Người trẻ đang cuồng sách self-help

TP – Book self-help là tên dòng sách đang thống trị phân khúc sách cho thanh niên hiện nay. Diễn nôm nó là kiểu sách “tự lực”, có ý nghĩa tạo động lực, truyền cảm hứng, hướng dẫn người đọc tự giải quyết các vấn đề cá nhân thông qua những kinh nghiệm (cá nhân) của người viết.

Best hay long-seller đều thuộc về self-help

9/10 đầu sách bán chạy nhất trong nhiều tháng của Tiki là những cuốn self-help. Những cái tên như “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, “Đời ngắn đừng ngủ dài”, “Nghĩ tối giản sống đơn thuần”, “Đi tìm lẽ sống” v.v… là những cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trong danh mục sách bán chạy. Trên những trang đọc sách thu hút lượng lớn người tham gia ở Việt Nam như Goodreads, Trạm đọc… số lượng các bài viết và comment về dòng sách self-help cũng chiếm đa số.

Một số đầu sách self-help thậm chí có cả fanpage riêng để người đọc chia sẻ cảm nhận, thành công và sự yêu thích đối với cuốn sách. Có nhà tuyển dụng thậm chí còn nói đùa: chỉ cần gõ tên sách self-help cũng sẽ ra hàng trăm dự án khởi nghiệp hoặc những cá nhân hừng hực khí thế làm giàu, tham vọng thành công hoặc khát khao cống hiến gắn liền với “thu hoạch” sau khi đọc sách.

Thương hiệu sách Nhã Nam vốn nổi tiếng về dòng sách văn học, tiểu thuyết, thế nhưng trong Hội chợ sách hồi tháng tư, sự kiện thu hút đông người tham gia nhất vẫn thuộc về cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của Rosie Nguyễn. Bất chấp tiết trời nồm nóng, hàng dài độc giả trẻ vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ xin chữ ký của tác giả. Nhân viên Nhã Nam không chỉ một lần phải gọi điện về kho cầu bổ sung “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”. Có những người mua một lúc hàng chục cuốn để dành tặng bạn bè, người thân – hiện tượng không phổ biến trong thị trường sách đa dạng hiện nay.

Stylory – nhãn sách dành riêng cho phụ nữ trẻ cũng thắng lớn nhờ mấy đầu sách self-help tái bản đi tái bản lại như: “Thanh lịch kiểu Pháp”, “Đời thay đổi khi ta thay đồ”, “Trách đời ngang trái, do mình chứ ai”…

“1987” của Nhà xuất bản Trẻ luôn trong tình trạng cháy hàng.

Một lão làng trong lĩnh vực xuất bản cho biết: “Muốn lãi nhanh mà lại an toàn, thì cứ săn các đầu self-help. Thanh thiếu niên ở quốc gia nào cũng sùng bái những thứ này. Năm rồi tôi đi hội chợ sách quốc tế, dòng self-help vẫn mang lại lợi nhuận xuất bản cao nhất và bền bỉ nhất. Cứ xem cuốn “Đắc nhân tâm”, nó như kiểu một “của để dành”, năm này qua năm khác vẫn bán chạy. Tất nhiên, tiêu chí self-help bây giờ nó cũng khác thời “Đắc nhân tâm”, phải ngầu một tí, có vẻ cô đơn, khác đời một tí. Nếu người viết có ảnh hưởng cá nhân nữa thì bằng mọi giá cũng nên mua bản quyền. Đó chính là con gà đẻ trứng vàng trong xuất bản”.

Sách gối đầu giường của người trẻ

Độc giả Nguyễn Thanh Hà cho biết: tôi chọn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” làm sách gối đầu giường vì nó thổi lên trong tôi đam mê và khát vọng “biến tuổi trẻ của mình thành vô giá”.

Hot blogger Phương Huỳnh xếp “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” trong danh sách thứ 2 những cuốn sách hay nhất từng đọc. Cô chia sẻ đã đọc quyển sách này một cách thích thú. “Có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, những điều mới mẻ ngay cả với người gần trung niên như tôi”.

Đỗ Lê Minh Hiếu (Tiền Giang) giải thích về lý do yêu thích cuốn “Lỗi Error 404” của tác giả Plaaastic: “văn phong tuy lạ lại có chút gì đó rất thẳng thắn và đôi chút bất cần, ẩn sâu trong đó là một sự cô đơn và mệt mỏi, một tâm hồn mang đầy những vết cắt chồng chéo, một con người với bản lĩnh đáng khâm phục nhưng lại mang trong mình sự khác biệt quá lớn, mà chính cô phải tự làm đau mình đến không thể khác đi được”.

Người trẻ đang cuồng sách self-help ảnh 1

Độc giả trẻ xếp hàng chờ mua “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”.

Dương Hà (Vĩnh Long) cảm thán sau khi đọc “Lỗi”: Em rất thích quyển sách này. Đâu đó trong vài trang em thấy được bản thân mình, có chút gì đó rất giống. Đồng cảm. Em đã ôm lấy quyển sách như một người bạn, em cũng đã tự bao lấy sách. Một chút nâng niu cho người bạn, cho sự thấu hiểu”.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét: “Lỗi” như là trend của giới trẻ. Trong một cuộc thi cảm nhận về sách, tiết mục “Lỗi” cũng đã giành được giải đặc biệt. Anh Quý với tư cách ban giám khảo cho biết: “Những tiết mục được giải cao không nhất thiết là do cuốn sách “tốt”, đồ sộ hay vấn đề to tát, mà là cuốn sách các bạn tìm thấy mình trong đó. Hai tiết mục giải cao nhất – “Lỗi 404” (giải Đặc biệt) và “Quá trẻ để chết – hành trình nước Mỹ” (giải Nhất) đều không phải trên cơ sở các cuốn sách “lớn” theo tiêu chí văn học, nhưng sự thật chúng là sách của thế hệ bây giờ. Bọn trẻ gào thét, khóc lóc, vì những điều gần gũi trong đấy”.

Nick M chủ biên “1987” đánh giá: những câu chuyện có thể êm đềm, có thể bi kịch nhưng đều mang màu sắc rất lạc quan và truyền một nguồn năng lượng tích cực tới cho người đọc.

Đại diện thương hiệu sách Stylory cho biết: “Với một số cuốn sách truyền cảm hứng hoặc dạy kỹ năng, kiểu như “Thanh lịch kiểu Pháp” hay “Trách đời ngang trái, do mình chứ ai” có những độc giả đặt mua hàng mấy chục cuốn, để tặng. Có người chia sẻ, họ học thuộc lòng từng từ. Đa phần coi đó là sách gối đầu giường, làm thay đổi tư duy của họ. Phần lớn các phản hồi đều kể về ích lợi của cuốn sách khi người ta thực hành theo. Đó là thế mạnh của dòng sách self-help. Nó thậm chí dễ đi vào lòng người hơn cả văn học và tiểu thuyết diễm tình”.

Self-help có thực là kim chỉ nam?

Khi được hỏi về tác dụng của dòng sách self-help đối với độc giả, nhất là độc giả trẻ, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa cho biết: “không nhiều tác dụng như quảng cáo. Nhiều khách hàng của tôi bày tỏ sự thất vọng khi thực hành theo sách không có kết quả. Trong một số trường hợp cá biệt, có người trầm cảm nặng hơn khi đọc dòng sách này bởi sự “vỡ mộng” mà nó đem lại. Một cuốn sách không thể giúp người ta thay đổi hoàn toàn, mà phải là một quá trình. Tôi thường khuyến khích bệnh nhân của mình tìm sự thay đổi qua trải nghiệm thực tế và đừng nên bắt chước bất kỳ ai bởi mỗi chúng ta là một cá thể có môi trường sống, trưởng thành và nhân sinh quan không giống nhau”.

“Kẻ nghiện sách” Golden Nguyen trong một bài viết “bóc mẽ” dòng sách self-help đã viết: “Nhiều ví dụ và “kết quả nghiên cứu” chứng minh cho cách làm của tác giả các cuốn self-help là ảo, và rằng nó chưa từng xảy ra. Những lỗ hổng này xuất hiện một phần do sự tuyệt đối hoá và đơn giản hoá vấn đề đôi khi quá mức của các tác giả self-help, không ngoài mục đích thực dụng, thu hút người đọc, kích thích họ hưng phấn để hành động. Có thể có dụng ý tốt. Tuy nhiên. Những sự tuyệt đối hoá và đơn giản hoá quá mức này đôi khi có thể dẫn đến những lệch lạc, thiên kiến hay cố chấp trong tư duy và hành động của người đọc, hay như nhiều người nói là ”ngộ độc”.

Độc giả Uyên Khôi nhận xét trên Goodreads: “Thực sự tôi đã bắt đầu đọc “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” với sự hào hứng tột độ vì rating của nó trên Goodreads là 4.4/5 sao trên tổng số 655 rating, và 100% bạn Goodreads của tôi từng đọc quyển này đánh giá 5 sao. Nhưng kết thúc nó lại là cảm giác hụt hẫng và hoang hoải vô cùng. Tôi 20 tuổi, nằm trong độ tuổi vàng mà người ta nói nên đọc cuốn này và sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng tôi cảm thấy nó cũng không khác lắm những cuốn self-help khác”.

Nhà văn, nhà giáo Phạm Toàn: “Theo đuổi đam mê” là lời khuyên không có nghĩa

“Đam mê là cái ta đạt được sau một quá trình dài làm việc, rèn luyện, tích luỹ kĩ năng và có thành công nhất định trong công việc mà mình chọn. Đam mê là điểm đến, không phải điểm xuất phát”. Chủ biên bộ sách Cánh Buồm phát biểu.

Người trẻ đang cuồng sách self-help ảnh 2

Ông Toàn cũng cho rằng: việc những tác giả self-help cổ vũ thanh niên theo đuổi đam mê là lời khuyên không có nghĩa. Thay vì vắt óc tìm cho ra đam mê (mà chắc chắn không tìm được hoặc là nhầm lẫn), thì nên tìm một công việc mình có thể làm được mà không cảm thấy quá chán ngắt, bắt đầu bằng vị trí của một người học việc. Vừa làm, vừa học, nâng cao trình độ, cho đến khi đạt đến mức chuyên nghiệp hoặc xuất sắc, lúc đó sẽ tìm thấy niềm vui trong công việc.

Hạnh Đỗ

Rate this post

Viết một bình luận