Người mắc bệnh hiểm nghèo là gì? Chế độ cho người mắc bệnh hiểm nghèo?
Nguy cơ bệnh tật và tử vong tại Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng mặc cho những cố gắng cải thiện và phòng ngừa của cả xã hội và cơ quan quản lý. Các thói quen xấu của người Việt như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia quá mức, chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý, ít hoạt động thể lực… tiếp tục là những yếu tố hàng đầu đe doạ đến sức khoẻ của người dân. Với những người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được hưởng các chế độ khám, chữa bệnh theo quy định của Nhà nước, hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vậy, người mắc bệnh hiểm nghèo là gì và chế độ cho người mắc bệnh hiểm nghèo như thế nào?
* Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Lao động năm 2019;
– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
– Văn bản hợp nhất 46/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018 hợp nhất Luật Bảo hiểm Y tế;
– Nghị định 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 Quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
– Nghị định 125/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 Về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
– Nghị định 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 06 năm 2013 Quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân;
– Thông tư 26/2014/TT-BQP ngày 20 tháng 5 năm 2014 Ban hành danh mục bệnh hiểm nghèo, danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày để thực hiện chế độ, chính sách trong quân đội;
– Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
– Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 05 năm 2018 Hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật HÌnh sự về án treo;
– Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thi hành quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Người mắc bệnh hiểm nghèo là gì?
Tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 76/2003/NĐ-CP định nghĩa:
Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Tại Điểm đ Khoản 2 Phần II Hướng dẫn 211/HĐTVĐX ngày 4/6/2010 của Hội đồng tư vấn đặc xá có ghi:
Người mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc một trong các bệnh sau: ung thư, bại liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng; suy tim độ III hoặc suy thận độ IV trở lên; nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có những nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu.
Tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thi hành quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân do Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Tòa án nhân dân tối cao – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành có quy định về người mắc bệnh hiểm nghèo như sau:
Mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong các bệnh như: Ưng thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng.
Người mắc bệnh hiểm nghèo tiếng Anh có nghĩa là: A person with a fatal disease.
A person with a fatal disease is a person suffering from one of the following diseases: cancer, polio, drug-resistant severe tuberculosis, cirrhosis of the liver ascites; heart failure grade III or kidney failure grade IV or higher; HIV infection has progressed to AIDS, has opportunistic infections and has a poor prognosis.
2. Chế độ cho người mắc bệnh hiểm nghèo:
Đối với người tham gia bảo hiểm y tế
Theo Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế quy định: Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng như sau:
– 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân; Người có công với cách mạng; Trẻ em dưới 6 tuổi;
– 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;
– 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;
– 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.
Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Bên cạnh đó, người lao động đang làm việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau. Mức hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23, Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội.
Đối với người nghèo
Ngày 1/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo.
Đối tượng được hưởng chế độ khám, chữa bệnh theo Quyết định này gồm người thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Chính phủ; đồng bào dân tộc thiểu số, đang sinh sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; người mắc bệnh ung thư, các bệnh hiểm nghèo khác gặp khó khăn không đủ khả năng chi trả viện phí.
Theo đó, người nghèo theo quy định hiện hành về chuẩn hộ nghèo và nhân dân các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được:
– Hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức tối thiểu 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày.
– Hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ.
Trường hợp không sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở y tế Nhà nước: Thanh toán chi phí vận chuyển một chiều đi cho người bệnh theo mức bằng 0,2 lít xăng/km cho một chiều đi tính theo khoảng cách vận chuyển và giá xăng tại thời điểm sử dụng. Cơ sở y tế chỉ định chuyển bệnh nhân thanh toán chi phí vận chuyển cho người bệnh, sau đó thanh toán với Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo.
– Hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà các đối tượng phải cùng chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật đối với người bệnh phải cùng chi trả từ 100.000 đồng trở lên.
Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí được hỗ trợ thanh toán một phần viện phí đối với người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế Nhà nước từ 1 triệu đồng trở lên. Trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh thì thanh toán viện phí theo quy định hiện hành.
Đối với cán bộ quân đội đã nghỉ hưu
Ngày 15/8/2011, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 158/2011/TT-BQP về thực hiện một số chế độ, chính sách góp phần chăm sóc đối với cán bộ quân đội nghỉ hưu.
Tại Điều 6 Thông tư này quy định chế độ chăm sóc cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo như sau: Cán bộ quân đội nghỉ hưu nếu mắc một trong các bệnh thuộc danh mục bệnh hiểm nghèo (quy định tại phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này), được Ban chỉ huy quân sự cấp tỉnh ký quyết định công nhận cán bộ bị mắc bệnh hiểm nghèo thì được trợ cấp hàng quý, cán bộ từ trần thì thôi hưởng trợ cấp từ quý tiếp theo.
Chế độ trợ cấp bệnh hiểm nghèo được thực hiện từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định và được hưởng trợ cấp cả quý đó, mức trợ cấp 1 người/quý bằng 1 tháng tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ tại thời điểm chi trả.
Cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo điều trị tại các bệnh viện quân đội được hưởng chênh lệch giữa tiền ăn bệnh lý và tiền ăn cơ bản do bệnh viên thanh toán.
Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội
Theo Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định đối tượng (là công dân Việt Nam) được hưởng trợ cấp của Nhà nước khi ốm đau bao gồm:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân.
Điều 22 của Luật Bảo hiểm ã hội quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:
– Bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma tuý, chất gây nghiện khác thì không được hưởng chế độ ốm đau.
– Có con dưới bảy tuổi bị ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc con và có xác nhận của cơ sở y tế.
Điều 23 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau:
– Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
+ Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng ba mươi (30) ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm (15) năm; bốn mươi (40) ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm năm (15) đến dưới ba mươi (30) năm; sáu mươi (60) ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi (30) năm trở lên;
+ Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng bốn mươi (40) ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm (15) năm; năm mươi (50) ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm (15) năm đến dưới ba mươi (30) năm; bảy mươi (70) ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi (30) năm trở lên.
– Người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
+ Tối đa không quá một trăm tám mươi (180) ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
+ Hết thời hạn một trăm tám mươi (180) ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.
– Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật này tuỳ thuộc vào thời gian điều trị tại cơ sở y tế thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.
Điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định về mức hưởng chế độ ốm đau như sau:
– Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 23 (và Điều 24) của Luật này thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
– Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:
+ Bằng 65% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ ba mươi (30) năm trở lên;
+ Bằng 55% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ mười lăm (15) năm đến dưới ba mươi (30) năm;
+ Bằng 45% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm (15) năm.
– Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
– Mức hưởng chế độ ốm đau tính theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được tính bằng mức lương tối thiểu chung.
Điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau:
– Người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.
– Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
Và để được hưởng các chế độ này, người lao động phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận của cơ quan chức năng (cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan quản lý lao động) về tình trạng sức khỏe, thời gian điều trị (cụ thể do bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế yêu cầu).