Nguyên nhân đi ngoài ra máu là gì? Khi nào cần tới bệnh viện?

Tình trạng đi ngoài ra máu có thể là do nhiều yếu tố khác nhau gây nên như táo bón, trĩ, loét dạ dày – tá tràng, xuất  huyết tiêu hoá, ung thư,… Nếu chỉ dựa vào mỗi triệu chứng đi ngoài ra máu thì cũng khó để xác định được đây là biểu hiện của bệnh lý gì. Vậy hãy tham khảo các phân tích của chuyên gia đến từ MEDLATEC để tìm hiểu có những nguyên nhân đi ngoài ra máu nào bạn nhé!

21/09/2021 | Đi ngoài nhiều lần 1 ngày là dấu hiệu bệnh gì và cách cải thiện
21/07/2021 | Thông tin sức khỏe: Đi ngoài có mùi chua do đâu và giải pháp khắc phục
15/07/2021 | Đi ngoài nhiều có nên truyền nước không, nguyên nhân là gì?

1. Đi ngoài ra máu xảy ra khi nào?

Dấu hiệu để nhận biết mình đang bị đi ngoài ra máu là khi vừa đại tiện xong bạn quan sát thấy trong phân có lẫn máu, hoặc cuối bãi thấy có máu chảy ra. Máu có thể có màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm, hoặc bị thâm đen và triệu chứng máu có lẫn trong phân cũng tuỳ thuộc vào bệnh lý mà bạn mắc phải. 

Nếu đi ngoài ra máu là do bị táo bón vì chế độ ăn ít chất xơ thì có thể tự khỏi nếu thay đổi khẩu phần ăn, trường hợp này hầu như không gây nguy hiểm gì đối với sức khỏe. Nhưng cũng cần phải xem xét tới các bệnh lý tiềm tàng nếu bị đi ngoài ra máu kéo dài kèm theo các biểu hiện bất thường khác.

2. Nguyên nhân đi ngoài ra máu là do đâu?

2.1. Bệnh nhân bị trĩ 

Bệnh trĩ là tình trạng không phải hiếm gặp và bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể mắc phải. Đi ngoài ra máu cũng là một biểu hiện của chứng bệnh này và nguyên nhân dẫn tới bệnh trĩ có thể là do bị táo bón mạn tính, lúc đi đại tiện rặn quá mạnh, phụ nữ mang thai đẻ thường, stress, ngồi vệ sinh quá lâu, tiêu chảy kéo dài, thực đơn ăn uống nghèo nàn chất xơ, béo phì,…

Nguyên nhân đi ngoài ra máu

Trĩ mạn tính có thể khiến bệnh nhân đi ngoài ra máu

Để giúp cải thiện hiện tượng này, bệnh nhân nên thay đổi các món ăn theo hướng lành mạnh hơn ăn nhiều rau xanh, trái cây; ngâm hậu môn trong nước ấm; điều trị nội khoa hoặc nghe bác sĩ tư vấn phẫu thuật cắt bỏ trĩ.

2.2. Do các vết nứt ở niêm mạc đường tiêu hóa  

Các vết nứt xuất hiện tại niêm mạc hậu môn, ruột kết hay trực tràng bị rách cũng có nguy cơ dẫn tới chảy máu, từ đó máu từ những khu vực này sẽ theo phân cuốn ra ngoài mỗi khi bệnh nhân đi đại tiện.

Người bệnh cần tích cực ăn những loại thức ăn dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hóa và đặc biệt là bổ sung chất xơ từ rau xanh để phân mềm hơn. Nếu bệnh không có dấu hiệu cải thiện và diễn biến nặng hơn, bệnh nhân có thể cần phải thực hiện phẫu thuật.

2.3. Polyp

Polyp hình thành do sự phát triển quá độ của niêm mạc ruột kết, tạo thành các khối u lồi ở bên trong thành ruột kết. Trường hợp các cục polyp mọc trong lòng đại trực tràng sẽ sinh ra phản ứng kích thích và gây chảy máu. Nếu là polyp lành tính thì người bệnh có thể phẫu thuật cắt bỏ để chấm dứt tình trạng đi ngoài ra máu.

2.4. Hiện tượng rò ống tiêu hóa

Giữa hậu môn và trực tràng, hoặc lớp da và hậu môn có thể bị rò – hay còn gọi là các lỗ rò ống tiêu hoá khiến dịch tiêu hoá bị thoát ra ngoài. Dịch có thể là máu hoặc mủ nên khi đi ngoài trong phân có lẫn máu.

Phương pháp để điều trị trình trạng rò ống tiêu hoá là dùng kháng sinh hoặc phẫu thuật.

2.5. Bệnh viêm đại tràng, trực tràng

Đại tràng nằm ở cuối đường ống tiêu hóa. Kết thúc đại tràng là trực tràng nối với hậu môn. Một trong những nguyên nhân đi ngoài ra máu là do bệnh viêm đại tràng, trực tràng gây nên.

Nguyên nhân đi ngoài ra máu có thể là do viêm đại trực tràng

Nguyên nhân đi ngoài ra máu có thể là do viêm đại trực tràng

Lý do một người bị mắc căn bệnh này bao gồm:

  • Táo bón mạn tính.

  • Bị vi khuẩn và ký sinh trùng tấn công.

  • Bệnh Crohn.

  • Hội chứng ruột kích thích.

  • Do điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, hoá trị.

  • Lạm dụng bia rượu.

  • Ảnh hưởng của việc quan hệ tình dục bằng đường hậu môn.

2.6. Bị viêm túi thừa

Túi thừa có hình dạng giống chiếc túi nhỏ phồng lên ở thành ruột kết và bám dọc đại tràng, gặp nhiều nhất ở đại tràng sigma.

Đối tượng thường xuất hiện túi thừa là những người không có thói quen ăn nhiều rau củ quả hoặc các thực phẩm chứa nhiều chất xơ. Khi túi thừa bị viêm chảy máu sẽ làm cho phân có dính máu. Hiện tượng này xảy ra liên tục trong thời gian dài hoặc cũng có trường hợp bị gián đoạn. Nếu túi thừa viêm quá nặng thì người bệnh cần cắt bỏ túi thừa.

2.7. Bệnh viêm loét dạ dày ruột

Nguyên nhân đi ngoài ra máu có thể bắt nguồn từ chứng viêm loét dạ dày ruột. Đặc điểm của phân sẽ lẫn cả máu kèm theo các chất nhầy. Vi khuẩn là tác nhân dẫn tới tình trạng này và để điều trị dứt điểm, bệnh nhân cần được bù nước, bù chất lỏng, dùng thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus,…

2.8. Bị sa trực tràng

Thường những người cao tuổi dễ bị sa trực tràng hơn so với người trẻ tuổi. Sa trực tràng gây ra triệu chứng đau bụng dưới và đi ngoài ra máu. Phẫu thuật cần được áp dụng đối với những ca bệnh sa trực tràng. 

2.9. Bệnh nhân ung thư đại tràng, trực tràng

Các tế bào ung thư ở đại tràng, trực tràng gây nên các tác động kích ứng, viêm nhiễm dẫn tới chảy máu tại cơ quan này và bệnh nhân có biểu hiện đi ngoài ra phân lẫn máu. Nhiều trường hợp là do trước đó bị polyp tiến triển thành bệnh ung thư. Bệnh nhân cần hết sức lưu ý những dấu hiệu bất thường khác bên cạnh chứng đi ngoài ra máu để đi khám kịp thời vì rất có thể đó là cảnh báo cho sự hiện diện của bệnh ung thư:

  • Thường xuyên bị đầy bụng, đau bụng.

  • Táo bón liên tục.

  • Buồn nôn, nôn mửa không rõ nguyên nhân.

  • Thói quen đi cầu thay đổi.

  • Hình thái phân trở nên mỏng và dẹt hơn.

  • Tiểu buốt, tiểu không tự chủ.

  • Cân nặng giảm đột ngột.

  • Cơ thể uể oải, mệt mỏi, thiếu sức sống. 

3. Bệnh nhân bị đi ngoài ra máu nên đến bệnh viện khi nào?

Nếu đi ngoài ra máu xảy ra trong khoảng 1 – 2 ngày và không kèm theo những triệu chứng nào khác thì có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị, nên theo dõi và gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn. Tuy nhiên xuất hiện những vấn đề sau thì tốt nhất bệnh nhân cần đi viện khám ngay:

  • Đau đớn khi đại tiện, phân đẫm máu.

  • Sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng.

  • Mệt mỏi.

  • Sốt cao.

  • Buồn nôn, nôn ói.

  • Phân thay đổi hình dạng trong thời gian dài trên 3 tuần.

  • Đi nặng và tiểu tiện không kiểm soát.

  • Khi sờ nắn thấy có cục, khối u nổi lên trong bụng.

Tình trạng đi ngoài ra máu có thể đã diễn ra âm thầm từ lâu và bệnh nhân không phát hiện ra được bằng mắt thường. Do vậy khi cảm thấy những thay đổi bất ổn của cơ thể gợi ý bệnh ung thư đại trực tràng nên tiến hành kiểm tra bằng xét nghiệm tìm máu trong phân. Đây được coi là kỹ thuật quan trọng đối với biện pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng. Trước khi xét nghiệm, bệnh nhân không nên ăn cá trích, củ cải, chuối, thực phẩm nhiều vitamin C.

Trường hợp kết quả xét nghiệm có dấu hiệu bất thường, một số biện pháp khác có thể được chỉ định thực hiện thêm để khẳng định bệnh bao gồm: chụp CT, MRI, nội soi, siêu âm, chụp khung đại tràng,…

Bệnh nhân nên đi khám sớm nếu tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài bất thường

Bệnh nhân nên đi khám sớm nếu tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài bất thường

Các nguyên nhân đi ngoài ra máu được liệt kê trên đây chỉ mang tính chất tương đối. Do đó nếu chưa chắc chắn về biểu hiện này, bạn có thể liên hệ đặt lịch qua tổng đài 1900 56 56 56 của BVĐK MEDLATEC và lựa chọn dịch vụ thăm khám sàng lọc để yên tâm hơn về tình trạng sức khoẻ của bản thân.

Rate this post

Viết một bình luận