Xỏ khuyên trên cơ thể nói chung và xỏ khuyên ở các bộ phận của miệng (như môi má, lưỡi, nướu răng, thậm chí lưỡi gà) đã có lịch sử từ rất lâu. Nguồn gốc lịch sử của việc xỏ khuyên mang nhiều ý nghĩa khác nhau: sự tín ngưỡng, tôn giáo, sự tự thể hiện cá tính, một hình thức làm đẹp, hay hình thức thỏa mãn tình dục tùy theo từng nền văn hóa khác nhau. Vì vậy, trên thế giới, xỏ khuyên được xem như một loại hình nghệ thuật hơn là những việc làm quái dị, cũng tương tự như nghệ thuật xăm hình.
Hình 1. Xỏ khuyên ở lưỡi.
Ngày nay, cùng với sự mở cửa, giao lưu với bạn bè quốc tế, nghệ thuật xỏ khuyên đã được du nhập vào Việt Nam. Loại hình nghệ thuật này được yêu chuộng ở lứa tuổi thanh thiếu niên và những bạn trẻ thích thể hiện cá tính riêng của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị về tinh thần không thể tranh cãi, những nguy cơ tìm ẩn cho sức khỏe của loại hình nghệ thuật này là điều mà chúng ta cần biết và phòng tránh.
NGUY CƠ TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN XỎ KHUYÊN
Nguy cơ nhiễm trùng
Cơ thể con người thường xuyên tiếp xúc với môi trường chứa nhiều vi khuẩn và mầm bệnh khác nhau. Ở những người khỏe mạnh, nhờ các cơ chế tự bảo vệ của da và niêm mạc (tiêu hóa, hô hấp…) mà chúng ta tránh được sự tấn công của những mầm bệnh này.
Khi hàng rào bảo vệ này bị phá vỡ (do rách, đứt, đâm thủng…) sẽ tạo điều kiện cho sự xâm nhập của vi khuẩn có hại. Do đó, nhiễm trùng là yếu tố nguy cơ hàng đầu của loại hình nghệ thuật này. Hơn nữa, miệng còn là nơi có sự hiện diện thường xuyên của nhiều loài vi khuẩn, vì vậy việc xỏ khuyên có nguy cơ nhiễm trùng ở vị trí xỏ khuyên rất cao. Quy trình xỏ khuyên với cách thức và dụng cụ sử dụng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh vùng xỏ khuyên ngay sau đó và về sau cũng cần được quan tâm để hạn chế nhiễm khuẩn.
Hình 2. Nhiễm trùng vị trí xỏ khuyên ở lưỡi.
Đặc biệt, xỏ khuyên ở những người có bất thường về tim, hay trên đối tượng dễ bị nhiễm trùng như đái tháo đường, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, đang bị cảm, sốt…thì nguy cơ nhiễm trùng càng trầm trọng. Vết thương tạo ra trong quá trình xỏ khuyên miệng tạo cơ hội cho vi khuẩn trong miệng vào máu, và đến tim hay các cơ quan khác gây viêm nội tâm mạc hoặc nhiễm trùng toàn thân.
Chảy máu kéo dài
Lưỡi là một bộ phận rất quan trọng trong miệng, đảm bảo nhiều chức năng khác nhau như: đảo trộn giúp cho quá trình nhai nghiền và nuốt thức ăn, cũng như phát âm. Vì vậy, nó được nuôi dưỡng bởi rất nhiều mạch máu. Việc xỏ khuyên có thể làm tổn thương các mạch máu của lưỡi, đôi khi dẫn đến tình trạng mất máu nghiêm trọng nếu không biết cách xử lý.
Sưng và tổn thương thần kinh
Sưng là một triệu chứng phổ biến sau khi xỏ khuyên miệng. Không nằm bất động như dái tai, để đảm bảo các chức năng của mình, lưỡi phải thường xuyên cử động, điều này có thể làm chậm và phức tạp hóa quá trình lành thương. Đã có một số báo cáo về tình trạng sưng sau khi xỏ khuyên ở lưỡi trầm trọng gây cản trở đường thở.
Truyền bệnh qua đường máu
Hầu hết những dụng cụ gây chảy máu như kim tiêm y khoa, dụng cụ xăm hình, xỏ khuyên… đều có nguy cơ truyền nhiễm các bệnh lý qua đường máu. Xỏ khuyên miệng cũng đã được xác định bởi Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ là một yếu tố có thể truyền bệnh viêm gan B, C, D và G.
Mặc dù không có trường hợp truyền bệnh uốn ván hoặc lao nào được báo cáo liên quan đến xỏ khuyên miệng, nhưng hai bệnh lý này đã được ghi nhận trong những trường hợp xỏ khuyên tai.
Biến chứng do đeo khuyên trang sức
Khuyên trang sức thường làm bằng hợp kim, với nhiều kiểu dáng, chủng loại khác nhau tùy theo sở thích và giá cả. Việc môi trường miệng tiếp xúc thường xuyên với các trang sức này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Tổn thương nướu răng
Không những trang sức bằng kim loại có thể làm tổn thương nướu răng, mà sự tiếp xúc thường xuyên với nướu răng, có thể gây ra tình trạng tụt nướu.
Hình 3. Khuyên lưỡi gây tụt nướu răng hàm dưới mặt trong (mũi tên).
Chấn thương răng
Tiếp xúc với trang sức có thể làm mẻ hoặc nứt răng. Tương tự các phục hồi trên răng (như miếng trám, cầu răng, mão răng…) có thể bị hỏng nếu va chạm với các vật trang sức thường xuyên.
Hình 4. Khuyên lưỡi làm di chuyển răng, tạo khe hở giữa hai răng cửa giữa hàm trên sau 7 năm đeo khuyên.
Ảnh hưởng đến chức năng bình thường của miệng
Trang sức trong miệng có thể kích thích sản xuất nước bọt quá mức, cản trở khả năng phát âm một cách rõ ràng, và gây ra vấn đề nhai và nuốt thức ăn.
Hơn nữa, các hợp kim được sử dụng sản xuất trang sức trong miệng có khả năng gây dị ứng ở những người nhạy cảm, dẫn đến viêm da tiếp xúc dị ứng.
Ảnh hưởng đến quá trình khám sức khỏe răng miệng
Trang sức trong miệng có thể ngăn chặn sự dẫn truyền tia X trong chụp phim X-quang. Hình ảnh chụp X quang rõ ràng rất cần thiết để đánh giá sức khỏe răng miệng một cách đầy đủ. Trang sức có thể ngăn chặn X-quang phát hiện các bất thường như nang, áp xe hoặc khối u ở vùng hàm mặt.
Hít – nuốt phải
Luôn luôn có khả năng trang sức có thể rơi ra và trở thành vật nguy hiểm cho đường thở. Trang sức cũng có thể rơi vào đường tiêu hóa, gây tổn thương đường tiêu hóa.
Phòng ngừa biến chứng do xỏ khuyên miệng
Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định xỏ khuyên dù là bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Nếu đã đi đến quyết định, bạn cần lưu ý các vấn đề sau:
Trước khi xỏ khuyên
-
Chỉ nên xỏ khuyên ở những địa chỉ đáng tin cậy, uy tín để đảm bảo dụng cụ, trang thiết bị sử dụng, khuyên trang sức được xử lý vô trùng hợp lý, cũng như quy trình thực hiện phải tôn trọng các nguyên tắc vô trùng, hạn chế tối đa vấn đề nhiễm trùng, truyền bệnh qua đường máu; chuyên viên phải nắm rõ kỹ thuật và biết được những vị trí nguy hiểm (gần mạch máu, thần kinh…) để tư vấn cho khách hàng.
-
Cần trao đổi và giải quyết hết mọi thắc mắc với chuyên viên trong lĩnh vực này trước khi tiến hành về cách thức thực hiện, những nguy cơ có thể xảy ra, tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn (có mắc bệnh lý toàn thân nào: cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, bệnh máu khó đông, cơ địa dị ứng…), vị trí xỏ khuyên an toàn, cách chăm sóc nơi xỏ khuyên…
Ngay sau khi xỏ khuyên
-
Không xoay, tháo, di chuyển khuyên trong thời gian mới xỏ cho đến lúc lành hẳn, kể cả khi làm vệ sinh.
-
Không ăn uống đồ nóng sau khi mới xỏ khuyên để tránh chảy máu kéo dài; ăn uống đủ chất, nên ăn đồ ăn lỏng trong những ngày đầu, thức ăn mềm ở những ngày tiếp theo, kiêng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích.
-
Luôn đảm bảo rằng bất cứ thứ gì tiếp xúc với lỗ xỏ phải sạch sẽ: hạn chế chạm tay vào lỗ xỏ, và luôn rửa tay thật kỹ trước khi tiến hành vệ sinh lỗ xỏ, đừng để lông thú hay thú cưng chạm/liếm vào vết thương.
-
Không được để mỹ phẩm, hóa chất các loại tiếp xúc với lỗ khuyên.
-
Bơi ở những nơi đảm bảo vệ sinh, vệ sinh kỹ sau khi bơi. Tốt nhất nên ngưng bơi trong vài tuần đầu.
-
Chỗ xỏ khuyên ở lưỡi thường sưng sau khi xỏ, với kích thước gấp 2 lần so với bình thường; sau đó sẽ giảm dần ở ngày thứ 3-5, và hết hoàn toàn vào ngày thứ 7-8. Nước đá và các loại thức uống lạnh có thể giúp giảm sưng. Nếu phát hiện chỗ xỏ khuyên không lành, đau, mưng mủ, cần đến gặp chuyên viên để tư vấn.
-
Sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau, giảm sưng theo chỉ dẫn của chuyên viên.
-
Vệ sinh bằng nước súc miệng chuyên dụng trong phẫu thuật (ví dụ: Tech 2000, Bioten…), ngậm trong 30-60 giây, trong khoảng thời gian lành thương (3-6 tuần). Các loại nước súc miệng kháng khuẩn tăng cường là nhóm ưu tiên thứ hai (Listerine antiseptic Advanced). Lưu ý rằng, những loại súc miệng thông thường không có tác dụng phòng ngừa nhiễm trùng cho lỗ xỏ.
Hình 5. Một loại nước súc miệng dùng sau xỏ khuyên.
-
Chải răng mỗi ngày, ngay sau khi ăn và trước khi ngủ sẽ góp phần ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Sau khi lành thương
-
Thời gian lành thương tham khảo của môi (3-4 tuần), má (6 tháng-1 năm), lưỡi (4-6 tuần).
-
Thường xuyên kiểm tra chốt vặn của khuyên có chắc chắn không, nên tháo khuyên trước khi đi ngủ để tránh khuyên rớt vào đường hô hấp, tiêu hóa lúc ngủ.
-
Nên kiểm tra vị trí xỏ khuyên thường xuyên, đến gặp nha sĩ nếu phát hiện có nốt, sùi, loét bất thường.
Hình 6. U hạt sinh mủ do khuyên lưỡi.
-
Nên tháo ra và vệ sinh khuyên cũng như chỗ xỏ khuyên thường xuyên.
-
Súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng để vệ sinh miệng và lưỡi, nhất là ở vùng xỏ khuyên mỗi ngày, sau khi ăn, để phòng ngừa nhiễm trùng. Tỉ lệ là 250ml nước ấm với ¼ muỗng cà phê muối. Ngậm trong vòng 15 giây.
-
Nên khử trùng khuyên 6 tháng một lần tại cơ sở uy tín.
-
Nếu cảm thấy khuyên gây cản trở, vướng cộm cần thay đổi kích cỡ, hình dạng khuyên cho phù hợp hoặc thay đổi vị trí mang khuyên.
Tài liệu tham khảo