa học máy tính và kỹ thuật điện tử nhằm phát triển thiết bị phần cứng và phần mềm máy tính. Những kỹ sư máy tính thường được đào tạo về nhiều lĩnh vực chuyên môn như kỹ thuật điện tử (hoặc kỹ thuật điện), thiết kế phần mềm, tích hợp phần cứng–phần mềm, thay vì chỉ là kỹ thuật phần mềm hoặc kỹ thuật điện tử riêng lẻ.

Kỹ thuật hệ thống

Kỹ thuật hệ thống là lĩnh vực chuyên về phân tích, thiết kế và điều khiển hệ thống kỹ thuật. Lĩnh vực này tập trung vào khoa học và công nghệ của hệ thống công nghiệp, nhằm phân tích và thiết kế hệ thống để sản xuất hàng hóa và dịch vụ một cách hiệu quả.

Các ngành Kỹ thuật liên ngành

Kỹ thuật liên ngành là những lĩnh vực ứng dụng nhiều chuyên ngành kỹ thuật cơ bản khác nhau. Trong quá khứ, ngành kỹ thuật hàng hải và kỹ thuật khai khoáng từng là những phân ngành kỹ thuật chính.

Những lĩnh vực kỹ thuật liên ngành khác bao gồm: Kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật âm thanh, kỹ thuật ăn mòn, kỹ thuật điều khiển–tự động, kỹ thuật không gian, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật thông tin, kỹ thuật dầu khí, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật hệ thống, kỹ thuật thu âm, kỹ thuật kiến trúc, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật hệ sinh học, kỹ thuật sinh học dược, kỹ thuật địa chất, kỹ thuật dệt, kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật vật liệu, và kỹ thuật hạt nhân. Những chuyên ngành kỹ thuật này thuộc 36 viện thành viên thuộc Hội đồng Kỹ thuật Anh quốc.

Một số chuyên ngành mới, được kết hợp với những lĩnh vực truyền thống để tạo nên những lĩnh vực kỹ thuật hoàn toàn mới – như ngành kỹ thuật và quản lý hệ Trái đất bao gồm nhiều lĩnh vực chuyên môn như phương pháp nghiên cứu kỹ thuật, khoa học môi trường, đạo đức kỹ thuật, và nguyên lý kỹ thuật.

Tạm kết

Trong thời đại 4.0, các mạng khoa học, công nghệ kỹ thuật bùng nổ thì việc sử dụng các thiết bị điện tử và máy móc thông minh không còn là điều quá xa lạ và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Và ngành nghề đóng góp to lớn vào những thành tựu này là ngành kỹ thuật, người đưa các thành tựu này đến gần với cuộc sống chính là kỹ sư.

Ngành kỹ thuật là một trong các ngành trọng điểm của nước ta hiện nay. Luôn nhận được sự quan tâm đông đảo của học sinh và các bậc phụ huynh với lượt truy cập tìm hiểu về ngành nghề này là rất lớn. Sức ảnh hưởng của ngành kỹ thuật vô cùng to lớn không chỉ thể hiện qua các mùa tuyển sinh mà còn trong vấn đề tuyển dụng, việc làm.

Khối ngành khoa học là lĩnh vực tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuẩt. Người làm việc về kỹ thuật có nhiệm vụ vận dụng khoa học kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ và quản lý kỹ thuật vào các công đoạn của quá trình sản xuất thậm chí là tham gia cả vào quá trình kinh doanh bán hàng với việc ứng dụng các phần mềm kỹ thuật. Đồng thời, các kỹ sư trong ngành kỹ thuật nghiên cứu, cải tiến phù hợp với trình độ sản xuất của từng đơn vị, cụm đơn vị hay quốc gia.

Kỹ thuật là một lĩnh vực rộng lớn, có thể tham gia vào các giai đoạn của sản xuất đến kinh doanh tiêu thụ, tham gia từ cấp độ sơ khai đến cao cấp. Nó liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất sản phẩm. Những tiến bộ kỹ thuật công nghệ là một yếu quan trọng góp phần cải thiện cuộc sống cả kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục. Với vai trò quan trong thì ngành kỹ thuật đòi hỏi về một đội ngũ cán bộ kỹ thuật cả về số lượng và chất lượng.

5/5 – (16 bình chọn)

Rate this post

Viết một bình luận