Nếu bạn là fan hâm mộ của bộ truyện Doraemon đình đám và đặc biệt có cảm tình với chú mèo máy cùng tên thì hẳn các bạn luôn luôn nhớ món ăn ưa thích của chú ta. Đó là chiếc bánh rán Dorayaki. Chỉ cần đem bánh ra nhử thì Doraemon sẽ mê tít và… mất cảnh giác ngay. Vậy, chiếc bánh đó là gì mà lại có nhiều ma lực đến thế?
Bánh Dorayaki
Ảnh: Sushi Hokkaido
Dorayaki là loại bánh ưa thích của mèo máy Doraemon trong bộ truyện tranh cùng tên. Nhiều người Việt Nam vẫn hay nhầm dorayaki với “bánh rán” do cách dịch sai của nhà xuất bản thời kỳ đầu. Tuy nhiên, món này thực chất là một biến thể của pancake, thường được ăn kèm cùng nhân đậu đỏ.
Nguồn gốc tên gọi bánh Dorayaki
Ảnh: All About Japan Tên gọi dorayaki cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích chính xác. Nhiều thông tin khẳng định người Nhật Bản xưa đặt tên như vậy vì dorayaki có dạng tròn giống chiếc cồng chiêng (dora trong tiếng Nhật nghĩa là cồng chiêng). Còn theo một truyền thuyết ở xứ phù tang, viên tướng huyền thoại Minamoto no Yoshitsune trong lần bị thương nặng đã được cặp vợ chồng già chăm sóc. Họ làm cho ông một chiếc bánh nhỏ, nướng trên bề mặt cồng chiêng nên Minamoto no Yotshitsune đã gọi tên món này là dorayaki (bánh nướng khô trên cồng chiêng).
Dorayaki đã có từ thế kỷ 20
Bánh dorayaki được cho là đã có mặt ở Nhật Bản từ lâu. Tuy nhiên, theo các tài liệu ghi lại, phiên bản hoàn chỉnh của dorayaki mới chỉ xuất hiện từ đầu thế kỷ 20. Trước đó, vào thời Edo (1603-1867), một loại dorayaki cũng được bày bán trên các đường phố. Dù vậy, phiên bản này không thể coi là một chiếc dorayaki hoàn chỉnh mà giống như trứng tráng hơn.
Chiếc dorayaki “chuẩn” ra đời vào năm 1914
Ảnh: @ilumire Chiếc dorayaki “chuẩn” ra đời vào năm 1914 tại cửa hàng bánh kẹo Usagiya (Tokyo, Nhật Bản ). Chủ cửa hàng sáng tạo dorayaki dựa trên castella, một loại bánh bông lan nổi tiếng của Nhật Bản, được làm từ đường, bột, trứng, syrup. Trong thành phần bột bánh của cả dorayaki lẫn castella đều có những nguyên liệu rất Nhật Bản như mirin (rượu gạo ngọt) hay đôi khi người ta còn dùng cả nước tương. Nhân tố chính giúp tạo nên vị ngọt đặc trưng của hai loại bánh đều là mật ong. Đôi khi, người ta cũng dùng nước đường. Mỗi chiếc dorayaki ở cửa hàng Usagiya có giá trung bình 205 yên (khoảng 45.000 đồng). Tại đây, người ta cũng bán những hộp dorayaki với số lượng bánh khác nhau để khách đem về. Tuy nhiên, cửa hàng khuyến khích khách nên ăn dorayaki ngay khi bánh vừa ra lò hoặc chậm nhất là hai ngày sau khi mua.
Dorayaki truyền thống có nhân đậu đỏ
Ảnh: Shutterstock Dorayaki truyền thống có nhân đậu đỏ adzuki nghiền, ăn vừa bùi vừa béo. Tuy nhiên, theo thời gian, người Nhật Bản đã sáng tạo thêm nhiều loại nhân khác như đậu xanh, đậu trắng, hạt dẻ, nama, cà phê, kem tươi hoa quả, kem hạt dẻ, kem khoai lang.
Ngày kỷ niệm Dorayaki
Ảnh: qiye Năm 2008, người Nhật Bản đã quyết định chọn ngày 4/4 hàng năm làm ngày kỷ niệm dorayaki với lý do đây là loại bánh mà trẻ em nước này rất thích. Tại xứ anh đào, ngày cho bé gái là 3/3, ngày cho bé trai là 5/5 và xen giữa vào đó, ngày 4/4 được dành cho dorayaki.
Món bánh vươn xa thế giới nhờ Doraemon
Ảnh: Shutterstock
Dorayaki chiếm được cảm tình của người Nhật từ ngày chiếc bánh đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, chiếc bánh này chỉ thực sự vươn xa thế giới khi tác giả Fujiko Fujio chọn dorayaki là món khoái khẩu của mèo máy Doraemon. Trong bộ truyện cùng tên, Doraemon không ít lần mủi lòng trước sự cám dỗ từ những chiếc dorayaki thơm phức.
Công thức làm bánh khá đơn giản
Ảnh: @ilumire
Công thức làm bánh khá đơn giản và có thể tìm thấy trên nhiều trang web. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất để tạo ra một chiếc bánh ngon chính là ở khâu sử dụng dầu. Khi làm dorayaki, người ta không đổ dầu ngập chảo. Thay vào đó, dầu sẽ được thấm khắp mặt chảo thông qua một khăn giấy rồi lau sạch đi. Xong xuôi, bạn chỉ cần vặn nhỏ lửa và để lớp vỏ của dorayaki được nướng chín đều bằng nhiệt trên chảo khô.