‘Nghề chọn người’ hay ‘người chọn nghề’

“Vì sao em thích làm nhân sự? – Vì em thích làm việc với con người – Vậy các phòng ban khác làm việc với ai?”

Đây là một tình huống có thật mà tôi từng gặp phải khi đi phỏng vấn vị trí nhân sự ở một công ty cách đây một năm rưỡi. Bài viết này tôi sẽ không phân tích, mổ xẻ ngành HR (Human Resources) cần những gì mà sẽ phân tích cụ thể hơn những gì cụ thể từng trải qua kể từ ngày bắt đầu vị trí thực tập đầu tiên.

Sự thật về “làm việc với con người”? Ngành học của tôi là IB (Kinh doanh quốc tế), được học rất là nhiều thứ từ Tài chính, Marketing, Nhân sự, Xuất nhập khẩu… mỗi thứ một chút, nhưng không sâu.

Điều này dẫn đến tôi cảm giác mình hơi mơ hồ ở năm hai đại học. Đến khi tham gia một câu lạc bộ, thấy thích yếu tố con người làm trọng tâm nên quyết định theo đuổi nghề nhân sự.

Hầu hết tất cả các ngành nghề đều lấy yếu tố con người là trọng tâm. Làm việc với con người là làm cái gì? Ngành nào cũng sẽ làm việc với con người bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, ít hay nhiều mà thôi. Ví dụ: làm Marketing sẽ tập trung vào khách hàng, hiểu được cái họ cần và đưa ra những chiến lược quảng cáo phù hợp. Làm du lịch sẽ tập trung vào khách du lịch, mang lại nhiều giá trị cho khách du lịch. Làm bác sĩ sẽ cứu chữa bệnh nhân, đảm bảo sức khỏe cho người thân, cộng đồng.

Vậy, khi nói “thích làm việc với con người” là lý do cho việc chọn lựa ngành HR thì có ổn không? Theo tôi lý do đó không sai nhưng chưa đủ. Chúng ta cần phải xét thêm các yếu tố cụ thể hơn như “thích đọc CV” hay “thích khám phá tiềm năng của ứng viên thông qua tiếp xúc, trao đổi”.

Việc hiểu rõ bản thân mình phù hợp với công việc hay không còn áp dụng cho tất cả các ngành khác. Sau khi hiểu rõ bản thân, hiểu rõ ngành, chúng ta có thể tự tin chọn nghề. Thay vì các bạn hướng nghiệp, hiểu ngành, chọn nghề thì một số bạn lại đi ngược theo các bước hiểu nghề, hướng ngành, chọn nghiệp.

Giáo dục hướng nghiệp là quá trình chúng ta cần phải biết rất sớm từ những năm học cấp 2. Tuy nhiên ở thời điểm 18 tuổi khi chọn ngành, chỉ cần bạn chọn không sai là khá ổn rồi.

Vậy làm sao chọn nghề cho không sai?

Sẽ không có công thức nào chính xác hoàn toàn để tìm ra một nghề mà bạn yêu mãi mãi suốt cuộc đời. Một đặc điểm chung ở bậc cử nhân có lẽ là kiến thức sẽ chung chung, rộng vừa đủ, không sâu nên các bạn sẽ tưởng rằng sinh viên nhảy ngành tương đối nhiều khi mới ra trường.

Thực tế, cái nghề mà một người theo đuổi có thể là một mớ thập cẩm giữa cái thích làm, cái ít thích hơn một chút, cái đã được học ở trường và cái có được từ kinh nghiệm thực tiễn.

Vậy đừng ràng buộc bản thân quá sớm với một nghề khi chưa thực sự hiểu rõ ngành học mà mình chọn. Giống như suy nghĩ cứ học luật là làm luật sư, học kinh tế thì đi làm sales vậy. Ngành không đồng nghĩa với nghề.

Và để giỏi chuyên môn, đi đường dài và yêu cái nghề đã chọn, bản thân phải thật sự đầu tư lao động và trí óc. Chưa kể thời thế thay đổi không ai đoán trước được, vậy tại sao lại phải chọn nghề quá sớm khi chưa thực sự hiểu ngành mình thích?

Nhớ lại hồi cấp 3, tôi chỉ biết các nghề cơ bản như luật sư, bác sĩ, kỹ sư, kinh doanh, kế toán, ngân hàng… Thành ra xu hướng là tôi chọn nghề mình thấy thích thích, hay chỉ đơn giản là cha mẹ lựa cho, rồi đi lựa ngành, trường để theo học. Giờ mới hiểu là nên chọn ngành yêu thích và giỏi đã, rồi nghề là cả một quá trình sau đó tiếp xúc, va chạm sẽ ra được cái nghề của mình.

Để tìm được một nghề phù hợp, hãy tận dụng cả ba yếu tố: Năng lực bản thân (chuyên môn và kỹ năng) + Networking (trong lúc học và làm) + Nhu cầu xã hội (nhu cầu tuyển dụng).

Dư Hoàng Khang

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Rate this post

Viết một bình luận