Như hàng nghìn thanh niên Trung Quốc, Gao dành thời gian, sức lực và tiền bạc để quảng bá cho thần tượng của mình, nhưng giờ cô nhận ra điều đó rất không đáng.
Cuối năm 2020, tại một cuộc thi âm nhạc trên truyền hình ở Bắc Kinh, đám đông cuồng nhiệt mong chờ thần tượng của họ xuất hiện. Nhiều người đã chi hàng nghìn tệ mua vé chợ đen với hy vọng được nhìn người ấy, dù chỉ là thoáng qua trong tiết mục dài bốn phút.
Khi “nam thần” bước ra sân khấu, Gao hét lên. Nhưng không để sự phấn khích làm phân tâm, cô giơ máy ảnh, bấm liên tục. Khi bài hát kết thúc, Gao đặt chiếc máy ảnh vừa to vừa nặng xuống, lôi laptop ra chỉnh ảnh ngay tại chỗ.
Ngay sau đó Gao tải ảnh lên Weibo. Chứng kiến cơn mưa lời khen, cô cười nói: “Có lẽ tối nay một trong những bức ảnh của tôi sẽ lan truyền mạnh mẽ”.
Những người hâm mộ đầu tư thiết bị quay chụp thần tượng. Họ chủ yếu là các thanh niên. Ảnh: Sixthtone
Trong ngành công nghiệp giải trí trị giá hàng tỷ nhân dân tệ, các diễn viên, ca sĩ cần duy trì, tương tác và xây dựng nền tảng người hâm mộ và làm sao tạo ra càng nhiều những người giống như Gao càng tốt. Họ dành thời gian, năng lượng, tiền bạc để lăng xê thần tượng nhiều nhất có thể.
Tại Trung Quốc, những người như Gao được gọi là “zhanjie”, các trang fanpage hay website mà Gao lập ra đăng ảnh gọi là “tuzhan”. Khi ngành công nghiệp càng mở rộng, những “tuzhan” càng đóng vai trò quan trọng, để tăng mức độ hiển thị và phủ sóng. Nhìn có vẻ việc này vi phạm quyền riêng tư, song những người nổi tiếng ngầm đồng ý vì có lợi cho sự nghiệp của họ.
Gao sinh ra trong một gia đình giàu có ở vùng đồng bằng sông Dương Tử, học đại học ở Thượng Hải. Tại đây không chỉ học, những sinh viên có nhiều việc phải làm, từ ăn những nhà hàng nổi tiếng, mua sắm, làm tình nguyện và tất nhiên cuồng thần tượng.
Lúc đầu Gao là một người hâm mộ bình thường. Nhưng khi được nhìn thấy thần tượng bằng xương bằng thịt vào mùa hè 2020, cô thực sự trở thành fan cuồng. Đó là một ca sĩ kiêm vũ công, nổi tiếng sau một chương trình tìm kiếm tài năng. “Khi chứng kiến anh ấy làm bùng nổ sân khấu, tôi lập tức say mê”, Gao cười kể. Ngay sau đó cô gia nhập hơn chục nhóm trên mạng, đồng thời tham gia các hoạt động nhằm giúp ca sĩ giành chiến thắng trong cuộc thi.
Cô theo dõi mọi hoạt động của anh chàng ca sĩ. Vì bận học không tham gia được các sự kiện offline, cô mua tất cả album đã phát hành. Nghỉ hè, cô mua chiếc vé đầu tiên đi cổ vũ thần tượng trong một buổi ghi hình. Chờ đợi đến gần năm tiếng, cuối cùng người này cũng xuất hiện. Suốt vài ngày tiếp theo, cô xem đi xem lại các ảnh và video mình đã quay.
Người hâm mộ vẫy tay chào thần tượng của họ trong một buổi biểu diễn ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, năm 2019.. Ảnh: Sixthtone
Gao quyết định gia nhập đội ngũ fan cuồng bằng việc chi 30.000 tệ mua máy ảnh chuyên nghiệp, kèm ống kính tele 100-400 mm. Cô học một khóa chụp ảnh sơ cấp, rồi thực hiện nhiệm vụ đầu tiên: chụp ảnh thần tượng tại sân bay quốc tế Hồng Kiều, Thượng Hải. Để làm được điều này, cô phải mua trước thông tin chuyến bay, thế nhưng đổi lại chỉ được vài tấm ảnh mờ ảo.
Tác nghiệp xong, Gao ngồi phịch xuống một cửa hàng ở sân bay thở dài. Cách duy nhất “chữa cháy” là lên các nhóm WeChat mua lại hình ảnh cho fanpage của mình.
Sau vài lần, cô rút ra kinh nghiệm xương máu, đó là phải quan sát kỹ đường đi lối lại, giấu máy ảnh, trốn nhân viên an ninh… Dần dần fanpage của Gao có một lượng người theo dõi lớn hơn. Các bình luận và tin nhắn cảm ơn khiến cô cảm thấy được bù đắp công sức bỏ ra.
“Có những khoảnh khắc thần tượng nhìn vào ống kính của tôi, mỉm cười, tôi cảm thấy như trên đỉnh thế giới. Tôi nghĩ rằng anh ấy phải nhớ đến tôi đặc biệt hơn người khác một chút”, cô chia sẻ.
Chân dung một “zhanjie” điển hình là theo dõi chuyến bay, chầu chực ở khách sạn, mua vé tham dự các sự kiện. Đôi khi, họ theo chân thần tượng đến một thành phố khác. Để có được vị trí thuận lợi, họ cần thức dậy sớm hơn những người hâm mộ thông thường và ngủ muộn hơn cả thần tượng. Tại các sự kiện, những “zhanjie” phải hoàn toàn tập trung chụp ảnh, hạn chế hò hét như những fan thông thường.
Có lần liên tục chạy theo các sự kiện, Gao chỉ ngủ sáu tiếng trong ba ngày. “Đến khi trở về khách sạn, kính áp tròng của tôi đã khô như dính vào mắt”, cô nói.
Việc chạy khắp các địa điểm không chỉ mệt mỏi mà còn rất tốn kém. Ngoài máy ảnh, ống kính và chi phí đi lại thì vé tham dự các sự kiện có thể từ hàng nghìn đến hơn 10.000 tệ. Tại vòng chung kết, khoảnh khắc thần tượng được vinh danh, giọt nước mắt lăn dài trên má Gao.
Người hâm mộ bình thường có thể chỉ mua vài album hay tạp chí, nhưng đã là zhanjie sẽ mua tất cả. Mặc dù gia đình giàu có, các khoản này vẫn không hề nhỏ với Gao. “Có bạn nói đã chi tiêu tương đương một chiếc ôtô sản xuất trong nước. Còn tôi không nhiều đến vậy, nhưng chắc chắn cũng đã hàng chục nghìn tệ”, cô chia sẻ.
Mức độ tương tác của các “tuzhan” càng lớn thì khả năng họ trở thành dazhan, thậm chí là shenzhan càng cao. Những dazhan, shenzhan không chỉ nhận được sự ủng hộ của fan, còn trở thành công cụ quảng bá quan trọng cho thần tượng, thường xuyên nhận trước vé. Ban đầu Gao cũng hướng đến sẽ lên được cấp bậc dazhan. Tuy nhiên bỏ vô số buổi học mà fanpage của cô vẫn không thể lên hạng. Sau đó cô phát hiện phải có ảnh độc đáo, có kèm thương hiệu của thần tượng và nhất là tốc độ cập nhật hình ảnh phải đi đầu.
Khi niềm đam mê cạn kiệt, điều khiến Gao tiếp tục không còn là tình yêu dành cho thần tượng của mình nữa, mà là trách nhiệm đối với lượng người theo dõi không ngừng tăng lên. “Có lẽ do áp lực học tập, kiệt sức và sợ hãi, tôi đã tự huyễn hoặc bản thân. Tôi không bao giờ dừng lại để suy nghĩ liệu tất cả có xứng đáng hay không”, cô chia sẻ.
Dần dần, Gao nhận ra những mặt trái trong thế giới fan cuồng. Có một người đã bị fandom (cộng đồng những người hâm mộ) đưa ra nhiều bằng chứng quy tội, từ “tiết lộ thông tin làm tổn hại lợi ích của thần tượng” đến “trục lợi bán sách ảnh của thần tượng”… Cuối cùng, người này đã phải đóng tài khoản.
Thực tế, Gao cũng từng nhận những lời đe dọa khiến cô ớn lạnh sống lưng. “Liệu một ngày nào đó tôi có trở thành mục tiêu tấn công của đám đông. Họ có thể kết tội tôi chụp ảnh xấu, thậm chí bịa đặt tôi xâm phạm đời tư của thần tượng của họ”, cô nói. Trong cộng đồng này, cô không đủ thân với bất kỳ ai. “Nếu không có ai giúp tôi, đó sẽ là dấu chấm hết cho tôi”, cô nói thêm.
Đó là lúc nữ sinh này quyết định “bỏ nghề”.
Đầu năm 2021, kết quả học tập sa sút, kèm đời tư không hay về thần tượng là sự đả kích với Gao. “Tôi phát hiện ra thời gian qua không đáng. Cuộc sống của tôi xoay quanh anh ấy quá lâu và tôi quyết định đã đến lúc phải sống cho chính mình”, Gao chia sẻ.
Một số người bạn theo đuổi ngôi sao mà Gao biết giờ cũng đã bỏ cuộc. Nhìn thấy thần tượng, họ không còn thấy say mê như trước, mà quá mệt mỏi vì mặt tối đằng sau trào lưu này. Đó là cảm giác trống rỗng khi lãng phí tiền bạc để mua các sản phẩm của các ngôi sao, là mối quan hệ thù hằn giữa các fandom và những ảo tưởng không lành mạnh.
Bảo Nhiên (Theo Sixthone)