Ngữ nghĩa là một phạm trù quan trọng của ngôn ngữ. Dù là để hiểu rõ hơn hay chỉ đơn giản là học hỏi bất kì một ngôn ngữ nào, con người cũng cần tìm hiểu về ý nghĩa của các từ vựng, cụm từ hay cách diễn đạt của ngôn ngữ đó. Tuy nhiên trong hoạt động giao tiếp của con người, thường xuyên xuất hiện những nhu cầu về từ và cách diễn đạt để biểu thị cho những sự vật, hiện tượng hay khái niệm mới, cũng như để tạo ra những hiệu quả giao tiếp mới. Song nếu chỉ đáp ứng nhu cầu đó bằng cách tạo ra ngày càng nhiều từ mới thì đến một lúc nào đó hệ thống ngôn ngữ sẽ bao gồm một số lượng rất lớn các đơn vị từ vựng. Điều đó có thể làm cản trở quá trình giao tiếp, do con người sẽ phải ghi nhớ quá nhiều từ vựng. Để khắc phục tình trạng này, người ta thường chuyển nghĩa những đơn vị từ vựng có sẵn bằng cách thay đổi một thành phần ý nghĩa nào đó của từ để tạo nên một nghĩa mới, vẫn có mối liên quan nhất định đến nghĩa gốc. Thật vậy, nghĩa chuyển trong tiếng Anh, hiện tượng xảy ra rất thường xuyên, các từ đa nghĩa chiếm số lượng rất lớn.
Lấy ví dụ, ngay bản thân từ “mean” – “có nghĩa” cũng chứa đựng rất nhiều nghĩa chuyển:
-
Pig means a large farm animal with short legs and a curved tail, kept for its meat. (Pig có nghĩa là một loài động vật ở trang trại, với chân ngắn và đuôi cong, thường được nuôi để thịt).
Nghĩa gốc: “có nghĩa là” -
Mary means well. (Mary tỏ ý tốt)
Nghĩa chuyển: “tỏ ý” -
That red flag means danger. (Lá cờ đỏ biểu thị cho sự nguy hiểm).
Nghĩa chuyển: “Biểu thị, dấu hiệu”
Hiện tượng chuyển nghĩa này có vai trò rất quan trọng trong việc học từ vựng Tiếng Anh. Bài viết sẽ định nghĩa khái niệm của nghĩa chuyển trong tiếng Anh, từ đó làm rõ tầm quan trọng của nghĩa chuyển và gợi ý cách ứng dụng trong việc học từ vựng Tiếng Anh.
Nghĩa chuyển (Polysemy) là gì?
Định nghĩa
Theo từ điển Cambridge và Oxford, polysemy nghĩa là “the fact of having more than one meaning” – có nhiều hơn một nghĩa. “Polysemy occurs when a word form carries more than one meaning.” – Hiện tượng nghĩa chuyển xảy ra khi một từ có nhiều hơn một ý nghĩa.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã từng đưa ra định nghĩa cho hiện tượng này: “Polysemy is the association of two or more related senses with a single linguistic form” (Taylor, 1995) – Polysemy là sự liên kết giữa hai hay nhiều ý nghĩa trong một hình thức ngôn ngữ. Hay theo như Adam Sennet (2016): “Polysemy is a phenomenon that concerns cases in which a word or phrase enjoys multiple, related meanings.” – Polysemy là hiện tượng mà một từ hay cụm từ có nhiều nghĩa liên quan đến nhau.
Vậy tựu chung lại, người học có thể hiểu Polysemy là hiện tượng nghĩa chuyển, khi mà một từ hay một cụm từ có nhiều hơn một nghĩa và những ý nghĩa này lại có liên quan đến nhau trên một góc độ nào đó.
Polysemy
Polysemy là một yếu tố phổ biến của ngôn ngữ, vì hầu hết mọi từ đều có thể được sử dụng linh hoạt trong nhiều ngữ cảnh và có thể được dùng với các nghĩa chuyển trong từng ngữ cảnh. Người học có thể hình dung điều này qua ví dụ sau: từ ‘hook’ có thể dùng để chỉ móc áo, hoặc móc câu cá (‘coat hook and fish hook’) nhưng cũng có thể được sử dụng như động từ, đề cập đến hành động câu được cá (‘to hook a fish). Từ này thậm chí còn được sử dụng theo một cách ẩn dụ để nói về cảm giác bị cuốn theo, mắc vào một cảm giác (‘hooked on a feeling’). Ví dụ: “I was completely hooked by Son Tung MTP’s live performance” (Tôi hoàn toàn bị cuốn vào/ cuốn hút bởi màn trình diễn của Sơn Tùng MTP). Người học có thể nhìn thấy hiện tượng chuyển nghĩa này ở hầu hết mọi từ Tiếng Anh – khi chúng được đặt vào những ngữ cảnh khác nhau, chúng sẽ không chỉ mang một nghĩa đơn giản mà thường chứa đựng nhiều ý nghĩa có liên quan đến nhau.
Để hiểu rõ hơn về hiện tượng chuyển nghĩa Polysemy, bài viết sẽ so sánh Polysemy với hiện tượng từ đồng âm nhưng khác nghĩa (Homonymy):
-
Homonymy là hiện tượng từ đồng âm, khi mà các từ có cách đọc hoặc viết giống hệt nhau nhưng ý nghĩa lại hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ: từ book (danh từ chỉ quyền sách) và book (động từ chỉ hành động đặt chỗ, đặt vé) có cách đọc và viết giống nhau nhưng ý nghĩa lại khác nhau. Hoặc tương tự, danh từ “bank” có thể là “ngân hàng” hoặc “bờ sông” tùy vào mục đích sử dụng.
Homonymy
-
Khác với Homonymy, Polysemy là hiện tượng mà một từ hay cụm từ có nhiều nghĩa chuyển, nhưng các nghĩa này lại liên quan đến nhau chứ không hoàn toàn khác nhau. Ví dụ từ “good” có thể có rất nhiều nghĩa chuyển:
We had a good time yesterday.
→ Nghĩa chuyển: Pleasurable, enjoyable, or satisfying (Vui vẻ, thú vị hoặc hài lòng)
Bring me a good banana.
→ Nghĩa chuyển: Suitable for an intended purpose (Thích hợp cho một mục đích định sẵn)
That ticket is good for travel on any flight.
→ Nghĩa chuyển: Generally valid and acceptable (Hợp lệ và chấp nhận được)
He is a good painter.
→ Nghĩa chuyển: Skilled (có tay nghề cao, khéo léo)
He is a good man.
→ Nghĩa chuyển: morally right; behaving in a way that is morally right (cư xử có đạo đức)
Như vậy, điểm khác biệt rõ ràng nhất là Polysemy chỉ hiện tượng xảy ra ở một từ còn Homonymy là hiện tượng xảy ra ở hai hay nhiều từ. Điểm khác biệt thứ hai là nghĩa của từ này trong nhiều ngữ cảnh có sự khác biệt, tuy nhiên vẫn liên quan đến nhau dưới một góc độ nào đó chứ không hoàn toàn khác nhau.
Các dạng nghĩa chuyển Polysemy
Theo Cruse (2000), polysemy có thể được chia thành hai loại khác nhau: linear (theo quy luật) và non-linear (không theo quy luật).
Các dạng nghĩa chuyển Polysemy
Các dạng nghĩa chuyển theo quy luật lần lượt là:
-
Autohyponymy: Xảy ra khi một nghĩa chung chuyển thành một nghĩa cụ thể, chỉ một dạng nhỏ trong cái chung đó.
Ví dụ: Từ “drinking” – uống rượu nói chung sang “drinking champagne” – uống sâm – panh.
-
Automeronymy: Tương tự với dạng ở trên, nghĩa chung cũng chuyển thành nghĩa cụ thể, nhưng ở đây không phải một dạng mà là một bộ phận của cái chung đó.
Ví dụ: Từ “door” – cánh cửa chuyển sang “door knob” – tay nắm cửa.
-
Autohyperonymy: Xảy ra khi một nghĩa chung chuyển thành một nghĩa rộng hơn.
Ví dụ: Từ “man” – có nghĩa là đàn ông, trái nghĩa với “woman” (phụ nữ), nhưng “man” cũng có thể chuyển thành nghĩa rộng hơn là “loài người”.
-
Autoholonymy: Cũng xảy ra khi một nghĩa chung chuyển thành một nghĩa rộng hơn, tuy nhiên ở đây nghĩa rộng hơn này là về các bộ phận.
Ví dụ: Từ “leg” có thể được hiểu là chân, bao gồm đùi và bắp chân. Nhưng trong nhiều trường hợp cũng có thể hiểu là chân, bao gồm đùi, bắp chân, đầu gối và bàn chân.
Có hai dạng nghĩa chuyển không theo quy luật:
-
Metaphor (ẩn dụ): phương thức biến đổi ý nghĩa của từ bằng cách lấy tên gọi của sự vật, hiện tượng này để chỉ sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở của sự giống nhau về một khía cạnh nào đấy giữa hai sự vật hay hiện tượng ấy.
Ví dụ: Từ “chain” có nghĩa là dây xích, tuy nhiên từ này cũng được sử dụng theo ý nghĩa ẩn dụ là một “chuỗi” như trong “a chain of events” – một chuỗi những sự kiện.
-
Metonymy (hoán dụ): phương thức làm biến đổi ý nghĩa của từ bằng cách lấy tên gọi của sự vật, hiện tượng này để chỉ một sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở mối quan hệ tất yếu giữa các sự vật, hiện tượng ấy.
Ví dụ: Từ “hands” có thể hiểu là tay – bộ phận cơ thể. Tuy nhiên trong ngữ cảnh “This doll was made by hands” thì hands ở đây có thể hiểu là “làm thủ công”. Hoặc trong một ngữ cảnh khác cũng có thể mang nghĩa là ‘công nhân’ (ví dụ: ‘hands wanted’ = tuyển mộ công nhân).
Phương thức này cũng có thể sử dụng để chỉ quan hệ giữa nguyên liệu và thành phẩm, nghĩa là lấy tên gọi của nguyên liệu để chỉ sản phẩm hay thành phẩm làm từ nguyên liệu đó. Ví dụ: ‘glass’ trong tiếng Anh có thể là “thuỷ tinh” (nguyên liệu), song cũng có thể là “cái cốc”, “cái kính”, “ống nhòm” (thành phẩm)
Tầm quan trọng của nghĩa chuyển – Polysemy
Từ xưa tới nay, con người thường chỉ chú ý nghiên cứu và tìm hiểu về những hiện tượng rõ ràng và hiển nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học hỏi ngôn ngữ như hiện tượng từ đồng âm (Homonymy) mà đánh giá thấp hay không chú ý tới những hiện tượng như Polysemy – từ chuyển nghĩa. Trong khi từ đồng âm chỉ là những trường hợp đặc biệt, một sự trùng hợp trong Tiếng Anh thì polysemy lại xảy ra rất thường xuyên. Theo Lee (1990), 93 trong số 100 từ thông dụng nhất trong Tiếng Anh có thể là từ chuyển nghĩa.
Polysemy xảy ra rất thường xuyên nên hiện tượng này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đọc hiểu, tiếp thu ngôn ngữ cũng như sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và chính xác.
-
Ảnh hưởng đến khả năng đọc hiểu, tiếp thu ngôn ngữ:
Từ vựng thường có nhiều nghĩa chuyển khi đặt trong những tình huống hoặc ngữ cảnh cụ thể, do đó muốn hiểu đúng ý nghĩa của câu hay nội dung được truyền tải, người học phải xác định đúng nghĩa chuyển trong tiếng Anh của từ vựng đó. Hơn nữa, việc nắm được nghĩa chuyển của từ cũng sẽ khiến cho quá trình đọc hiểu để nắm được thông tin, cũng như tiếp thu ngôn ngữ của người học dễ dàng hơn. Nếu không hiểu được ý nghĩa đa dạng của từ vựng, người học khó có thể đọc hiểu chính xác.
Người học có thể tham khảo ví dụ dưới đây:
“Such is our dependence on fossil fuels, and such is the volume of carbon dioxide already released into the atmosphere, that many experts agree that significant global warming is now inevitable. They believe that the best we can do is keep it at a reasonable level, and at present the only serious option for doing this is cutting back on our carbon emissions. But while a few countries are making major strides in this regard, the majority are having great difficulty even stemming the rate of increase, let alone reversing it.” (Reducing the effects of climate change – Cambridge Practise Tests 11 – Reading Test 1)
Trong mỗi câu trong đoạn trích trên đều chứa đựng những từ ngữ được sử dụng với nghĩa chuyển:
Từ “release” nghĩa gốc là “to give freedom or free movement to someone or something” – trả lại tự do hoặc sự tự do di chuyển cho ai đó hoặc thứ gì đó. Ví dụ: “He was released from prison after serving a five-year sentence” – Anh ấy được trả tự do sau hạn tù 5 năm. Còn trong đoạn văn ở trên, từ “release” được dùng với nghĩa chuyển là “to allow a substance to flow out from somewhere” – cho phép một chất có thể được phát ra từ đâu đó, mà trong trường hợp này là “carbon dioxide” – khí CO2 được xả vào trong không khí. Ngoài ra, từ “release” còn có một số nghĩa chuyển như sau:
-
To move a device from a fixed position to allow it to move freely (di chuyển một thiết bị khỏi một ví trí nhất định để nó có thể tự do di chuyển)
Ví dụ: He released the handbrake and the car jumped forwards. (Anh ấy nhả tay phanh và chiếc xe vọt lên phía trước).
-
To express a feeling that you have been trying not to show (bày tỏ cảm giác mà bạn đã cố gắng không thể hiện trước đây)
Ví dụ: He punched the pillow in an effort to release his anger. (Anh ấy đấm vào gối để cố gắng giải thoát cơn giận dữ)
-
To allow something to be shown in public or to be available for use (Cho phép thứ gì đó có thể được hiện thị trước công chúng hoặc có thể sử dụng)
Ví dụ: The mayor has released a statement explaining the reasons for his resignation. (Thị trưởng đã đưa ra một tuyên bố giải thích lý do ông từ chức).
-
To make a product, for example a book, available for the public to buy, often with a celebration; launch (ra mắt một sản phẩm trước công chúng).
Ví dụ: The band’s latest album will be released next week. (Album mới nhất của ban nhạc sẽ được ra mắt vào tuần sau).
Tương tự, ở câu thứ hai, từ “cut” cũng được sử dụng với nghĩa chuyển. Nghĩa gốc của nó theo từ điển Cambridge là “to break the surface of something, or to divide or make something smaller, using a sharp tool, especially a knife” – hay đơn giản là “cắt”. Ở trong ngữ cảnh này “cut” và “back” kết hợp thành một phrasal verb nghĩa là “to spend less, do less, or use less of something” để chỉ sự cắt giảm.
Ở câu cuối cùng, từ danh tử “regard” có nghĩa gốc là: “attention to or thought and care for somebody/something” – sự chú ý, suy nghĩ hoặc quan tâm cho ai hay cái gì. Ví dụ: “He has no regard for other people’s feelings” – Anh ấy không có sự quan tâm đối với cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cụm “in this regard” lại mang nghĩa chuyển là “in this particular way” – trong trường hợp đặc biệt này, về vấn đề này. Ngoài ra, danh từ “regard” cũng có một số nghĩa chuyển khác như:
-
Respect or admiration for somebody/something (sự tôn trọng hoặc ngưỡng mộ cho ai hay cái gì)
Ví dụ: Children should have proper regard for their parents and teachers. (Trẻ em nên có sự tôn trọng bố mẹ và thầy cô giáo).
-
Relating to somebody/something (liên quan đến ai hay cái gì đó)
Ví dụ: With regard to the customers’ feedback, we have been pleased to know that they love the new models. (Về phản hồi của khách hàng, chúng tôi rất vui khi biết rằng họ rất thích những mẫu sản phẩm mới)
-
Good wishes to somebody (lời chúc tốt đẹp đến ai đó)
Ví dụ: Give your brother my regards when you see him. (Hãy gửi những lời chúc tốt đẹp của tôi đến anh trai bạn khi bạn gặp anh ấy).
Ngoài ra, “regard” cũng có thể sử dụng như một động từ với các nghĩa:
-
To think about somebody/something in a particular way (nghĩ về ai đó hay điều gì đó theo một cách cụ thể)
Ví dụ: Capital punishment was regarded as inhuman and immoral. (Hình phạt tử hình được coi là vô nhân đạo và vô đạo đức).
Như vậy, chỉ khi nắm được các nghĩa chuyển của các từ này, người học mới có thể hiểu được rõ ý nghĩa của từ này trong từng ngữ cảnh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc đọc hiểu và tiếp thu ngôn ngữ.
-
Ảnh hưởng đến khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và chính xác
Trong quá trình giao tiếp cũng như trong ngôn ngữ viết, các từ đa nghĩa, chuyển nghĩa đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạt ý tưởng. Ví dụ, khi người học muốn học từ “make” – người học đã ghi nhớ nghĩa gốc của từ này là “to produce something, often using a particular substance or material” – làm ra thứ gì đó. Tuy nhiên, “make” là một động từ có rất nhiều nghĩa chuyển trong tiếng Anh, nếu không học các ý nghĩa khác của từ này, người học khó có thể kết hợp từ đúng để diễn đạt ý của mình trong những trường hợp khác hoặc khó có thể hiểu được khi người khác sử dụng từ này với nghĩa chuyển. Khi nắm được các nghĩa của từ “make” theo từng ngữ cảnh, người học có thể sử dụng được từ này một cách linh hoạt và chính xác:
-
To make a film or television programme is to direct, produce it, or act in it (làm ra một bộ phim là hoạt động đạo diễn, sản xuất hoặc diễn xuất)
Ví dụ: John Huston made some great movies. (John Huston làm ra những bộ phim rất tuyệt vời).
-
To cause something (gây ra điều gì đó)
Ví dụ: What made you change your mind? (Điều gì đã khiến bạn thay đổi ý định)
The kids made a real mess in the kitchen. (Bọn trẻ gây ra một mớ hỗn độn ở trong bếp)
-
To cause something to become, or to appear as (khiến cho thứ gì đó trở thành, xuất hiện như)
Ví dụ: It’s the good weather that makes Spain such a popular tourist destination. (Chính thời tiết tốt đã khiến Tây Ban Nha trở thành một điểm hẹn du lịch nổi tiếng)
-
To force someone or something to do something (bắt ai hoặc cái gì phải làm gì)
Ví dụ: The teacher made me stay in after school and do extra assignment. (Cô giáo bắt tôi ở lại sau giờ học để làm thêm bài tập).
-
To perform an action (thực hiện một hành động). Trường hợp này từ “make” sẽ đi với một danh từ để chỉ một hành động cụ thể.
Ví dụ: I have to make a phone call. (Tôi phải gọi điện)
Somebody has made a donation of £1 million to the charity Oxfam. (Ai đó đã quyên góp số tiền 1 triệu bảng cho quỹ từ thiện Oxfarm).
I need to make a doctor’s appointment. (Tôi cần phải hẹn gặp bác sĩ).
-
To earn or get (kiếm hoặc nhận được)
Ví dụ
-
She makes $100,000 a year as a doctor. (Cô ấy kiếm được $100,000 một năm với tư cách là bác sĩ)
-
How do you make a living as a painter? (Bạn kiếm sống bằng nghề họa sĩ như thế nào?)
Ứng dụng của nghĩa chuyển trong việc học từ vựng hiệu quả
Sau khi đã hiểu được tầm quan trọng của nghĩa chuyển và nhận thức được mức độ phổ biến của nó, người học cần chú tâm vào việc học các nghĩa khác nhau của một từ vựng khi chúng được đặt vào các tình huống khác nhau để có thể giúp đỡ cho việc đọc hiểu, tiếp thu hiệu quả và sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, chính xác. Như vậy, khi học từ, thay vì chỉ học một nghĩa gốc thì người học cần tìm hiểu thêm về các nghĩa chuyển của từ vựng.
Tuy nhiên, do thói quen học từ vựng bằng cách dịch nghĩa từ Tiếng Anh sang Tiếng Việt để học thuộc ý nghĩa, người học sẽ không thể hiểu hết được sắc thái nghĩa cũng như các nghĩa chuyển của từ vựng khi được đặt vào những tình huống khác nhau, hậu quả là việc sử dụng từ vựng sai nghĩa hoặc sai ngữ cảnh. Như trong ví dụ ở trên, nếu chỉ dịch nghĩa từ “make” là “làm” thì người học sẽ không thể biết các cách sử dụng cũng như các nghĩa chuyển trong tiếng Anh khác của từ này.
Một từ có thể có nhiều nghĩa, do đó muốn hiểu đúng ý nghĩa của từ, ta phải xem xét nó trong những ngữ cảnh cụ thể. Ngữ cảnh nói một cách đơn giản là tình huống, bối cảnh ngôn ngữ, trong đó từ xuất hiện với một ý nghĩa cụ thể của nó. Thông qua ngữ cảnh, ta có thể xác định được những yếu tố để hạn chế, thu hẹp phạm vi ý nghĩa của từ, làm cho nghĩa được sử dụng trở nên rõ ràng hơn. Đó là các yếu tố liên quan đến người nói, người nghe, địa điểm giao tiếp, thời gian giao tiếp, môi trường ngôn ngữ của từ,… Trong một ngữ cảnh cụ thể, ta sẽ hiểu đúng ý nghĩa đang được sử dụng của từ.
Vì vậy, cốt lõi của việc học được các nghĩa chuyển của một từ, và hiểu rõ cách sử dụng từ đó là đặt nó vào trong một ngữ cảnh cụ thể. Không chỉ vậy, người học cũng không nên chỉ sử dụng phương pháp dịch nghĩa sang Tiếng Việt, vì bước này sẽ khiến người học khó có thể hiểu sát nghĩa của từ vựng, nhất là khi chúng có rất nhiều nghĩa chuyển mà nên kết hợp sử dụng các từ điển Anh – Anh như Oxford hay Cambridge.
Người học có thể áp dụng các bước sau để học được từ vựng và hiểu rõ cả các cách sử dụng của những từ vựng này:
Bước 1: Thu thập những từ vựng cần học và phân loại ra những từ ngữ có thể có nghĩa chuyển bằng cách tra cứu nghĩa của từ vựng này trên từ điển Anh – Anh như Oxford hay Cambridge.
Bước 2: Xác định nghĩa gốc của từ vựng và các nghĩa chuyển. Đôi khi ranh giới giữa nghĩa gốc và nghĩa chuyển tương đối khó xác định. Người học chỉ cần xét xem nghĩa nào của từ vựng được sử dụng nhiều nhất, và có thể lấy làm gốc để suy ra mối liên quan với những nghĩa chuyển khác.
Ví dụ từ “see” vốn có nghĩa gốc là “nhìn”, có thể có nhiều nghĩa chuyển khác như:
-
to watch a film, television programme (Xem TV, hay xem phim,…)
-
to understand, know, or realize (Hiểu, biết hoặc nhận ra)
-
to meet or visit someone, or to visit a place (gặp gỡ, thăm viếng ai đó hay một nơi nào đó)
-
to consider or think about, especially to think about someone or something in a particular way, or to imagine someone doing a particular activity. (Xem xét hoặc suy nghĩ, đặc biệt là nghĩ về ai đó hoặc điều gì đó theo một cách cụ thể, hoặc tưởng tượng ai đó đang thực hiện một hoạt động cụ thể)
-
to try to discover (cố gắng để khám phá)
Bước 3: Đặt các nghĩa này vào những ngữ cảnh cụ thể. Điều này không chỉ giúp người học hiểu rõ cách sử dụng thực tế của từng nghĩa chuyển mà còn giúp người học dễ dàng hơn trong việc ghi nhớ chúng. Ngữ cảnh sẽ cung cấp cho người học nhiều thông tin hơn để có thể liên kết những dữ liệu trong bộ não nhằm ghi nhớ từ vựng lâu hơn và áp dụng chúng một cách hiệu quả, chính xác.
Người học có thể thấy rõ nhất ở ví dụ về từ “see”. Mặc dù ở trên đã có các nghĩa khác nhau của từ này một cách đầy đủ và sát nghĩa nhất nhưng người học vẫn gặp khó khăn trong việc sử dụng từ này nếu không đặt nó vào một ngữ cảnh bằng cách đưa ra những ví dụ trong từng trường hợp cụ thể.
Ở bước này, người học có thể sử dụng mind map – bản đồ tư duy để có thể phân biệt các nghĩa khác nhau của từ vựng, đi kèm với ngữ cảnh.
Bước 4: Thường xuyên ôn tập lại các nghĩa chuyển của từ vựng, và nhắc lại chúng khi có ngữ cảnh phù hợp để có thể ghi nhớ chúng lâu hơn.
Tổng kết
Ngữ nghĩa là phạm trù mà người học cần phải chú trọng khi tìm hiểu bất kì một loại ngôn ngữ nào. Trong phạm trù này, hiện tượng nghĩa chuyển (polysemy) hay các dạng nghĩa chuyển trong tiếng Anh của từ vựng là một điều mà người học nên học hỏi và tìm hiểu rõ ràng để có thể sử dụng từ vựng cũng như ngôn ngữ một cách hiệu quả, chính xác cũng như linh hoạt trong việc truyền đạt ý tưởng của mình.
Hoàng Phương Anh