Nghệ thuật tạo hình (Phần 2)
Nghệ thuật tạo hình (Phần 2)
– Bố cục và nhịp điệu:
Bố cục là sự sắp xếp các yếu tố ngôn ngữ tạo hình để tạo nên một tác phẩm. Trong hội họa muốn tạo nên bức tranh đẹp cần chú ý bố cục tạo ra sự hài hòa của đường nét, màu sắc và hình khối. Vì vậy chính bố cục làm nên hình thức biểu đạt cho tác phẩm. Hình thức phù hợp sẽ bộc lộ được nội dung, chủ đề quan niệm thẩm mỹ và thế giới quan của họa sĩ. Bố cục là một vấn đề quan trọng trong khi xây dựng tác phẩm nghệ thuật sắp xếp thế nào cho đẹp, cho hay, độc đáo tùy thuộc vào tư tưởng thị hiếu và quan niệm của người họa sĩ. Trong lịch sử hội họa, qua các thời kỳ phát triển các tác giả đã tạo nên một số hình thức bố cục như sau:
Bố cục theo các hình cơ bản: Trong hình thức này ta sẽ thấy trong tất cả các nhân vật, hình thức chính sẽ được sắp xếp trong các hình cơ bản như hình tròn, hình chữ nhật, hình tam giác… hoặc các hình biến dạng.
Bắt cóc con gái nhà Lơ-xíp – Tranh sơn dầu – Rubens
Bố cục dàn trải mặt phẳng tranh hoặc theo từng lớp: Kiểu bố cục này thường gặp trong nghệ thuật dân gian hay trong mỹ thuật thời cổ đại. Theo quan niệm dân gian, mọi hình tượng trên tranh đều phải được nhìn thấy rõ ràng, không bị che khuất. Do đó các nhân vật được sắp xếp dàn trải trên mặt phẳng. Hình ở xa gần đều được sắp xếp theo thứ tự từ trên cao xuống thấp với tỷ lệ như nhau. Mọi vật được nhìn ở cùng mọi điểm nhìn với đặc điểm đặc trưng và ở hình dạng dễ nhận biết nhất. Mặt khác để diễn tả nhiều công việc và nhiều nhân vật, các tác giả chọn hình thức bố cục các nhân vật thành các lớp khác nhau.
Quang cảnh bữa tiệc lớn – Tranh vẽ trong hầm mộ – Ai Cập
Ngoài ra với quan niệm tạo hình khác nhau, cũng hình thành những hình thức bố cục khác nhau. Có thể sắp xếp các nhân vật gần xa theo luật phối cảnh Phục Hưng. Cách sắp xếp này cho thấy các nhân vật theo quy luật của mắt mình. Không gian trong tranh được diễn tả giống như thực. Nếu tạo hình theo kiểu ước lệ, thì tỷ lệ các nhân vật được thể hiện theo địa vị nhân vật trong cuộc sống, tầm quan trọng của nhân vật hay công việc họ đang làm là chính hay phụ. Với quan niệm này cũng tạo ra một cách sắp xếp bố cục, ở cách bố cục này các nhân vật quan trọng sẽ ở trên cao và có tỷ lệ to nhất. Tỷ lệ các nhân vật sẽ giảm dần theo sự nhỏ đi của địa vị nhân vật.
Ngoài các hình thức bố cục kể trên có hình thức bố cục tự do không theo khuôn mẫu, quy định nào. Những bố cục tự do thường dễ tạo vẻ độc đáo cho tranh. Bố cục tranh là khâu quan trọng trong quá trình sáng tác. Mỗi tác giả luôn tìm tòi để tạo ra cho tranh của mình một bố cục độc đáo. Bố cục cũng giống các ngôn ngữ tạo hình, nó có những quy định, đặc điểm chung song được biểu hiện theo những cách nghiên cứu riêng của từng nghệ sĩ, từng trường phái… Vì vậy không có gì là cố định mà nó luôn vận động, phát triển để tạo ra nhiều hình thức bố cục phong phú mới lạ và độc đáo hơn. Đó cũng là cái đích để các họa sĩ vươn tới.
Cùng với việc sắp xếp, bố cục hình, mảng trong tranh, các nghệ sĩ đã tạo nên sự vận đọng của các yếu tố đường nét, hình khối, màu sắc. Đó chính là những đường lượn, nhịp điệu của hình, mảng màu sắc, đậm nhạt trong tranh, thậm chí nhịp điệu của cả những khoảng trống. Những đường lượn, nhịp điệu đó càng phong phú bao nhiều tranh càng đẹp bấy nhiêu. Vì vậy nhịp điệu là một điều không thể thiếu khi xây dựng tác phẩm và mặc dù ẩn sau các yếu tố màu – nét – hình khối… thì nó cũng đã trở thành một yếu tố thuộc ngôn ngữ tạo hình – một thứ ngôn ngữ ẩn: Đó chính là yếu tố nhịp điệu trong hội họa.
Như vậy để sáng tạo nên một bức tranh không thể bỏ qua các yếu tố đường – nét – hình khối – màu bố cục – nhịp điệu. Các yếu tố đó là đặc trưng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình nói chung và ngôn ngữ của nghệ thuật hội họa nói riêng. Điều quan trọng là các nghệ sĩ sử dụng chúng ra sao trong tác phẩm của mình để tạo nên những tác phẩm thành công và có giá trị tồn tại muôn đời.
* Ngôn ngữ đồ họa:
Đồ họa là một ngành vẽ lấy kỹ thuật in ấn để tạo nên tác phẩm và có khả năng nhân bản để phổ biến rộng rãi. Nếu tác phẩm hội họa là một độc bản thì với đồ họa từ bản khắc có thể tạo ra nhiều bản giống bản gốc. Tác phẩm đồ họa cũng như tác phẩm hội họa được gọi một tên chung là tranh. Tuy vậy tranh hội họa được vẽ trực tiếp bằng các phương tiện bút, màu. Tác phẩm tranh đồ họa được tạo nên gián tiếp nhờ kỹ thuật in ấn. Muốn có một tác phẩm đồ họa phải trải qua giai đoạn khắc – in mới trở thành bức tranh. Việc vẽ trực tiếp bằng bút lông, bút sắt hay bằng dao vẽ (sơn dầu), bằng thép (sơn mài)… khác hoàn toàn với việc “vẽ” bằng dao khắc (khắc gỗ) bằng kỹ thuật ăn mòn axít để khắc lên kim loại, đá… Khắc tranh đồ họa bao gồm khắc nổi, khắc lõm, khắc phẳng (in đá). Chính điều này tạo nên ngôn ngữ đặc trưng đồ họa. Như vậy là có một thể loại đồ họa được tạo nên nhờ sự tham gia đắc lực của kỹ thuật in. Đó là thể loại đồ họa in ấn.
Bên cạnh nó còn có những thể loại tranh vẽ trên giá vẫn được gọi là đồ họa như: tranh cổ động, tranh quảng cáo, tranh minh họa… Mặc dù vậy các thể loại tranh này vẫn mang tính nhân bản và được gọi là thể loại đồ họa giá vẽ. Nhìn chung tranh đồ họa mang tính nhân bản, đôi khi có thể loại tranh khắc cũng chỉ in độc bản, đó là một ngoại lệ trong đồ họa.
Chính vì sự khác nhau như vậy mà hội họa và đồ họa cũng là một trong những ngành của nghệ thuật tạo hình song lại có một đặc trưng ngôn ngữ riêng. Hay nói cách khác là các yếu tố ngôn ngữ tạo hình được sử dụng trong đồ họa khác với trong hội họa. Để tạo độ đậm nhạt trong đồ họa phải sử dụng tối đa hiệu quả biểu đạt của nét khắc: nét dày – thưa, thanh – đậm, nông – sâu, song song – đan chéo, tương quan giữa nét – mảng để biểu hiện. Vì vậy nét chính là một đặc trưng ngôn ngữ của nghệ thuật đồ họa. Các nghệ sĩ tạo ra nhiều hình thức biểu đạt của nét để tạo nên tác phẩm đồ họa. Cùng với nét là mảng lớn, nhỏ hòa cùng sự phong phú trong hình thức biểu đạt của nét. Nếu trong hội họa màu sắc đóng một vai trò khá quan trọng thì trong đồ họa màu sắc chỉ đóng vai trò thứ yếu sau hình mảng nét đậm nhạt. Thế kỷ XVII ở Nhật khi tranh khắc gỗ mới bắt đầu phát triển, người ta đã tạo nên tranh gỗ khắc gỗ đen trắng, sau đó mới có thể loại tranh khắc gỗ hai màu: xanh lục và hồng nhạt. Mãi đến Haranoobu (1730 – 1770), tranh khắc gỗ nhiều màu mới ra đời, đánh dấu bước tiến mới của tranh khắc gỗ Nhật. Song dù ở thể loại tranh khắc gỗ đen trắng hay khắc gỗ màu thì vẻ độc đáo của tranh khắc vẫn là hệ thống nét với nhiều hình thức biểu đạt phong phú đa dạng. Chính điều này tạo nên “chất đồ họa” một cách mạnh mẽ, rõ ràng. Ngoài ra vẻ độc đáo của tranh khắc còn ở các mảng màu đặc, xốp, dày, mỏng… do hiệu quả của kỹ thuật in đưa lại. Qua phân tích ta thấy trong đồ họa yếu tố đường nét, mảng là đặc trưng tạo hình rất quan trọng. Màu sắc góp phần biểu hiện cùng hình, nét, mảng.
Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam đã ghi đậm sự độc đáo của một thể loại đồ họa. Tranh khắc gỗ màu dân gian. Đó cũng chính là truyền thống nghệ thuật lâu đời đáng tự hào của người Việt. Phát huy truyền thống đó, tranh khắc gỗ hiện tại đã tạo dựng một cơ đồ khá vững vàng và to lớn, nhiều tác phẩm thành công được lưu trữ thành công trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam. Một trong số đó là tác phẩm “Ông và cháu” của họa sĩ Huy Oánh. Bằng sự tương phản của các yếu tố ngôn ngữ như nét và mảng, tác giả đã rất thành công khi khắc họa hình ảnh hai ông cháu, hai thế hệ trẻ và già. Trên chân dung người ông ta thấy yếu tố nét dược khai thác triệt để. Điều đó đã thể hiện sự từng trải, rắn rỏi, khỏe khoắn của người ông. Ngược lại hình tượng cô cháu gái tác giả lại sử dụng ngôn ngữ mảng kế hợp với nét cong để diễn tả vẻ mềm mại căng tròn, chất da thịt của tuổi thanh xuân. Sự hài hòa giữa hai yếu tố ngôn ngữ đặc trưng của nghệ thuật đồ họa đã tạo nên sự thành công và giá trị cho tác phẩm. Đây là tác phẩm đồ họa đen trắng. Ở tác phẩm này hai yếu tố đen và trắng đã góp phần biểu hiện sự hài hòa giữa các tương phản mạnh mẽ và hiệu quả. Như vậy ta thấy rõ đối với đồ họa, màu sắc không phải là yếu tố quyết định mà chủ yếu là ngôn ngữ của đồ họa là nét và mảng. Hình thức biểu hiện của nét và mảng sẽ biểu chất cho hình tượng của nhân vật.
Ông và cháu – Khắc gỗ đen trắng – Nguyễn Huy Oánh
* Ngôn ngữ điêu khắc:
Điêu khắc là một loại hình nghệ thuật tạo hình. Vì vậy nó cũng có cùng một kênh ngôn ngữ như hội họa, đồ họa. Mặc dù vậy nếu như hội họa đồ họa dùng các yếu tố đường nét, hình khối, màu sắc để biểu hiện không gian chiếu lên mặt phẳng hai chiều thì điêu khắc lại dùng các yếu tố ngôn ngữ tạo hình để biểu hiện hình tượng nghệ thuật với không gian ba chiều. Hay nói cách khác không gian trong tranh được tạo ra bởi mảng đậm, nhạt trên mặt phẳng tranh. Còn không gian trong điêu khắc là không gian thực. Tác phẩm điêu khắc có hình, khối thực, tồn tại và chiếm chỗ trong không gian thực. Trong tác phẩm có sự biểu hiện của khối kết hợp với đường nét, màu sắc, trong đó khối chiếm vị trí quan trọng và là yếu tố làm nên đặc trưng cho tác phẩm điêu khắc.
Khi nói tới điêu khắc, người ta chỉ nghĩ đến không gian đặt tượng. Không gian đó góp phần tạo nên đặc điểm tạo hình, quy mô, kích thước, chất liệu của các bức tượng. Tượng đặt trong nhà có thể có quy mô nhỏ. Nhưng nếu đặt ngoài trời hoặc với các thể loại tượng đài, không gian đặt tượng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hình thức thể hiện của tác phẩm.
– Chất liệu điêu khắc khá phong phú. Người ta có thể làm tượng bằng các chất liệu đá, đất nung, thạch cao, gỗ, đồng, kim loại, xi măng, bê tông thậm chí có thể dùng các nguyên liệu quý như vàng, ngà voi, Mỗi chất liệu gợi cho người xem một cảm xúc thẩm mỹ khác nhau. Chất đá trơn nhẵn lạnh khác với chất gỗ ấm áp, khác với chất xi măng rắn chắc… Tượng bằng đồng đen gợi cảm giác uy nghi, sâu lắng. Tượng đá gợi cảm giác về sự bề thế, trang nghiêm. Tượng gỗ lại cho ta cảm nhận sự thô mộc, đơn giản, ấm cúng, gần gũi… Đôi khi trong điêu khắc hiện đại, còn có sự kết hợp bởi nhiều yếu tố chất liệu. Sự kết hợp ăn ý sẽ tăng thêm sống động cho tác phẩm. Trong nhiều nền mỹ thuật cổ, muốn cho tượng đạt hiệu quả giống thực, các nhà điêu khắc còn nghĩ đến việc tô màu cho tượng. Màu sắc sẽ che khuất màu của chất liệu và mang đến cho tác phẩm điêu khắc một tiếng nói khác. Đối với các tác phẩm điêu khắc, các nghệ sĩ khai thác triệt để màu tự thân của chất liệu để biểu hiện. Tuy vậy, như trên đã nói, đoi khi tác giả đưa thêm yếu tố màu vào tác phẩm điêu khắc nhằm tăng thêm hiệu quả biểu đạt. Vì vậy ta vẫn coi màu sắc là một yếu tố ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc.
Nói đến điêu khắc ta nghĩ ngay đến khối. Dưới tác động của ánh sáng ta cảm nhận được khối của các sự vật, hình tượng. Vì vậy muốn tăng hiệu quả khối cho tác phẩm cần chú ý đến yếu tố ánh sáng, môi trường, không gian… Trong điêu khắc cổ, các tác phẩm thường được biểu hiện với khối lồi, khối tròn, khối đóng kín. Ngày nay với điêu khắc hiện đại, các tác giả đã tạo ra nhiều hình thức biểu hiện của khối như khối lồi – lõm, khối đặc – thủng, khối biến dạng, khối đóng – mở… Các yếu tố tương phản về khối được sử dụng trong điêu khắc nhằm tạo hiệu quả ánh sáng và biểu hiện ý tưởng, nội dung một cách sâu sắc. Ngoài ra trên cùng một tác phẩm, các tác giả còn phối hợp các yếu tố biến dạng, tinh giản hình thể tới mức chỉ còn là biểu tượng để biểu cảm.
Đối với tác phẩm điêu khắc, bề mặt tượng chính là một phần cơ bản của ngôn ngữ. Đó là hình thức tồn tại của tác phẩm điêu khắc. Hơn nữa sự khác nhau về bề mặt tượng còn góp phần tả chất cho hình tượng nhân vật. Ta hãy lấy tác phẩm “Tượng thần Vệ nữ” làm ví dụ. Ở tác phẩm này, phần thân trên được thể hiện bằng mảng chắc, khối nền. Khi ánh sáng chiếu vào chúng ta cảm nhận được chất da thịt mịn màng, sống động, bộ ngực thiếu nữ căng đầy…. phần thân dưới che khuất bởi lớp vải quấn quanh. Ở đây bề mặt tượng không còn trơn nhẵn mà được tạo bởi các nếp vải với đường nét phong phú xao động. Điều này gợi chất vải mềm mại, che phủ. Khi xem một bức tượng ta có thể đi xung quanh để quan sát và tìm hiểu vẻ đẹp ở mọi phía. Mặt khác ta còn huy động một giác quan nữa để cảm nhận một cách trực tiếp. Đó chính là xúc giác. Khi sờ vào tác phẩm bàn tay ta có thể trực tiếp cảm nhận chất trơn nhẵn hay xù xì của bề mặt tượng, gợi cảm nhận về chất rõ ràng và mạnh mẽ.
Tượng thần Vệ nữ – Tượng cổ Hy Lạp
Với các yếu tố khối – hình, cách xử lý bề mặt tượng và mối tương quan với môi trường sống thực tế đa chiều sinh động sẽ tạo dựng, hình thành tác phẩm điêu khắc. Đó cũng chính là ngôn ngữ, tiếng nói của nghệ thuật điêu khắc.
3. Đối tượng phản ánh của nghệ thuật tạo hình
Đứng ở góc độ triết học thì nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội. Ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hộ hay ta có thể nói nghệ thuật phản ánh hiện thực xã hội. Ý thức xã hội không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà nó còn góp phần cái tạo, sáng tạo ra nó. Nghệ thuật là dạng biểu hiện cao của ý thức. Nó còn những thuộc tính khách quan đặc biệt: đó là năng lực phản ánh và sáng tạo. Nghệ thuật chính là hình ảnh chủ quan của thế giới thẩm mỹ khách quan, nó được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Nghệ thuật tạo hình là một loại hình của nghệ thuật. Vì vậy nó cũng mang những đặc điểm chung của nghệ thuật và có những đặc điểm riêng của loại hình. Nếu lập luận như vậy thì nghệ thuật tạo hình cũng phản ánh hiện thực xã hội bằng ngôn ngữ của loại hình.
Nhìn chung, tất cả mọi nền nghệ thuật từ cổ xưa đến ngày nay đều có một đối tượng nghệ thuật đó là hiện thực cuộc sống. Tuy vậy mỗi nền nghệ thuật lại có một cách biểu hiện riêng của mình. Với cách biểu hiện riêng biệt đó, đôi khi hiện thực cuộc sống được phản ánh trong từng nền nghệ thuật lại có những hình dáng nghệ thuật biểu hiện khác hẳn nhau. Điều này tùy thuộc vào quan niệm tạo hình, quan điểm tiếp cận với hiện thực cuộc sống của từng nghệ sĩ, từng xu hướng trường phái nghệ thuật.
4. Mối quan hệ của nghệ thuật tạo hình với các ngành nghệ thuật khác
* Các loại hình nghệ thuật:
Các loại hình nghệ thuật tạo hình dùng các yếu tố biểu hiện như đường nét – hình khối – màu sắc. Nghệ thuật âm nhạc ngôn ngữ lại là âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu. Văn học là loại hình sử dụng ngôn ngữ để xây dựng hình tượng nhân vật. Nghệ thuật múa khai thác các động tác, cử chỉ, nhìn chung là những hoạt động của cơ thể con người tuân theo những quy luật tạo hình mỹ cảm để biểu hiện tình cảm, nội dung của vở diễn, điệu múa…
Các loại hình nghệ thuật không ra đời cùng một lúc và cũng không phải ngay khi xã hội loài người hình thành đã có nghệ thuật. Nguyên nhân ra đời của các loại hình nghệ thuật là vấn đề được bàn cãi và tranh luận rất nhiều. Nếu tuyệt đối hóa vai trò của khách thể thì cho rằng sự phong phú đa dạng của hiện thực khách quan là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của các loại hình nghệ thuật. Ngược lại nếu đề cao vai trò của chủ thể thì nguyên nhân ra đời của nghệ thuật là do sự đa dạng, phong phú của các giác quan của con người. Có những loại hình nghệ thuật đến với con người bằng thị giác, nhưng lại có những loại hình nghệ thuật được cảm nhận thông qua thính giác… Tuy vậy theo quan điểm biện chứng thì phải phối hợp cả hai nguyên nhân khách quan và chủ quan, dặt nó trong mối quan hệ. Không có đối tượng thẩm mỹ khách quan không có nghệ thuật. Nhưng không có chủ ghể thẩm mỹ thì đối tượng thẩm mỹ không được phản ánh vào nghệ thuật. Con người có 5 giác quan: các giác quan đó lại cảm nhận, nhận biết các thuộc tính thẩm mỹ khách quan và phản ánh chúng theo các phương tiện ngôn ngữ khác nhau để tạo ra loại hình nghệ thuật. Hơn nữa từ khi khoa học nghệ thuật phát triển, chúng ta lại được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật hơn. Bên cạnh nghệ thuật hội họa, điêu khắc, âm nhạc, múa kịch… xuất hiện thêm nghệ thuật nhiếp ảnh, điện ảnh nhờ sự phát minh ra máy ảnh, máy quay phim… Như thế sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự ra đời và tồn tại của một số ngành nghệ thuật.
Để phân biệt các loại hình nghệ thuật ta có thể dựa vào đặc trưng, đặc thù của từng loại hình nghệ thuật. Mỗi một cách phân loại đều chỉ là tương đối, khong thể có cách phân chia tuyệt đối bởi các loại hình nghệ thuật có thể chuyển hóa lẫn nhau và có quy luật chung của sự phản ánh. Tuy vậy có thể chia nghệ thuật ra làm mấy nhóm sau:
Nhóm nghệ thuật tạo hình trực tiếp: Hội họa – Điêu khắc – Kiến trúc – Đồ họa – Trang trí.
Nhóm nghệ thuật biểu hiện: Âm nhạc – Múa – Văn học – Điện ảnh – Sân khấu.
Tuy vậy cũng không thể tách bạch hoàn toàn, bởi vì nhóm nghệ thuật tạo hình cũng nhằm biểu hiện nội tâm, tâm trạng, tình cảm, tư tưởng…. Ngược lại nhóm nghệ thuật biểu hiện cũng nhằm tạo nên một hình tượng, quang cảnh, không khí… chỉ có một điều là cách tạo hình đó gián tiếp chứ không trực tiếp như hội họa, kiến trúc….
Nếu không dựa vào các hình thức tồn tại của tác phẩm mà dựa vào đặc điểm chủ quan của sự nhận thức, cảm nhận tác phẩm, ta có thể chia nhóm nghệ thuật thính giác, nghệ thuật thị giác và có nghệ thuật kết hợp của sự cảm nhận của mắt nhìn và của tai nghe như nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật điện ảnh, nghệ thuật múa…
* Mối quan hệ giữa nghệ thuật tạo hình với các loại hình nghệ thuật khác:
Mỗi loai hình nghệ thuật có một đặc thù riêng. Tuy vậy nó có cùng chung một đối tượng, đó là phản ánh hiện thực cuộc sống. Mỗi loại hình nghệ thuật phản ánh ở một góc độ riêng. Tuy vậy mọi loại hình nghệ thuật cùng đi vào một chủ đề, đề tài sẽ cho người xem cảm nhận một cách đầy đủ, hoàn thiện về cuộc sống. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có tiếng nói riêng cách tiếp cận với hiện thực, đặc trưng ngôn ngữ và phản ánh cuộc sống mang đặc điểm riêng. Nhưng chúng ta có mối quan hệ biện chứng cái này bổ sung cho cái kia và cùng nhau làm phong phú đời sống thẩm mỹ cho con người. Giữa nghệ thuật tạo hình và các loại hình nghệ thuật cũng có mối quan hệ gắn bó.
>>> Nghệ thuật tạo hình (Phần 1)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 1)
>>> Vẽ hình nét và chất liệu