‘Tôi là Giám đốc của hai doanh nghiệp nhưng không rượu bia, đừng lấy lý do phải nhậu tới bến mới tốt cho công việc, đó chỉ là ngụy biện’.
Theo nghiên cứu của một tạp chí y khoa Anh, Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ bia hàng đầu thế giới. Kết quả khảo sát năm 2020 của Tổng cục Thống kê, lượng tiêu thụ rượu bia tăng trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Như vậy, bình quân mỗi người Việt uống hơn 15 lít đồ uống có cồn một năm. Tỷ lệ tiêu thụ ở mức nguy hiểm cũng ngày một gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Những con số báo động này cho thấy tình trạng mua bán và sử dụng rượu bia ở Việt Nam cần được siết chặt quản lý nhiều hơn nữa.
Uống để xa giao, để làm ăn, để thể hiện ản lĩnh… đó là những lý do chủ yếu mà người Việt thường đưa ra để biện minh cho hành vi uống rượu bia của mình. Tuy nhiên, độc giả Kính Lúp phản đối: “Người nghiện bia rượu là luôn thèm uống giống như nghiện thuốc lá, ma túy. Họ chỉ cần có cồn vào người cho hết cơn là được. Còn những người nghiện nhậu chủ yếu thích giao lưu, ăn uống đông vui. Trước đám đông, họ cố thể hiện mình uống được, hơn thua nhau ly rượu, ép nhau uống và dùng rượu để chứng tỏ đẳng cấp.
Tôi thật chẳng hiểu uống được rượu bia thì chứng tỏ được bản lĩnh gì mà người ta phải khổ vậy? Đó chỉ là thứ đồ uống bình thường, không phải sở thích thì có thể không uống, sao phải tự mình cảm thấy kém cỏi rồi ép mình quá chén? Dựa vào việc khích bác, ép nhau uống, có thể thấy người đó tốt thật sự hay giả dối với mình? Người tốt thật sự sẽ khuyên mình uống ít, lo lắng khi thấy mình say; còn kẻ giả dối luôn muốn mình say xỉn, đồng nghĩa với việc dễ gặp nguy hiểm, họ lấy đó là niềm vui của mình”.
Đồng quan điểm bạn đọc Vuanhtuancntn nêu quan điểm: “Tôi là Giám đốc của hai doanh nghiệp, phải tiếp đối tác khá nhiều, nhưng bản thân tuyệt đối không rượu bia. Đối tác của tôi cũng rất hạn chế nên công việc của tôi vẫn phát triển tốt. Đừng lấy lý do phải nhậu tới bến mới tốt cho công việc, tất cả chỉ là ngụy biện. Tôi tiếp xúc rất nhiều người thành đạt, họ chỉ nhâm nhi chút rượu vang thôi. Hãy nói không với bia rượu. Sức khỏe, tính mạng của bạn là do bạn quyết định”.
>> Thế hệ nát rượu vì được dạy ‘nam vô tửu như kỳ vô phong’
Trong khi đó, chấp nhận bị trù dập, mất cơ hội thăng tiến để nói “không” với rượu bia, độc giả Nguyen Hoang Lan khẳng định: “Ai cũng kiểu bằng mặt mà không bằng lòng nên mới sinh ra cái văn hóa nhậu ở công ty, tập đoàn. Ai cũng lo mình bị mất cơ hội thăng tiến, kiếm tiền và bổng lộc, nên đua nhau ‘hòa đồng’ trên bàn nhậu. 21 năm đi làm, tôi nhiều lần bị trù dập vì sếp mời mọi người đi nhậu mà hôm đi hôm không. Tôi quan niệm, lúc nào rảnh và vui thì đi; còn nếu không thích và bận việc cá nhân thì không cần đi và không cần giải thích. Đa số người đi làm đều chọn ‘dĩ hòa vi quý’, nhưng tôi nghĩ rằng, cứ hô hào cần bỏ văn hóa nhậu mà bản thân không bỏ thì nói được ai?”.
“Rượu mua dễ dàng và quá rẻ. Các dịp lễ Tết, cưới hỏi, ma chay, hội họp, lấy cớ ký kết hợp đồng kinh doanh… người ta đều mang rượu bia ra để uống. Cộng thêm cái bệnh ‘không say không về’, uống tăng một chưa đủ đô thì lại đi tăng hai. Vậy đã đủ lý do để lý giải chuyện ngày càng nhiều người nghiện rượu chưa? Uống rượu bây giờ trở thành tệ nạn rồi. Lợi nhuận thu được từ rượu bia quá cao, chỉ người bán có lợi, còn dân uống rượu bia thì chẳng lợi lộc gì”, bạn đọc Daihylammon bổ sung.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng thuế để giảm tình trạng tiêu thụ rượu bia, độc giả Tùng Nguyễn Thanh cho rằng: “Nói chung, thuế bia rượu đang quá rẻ, ảnh hưởng rất nhiều tới sức lao động, trí tuệ, sức khỏe người Việt. Trước đây, quán bia rất ít, giờ đời sống tốt hơn một chút, cộng thêm văn hóa nhậu sau giờ làm ngày càng đi sâu vào đời sống khiến người ta uống nhiều hơn. Vậy nên, cần đánh thuế làm sao để một lon bia hoặc một cốc bia có giá không dưới 50.000 đồng, chứ cứ như hiện nay, 10-20 cốc bia hết chưa tới 100.000 đồng thì sao không say cho được”.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.