Kho tàng truyện cười Việt Nam được chia làm hai loại là truyện khôi hài và truyện trào phúng. Truyện khôi hài nhằm mục đích giải trí là chính, tuy vậy nó vẫn có ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng. Truyện trào phúng có mục đích đả kích, phê phán những thói hư tật xấu của người đời, của các nhân vật thuộc tầng lớp trên trong xã hội phong kiến xưa kia như thói tham lam, tự cao tự đại, hay khoe khoang, thiếu khiêm tốn, giấu dốt… Truyện Tam đại con gà là một ví dụ tiêu biểu.
Tuổi trẻ có sức khoẻ, có năng lực học tập và lao động nhưng thường chủ quan, tự hào về mình quá mức thành ra kiêu căng, tự mãn. Sự kiêu căng nhiều khi khi bộc lộ qua lời nói, qua những hành động cảm tính, nông nổi: Tuổi mới lớn hăng hái nhưng bồng bột, tự tin nhưng hiếu thắng, cho rằng mình lúc nào cũng hay, cũng đúng, cái gì mình cũng có thể làm được mà không cần đến kiến thức và kinh nghiệm
Niềm tin, sự khẳng định, lòng tự hào của tuổi trẻ là những điều cần thiết trên con đường mưu sinh và tạo dựng sự nghiệp của mỗi cá nhân, bởi chính những yếu tố đó tạo nên ý chí, nghị lực và sức mạnh. Như những cánh chim bằng, tuổi trẻ muốn được thử sức với trời cao, biển rộng. Với suy nghĩ của tuổi trẻ thì đỉnh cao nào cũng có thể chinh phục được và mọi khó khăn đều không đáng ngại. Tuy nhiên, sự tự tin, tự hào phải được xây dựng trên cơ sở là đức và tài thì nó mới vững chắc và mang tính khách quan. Ngược lại, nếu tự đánh giá về mình một cách chủ quan thì sẽ dẫn đến ảo tưởng, mà ảo tưởng là mảnh đất tốt cho thói kiêu căng, tự mãn nảy nở và phát triển.
Chúng ta hãy bàn đến cái dốt vì cái dốt liên quan chặt chẽ đến thói thiếu khiêm tốn, lười học hỏi. Dốt là từ dùng để nói về con người kém thông minh, chậm hiểu, chậm tiếp thu. Dốt đặc là hoàn toàn không biết một tí gì. Ví dụ: Học sinh Tiểu học không đọc thông viết thạo là dốt. Học sinh Trung học phổ thông mà không hiểu gì về điện, về nước, về căn bậc hai… là dốt. Một người đã trưởng thành mà không biết cách làm ăn để nuôi sống bản thân là dốt. Thường thường, dốt đi đôi với lười. Người khiêm tốn thì không giấu dốt và luôn có tinh thần học hỏi. Người thiếu khiêm tốn thường hay giấu dốt nên hạn chế rất nhiều trong học tập và làm việc.
Để minh hoạ cho việc thiếu khiêm tốn và giấu dốt thì không truyện trào phúng nào hay bằng truyện Tam đại con gà, nội dung kể về sự dốt nát của anh chàng “thầy đồ” giả danh và phê phán thói giấu dốt, liều lĩnh, biết sai mà không chịu sửa của anh ta.
Nhân vật chính trong truyện Tam đại con gà là anh học trò dốt đặc cán mai (nghĩa là không biết một tí gì) mà lại dám làm thầy đồ. Các nhân vật khác chỉ làm nền cho nhân vật chính hoạt động. Điểm độc đáo của truyện chính là những tình huống đặc biệt để nhân vật thầy đồ tự bộc lộ sự dốt nát của mình.
Những bài học nhân sinh thâm thúy và bổ ích thông qua nghệ thuật gây cười bằng cử chỉ, lời nói, tình huống đáng cười và yếu tố bất ngờ được sử dụng rất đắc địa. Nội dung truyện cười này là biểu hiện sinh động cho trí thông minh, thái độ lạc quan và tinh thần đấu tranh của nhân dân lao động đối với những thói xấu trong xã hội, để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.