Nguyễn Cơ Thạch – là một chính trị gia, nhà ngoại giao Việt Nam

Ông tham gia Tổ chức Thanh niên Dân chủ rồi Thanh niên
Phản đế tại Nam Định (1937–1939), bị thực dân Pháp bỏ tù tại Nam Định,
Hòa Bình, Sơn La (1940-1945).

Năm 1943, trong nhà tù Sơn La, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ông lãnh đạo cướp chính quyền tại Nam Định (tháng 8 năm 1945).

Tháng 9 năm 1945 về công tác tại Bộ Quốc phòng, làm Bí
thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sau đó giữ chức vụ Chánh Văn phòng
Quân uỷ Trung ương, Bí thư đảng uỷ các cơ quan Bộ Quốc phòng và Tổng tư
lệnh (1947–1949).

Sau đó ông chuyển sang công tác chính quyền và Đảng vụ,
làm Phó Bí thư rồi Quyền Bí thư tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến
Hành chính tỉnh Hà Đông (tháng 5 năm 1949 – tháng 5 năm 1951); Uỷ viên
Đảng Đoàn và Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu 3, Bí thư
Đảng ủy các cơ quan của Liên khu (1949–1954).

Từ năm 1954, ông chuyển sang công tác trong ngành ngoại
giao và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao
(1954–1956), Tổng lãnh sự nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Ấn
Độ (1956–1960); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Uỷ viên Đảng đoàn Bộ Ngoại
giao (tháng 8 năm 1960 – tháng 5 năm 1979); Quyền Trưởng đoàn Đoàn đại
biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Genève về Lào
(1961–1962); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách công tác đấu tranh chống
Mỹ (từ 1964).

Ông là trợ lý cho Cố vấn Lê Đức Thọ trong đàm phán với Mỹ
(1972–1973) đưa đến việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam; Trưởng
đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao các nước không liên kết tại Peru (1975); Đặc phái viên của Chính
phủ thăm các nước Ả Rập, Tây Âu, Bắc Âu và ASEAN (1976–1980); Trưởng
đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước
không liên kết tại Colombo (Sri Lanka), New Delhi (Ấn Độ), Luanda
(Angola) (1979–1986); Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự Đại hội đồng Liên
Hợp Quốc tại New York (1979–1991).

Tháng 5 năm 1979, ông làm Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao
(hàm Bộ trưởng), rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 1 năm 1980; Phó
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (tháng 2 năm
1987 – 1991).

Ông là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ tháng 12
năm 1976 đến 1991, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị từ năm 1982, Uỷ viên
chính thức Bộ Chính trị khoá VI (1986–1991), phụ trách Ban Đối ngoại
Trung ương Đảng.

Ngày 29/9/1990, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã
được cử đi thực hiện nhiệm vụ quan trọng là gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao
Hoa Kỳ James Baker tại New York, bắt đầu việc đàm phán bình thường hóa
quan hệ với Hoa Kỳ[1].

Sau khi thôi chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông tham gia
nghiên cứu Tổng kết công tác ngoại giao, nghiên cứu kinh tế thế giới và
chiến lược đối ngoại (tháng 10 năm 1991 – 1998).

Ông còn là đại biểu Quốc hội khoá VII (1981–1987) và khoá VIII (1987–1992).

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Từ tháng 8 năm 2008, tên của Nguyễn Cơ Thạch được đặt cho
một con đường ở Hà Nội (lúc đó huyện Từ Liêm chưa tách thành 2 quận).
Đường cắt ngang với đường Hồ Tùng Mậu, dẫn ra khu đô thị Mỹ Đình 2, quận
Nam Từ Liêm. Đường Nguyễn Cơ Thạch nằm song song với đường Lê Đức Thọ.
Từ tháng 10 năm 2016, tên của Nguyễn Cơ Thạch được đặt cho một con đường
ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đường trục Bắc Nam (R14), đoạn từ cầu Thủ
Thiêm 1 đến cầu Thủ Thiêm 4, khu Đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức
(Quận 2 cũ).

PVHTT sưu tầm, giới thiệu

Rate this post

Viết một bình luận