Nghia Dung Karate

BẠN NGHĨ GÌ VỀ CÂU NÓI “IM LẶNG LÀ VÀNG”?

Hà Nam Thắng
CLB: Huỳnh Thúc Kháng
HLV: Hoàng Đình Thành

Im lặng là vàng là câu tục ngữ đã xuất hiện từ lâu. Về nghĩa đen mà nói, nó chỉ ra rằng sự im lặng trong nhiều trường hợp có giá trị ngang với vàng – một kim loại rất quý. Về cơ bản, điều này là đúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện tại, rất nhiều người dùng ý nghĩa đó để ám chỉ một hành động khác. Hành động đó là gì? Vì sao họ làm như vậy? Trong bài viết ngắn gọn này, tôi muốn trình bày một số quan điểm cá nhân liên quan đến chủ đề này.
Trước hết, tôi muốn đề cập đến phần tích cực của câu nói. Trong cuộc sống hàng ngày, giao tiếp bằng ngôn ngữ là phương tiện chính để con người hiểu nhau, cùng cộng tác, phát triển và xây dựng xã hội. Nhưng con người là một sản phẩm không hoàn thiện của tạo hóa, và do vậy, không thể tránh khỏi sự xung đột về các quan điểm khác nhau. Trong trường hợp này, ông bà ta đã đúc rút thành câu tục ngữ “Im lặng là vàng”. Sư im lặng, nhường nhịn là cần thiết để giải tỏa căng thẳng, để các bên có thêm thời gian suy nghĩ, từ đó cùng nhau giải quyết vấn đề. Sự im lặng còn có một ý nghĩa khác, đó là thể hiện thái độ (bao gồm cả thái độ khinh miệt; giận dữ; hối lỗi..) của bản thân. Ở đây, sự im lặng có giá trị ngang với cả ngàn lời nói.
Tuy nhiên, cũng không thể không đề cập đến một khía cạnh khác liên quan đến sự vận dụng một cách tiêu cực câu tục ngữ này trong cuộc sống hiện đại. Sự sợ hãi, sợ trách nhiệm, sợ liên lụy, sợ vất vả, sợ bị trách cứ đã biến các bên tham gia thành những cá thể thụ động. Họ hoặc là tự gật đầu với tất cả các quyết định của cấp trên, làm thinh trước hành động sai trái của bạn bè, đồng nghiệp; làm ngơ trước những bất công mà một thời, họ được dạy rằng phải đấu tranh, phải dũng cảm chống lại nó. Cuối cùng, những cá thể này, sau một thời gian dài “im lặng’, trở nên tự thỏa hiệp với chính bản thân mình. Đối với họ, sự im lặng trong những trường hợp này cũng được sánh với “vàng”. Nhưng liệu đấy có thật sự là “vàng”?
Cuộc sống vẫn trôi, ngày vẫn lên và tôi vẫn tự hỏi, vì sao chúng ta làm vậy? Tôi không phải là một nhà xã hội học để có thể phân tích chính xác những yếu tố tác động đến ý thức với nguồn dữ liệu cụ thể. Nhưng với trải nghiệm của bản thân, tôi nhận ra rằng chính sự rạn nứt niềm tin trong xã hội chúng ta đang là nguyên nhân chính dẫn đến sự im lặng giả tạo nêu trên. Mất niềm tin vào xã hội, mất niềm tin vào con người, mất niềm tin vào chính cuộc sống khiến ta nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy kẻ lợi dụng, và lâu dần, sự yếm thế khiến chúng ta trở nên yếu đuối, lệ thuộc và “im lặng”.
Để kết thúc bài thảo luận này, tôi cũng muốn dẫn lại một câu tục ngữ khác “Lửa thử vàng, gian nan thử sức mạnh”. Vàng muốn thật phải được thử lửa. Niềm tin muốn có phải được thau rửa qua thời gian. Vậy nên, chúng ta hãy im lặng khi thực sự cần thiết, nhưng đừng bao giờ im lặng trước sự bất công, trước những hành động sai trái đi ngược với chuẩn mực của xã hội, trước những tư tưởng cực đoan mưu lợi ích cá nhân. Có vậy, sự im lặng mới là vàng đúng nghĩa. Sự im lặng đó mới thực sự giá trị cho tất cả các bên.

Rate this post

Viết một bình luận