Sư phạm mầm non là ngành học truyền thống thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Nhu cầu nhân lực ngành sư phạm mầm non rất cao, thế nhưng hiện nay cung vẫn chưa đủ cầu. Cả nước vẫn còn thiếu trên 45.000 giáo viên mầm non. Theo học ngành này cơ hội việc làm khá rộng mở.
Ngành Sư phạm mầm non là gì?
Ngành sư phạm mầm non (Giáo dục mầm non) là ngành học đào tạo đội ngũ giáo viên:
- Có sự hiểu biết và vận dụng hiệu quả các kiến thức khoa học vào việc tổ chức quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ theo mục tiêu giáo dục mầm non;
- Có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực liên quan đến ngành đào tạo như: Tâm lí học và Giáo dục học mầm non, phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non, phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non và quản lí giáo dục mầm non.
Tốt nghiệp Sư phạm mầm non, người học sẽ:
- Có khả năng tổ chức các hoạt động chăm sóc trẻ mầm non như: vệ sinh cho trẻ và vệ sinh môi trường sinh hoạt, học tập của trẻ, tổ chức chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể chất, phát hiện và xử lí sơ cứu một số vấn đề về sức khoẻ, phòng chống bệnh cho trẻ…
- Có khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ như: hoạt động lễ hội, hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học, hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ, hoạt động cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh, hoạt động cho trẻ làm quen với biểu tượng toán, hoạt động âm nhạc, hoạt động tạo hình, hoạt động giáo dục thể chất…
- Có khả năng tổ chức quản lí giáo dục mầm non.
Sau khi tốt nghiệp sư phạm mầm non, người học sẽ làm việc ở các vị trí như:
- Giáo viên ở các trường mầm non, trường mẫu giáo và nhóm trẻ nhà trẻ.
- Giảng viên giảng dạy các học phần về phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ tại các khoa mầm non của các trường trung học, cao đẳng, đại học.
- Làm công tác quản lý giáo dục mầm non các cấp
Sư phạm mầm non học những môn gì?
Theo học ngành Sư phạm mầm non, sinh viên sẽ được học:
- Các kiến thức giáo dục đại cương như: Các môn Chủ nghĩa Mác Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học xã hội, tự nhiên, nhân văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, quốc phòng
- Các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp như: Tâm, sinh lý trẻ em, giáo dục mầm non, Vệ sinh dinh dưỡng trẻ em, Toán cơ sở, văn học trẻ em, âm nhạc, mỹ thuật, phòng bệnh và đảm bảo an toàn cho trẻ…
- Các kiến thức ngành bắt buộc như: Lý luận phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ em, hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ em, hướng dẫn trẻ làm quen môi trường xung quanh, phát triển ngôn ngữ cho trẻ em, tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ em, tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ em, Đồ chơi và tổ chức hoạt động vui chơi, Giáo dục hoà nhập, Giáo dục tích hợp ở bậc học mầm non…
- Các môn tự chọn như: Phương pháp đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học; Giáo dục hành vi văn hóa cho trẻ, phương pháp đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học; Cấp cứu ban đầu cho trẻ Mầm non, iáo dục kĩ năng sống cho trẻ Mầm non…
- Thực tập sư phạm cuối khóa, Khóa luận tốt nghiệp…
Ngành Sư phạm mầm non cần tố chất gì?
- Nhẫn nại và kiềm chế là tố chất cần thiết của một cô giáo mầm non, vì trẻ em rất dễ bị tổn thương
- Theo nghề giáo viên nói chung buộc bạn phải có trách nhiệm cao với bản thân để trở thành người gương mẫu với trẻ.
- Có khả năng nghệ thuật (Vẽ, hát, múa…) sẽ giúp bạn thu hút trẻ hơn, giúp thành công hơn với nghề
- Yêu trẻ là yếu tố then chốt để thành công với nghề sư phạm mầm non. Yếu tố này là nền tảng cho mọi thái độ, tinh thần trách nhiệm và sự thăng tiến trong nghề của mỗi cô giáo
Giáo viên mầm non tại Trường mầm non Worldkids Gò Vấp; nguồn: worldkids.edu.vn
Ngành Sư phạm mầm non thi khối gì?
Để xét tuyển vào Ngành sư phạm Mầm non, thí sinh sẽ theo khối M.
Khối M là một khối thi đặc thù nên thí sinh sẽ sử dụng điểm thi của 1-2 môn văn hóa (Theo điểm thi tốt nghiệp THPT/học bạ tuỳ trường) để xét tuyển, còn lại 1-2 môn năng khiếu thí sinh sẽ thi tại trường đăng ký hoặc sử dụng kết quả của một trường cũng tổ chức năng khiếu khác để đăng ký xét tuyển.
Khối M gồm các khối nhỏ với tổ hợp môn sau:
Khối
Tổ hợp môn
M00
Văn, Toán, Đọc diễn cảm + Hát
M01
Văn, Sử, Năng khiếu
M02
Toán, KHXH, Năng khiếu
M03
Văn, KHXH, Năng khiếu
M04
Toán, KHTN, Năng khiếu
M05
Văn, Sử, Năng khiếu GDMN
M06
Văn, Toán, Năng khiếu
M07
Văn, Địa, Đọc diễn cảm + Hát
M08
Văn, NK TDTT 1, NK TDTT 2
M09
Toán, Kể chuyện và đọc diễn cảm, Hát
M10
Toán, tiếng Anh, Năng khiếu
M11
Văn, Anh, Năng khiếu GDMN
M13
Toán, Sinh, Năng khiếu
M14
Toán, Địa, Đọc diễn cảm – Hát
Tùy theo từng trường khác nhau mà các nội dung thi năng khiếu được thay đổi sao cho phù hợp với yêu cầu đưa ra. Tuy nhiên, phần thi hát và kể chuyện là bắt buộc với hầu hết các trường tuyển sinh Khối M.
Sư phạm mầm non học trường nào
Ngành Sư phạm mầm non hiện được đào tạo khá rộng rãi ở bậc ĐH lẫn CĐ, ở TP trung ương lẫn các địa phương.
Ở bậc CĐ, hầu như tỉnh nào cũng có đào tạo, ở các trường CĐSP hay CĐ cộng đồng của tỉnh.
Ở trình độ ĐH, bạn có thể tìm hiểu các trường sau:
Trường ĐH có ngành Sư phạm mầm non miền Bắc
- Đại học Sư phạm Hà Nội 1
- Đại học Sư phạm Hà Nội 2
- Đại học Hải Phòng
- Đại học Hùng Vương
- Đại học Tân Trào
- Đại học Sư phạm Thái Nguyên
- Đại học Thủ đô Hà Nội
- Đại học Hoa Lư
Trường ĐH có ngành Sư phạm mầm non miền Nam
- Đại học Sư phạm TPHCM
- Đại học Sư phạm- Đại học Huế
- Đại học Sư phạm- Đại học Đà Nẵng
- Đại học Phú Yên
- Đại học Quốc tế Hồng Bàng
- Đại học Quảng Bình
- Đại học Quy Nhơn
- Đại học Quảng Nam
- Đại học Trà Vinh
- Đại học Hà Tĩnh
- Đại học Đồng Nai
- Đại học Hồng Đức
- Đại học Sài Gòn
- Đại học Vinh
- Đại học Thủ Dầu Một
- Đại học An Giang
- Đại học Đồng Tháp
Học Sư phạm mầm non được ưu đãi chính sách gì?
- Sinh viên Ngành Sư phạm mầm non, cũng như sinh viên học các ngành đào tạo giáo viên khác, từ năm học 2021-2022 sẽ được nhận hỗ trợ, theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
- Theo đó, sinh viên sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học và hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
- Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
- Ngoài ra, khi ra trường đi làm ở một số địa phương còn có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho GV mầm non. VD như TPHCM, giáo viên mầm non mới ra trường ở TP này sẽ được hỗ trợ gần 3 triệu đồng mỗi tháng (100% lương cơ sở), tỷ lệ này là 70% và 50% trong hai năm tiếp theo.