Nghề chụp ảnh – làm chơi ăn thật!

Nói đến chụp ảnh không ít người thường nghĩ ngay tới các “thợ chụp ảnh” tại các công viên hay khu du lịch. Cách đây khoảng 5-10 năm về trước, đây cũng là nghề phổ biến và thu hút lực lượng lao động rất lớn. Tuy nhiên, do sự phát triển của công nghệ, của điện thoại thông minh, nghề chụp ảnh dạo đã dần mai một, thay vào đó là một giai đoạn phát triển mới – nghề chụp ảnh chuyên nghiệp hơn với nhiều công nghệ mới, cùng những ekip hỗ trợ chụp ảnh hùng hậu…

Với nhiều người yêu thích chụp ảnh và có điều kiện – họ chọn chụp ảnh như một phương thức giải trí, xả stress, nhưng với những người chọn chụp ảnh như là một nghề “kiếm cơm”, thì lựa chọn như thế nào, học nghề ở đâu, đầu tư máy ảnh ra sao thì đó là điều cần cân nhắc.

Giảng viên Đặng Hải Đăng – Trung tâm đào tạo Quốc tế KENT, dựa trên kinh nghiệm và trải nghiệm của mình sẽ chia sẻ thêm với các bạn trẻ về các thông tin liên quan tới việc học và làm nghề chụp ảnh.

hướng nghiệp 5.0, nhiếp ảnh
Giảng viên Đặng Hải Đăng

1. Một bạn học sinh yêu thích chụp ảnh, có thể lựa chọn các ngành nghề nào?

Chụp ảnh là việc sử dụng máy ảnh và ánh sáng ghi lại hình ảnh của đối tượng, sự vật trên phim hoặc trên máy ảnh kỹ thuật số. Ngày nay, nghệ thuật nhiếp ảnh thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống, do đó, rất nhiều ngành nghề có liên quan và cần tới nhiếp ảnh, chẳng hạn như: kinh doanh online, youtuber, maketing, quảng cáo sản phẩm, quay clip; các ngành liên quan tới du lịch như hướng dẫn viên, sale tour, travel blogger…

Gần như tất cả những ngành nghề liên quan tới hình ảnh, cần hình ảnh để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đều cần những người chuyên về nhiếp ảnh. Do đó, nếu yêu thích nhiếp ảnh – hay hiểu đơn giản là thích chụp ảnh, bạn có thể lựa chọn rất nhiều nghề như trên – bên cạnh các nghề liên quan tới chụp ảnh vốn có từ lâu như: chụp ảnh studio, chụp ảnh sự kiện hay chụp ảnh báo chí (phóng viên ảnh).

2. Một người cần có tính cách và tố chất gì mới nên chọn nghề chụp ảnh?

Theo tôi, một người muốn theo nghề nhiếp ảnh và phát triển sự nghiệp với nghề này cần có tính cách và tố chất thích hợp với nghề, chẳng hạn như yêu thích và có năng khiếu, đam mê về nghệ thuật, đam mê sự tự do, sáng tạo, có khả năng tư duy và tưởng tượng cao về không gian.

Nếu bạn không thích công việc và môi trường bị gò bó, thích đi đây đó để khám phá điều mới lạ hay khám phá những điều mới từ văn hóa, cảnh vật thiên nhiên, kiến trúc, phong cảnh, con người, cuộc sống xung quanh… thì cũng có thể chọn nghề nhiếp ảnh. Tuy nhiên, cũng vì lý do này mà người làm nghề cần phải có sức khỏe tốt.

chụp ảnh, nhiếp ảnh
Một buổi chụp ảnh của anh Đặng Hải Đăng

3. Để làm công việc liên quan tới nhiếp ảnh, nên học ngành gì, trường gì?

Học sinh trung học phổ thông yêu thích nhiếp ảnh có thể chọn các ngành nghề liên quan để học như: Du lịch – Maketing – Báo chí – Xã hội nhân văn – Kiến trúc – Văn hóa nghệ thuật – Thiết kế đồ họa – Biên tập phim ảnh, quay phim…

Nếu muốn trở thành phóng viên ảnh, bạn có thể lựa chọn học chuyên ngành Ảnh báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội); Nhiếp ảnh báo chí tại Đại học Sân khấu điện ảnh (Hà Nội).

Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (Hà Nội) còn đào tạo nhiều ngành khác liên quan tới nhiếp ảnh như: nhiếp ảnh nghệ thuật, nhiếp ảnh truyền thông đa phương tiện.

Tuy nhiên, với nghề nhiếp ảnh, bạn có thể học theo hình thức học nghề tại các trung tâm hay tại chính các studio ảnh với thời gian học ngắn hơn.

Hiện tại đa phần thợ ảnh, quay phim không chọn trung tâm để học vì lý thuyết nhiều và thiếu tính thực hành. Thay vào đó, họ sẽ chọn những người thầy từ các studio, hoặc các nhiếp ảnh gia lâu năm trong nghề để theo học, và gia nhập vào group nhiếp ảnh để giao lưu, học hỏi, thực hành và trao đổi kinh nghiệm.

Học phí cho các khóa học từ vài triệu đồng đến 20 triệu đồng cho các khóa cơ bản, thậm chí từ vài chục triệu cho đến cả trăm triệu đồng cho các khóa nâng cao chuyên ngành. Ngoài ra, quá trình học các bạn sẽ phải tốn thêm chi phí thực hành cho các lần đi cọ sát thực tế, thuê mẫu, di chuyển, ăn ở…; chi phí hao mòn phụ kiện thiết bị hư hỏng, vệ sinh, rơi rớt, thất lạc thiết bị… hay chi phí nâng cấp trang thiết bị lên đời cao hơn để trải nghiệm…

4. Đầu tư thiết bị khi bước chân vào nghề?

Khi chọn nghề nhiếp ảnh, bạn cần xác định sẽ phải dành một khoản tiền đầu tư cho trang thiết bị như máy ảnh, ống kính, đèn, các phụ kiện khác liên quan như thẻ nhớ, pin dự phòng, chân máy, chân đèn, kính lọc, tủ chống ẩm, hắt sáng, máy tính…, ít thì có thể từ vài chục triệu đồng, nhiều thì có thể lên đến cả trăm triệu đồng cho 1 bộ thiết bị ban đầu.

Mỗi người có điều kiện kinh tế khác nhau nên việc lựa chọn các thiết bị trên cần cân nhắc. Khi mới bắt đầu học, bạn có thể chỉ cần đầu tư thân máy, ống kính để tiết kiệm chi phí. Khi đã học, rành thông số máy, kỹ thuật chụp, bạn có thể đầu tư thêm các phụ kiện khác phù hợp với nhu cầu của mình.

Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu thêm về thông số máy ảnh từ những người đi trước, từ các hội nhóm nhiếp ảnh, để mua được loại máy, ống kính phù hợp với khả năng, nhu cầu của mình.

5. Cơ hội việc làm của nghề nhiếp ảnh?

Nếu nói về cơ hội việc làm của nghề nhiếp ảnh thì có thể nói là có quá nhiều, chỉ cần bạn đủ sự năng động, sáng tạo và chăm chỉ.

Nếu muốn tự thân vận động, bạn có thể tự do kinh doanh bằng việc mở studio, là nghề chụp ảnh tự do, chụp ảnh và bán ảnh cho các trang ảnh quốc tế như Shutterstock, Depositphotos, iStock, Alamy… Bạn cũng có thể làm việc tại các studio, làm việc tại các công ty truyền thông, báo chí, các công ty sự kiện, công ty du lịch trong vai trò chụp ảnh.

Có thể nói, bất kỳ ngành nghề nào cũng có thể làm giàu được, quan trọng là sự kiên trì và năng lực của từng người, cố gắng như thế nào để phát triển ngành nghề mình đang theo đuổi. Theo xu hướng công nghệ số hiện nay, việc sử dụng hình ảnh để bán hàng, quảng cáo thương hiệu khá phổ biến, vì vậy, người học nhiếp ảnh có thể làm việc trong phạm vi rộng lớn hoặc chuyên sâu trong một hoặc một số lĩnh vực nào đó.

Đôi nét về anh Đặng Hải Đăng

Anh Đặng Hải Đăng tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TPHCM năm 2006, chuyên ngành Cử Nhân Nông Lâm Ngư Nghiệp. Sau khi ra trường, anh làm về chuyên ngành Nhân sự – Đào tạo tại các công ty với các vị trí chuyên viên, Trưởng phòng Hành Chính – Nhân Sự.

Nhằm theo đuổi đam mê nhiếp ảnh ấp ủ từ những ngày còn là học sinh cấp 3, từ năm 2013, anh bắt đầu chuyển qua tìm hiểu về ngành nhiếp ảnh và đến năm 2015, chính thức mở Studio tại TP Thủ Đức, TPHCM

Hiện tại, anh kinh doanh lĩnh vực Áo cưới và đồng sở hữu 1 Công ty truyền thông Media, với các dịch vụ phim ảnh – ảnh 360 VR (thực tế ảo); giảng dạy lớp Nhiếp ảnh Cơ bản máy ảnh Dslr và chỉnh sửa ảnh cơ bản tại Trung tâm đào tạo Quốc tế KENT.

🔴 Hướng nghiệp 5.0 là series chuyên phỏng vấn thực tế các chuyên gia thực sự làm nghề giúp bạn có cái nhìn tổng quát và đầy đủ nhất về ngành nghề trước khi lựa chọn nghề nghiệp.

Theo dõi Hướng nghiệp 5.0 tại:

Fanpage hướng nghiệp: https://fb.me/huongnghiep50.voh

Group hướng nghiệp: https://fb.com/groups/huongnghiep50/

Đặt câu hỏi hướng nghiệp: https://forms.gle/AqBSL2uBCjkTAebp6

Các bài viết: https://voh.com.vn/huong-nghiep-835.html

Rate this post

Viết một bình luận