1. Tìm hiểu kỹ các giấy tờ pháp lý:
Yếu tố đầu tiên nhà đầu tư cần xem xét trước khi “xuống tiền” mua bán nhà đất đó là phải tìm hiểu xem căn nhà, khu đất đó có đầy đủ giấy tờ pháp lý hay chưa. Bởi nếu địa thế khu đất đẹp mà không có giấy tờ hợp pháp thì người chịu rủi ro say này chính là người mua. Cụ thể, nhà đầu tư cần tìm hiểu một số giấy tờ sau: danh sách giấy chứng nhận, thông báo nộp lệ phí trước bạ, biên lai nộp lệ phí trước bạ, giấy tờ hoàn công, thông báo thuế đất hàng năm và biên lai nộp thuế,…
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có nhiều kẻ lừa đảo tinh vi đã “che mắt” khách hàng bằng sổ đỏ, sổ hồng giả. Người mua nhà đất nên tận mắt xem xét những giấy tờ này, cẩn trọng lưu ý về số serie, mã vạch, màu sắc, chất liệu giấy,… để tránh gặp phải đồ giả. Trong trường hợp không có đủ kiến thức hoặc không tự tin trong vấn đề này, bạn có thể nhờ bạn bè, người thân hay luật sư đến hỗ trợ.
Giấy tờ pháp lý là điều mà nhà đầu tư cần chú ý trước khi mua nhà đất. Ảnh minh họa
2. Xem xét tính chính chủ và tài sản thế chấp:
Nhiều câu chuyện thực tế dở khóc dở cười đã xảy ra khi khách hàng mua phải căn nhà từ một người đàn ông vừa mới ly hôn vợ nhưng căn nhà… lại do vợ cũ anh ta đứng tên sở hữu. Do đó, để tránh gặp phải tình huống éo le như vậy, người mua nhà cần tìm hiểu thật kỹ xem bất động sản đó có chính chủ hay chưa, liệu mình có thực sự giao dịch mua bán với chủ của căn nhà, khu đất đó không?
Bạn cần phải yêu cầu người bán nhà cung cấp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Ngoài ra, cần yêu cầu chủ nhà cho biết về tình trạng hôn nhân như: Nếu đã kết hôn thì cần có giấy chứng nhận kết hôn, trường hợp ly hôn, cần phải có quyết định/bản án ly hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân). Giấy tờ nhân thân của chủ nhà đất tiềm năng gồm: chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu… có đầy đủ, hợp pháp không?
Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra xem bất động sản đó có đang thuộc diện bị thế chấp hay không? Trường hợp có thì việc thế chấp này được thực hiện tại ngân hàng hay ở tổ chức nào? Nếu tài sản được thế chấp tại ngân hàng thì việc yêu cầu đặt cọc nên thực hiện ở đâu và cần phải chuẩn bị những thủ tục gì? Tất cả những thông tin này sẽ rất hữu ích cho bạn, nếu bạn không muốn tự biến mình thành một “con nợ” bất đắc dĩ.
3. Kiểm tra tình trạng sử dụng thực tế của bất động sản:
Trước khi quyết định mua nhà, khách hàng nên tìm hiểu thật kỹ các vấn đề như: có ai ở trong căn nhà, khu đất này hay không? Trường hợp có người ở thì họ đang đi thuê hay đang sử dụng bất động sản này dưới hình thức nào? Cách kiểm tra này sẽ giúp bạn tránh được những tranh chấp rắc rối về sau. Ngoài ra, cần kiểm tra xem hệ sinh thái, môi trường sống xung quanh căn nhà, khu đất ra sao? Bạn có thể tìm hiểu thông qua chủ căn nhà, hàng xóm hoặc chính quyền sở tại.
Đồng thời, khi mua nhà, bạn cần xem xét các tài sản liên quan trong căn nhà đó. Nếu chủ sở hữu mang tất cả đồ đạc đi thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu bạn quyết định mua lại chúng thì cần kiểm tra về chất lượng của tài sản, ghi chép cẩn thận danh mục tài sản đi kèm và khẳng định chúng không có bất kỳ tranh chấp mua bán nào từ phía chủ nhà.
4. Xem xét quyền quyết định giao dịch:
Nếu bạn đã tìm hiểu kỹ các thông tin trên, hài lòng với sự lựa chọn của mình và chuẩn bị đi đến bước ký hợp đồng mua bán, bạn cũng cần phải lưu ý thêm một điều nữa đó là người có quyền quyết định giao dịch mua bán đó. Cụ thể, bạn cần kiểm tra xem bên bán có đồng chủ sở hữu hay không? Nếu có thì chủ sở hữu và đồng chủ sở hữu đã thống nhất ý kiến bán nhà hay chưa? Có cần phải chờ đợi đủ người đồng sở hữu hay chỉ một người? Hợp đồng có được bên bán đăng ký tại cơ quan công chứng theo thời gian đã thỏa thuận hay không? Trong trường hợp chủ sở hữu vắng mặt, ủy quyền cho người khác ký thay vào hợp đồng mua bán thì có giấy ủy quyền hay không? Bạn cũng cần kiểm tra thận trọng để hoàn thành xong giao dịch mua bán một cách suôn sẻ nhất, trước khi chính thức trở thành chủ nhân mới của bất động sản đó.