“Giá trị nghệ thuật là rất quan trọng. Bởi vì không có giá trị nghệ thuật thì không thể có tác phẩm nghệ thuật được. Nó là con số không” (Phạm Văn Đồng, “Về văn hoá văn nghệ” – NXB văn hoá 1976, tr 143).
Suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
Hướng dẫn làm bài:
Trong một tác phẩm văn học, yếu tố nào là cơ sở tạo nên giá trị đích thực? Nội dung tư tưởng hay hình thức nghệ thuật? Đây thực sự là một câu hỏi khó. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong cuốn “Về văn hoá văn nghệ” khẳng định “Giá trị nghệ thuật là rất quan trọng. Bởi vì không có giá trị nghệ thuật thì không thể có tác phẩm nghệ thuật. Nó là con số không”.
“Tác phẩm nghệ thuật” là công trình nghệ thuật do người nghệ sĩ sáng tạo nên để phản ánh cuộc sống qua cách nhìn, suy nghĩ của bản thân mình. Nó luôn phải là một chỉnh thể thống nhất giữa nội dung thẩm mĩ và hình thức nghệ thuật. Còn “giá trị nghệ thuật” là những phẩm chất, chất lượng nghệ thuật kết tinh trong tác phẩm, khơi gợi những xúc cảm thẩm mĩ nơi người đọc. Nó thường biểu hiện ở cách lựa chọn chi tiết, từ ngữ, tổ chức kết cấu trong câu hay âm thanh trong thơ. Các cụm từ như “rất quan trọng”, “không thể có”, “là con số không” có tác dụng nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của giá trị nghệ thuật: sự tồn tại của chất lượng, phẩm chất nghệ thuật quyết định sự tồn tại của mỗi tác phẩm văn chương.
Vì sao Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng lại có thể khẳng định như vậy?
Trước tiên, nghệ thuật là phương thức tồn tại của tác phẩm. Nội dung luôn phải được kí thác ở một dạng thức cụ thể: một bài thơ hay một bài tuỳ bút, một truyện ngắn hay tiểu thuyết dài kỳ… Cũng như một linh hồn mãi mãi sẽ không thể là người nếu như không có hình hài, liệu có tác phẩm nào có thể hình thành mà không có phương thức tồn tại hay không? Chính dạng tồn tại sẽ định hình tiếng nói nghệ thuật của nhà văn trong tác phẩm, khiến nó không tan biến đi trong biển lời nói thông thường.
Thêm vào đó, mọi ý đồ tư tưởng, mọi tâm tư, tình cảm đều phải được nghệ thuật hoá thành hình tượng. Và để xây dựng thành công một hình tượng, nhà văn cần xác lập một hệ thống những chi tiết, hình ảnh, sắp xếp, dẫn dắt, liên kết chúng bởi các phương tiện, biện pháp đặc thù của thể loại và năng lực sáng tạo riêng của bản thân mình. Quá trình mô tả, phân tích những hình tượng ấy sẽ tạo nên giá trị nghệ thuật cho tác phẩm. Chẳng hạn, để kí thác những suy nghĩ của mình về xã hội thối nát thế kỷ XVIII, XIX, Nguyễn Du đã viết nên một tác phẩm truyện thơ 3254 câu, với một hệ thống hình tượng cụ thể như Thuý Kiều, Từ Hải, Tú bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến… Và qua quá trình xây dựng những hình tượng ấy, Nguyễn Du đã thể hiện khả năng miêu tả nhân vật bậc thầy của mình. Tác phẩm thơ đòi hỏi hạn chế về câu chữ, nên nhà thơ cũng chỉ khắc hoạ nhân vật bằng một vài nét phác thảo vô cùng sơ lược. Thế nhưng, ấn tượng về một Tú Bà “nhác trông nhờn nhợt màu da”, một Từ Hải “chọc trời khuấy nước mặc dầu/Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”… sẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng độc giả.Nếu Nguyễn Du không xây dựng những hình tượng nghệ thuật ấy, “Truyện Kiều” vốn đã không thể hình thành. Nhưng ngoài ra, những hình tượng nghệ thuật trong “Truyện Kiều” còn có vai trò truyền đạt bức thông điệp mà nhà văn gửi gắm một cách sâu sắc hơn, tinh tế hơn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra bộ mặt xấu xa, thối nát của giai cấp thống trị, và một cách rất tự nhiên, ta sẽ đồng cảm, xót xa cho những kiếp người bạc mệnh như Vương Thuý Kiều.
Như vậy, nói một cách khái quát, nghệ thuật giúp nội dung tư tưởng được thể hiện rõ ràng hơn, cụ thể hơn và có khả năng tác động mạnh mẽ hơn tới người đọc. Đó là bởi nhờ nghệ thuật, những vấn đề phức tạp của cuộc sống, những tâm tư vốn rất sâu xa kín đáo của con người được khám phá, lí giải và trình bày trong một dạng thức sống động là thế giới hình tượng. Khi bước vào thế giới ấy, người đọc sẽ được tự mình trải nghiệm một cuộc sống, một tình huống chưa từng gặp hoặc đã gặp mà không có ý thức về nó. Chính sự trải nghiệm ấy giúp người đọc có thể tự mình cảm nhận, để rồi nhận xét, đánh giá, đúc rút những kinh nghiệm cho bản thân. Những rung động chân thành sẽ khơi dậy sự đồng cảm và những năng lực cảm xúc một cách tự nhiên, vô điều kiện.
Hơn thế nữa, bản thân nghệ thuật cũng là một giá trị tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm văn chương. Nghệ thuật không đơn thuần chỉ là thao tác, kĩ thuật mà còn là vấn đề của tài năng, của tư chất nghệ sĩ. Khi đạt đến độ tinh tế, nó sẽ đem lại tính thẩm mĩ cho tác phẩm, khiến tác phẩm đẹp hơn, hay hơn, hoàn thiện hơn. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là một ví dụ điển hình. Cũng giống như hầu hết các tác phẩm khác của Thạch Lam, ở “Hai đứa trẻ” không có cốt truyện giàu kịch tính, những tình huống gay cấn và hồi hộp nhưng ta vẫn bị hấp dẫn bởi “tiếng trống thu không”, tiếng còi tàu đêm nơi phố huyện – bởi nghệ thuật dẫn truyện, tả cảnh và miêu tả tâm trạng nhân vật rất tài tình, và bởi giọng văn nhẹ nhàng với chất thơ bàng bạc đặc trưng của Thạch Lam.
Đó là những lí do vì sao cố thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định “giá trị nghệ thuật là rất quan trọng” trong mỗi tác phẩm văn chương. Nhưng liệu có phải là quá vội vàng khi kết luận: Không có giá trị nghệ thuật, tác phẩm sẽ không tồn tại. “Nó chỉ là con số không”?
Nếu không có giá trị nghệ thuật, trước tiên, khái niệm “tác phẩm nghệ thuật” sẽ bị xoá bỏ. Bởi nghệ thuật là thuộc tính làm nên sự tồn tại của khái niệm này. Nhưng hơn thế nữa, không có giá trị nghệ thuật, tất cả các yếu tố khác cũng sẽ không có cơ sở hình thành, vì như đã nói ở trên, nghệ thuật là phương thức tồn tại duy nhất của tác phẩm. Và cuối cùng, thiếu đi giá trị nghệ thuật, ngay cả khái niệm “tác phẩm văn học” cũng không còn trọn vẹn. Tác phẩm sẽ không còn là một chỉnh thể đảm bảo sự thống nhất hữu cơ, biện chứng giữa hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Thiếu đi giá trị nghệ thuật, tác phẩm sẽ chỉ là con số không.
Có thể nói, đây là một quan niệm đúng đắn vì nó xuất phát từ những hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của nghệ thuật và đặc trưng bản chất của tác phẩm văn chương: Văn học là nghệ thuật ngôn từ, bởi thế nghệ thuật không thể thiếu trong bất kỳ tác phẩm nào.Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ khẳng định tầm quan trọng của nghệ thuật chứ không tuyệt đối hoá vai trò của nó. Không có giá trị nghệ thuật sẽ không thể có tác phẩm không có nghĩa là giá trị nghệ thuật có thể tạo nên tác phẩm hoàn thiện. Cần tránh thái độ tuyệt đối hoá vai trò của nghệ thuật theo khuynh hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Vì nghệ thuật chân chính phải phục tùng nội dung, chứa đựng và biểu hiện nội dung. Chỉ khi ấy, nghệ thuật mới thật sự có giá trị và đáng được trân trọng. Như vậy, nội dung và nghệ thuật phải có sự thống nhất hài hoà. Nội dung cần được biểu hiện bằng sức hấp dẫn của nghệ thuật, và ngược lại, nghệ thuật chỉ thật sự có giá trị khi nó biểu hiện nội dung có chất lượng cao.
ý kiến của Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng là bài học sâu sắc cho mọi người nghệ sĩ và cũng là một gợi mở cho tất cả chúng ta – những độc giả thưởng thức tác phẩm văn học: khi tiếp nhận văn chương, ta không chỉ cần cảm nhận bức thông điệp mà nhà văn gửi gắm mà còn nên chú ý khám phá những vẻ đẹp nghệ thuật trong tác phẩm. Chỉ có vậy, ta mới tiếp nhận trọn vẹn giá trị của tác phẩm văn chương.