Ngành thiết kế nội thất: Học gì? Học ở đâu? Cơ hội nghề nghiệp thế nào?

du học ngành thiết kế nội thất

Nếu bạn đang có mơ ước học ngành thiết kế nội thất và mong muốn tìm hiểu về cơ hội việc làm trong ngành này, đây chính là bài viết dành cho bạn.

 

Ngành thiết kế nội thất là gì?

Ngành thiết kế nội thất là ngành học về việc xây dựng, thiết lập và kiến tạo không gian nội thất để trở nên hấp dẫn và thông minh hơn với cấu trúc, cách phối màu, đồ đạc và đồ trang trí. 

Cũng cần lưu ý rằng, ngành thiết kế nội thất (interior design) có nhiều khác biệt so với ngành trang trí nhà cửa (decorating). Ngành thiết kế nội thất đòi hỏi nhà thiết kế phải có khả năng hiểu tâm lý, hành vi, thị hiếu của khách hàng, từ đó nghiên cứu, phân tích và tích hợp kiến thức chuyên môn để tạo nên những không gian có chức năng phù hợp. Bên cạnh đó, công việc của một nhà trang trí là sử dụng yếu tố thẩm mỹ để tạo nên những dấu ấn riêng cho không gian. 

 

Thiết kế nội thất là học những gì?

Khi lựa chọn theo học ngành thiết kế nội thất, bạn sẽ được học các kiến thức, kỹ năng liên quan đến quá trình tư vấn, thiết kế và thi công nội thất ở những công trình có công năng khác nhau. Lý thuyết đa phần trải dài trên các môn họa như kỹ năng phối hợp giữa vật liệu và không gian, kỹ thuật thiết kế, cấu trúc công trình, hệ thống, cho đến công nghệ và các dịch vụ liên quan, cũng như lịch sử và xu hướng phát triển của lĩnh vực này…. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ các chuyên gia, bạn sẽ có cơ hội được bắt tay vào các dự án thực tiễn tại các xưởng thiết kế trong và ngoài trường học.

Để sở hữu một tấm bằng thiết kế nội thất, bạn có thể lựa chọn các khóa học như Trang trí/lắp đặt nội thất, thiết kế nội thất và trang trí (interior design and decoration), thiết kế nội thất (interior design), kiến trúc nội thất (interior architecture)…  

 

Thiết kế nội thất làm gì?

Theo trang Payscale.com, mức lương trung bình của một nhà thiết kế nội thất là vào khoảng $50,021 USD/năm, dao động tùy thuộc vào chuyên môn, kinh nghiệm và thành phố nơi bạn làm việc. Trên thực tế, công việc của một cựu sinh viên  thiết kế nội thất không chỉ giới hạn ở vai trò thiết kế nội thất nhà ở. Dựa trên sở thích và đam mê của bản thân, bạn có thể chọn theo đuổi một vài lĩnh vực phổ biến sau:

 

Thiết kế không gian làm việc:

Công việc chính của một nhà thiết kế không gian làm việc (Corporate design) là thiết kế không gian cho công ty, doanh nghiệp sao cho phù hợp với câu chuyện thương hiệu. Bạn có thể sẽ được yêu cầu thiết kế cho những không gian văn phòng có quy mô nhỏ đến những không gian rộng lớn hơn thuộc những tòa nhà cao tầng chọc trời. Mục tiêu của những nhà thiết kế không gian làm việc chính là tạo ra được môi trường làm việc hiệu quả và an toàn cho những nhân viên làm việc tại không gian đó.

 

Thiết kế không gian y tế

:

Tiếp đến, công việc thiết kế không gian y tế (Healthcare design) cũng có thể trở thành sự lựa chọn của bạn. Công việc này đòi hỏi bạn phải áp dụng những kiến thức chuyên môn để thiết kế, xây dựng và cải tiến phù hợp các trung tâm y tế, phòng khám, bệnh viện, văn phòng của bác sĩ hay viện dưỡng lão. Khả năng nghiên cứu chuyên sâu là một trong những kỹ năng quan trọng để một nhà thiết kế không gian y tế có thể đem lại kết quả tốt nhất cho các bệnh nhân, nhân viên y tế và cho mọi cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng tại nơi chăm sóc sức khỏe.

 

Thiết kế nhà bếp và phòng tắm:

Một hướng đi cụ thể và thiết thực nữa là lĩnh vực thiết kế nhà bếp và phòng tắm (Kitchen and Bath design) hay Thiết kế/Quy hoạch nhà bếp (Kitchen Design Planning). Khi đó, bạn phải có các kiến thức chuyên môn về những loại tủ, buồng chứa, các thể loại đồ dùng trong hộ gia đình, các dụng cụ, thiết bị, hệ thống ống nước cùng những giải pháp về điện cho từng căn phòng mình xây dựng. Ngoài ra, công việc này cũng đòi hỏi bạn phải có kỹ năng sử dụng máy móc, kỹ năng tưởng tượng và khả năng phân tích vấn đề. 

Bên cạnh những công việc kể trên, sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế nội thất, bạn cũng có thể tận dụng kiến thức cử nhân để học thạc sĩ, hay bổ sung kiến thức chuyên môn để trở thành kiến trúc sư, kỹ sư sắp xếp bố cục, nhà tư vấn về ánh sáng, nhà tư vấn về kiến trúc, nhà điều phối màu sắc, điều phối viên môi trường nhà ở… Nếu yêu thích công việc giảng dạy, bạn cũng có thể theo đuổi con đường sư phạm, hay tham gia vào các sở ban ngành để hoạt động trong mảng quy hoạch, kiến trúc.

 

>> Để trở thành nhà thiết kế nội thất giỏi & giàu cảm hứng, hãy ngó nghiêng những website này!

 

Học thiết kế nội thất ở đâu? Thiết kế nội thất học trường nào?

 

Thiết kế nội thất là ngành học có thể tìm thấy tại bất cứ điểm đến du học hàng đầu nào trên thế giới, bao gồm Vương quốc Anh, Canada, Úc, Mỹ, Ireland và New Zealand. Nhưng để chọn được điểm đến du học phù hợp nhất với bản thân, mỗi du học sinh tương lai phải đề ra những tiêu chí ưu tiên, xác định bản thân muốn theo đuổi hướng đi nào cho sự nghiệp. Từ đó, tìm kiếm những ngôi trường có nội dung đào tạo tương thích – bởi vì sự khác biệt của mỗi chương trình phụ thuộc rất nhiều vào nội dung khóa học.

Nếu Mỹ nổi tiếng là đất nước của sự tiên phong, tạo được thương hiệu cho những thành phố có thiết kế nội thất táo bạo như Denver, New York hay Los Angeles, thì Vương quốc Anh không hề kém cạnh với lựa chọn ngành học đa dạng: từ thiết kế nội thất tổng quan, cho đến các ngành học chuyên sâu về màu sắc, hoạch định không gian, tường, sàn, hay ánh sáng…

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chọn trường và khoá học phù hợp, hãy liên hệ với trung tâm tư vấn du học IDP để được tư vấn và hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.

 

Cần chuẩn bị gì để học tốt ngành thiết kế nội thất?

 

Sau đây là một số lời khuyên, trang web hữu ích cho việc theo đuổi ngành thiết kế nội thất trong quá trình du học:

 

Trau dồi các kiến thức cần thiết:

Trước khi bắt đầu khóa học, bạn có thể dành thời gian để làm quen các khái niệm thiết kế, để không bị “khớp” trước lượng kiến thức khổng lồ và các thuật ngữ chuyên môn. Ngay từ hôm nay, bạn có thể tham khảo các đầu sách, website, blog chuyên ngành, những trang mạng xã hội như CASE 3D, DOCK, JOVA Construction, Concrete LCDA, HENGE, VN Star Development, Powerhouse Company, Andrey Sokruta, Karim Rashid. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm đến các nền tảng học trực tuyến như Coursera hoặc edX để làm quen với các khái niệm trong thiết kế.

 

>> 5 trang web học trực tuyến giúp bổ trợ kiến thức chuyên môn

 

Mài giũa những kỹ năng thiết yếu:

Để trở thành một nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp, bạn nên thường xuyên rèn luyện những kỹ năng thiết yếu cho việc học tập và làm việc sau này, đó là: kỹ năng tìm sách trong thư viện, kỹ năng vẽ, kỹ năng tin học, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng “đọc vị” các phong cách thiết kế, kỹ năng giải quyết vấn đề, cùng kỹ năng giao tiếp và trình bày – bởi vì sau này bạn sẽ dành phần nhiều thời gian để thực hiện các bài thuyết trình, hay diễn đạt ý tưởng của mình đến khách hàng.

 

Tìm kiếm cơ hội thực tập, làm việc

 Trong quá trình du học ngành thiết kế nội thất, bạn có thể đi làm thêm hoặc tìm kiếm cơ hội thực tập tại các cửa hàng tư vấn, kinh doanh, thiết kế nội thất, để được làm việc cùng các nhà thiết kế chuyên nghiệp, cũng như mở rộng các mối quan hệ trong giới.

 

“Bắt lấy” cảm hứng ngay hôm nay

Lĩnh vực sáng tạo đòi hỏi bạn rất nhiều những cảm hứng mới mẻ để duy trì khả năng học hỏi và tư duy thẩm mỹ. Chính vì vậy, hãy luôn chủ động “nạp” cảm hứng mới từ việc theo dõi các kênh thông tin sản phẩm, thương hiệu, trào lưu, và nhất là những nhà thiết kế nội thất lành nghề cả trong và ngoài nước. Trong đó, kênh Youtube Thái Công TV là nơi bạn sẽ được nhìn ngắm những công trình thiết kế nội thất cao cấp, cũng như tích lũy các kinh nghiệm thi công quý giá từ chuyên gia Quách Thái Công.

 

Cuối cùng, việc đi du lịch đến nhiều nơi, trải nghiệm các phong cách thiết kế mới mẻ, đặc biệt là tận dụng tối gia thời gian du học để va chạm, học hỏi các thiết kế nội thất sáng tạo cũng sẽ cho bạn một góc nhìn đa chiều, với thật nhiều cảm hứng để theo đuổi ước mơ của riêng mình.

 

Để tìm kiếm thông tin các khóa học Thiết kế nội thất tại các trường đại học trên thế giới, bạn có thể sử dụng thanh công cụ tìm kiếm khóa học của Hotcourses Vietnam và liên hệ chuyên viên tư vấn của IDP để được tư vấn về các khóa học hàng đầu.

 

* Bài viết được cập nhật ngày 23/07/2022 bởi tác giả Hoàng Thanh Phương.

Rate this post

Viết một bình luận