Ngô sinh khối là gì? Hàm lượng dinh dưỡng ra sao?

Thứ Ba 28/07/2020 , 12:03 (GMT+7)

Ngô sinh khối là vấn đề được bạn đọc Nguyễn Trung Ánh (Hòa Bình) và nhiều bạn đọc khác hỏi qua mục Nhịp cầu nhà nông. Các chuyên gia giải đáp vấn đề này.

Ngô sinh khối là gì?

Ngô sinh khối là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp ngô đã chín hoàn toàn, cây ngô thu hoạch làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn bắp ngô chín sáp sẽ đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi.

Toàn bộ cây ngô (thân, lá, bắp) thường được băm/xay nhỏ để cho gia súc ăn trực tiếp, hoặc chế biến sâu hơn thành các thức ăn cho gia súc như ủ chua, viên nén hoàn chỉnh cho gia súc ăn cỏ…

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của chăn nuôi bò sữa, bò thịt và các gia súc ăn cỏ tại nước ta, một số đơn vị khoa học và doanh nghiệp cũng đã có các nghiên cứu ban đầu về cơ cấu thức ăn thô xanh phù hợp dành cho gia súc.

Sản xuất ngô sinh khối cần phải gắn với cơ giới hóa đồng bộ, nhất là khâu thu hoạch. Ảnh: Ngọc Ánh.

Sản xuất ngô sinh khối cần phải gắn với cơ giới hóa đồng bộ, nhất là khâu thu hoạch. Ảnh: Ngọc Ánh.

Ngô sinh khối có hàm lượng dinh dưỡng cao

Một nghiên cứu của Bộ môn Cây thức ăn chăn nuôi (Viện Nghiên cứu Ngô) phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống Việt (VietSeed) thực hiện mới đây đối với nhiều loại cây thức ăn cho gia súc ăn cỏ cho thấy, ngô sinh khối là thức ăn thô xanh có chất lượng hàng đầu.

Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện đối với nhiều loại cây thức ăn cho gia súc như: nhóm cỏ voi, cỏ VA 06, King grass; nhóm cỏ Mombasa Guinea; nhóm cỏ Mulato, Ruzi, Signal…; nhóm cỏ Paspalum Attratum, Narok; nhóm cao lương, Sudanese; nhóm cỏ Slyto, Centro, Alfalfa, đậu tương; nhóm ngô…

Kết quả phân tích cho thấy, ngô (sinh khối, thu hoạch giai đoạn chín sáp) là thức ăn thô xanh đứng thứ 2 về hàm lượng dinh dưỡng trong số các nhóm cỏ được nghiên cứu (chỉ đứng sau nhóm cỏ Slyto, Centro, Alfalfa, đậu tương). Đặc biệt, ngô sinh khối có hàm lượng vật chất khô rất cao (giao động xoay quanh 28-35%), đứng đầu trong số các loại cỏ dành cho thức ăn chăn nuôi.

Hàm lượng vật chất khô là chỉ tiêu quan trọng hàng đầu đối với một loại thức ăn thô xanh dành cho vật nuôi. Hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, bò thịt cũng đang sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh chính, với yêu cầu hàm lượng vật chất khô chấp nhận được xoay quanh 30-31%.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy các chỉ số như ADF (Acid Detergent Fiber – chất xơ không hoà tan trong acid); chỉ số NDF (Neutral Detergent Fiber – chất xơ không tan trong dung dịch trung tính); hàm lượng Protein thô… của ngô sinh khối đều ở mức phù hợp đối với thức ăn thô dành cho gia súc ăn cỏ (ADF của ngô sinh khối khoảng 25%; NDF khoảng 43% và Protein thô khoảng trên 8%).

Ngô cũng được đánh giá là có nhiều ưu điểm so với các loại cỏ khác như năng suất khá cao (từ 45-50 tấn/ha/lứa), có thể trồng bằng hạt trên diện tích lớn, chi phí trồng trung bình, dinh dưỡng tốt, rất dễ tiêu, ngon miệng… (tuy nhiên cũng có nhược điểm như kén đất tốt, không tái sinh, chỉ trồng hàng vụ).

Chưa có giống ngô sinh khối chuyên biệt

Theo TS. Đào Ngọc Ánh, Trưởng Bộ môn Cây thức ăn chăn nuôi (Viện Nghiên cứu ngô), những năm gần đây, trước nhu cầu ngày càng cao của ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi, Viện Nghiên cứu ngô cũng như một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống ngô tại Việt Nam cũng đã bắt tay nghiên cứu các giống ngô chuyên phục vụ nhu cầu sản xuất ngô sinh khối, mang các đặc tính sinh học và có năng suất cao, nhất là có hàm lượng dinh dưỡng cao và phù hợp với chăn nuôi gia súc ăn cỏ.

Ngô sinh khối đã được một số doanh nghiệp chế biến sâu để xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông... Ảnh: Ngọc Ánh.

Ngô sinh khối đã được một số doanh nghiệp chế biến sâu để xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… Ảnh: Ngọc Ánh.

Đến nay, Viện Nghiên cứu ngô cũng như một số doanh nghiệp đã bước đầu chọn tạo được một số giống ngô phù hợp cho sản xuất ngô sinh khối, có năng suất cao, bộ lá bó đứng, có ưu điểm vượt trội về chiều cao cây, bộ rễ chân kiềng chắc khỏe, có hàm lượng chất khô cao…

Theo TS Ánh, một trong những yêu cầu quan trọng khác của ngô sinh khối, đó là giống phải có khả năng chịu được mật độ dày, thậm chí từ 8-9 vạn cây/ha (so với mật độ phổ biến trồng ngô sinh khối hiện nay chỉ khoảng trên dưới 7 vạn cây/ha). Bên cạnh đó, giống phải có khả năng chống chịu tốt, cây to khỏe, chống đổ tốt, sạch bệnh, bộ lá xanh bền…

Mặc dù vậy nhìn chung hiện nay, Việt Nam vẫn chưa thực sự có được giống ngô chuyên dụng để sản xuất sinh khối, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu cả về sinh trưởng và hàm lượng các chất dinh dưỡng. Việc sử dụng giống ngô sản xuất sinh khối hiện nay ở nước ta theo đó mới chỉ dựa vào việc lựa chọn các giống ngô lấy hạt, đồng thời mang các đặc tính tốt để sản xuất sinh khối.

TS. Vương Huy Minh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô cũng đánh giá: Hiện nay, việc phát triển ngô sinh khối ngoài các yêu cầu về năng suất, thì các yêu cầu về dinh dưỡng, độ ngon miệng, sự phù hợp để chế biến thức ăn từ ngô sinh khối… còn đóng vai trò rất quan trọng, nhất là vai trò đóng góp dinh dưỡng từ bắp ngô ở giai đoạn chín sáp lúc thu hoạch.

Trong khi đó, nông dân hiện nay trồng ngô phục vụ thu hoạch sinh khối lại mới chỉ chú trọng tới năng suất, mà chưa hiểu hết vai trò cần phải đồng thời chú trọng tới việc để bắp đối với ngô sinh khối. Đa số nông dân mới chỉ trồng ngô với cả hai hướng mục tiêu: Nếu ngô hạt có giá thì thu hoạch ngô hạt, hoặc nếu ngô hạt rẻ quá thì mới chuyển sang bán cho các đơn vị chăn nuôi làm sinh khối.

Vì vậy trong thời gian tới, cần phải tiếp tục có những nghiên cứu sâu, toàn diện hơn nữa cả về giống ngô chuyên biệt cho sản xuất sinh khối, cả về quy trình kỹ thuật một cách đồng bộ cho sản xuất ngô sinh khối.

Cần hình thành công nghiệp chế biến sinh khối

Theo TS Đào Ngọc Ánh, Trưởng Bộ môn Cây thức ăn chăn nuôi, Viện Nghiên cứu ngô, diện nay, ngô sinh khối ngoài phục vụ cho chăn nuôi trong nước, hiện còn được một số đơn vị, doanh nghiệp chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường có nhu cầu, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Trung Đông… Sản phẩm ngô sinh khối xuất khẩu được chế biến thành dạng ủ chua, hoặc đã được một số doanh nghiệp ép thành dạng viên nén thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc ăn cỏ.

Viên nén thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh được một số doanh nghiệp chế biến để xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Ngọc Ánh.

Viên nén thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh được một số doanh nghiệp chế biến để xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Ngọc Ánh.

Hiện nay, chúng ta có quỹ đất nhàn rỗi trong vụ đông còn rất lớn tại phía Bắc, có thể tổ chức liên kết sản xuất thành quy mô lớn tập trung để đưa cơ giới vào sản xuất ngô sinh khối, từ khâu gieo hạt tới khi thu hoạch. Các thiết bị cơ giới này đều đã có tại nước ta.

Bên cạnh đó, có thể đẩy mạnh việc phát triển ngô sinh khối ở vụ đông trên chân đất hai vụ lúa bằng kỹ thuật gieo ngô trên chân đất ướt, làm đất tối thiểu sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, kết hợp thoát nước thật tốt. Đây là kỹ thuật chúng ta đã áp dụng từ lâu đối với sản xuất ngô vụ đông trên chân đất lúa và rất khả thi để mở rộng sản xuất ngô sinh khối với diện tích lớn, tập trung, tranh thủ được thời vụ…

Hiện nay, quỹ đất ở vụ xuân, vụ hè thu hay vụ mùa ở phía Bắc đã dành cho trồng lúa, trồng màu, trong khi đó ngô sinh khối cũng không phải là đối tượng cây trồng cho thu nhập cạnh tranh vượt trội, nên việc mở rộng diện tích ngô sinh khối ở các vụ này sẽ không dễ dàng. Vì vậy, chỉ còn vụ đông là vừa vặn để có thể mở rộng được ngô sinh khối do quỹ đất bỏ hoang ở vụ đông còn rất lớn.

Vì thế về lâu dài, cần phải coi việc sản xuất ngô sinh khối trong vụ đông có ý nghĩa như là vụ sản xuất nhằm dự trữ thức ăn thô xanh cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ trong các tháng còn lại trong năm ở nước ta. Bởi trên thực tế, hiện các đơn vị chăn nuôi cũng đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn thô xanh trong các tháng khác trong năm.

Đi đôi với định hướng đó, sẽ phải thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào mảng chế biến ngô sinh khối nói riêng, thức ăn thô xanh khác nói chung, xem như là một ngành công nghiệp phụ trợ nhằm cung ứng thức ăn cho chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ. Đây là điều tương tự như các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi sản xuất, cung ứng cho chăn nuôi lợn hay gia cầm hiện nay.

Rate this post

Viết một bình luận