Nguyên tắc trung thực tuyệt đối (tiếng Anh: Utmost Good Faith) yêu cầu tất cả các giao dịch cần được thực hiện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, cả người được bảo hiểm và người bảo hiểm đều phải trung thực trong tất cả các nội dung của hợp đồng bảo hiểm.
Hình minh họa
Nguyên tắc trung thực tuyệt đối (Utmost Good Faith)
Định nghĩa
Nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong tiếng Anh là Utmost Good Faith.
Nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong bảo hiểm yêu cầu tất cả các giao dịch kinh doanh cần được thực hiện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, cả người được bảo hiểm và người bảo hiểm đều phải trung thực trong tất cả các nội dung liên quan đến giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Thuật ngữ liên quan
Hợp đồng bảo hiểm (Insurance policy) là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải nộp tiền đóng phí bảo hiểm còn doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Bản chất và đặc trưng
– Nguyên tắc trung thực tuyệt đối được thể hiện ngay từ khi doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu để soạn thảo một hợp đồng bảo hiểm đến khi phát hành, khai thác bảo hiểm và thực hiện giao dịch kinh doanh với khách hàng (người tham gia bảo hiểm).
– Nguyên tắc này đặt ra một yêu cầu với người tham gia bảo hiểm là phải tuyệt đối trung thực khi khai báo rủi ro khi tham gia bảo hiểm để giúp doanh nghiệp bảo hiểm xác định mức phí phù hợp với rủi ro mà họ đảm nhận.
Thêm vào đó, các hành vi gian lận nhằm trục lợi bảo hiểm khi thông báo, khai báo các thiệt hại để đòi bồi thường (khai báo lớn hơn thiệt hại thực tế; sửa chữa ngày tháng của hợp đồng bảo hiểm…) sẽ được xử lí theo pháp luật.
– Nguyên tắc trung thực tuyệt đối đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm cân nhắc các điều kiện, điều khoản để soạn thảo hợp đồng bảo đảm cho quyền lợi của hai bên.
Sản phẩm cung cấp của nhà bảo hiểm là sản phẩm dịch vụ nên khi mua, người tham gia bảo hiểm không thể cầm nắm nó trong tay như các sản phẩm vật chất khác để đánh giá chất lượng và giá cả… mà chỉ có thể có được một hợp đồng hứa sẽ bảo đảm.
Chất lượng sản phẩm bảo hiểm có bảo đảm hay không, giá cả (phí bảo hiểm) có hợp lí hay không, quyền lợi của người được bảo hiểm có đảm bảo đầy đủ, công bằng hay không… đều chủ yếu dựa vào sự trung thực của phía doanh nghiệp bảo hiểm
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Bảo hiểm, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)