Nghĩ về tiếng hát ru – Văn hóa – Nghệ thuật – Báo điện tử Lâm Đồng

Nghĩ về tiếng hát ru

Hát ru, trước hết là những làn điệu dân gian, có lẽ nó ra đời từ khi có con người xuất hiện. Đó là những giai điệu mượt mà, êm ái, tha thiết để đưa em bé đi vào giấc ngủ, và đồng thời cũng là dịp biểu lộ tình cảm, tâm tình một cách nhẹ nhàng, sâu lắng của người hát ru.

Khác với nhiều loại hình âm nhạc đã và đang tồn tại, hát ru là loại hình âm nhạc mà mối quan hệ giữa người hát với người nghe rất gần gũi, ấm áp và thiêng liêng. Đó là tiếng hát của bà ru cháu, chị ru em, nhưng chủ yếu là của mẹ ru con. Quả thật, hát ru đã trở thành những giai điệu âm nhạc đầu tiên con người được nghe trong đời. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã từng nhận định: “Ngay từ lúc mới chào đời, em bé đã được ôm ấp trong lời ru nhẹ nhàng của người mẹ…”. Và chính trong những lời hát ru ấy, người mẹ đã trở thành ca sĩ đầu tiên trong cuộc đời của mỗi đứa bé.

Hát ru của người Việt thường gắn với ca dao hoặc là các loại thơ lục bát, song thất lục bát. Tùy thuộc vào từng vùng, từng nơi mà người hát có thể lặp đi, lặp lại ở câu thứ nhất. Và dù ở đâu thì nó hầu như bắt buộc có các từ “à ơi…”, “ầu ơi…”. Đó cũng là đặc điểm phải có trong các điệu hát ru của người Việt.

Với giai điệu mượt mà, êm ái, dịu dàng, tạo cho người nghe cảm xúc thú vị vì được tắm mình trong không gian ấm áp của tình cảm con người. Hát ru, chủ yếu là dành cho con trẻ, nhằm đưa chúng vào giấc ngủ, nhưng cũng có lúc nó còn là dịp để người mẹ nhắn nhủ với người cha, hay là với một ai đó, mà trước đó họ không có dịp để giãi bày tâm sự. Tựa như: “Chàng ơi, phụ thiếp làm chi. Thiếp là cơm nguội, đỡ khi đói lòng”. Hoặc là: “Tưởng nước giếng sâu, ta nối sợi gàu dài. Ai dè giếng cạn, phí hoài sợ dây”…

Không phải ngẫu nhiên trong hát ru, người hát thường gọi đối tượng được ru là “cái ngủ”. Biết bao xúc động và thương yêu ẩn chứa trong các từ đơn giản này. Đó cũng là giấc mơ đang chập chờn đậu xuống cánh võng, vành nôi của con trẻ: “Cái ngủ, mày ngủ cho ngoan”, “Cái ngủ, mày ngủ cho sâu”, “Cái ngủ, mày ngủ cho lâu”… Và khi trẻ khóc to, không chịu ngủ thì giai điệu, tiết tấu của lời ru phải mạnh, phải nhanh và đi kèm với nó là động tác vỗ về cũng phải tương tự. Nhưng khi trẻ đã thiu thiu thì động tác nựng con cũng như giai điệu, tiết tấu hát lại trở về đều đều, chậm rãi, dịu dàng, tha thiết. Điều này là cần thiết để đưa trẻ đi vào giấc ngủ sâu.

Trong hát ru, người hát đã tạo lập cho trẻ một thế giới đặc biệt, nó không giống với thế giới của người lớn. Nó giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất thần tiên. Thần tiên trong chính cái giản dị, mộc mạc ấy và thường thì người lớn không cảm nổi, dù rằng ai cũng đã từng là trẻ thơ. Đó là thế giới thực vật, nhưng nhiều nhất là thế giới động vật, với những con vật gần gũi xung quanh đứa trẻ. Đó là những cái cò, cái vạc, cái nông là con cá, con tôm, con tằm… và những con vật này cũng biết làm việc như người lớn: con cò bắt tép, cái bống thổi cơm, nấu nước, hoặc là “Bà còng đi chợ trời mưa. Cái tôm  cái tép đi đưa bà về”, hay là “Cái cò đi đón cơn mưa. Tối tăm mù mịt ai đưa cò về”… Đó còn là đặc sản của một vùng quê ở từng địa danh cụ thể như cau Nam Phổ, trầu chợ Dinh… Và dù chỉ được nêu một cách đơn sơ, tưởng như bâng quơ nhưng lại là rất đẹp và ấn tượng với con trẻ. Chúng hiện ra nhẹ nhàng, tự nhiên và gắn liền với việc người mẹ phải xa con để đi cấy, đi cày, đi chợ… Vì thế, con (hay em, cháu) phải ngủ cho ngoan, cho sâu cũng là để thương mẹ.

Cũng có khi, hát ru nói đến cảnh người mẹ nuôi con vất vả, khổ cực trăm bề: “Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ. Năm canh chầy, thức đủ vừa năm”. Hoặc là khi trời mưa, nhà nghèo bị dột nát thì “chỗ ướt mẹ nằm” để giành nơi khô ráo cho con. Trong cuộc sống thì người mẹ luôn để những miếng ăn ngon nhất cho chồng, cho con: “Miếng nạc thì để phần chồng. Miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con”. Và dù cuộc sống có muôn ngàn khó khăn, vất vả, nhưng người mẹ, thông qua những lời hát ru con của mình để dạy con dù sau này, có lâm vào cảnh chết chóc thì cũng phải chết trong sự sạch sẽ:

                    “Con cò mà đi ăn đêm.
                 Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.
                    Ông ơi! ông vớt tôi nao.
                 Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
                    Có xáo thì xáo nước trong
                 Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con”.

Chính nhờ sự giáo dục một cách nhẹ nhàng và tinh tế này mà hát ru đã góp phần tạo nên nhân cách sống có văn hóa cho đứa trẻ khi lớn lên. Nhà thơ Nguyễn Duy, khi nhớ về mẹ mình đã khẳng định: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”.

                                                                                               *
                                                                                            *    *

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê rất nghèo xứ Nghệ. Chưa đầy 10 tuổi, tôi và hai em nhỏ của mình đã phải mồ côi cha. Người đã ra đi sau một cơn bạo bệnh. Từ đó, anh em chúng tôi đã lớn lên trong sự thương yêu, đùm bọc của mẹ và bà con lối xóm. Biết bao nhọc nhằn, khổ cực, biết bao hạt mồ hôi đã túa ra từ tấm thân gầy còm cõi của mẹ để mưu sinh và nuôi chúng tôi học hành nên người. Mặc dù vậy, tiếng hát ru của mẹ vẫn đều đặn đưa chúng tôi đi vào giấc ngủ… Quả thật là không có gì có thể giải thích nổi sự chịu đựng gian khổ, ngoài sự thương con của mẹ. Và đó cũng chính là “Huyền thoại mẹ” đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dựng lên trong lòng công chúng. Gọi là huyền thoại, bởi sự kiên nhẫn và sức chịu đựng ấy âm thầm nhưng thật khổng lồ, phi thường lắm. Để rồi trong rất nhiều câu hát ru, hình ảnh người mẹ được hiện lên bao giờ cũng đầy ắp yêu thương, với nỗi nhớ bao la, da diết nhất. “Có ai đếm được vì sao. Có ai đếm được công lao mẹ già”. Công lao sinh thành và nuôi dưỡng của mẹ thật vô bờ bến. Do đó, thật đau buồn biết bao khi phải rời xa vòng tay mẹ, rời xa tiếng hát ru ngọt ngào, sâu lắng của người. Biết bao người mẹ đã ru con từ thuở trong nôi, đến những bước đi chập chững đầu đời, cho đến cả khi con đã trưởng thành, hình dáng mẹ vẫn theo con mãi mãi. “Con dẫu lớn, vẫn là con của mẹ. Đi suốt đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Có lẽ vì thế mà tiếng gọi “Mẹ ơi!” mà đứa con bi bô thủa ấu thơ lại trở về thật xót xa, đớn đau và buồn tủi khi con không còn mẹ. Người đã không quản biết bao khốn khó trong cuộc đời để ủ ấm những đứa con khi đông về lạnh lẽo bằng những câu hát ru tha thiết, yêu thương. Có ai hơn được mẹ, người đã cho con có được lòng tin để bước những bước đi nhân ái đầu tiên vào đời. Cho đến khi con biết thương mẹ, thì hình như bao giờ cũng muộn. Lời ru “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều” sao mà nghe đến nao lòng! Hay là khắc khoải trong “Chiều chiều ra đứng bờ ao. Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ. Buồn trông con nhện giăng tơ. Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ đợi ai”…

Nhớ mẹ là nhớ tới những lời ru. Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Duy đã nói hộ biết bao đứa con khi bồi hồi nhớ về một thủa có mẹ trong dáng hình tất tả, khó nhọc, đầy yêu thương, gần gũi và đức hy sinh cao thượng: “Cái cò, sung chát, đào chua. Câu ca mẹ hát gió đưa về trời. Ta đi trọn kiếp con người. Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.”. Rõ ràng là ý nghĩa của hát ru đối với cuộc đời mỗi con người thật lớn lao biết chừng nào. Thật là chí lý, sâu sắc và cũng rất ngọt ngào, tinh tế khi nhà thơ Chế Lan Viên viết về những lời ru của mẹ: “Con còn bế trên tay. Con chưa biết con cò. Nhưng trong lời mẹ hát. Có cánh cò đang bay”. Hay là: “Một con cò thôi. Con cò mẹ hát. Cũng là cuộc đời. Vỗ cánh qua nôi”… Trong lời ru mênh mang và da diết ấy, có lẽ có rất nhiều người thảng thốt khi nhận ra, có một lúc nào đó, ta bất chợt lãng quên lời ru của mẹ thủa nào. Để rồi đến một ngày nào đó, mọi sự phù phiếm sẽ chẳng còn ý nghĩa gì, kể cả sự mưu sinh, phù du nơi bụi trần, bởi ta đã vĩnh viễn không còn nghe thấy tiếng mẹ ru nữa. Sau gần trọn kiếp người, ta lại tìm sự bình yên nơi lòng mẹ, kể cả khi người đã hóa thân về với cỏ cây, mây trắng vĩnh hằng, thì cỏ cây và mây trắng ấy cũng biết hát lời ru bình yên và yêu thương không ngơi nghỉ cho những đứa con mình…

Trong hát ru, có nhiều nội dung thường không phù hợp với trẻ thơ. Nhưng người ru vẫn hát để âm điệu của lời hát giúp trẻ đi vào giấc ngủ. Hát để cho trẻ ngủ, còn mình thì thức, để một mình mình hát, một mình mình nghe. Và dù biết rằng, đứa con bé bỏng của mình sẽ không và chưa thể nào hiểu hết được nội dung các câu hát, nhưng người mẹ vẫn coi đứa con như là chỗ dựa, thậm chí, như người bạn tin yêu để san sẻ nỗi niềm. Chính vì thế mà sẽ không quá đáng khi người ta cho rằng, hát ru là tượng đài bất tử của lòng mẹ, của tình mẫu tử thiêng liêng.

Ở nước ta, hát ru đã ra đời và tồn tại hàng ngàn năm nay. Truyền thống văn hóa của dân tộc ta rất coi trọng loại hình âm nhạc này. Thế nhưng trong thế giới hiện đại, hát ru đã và đang dần biến mất khỏi đời sống, và người ta nhắc đến nó như nhắc đến một hoài niệm. Trẻ em ngày nay được thụ hưởng vô vàn những tiện nghi hiện đại và sang trọng từ thủa lọt lòng cho đến khi trưởng thành. Nhưng có một thực tế đáng buồn là nó chẳng còn được tắm mình trong tiếng hát ru ngọt ngào của bà, của mẹ nữa. Các nhà nghiên cứu đã nói rất nhiều về ý nghĩa và vai trò của hát ru với con trẻ và với cả cuộc đời sau này của nó. Vậy mà ngày nay, hát ru quả đã trở nên một việc rất khó khăn với rất nhiều bà mẹ. Đó cũng là một thiệt thòi đáng kể đối với con trẻ.

Ở tỉnh ta, cách đây khá lâu, ngành văn hóa khi đó, đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức các chương trình Liên hoan hát ru từ cấp cơ sở đến tỉnh, và đã được sự hưởng ứng khá nhiệt tình của đông đảo mọi người. Đó là một hoạt động văn hóa luôn tạo được sự quan tâm của công chúng. Bởi nó gợi ý thức sưu tầm và phát triển nhiều làn điệu hát ru vốn đã bị lãng quên theo thời gian. Nhưng hoạt động có ý nghĩa thiết thực này, đến nay đã không còn được ai nhắc tới nữa. Cuộc sống ngày nay, với nhiều tiện nghi hiện đại: máy nghe nhạc, đủ loại băng, đĩa hình, điện thoại di động có cài các loại nhạc, kể cả hát ru…, nhưng dù hiện đại đến đâu cũng không bao giờ có thể thay thế được nguồn sữa âm thanh diệu kỳ của hát ru.

Tóm lại, hát ru con là cách hát dân gian dựa trên những bài ca dao, hay những câu thơ có vần điệu. Đó là những bài hát nhẹ nhàng, dịu êm, kèm theo các động tác nựng, vỗ về làm cho trẻ dễ đi vào giấc ngủ sâu. Có lẽ đến nay, vẫn chưa có ai phổ nhạc thành một bài hát ru theo cách ký âm thông thường. Nhưng hầu như bất cứ một người Việt nào khi nghe cũng đều dễ dàng nhận ra hát ru, dù có trộn lẫn với nhiều thể loại ca khúc khác nhau. Đó là những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, êm ái đưa bé thơ vào giấc ngủ ngon lành…

“À ơi! Cái ngủ mày ngủ cho ngoan…” dù đi đâu, những câu hát ru của mẹ ngày nào cũng luôn in đậm trong tâm hồn mỗi con người. Tiếng hát ru trong những trưa hè oi nồng hay những đêm đông lạnh giá luôn khắc sâu trong tâm khảm những đứa trẻ. Và từ ngàn đời nay, lời ru vẫn hay, vẫn mượt mà, nồng thắm. Thế giới đang ngày càng phát triển, một phần văn hóa dân tộc đã và đang bị lãng quên, mai một. Vì vậy, chúng ta rất cần giữ gìn tiếng hát ru để trong mỗi căn nhà ấm cúng vẫn luôn ngân lên tiếng hát ru ngọt ngào, sâu lắng. Chính tình yêu quê hương là một tình cảm lớn lao được vun đắp từ những lời ru nhỏ bé này. Cũng nhờ đó mà hát ru sẽ luôn ăn sâu mãi vào tiềm thức của đứa trẻ. Và nếu có thể, chúng ta hãy hát cho con nghe những lời ru của mẹ, để tâm hồn chúng luôn được sống trong tình yêu thương, đùm bọc và trong vòng tay âu yếm của người.

KHÁNH NGÂN
 

Rate this post

Viết một bình luận