Người dân đang trả giá quá cao cho thương hiệu gắn lên miếng vàng

Sau phiên giảm kỷ lục hơn 5 triệu đồng/lượng ngày 18/7, giá vàng trong nước chưa ngừng giảm. Giới đầu tư vàng liên tục chứng kiến diễn biến giá vàng “rơi tự do” trong phiên ngày 19/7, giá mua vào có thời điểm về mốc 60 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giảm từng phút

Giá vàng thế giới rạng sáng ngày 19/7 phục hồi nhẹ với giá vàng kỳ hạn tháng 8 tăng 5,5 USD lên mức 1.709,1 USD/ounce, vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.709,5 USD/ounce, tăng 0,7 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

Còn tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng SJC tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh, chênh lệch mua-bán lên tới 2,5 triệu đồng/lượng.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 19/7, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào – bán ra ở mức 61,5-64,02 triệu đồng/lượng, giảm 2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Vàng DOJI niêm yết giá vàng ở mức 61,5-64 triệu đồng/lượng, giảm 2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên liền trước. Vàng giảm mạnh cuốn bay toàn bộ đà tăng đã ghi nhận trong 5 tháng trước đó.

Người dân đang trả giá quá cao cho thương hiệu gắn lên miếng vàng - 1

Người dân đang trả giá quá cao cho thương hiệu gắn lên miếng vàng - 2

Diễn biến giá vàng thế giới phiên ngày 19/7. (Ảnh: Tradingview)

Đến khoảng 9h25, giá vàng SJC lại tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm 1-1,5 triệu đồng/lượng, chính thức cán mốc 60 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 60-62,52 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với giờ mở cửa sáng nay.

Vàng DOJI niêm yết giá vàng ở mức 60-62,5 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với lúc 9h00.

Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 60-62,5 triệu đồng/lượng, giảm 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với lúc 9h00 sáng 19/7.

Đến hết trưa ngày 19/7, giá vàng SJC đã tăng trở lại, song cũng chỉ đạt mức 62 triệu đồng mua vào và 64,5 triệu đồng bán ra, chênh lệch khoảng 2,5 triệu đồng.

Cũng trong phiên sáng 19/7, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Phú Quý, DOJI… đều ghi nhận biến động mạnh, đều có thời điểm giảm sâu về vùng 60 triệu/lượng chiều mua và 62,5 triệu/lượng chiều bán. Cuối phiên sáng, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp này đã phục hồi mạnh nhưng chủ yếu vẫn thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 18/7. Đi cùng biến động mạnh của giá vàng miếng sáng nay là việc các doanh nghiệp trong nước tiếp tục nới rộng khoảng cách chênh lệch mua – bán, phổ biến ở mức 2,5 triệu đồng.

Phiên ngày 18/7 hôm qua, buổi sáng, dù giá vàng SJC giảm mạnh nhưng vẫn giao dịch quanh mức hơn 67 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều cùng ngày, vàng SJC bỗng “rơi tự do”, còn quanh mức 62 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ trong một ngày, giá vàng đã giảm trung bình 5 triệu đồng/lượng. Nếu tính cả chênh lệch mua vào và bán ra, người mua vàng có thể đã lỗ gần 6 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, cuối tuần trước, chênh lệch mua bán mỗi lượng vàng chỉ 600.000 đồng.

Tính ở vùng giá này, vàng miếng SJC trong nước đã mất tổng cộng 7,35 triệu đồng chiều mua và 5,45 triệu đồng chiều bán chỉ sau 2 phiên giao dịch đầu tuần này.

Khó đoán định được giá vàng

Ông Lâm Minh Chánh – Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, nhà đầu tư vàng lâu năm và từng làm chủ sàn vàng VTG top 3 Việt Nam, tác giả cuốn sách bán chạy “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam”, trước diễn biến lên – xuống khó lường của giá vàng Việt Nam, nhận định: “Trước đây, tôi cũng nghĩ là mình đoán được giá vàng nhưng sau khi đầu tư vàng và làm chủ sàn vàng (VTG) và bình tĩnh để nghiên cứu thì tôi thấy hầu như không ai dự đoán đúng giá vàng”. 

“Tôi đã từng nói, viết câu này, mấy năm rồi và đến nay nó vẫn luôn đúng: Giá vàng diễn biến rất khó lường. Giá vàng như có mắt vậy. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ lên mạnh. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ xuống mạnh”, ông Lâm Minh Chánh nhấn mạnh.

Ông Chánh cho rằng, giá vàng Việt Nam, đặc biệt là giá vàng SJC chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới. “Giá vàng Việt Nam, đặc biệt là giá vàng SJC chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới. Cũng cùng 1 số lượng vàng vật chất như vậy , vàng thế giới có giá thấp hơn. Cũng cùng một lượng 9999, vàng thương hiệu khác giá thấp hơn vàng SJC. Lâu nay người dân vẫn chấp nhận nhưng có lẽ đã đến lúc người dân nhận ra họ đang trả giá quá cao cho các thương hiệu gắn lên miếng vàng, đặc biệt là thương hiệu SJC”, ông Chánh nhận định.

Người dân đang trả giá quá cao cho thương hiệu gắn lên miếng vàng - 3

Ông Lâm Minh Chánh – Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, từng đầu tư và làm chủ sàn vàng, tác giả cuốn sách bán chạy “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam”.

Lý giải hiệu ứng “double” lao dốc của vàng, ông nói: “Thứ nhất, tâm lý người dân đã bớt sùng bái vàng. Thứ hai, chênh lệch giá giữa vàng Việt Nam và thế giới quá cao. Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam không thể giữ giá vàng ở mức cao nữa, đã làm cho giá vàng Việt Nam rơi mạnh hơn nhiều so với giá vàng thế giới”.

Vì sao vàng giảm tới 5 triệu đồng/lượng?

Ông Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính, đánh giá giá vàng trong nước “rơi tự do” trong phiên giao dịch 18/7 là chuyện có thể dự đoán, do ảnh hưởng nặng từ giá vàng thế giới. “Giá vàng thế giới đã giảm liên tiếp trong nhiều phiên gần đây, trước khi quay lại tăng vào hôm nay”, ông nói.

Trong đó, việc tỷ giá quy đổi USD tăng ngang so với đồng euro lần đầu sau 20 năm hôm 12/7 và lo ngại FED tăng lãi suất cuối tháng 7 cũng là những yếu tố tác động mạnh đến giá vàng quốc tế.

Chuyên gia kinh tế dẫn số liệu, giá vàng thế giới trong một tuần vừa rồi đều dao động ở ngưỡng hơn 1.700 USD/ounce. Đây là ngưỡng thấp nhất hơn một năm nay. Trước đó, giá vàng chủ yếu dao động ở 1.800 – 1.900 USD/ounce, thậm chí có thời điểm leo đến gần 2.000 USD/ounce.

Người dân đang trả giá quá cao cho thương hiệu gắn lên miếng vàng - 4

Việc tỷ giá quy đổi USD tăng ngang so với đồng euro lần đầu sau 20 năm hôm 12/7 và lo ngại FED tăng lãi suất cuối tháng 7 cũng là những yếu tố tác động mạnh đến giá vàng quốc tế. (Ảnh: Hữu Thắng)

Ông Đinh Trọng Thịnh nhận định, khi giá vàng thế giới tăng, thường giá vàng trong nước sẽ tăng ngay theo và ngược lại. Vì vậy, khi vàng thế giới đã giảm từ nhiều phiên trước, đến hôm nay vàng trong nước mới giảm cũng là bình thường.

Ông Thịnh cũng chỉ ra đồng USD mạnh lên là nguyên chính khiến vàng giảm giá vì đồng USD đắt sẽ khiến chi phí nắm giữ vàng tăng cao. Nhà đầu tư trên thế giới cũng đang bán tháo tài sản mạnh ở nhiều kênh, trong đó có vàng, để chuyển sang nắm giữ USD.

Việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng hồi đầu tháng 6 khẳng định sẽ lắng nghe, xin ý kiến nhiều bên về việc có nên sửa Nghị định 24 để thêm nhiều thương hiệu cùng sản xuất vàng miếng nhằm giảm sự độc quyền của SJC cũng là nguyên nhân tác động đến giá vàng.

Theo ghi nhận, giá vàng miếng SJC hiện vẫn chênh lệch khoảng 17-19 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Trong khi đó, cùng là vàng 9999 nhưng giá bán vàng nhẫn SJC lại chênh ít hơn nhiều, chỉ khoảng 5-6 triệu đồng. Người dân lo lắng sau khi có nhiều ý kiến đặt vấn đề vì sao tồn tại chênh lệch quá lớn giữa vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi trong suốt thời gian dài. Trong trường hợp sự thay đổi về chính sách, giá vàng miếng SJC sẽ “rơi” mạnh.

Chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư không nên giao dịch vàng khi thị trường vàng trong nước biến động mạnh. Ông Đinh Trọng Thịnh nhận định thời gian tới vàng còn biến động mạnh nên nhà đầu tư không nên mạo hiểm mua vào.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-dan-dang-tra-gia-qua-cao-cho-thuong-hieu-gan-len-mieng-vang-a56…Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-dan-dang-tra-gia-qua-cao-cho-thuong-hieu-gan-len-mieng-vang-a560526.html

Rate this post

Viết một bình luận