tổng hợp ba bộ phận hợp thành của nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh vũ trang, của chiến tranh: chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật quân sự; là nghệ thuật tạo ra và sử dụng một cách khôn khéo thế và lực nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong đấu tranh vũ trang. Trong chiến tranh, NTQS vận dụng một cách sáng tạo quy luật của đấu tranh vũ trang; nghiên cứu các quy luật, tính chất, đặc điểm của chiến tranh, của đấu tranh vũ trang, xác định các nguyên tắc và phương thức tiến hành đấu tranh. NTQS gồm các mặt xây dựng quân (tổ chức và trang bị), luyện quân, nuôi quân và dùng quân ở quy mô toàn cục. NTQS thể hiện ở chiến lược, quy mô một hướng chiến lược, một hướng chiến trường hoặc trên toàn chiến trường (x. Chiến lược quân sự). NTQS thể hiện ở nghệ thuật chiến dịch (x. Nghệ thuật chiến dịch); thể hiện dưới dạng chiến thuật (x. Chiến thuật quân sự). Chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật quân sự là ba bộ phận hợp thành của NTQS. Ở mỗi bộ phận bao gồm phần lí luận và phần thực hành. Phần lí luận của từng bộ phận (mà có nước còn gọi là chiến lược học, chiến dịch học, chiến thuật học) là đối tượng nghiên cứu của khoa học quân sự. Phần thực hành là đối tượng và nhiệm vụ của người chỉ huy và cơ quan tương ứng. Sự phát triển của NTQS phụ thuộc vào truyền thống và đặc điểm của dân tộc, điều kiện địa lí – chính trị của đất nước, trình độ khoa học và công nghệ của quốc gia và một số yếu tố khác.
NTQS Việt Nam luôn coi trọng yếu tố thế và mưu trên nền tảng của chiến tranh nhân dân rộng khắp, đồng thời tạo ra và sử dụng lực một cách thích hợp và luôn gắn với tư tưởng tiến công. Xt. Thế; Lực.