Nhà văn Việt Nam hiện nay, họ là ai? Họ quan niệm thế nào về chính mình và công việc viết văn? Họ có sẵn sàng đi tiếp con đường mà họ đã dấn vào vì những lý do khác nhau không?
Chúng tôi đã đặt cùng một số câu hỏi cho một số nhà văn, những người viết trẻ hoặc không trẻ lắm về tuổi đời nhưng đang sung sức trong nghề. Họ nói gì ?
Bạn tìm gì ở văn chương? Bạn có tự gọi mình là nhà văn?
Inrasara: – Tôi là nhà văn. Văn chương là một cách khám phá mình, bên cạnh khám phá thế giới xung quanh ở một tầng khác, một bề khác. Khám phá mình và sau đó, thay đổi mình.
Nguyễn Vĩnh Nguyên: – Nếu trong một đám đông, có ai đó giới thiệu tôi là nhà văn, tôi có cảm giác khó chịu. Nhà văn, đó là danh phận trước đám đông chứ trước trang viết và đời sống hàng hóa tiêu dùng ngồn ngộn tôi đang va chạm thì danh phận kia chẳng có nghĩa lý gì.
Nguyễn Danh Lam: – Tôi tin mình tìm đến văn chương là bởi cô đơn. (…) Nếu không có sự cô đơn, tôi chẳng viết văn làm gì, và cũng chẳng còn động lực nào để viết văn. Với sự cô đơn, cái “danh hiệu” nhà văn chẳng có ý nghĩa gì. Vậy nên, tôi chưa bao giờ đặt vấn đề mình có là nhà văn hay không. Còn ở góc độ xã hội, nếu ai đó gọi tôi là nhà văn, tôi thấy chẳng có vấn đề gì. Tôi đang làm công việc này mà.
Thuận: – Ai cũng có một nghề. Nhưng chọn cho mình nghề viết là rước vất vả vào thân. Bởi, không bao giờ có thể xoa tay hể hả: “Thế là xong một việc!”. Đã cầm bút thì tác phẩm gọi tác phẩm, trang thách trang, câu mách câu, từ nháy từ…Yêu cầu tối thiểu là phải biết nhốt mình giữa bốn bức tường suốt nhiều ngày, thậm chí nhiều năm. Vất vả có lẽ là cái mà tôi thấy đầu tiên trong văn chương.
Còn tìm gì trong đó ư? Mâu thuẫn lắm. Khẳng định mình hay thay đổi mình? Một phong cách hay nhiều phong cách? Trải lòng với độc giả hay thách thức dư luận? Đại diện cho số đông hay đứng ra một góc? Đoàn kết trường phái hay tranh luận tới cùng? Với tôi, mỗi tác phẩm đều được xây dựng trên những mâu thuẫn và là câu trả lời cho câu hỏi “nhà văn tìm gì ở văn chương”.
Trần Thu Trang: – Tôi tìm một công việc phù hợp với khả năng. Tôi liệt kê những điểm mạnh cũng như mong muốn của mình ra giấy và thấy rằng mình thích đọc, thích viết, có chút sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ, ngại sự bó buộc công sở, muốn tìm một công việc nào đó không có sếp trực tiếp, không bị áp lực thời gian. Và văn chương hầu như đáp ứng hết mọi mong muốn của tôi. Tôi không mấy khi tự gọi mình là nhà văn, có chăng cũng chỉ là dăm câu tự trào trong lúc vui chuyện bạn bè. Quyết định tôi có phải là nhà văn hay không nào có phụ thuộc 100% vào tôi.
Bạn tự thấy mình có phẩm chất gì và thiếu những phẩm chất gì đối với nhà văn?
Thuận: – Đây là câu hỏi khó trả lời thỏa đáng, vì trong nghề cầm bút, ưu điểm lúc này có thể lại trở thành nhược điểm lúc khác, hoặc ngược lại. Kiên trì và nôn nóng là một ví dụ. Tình cảm và lý trí có khả năng là ví dụ thứ hai. Ý thức và bản năng, đương nhiên là ví dụ thứ ba. Lý thuyết và kinh nghiệm, là ví dụ thứ tư. Huyễn tưởng và thực tiễn, là ví dụ thứ năm. Hiện đại và truyền thống, là ví dụ thứ sáu… Ai không cầm bút thì tìm cách dung hòa các thái cực. Còn với tôi, viết là để phá vỡ cân bằng, thoát khỏi cái bình thường. Sáng tạo không đồng nghĩa với kết hợp hài hòa
Nguyễn Danh Lam: – Nhạy cảm, tôi nghĩ đây là phẩm chất khởi đầu của mỗi người làm nghệ thuật. Và từ sự khởi đầu tự nguyện, cho đến khi coi văn chương là công việc, tôi nghĩ phẩm chất kế theo là yêu nghề. Còn phẩm chất mà tôi thiếu, có thể lắm, đấy chính là… sự tài hoa. Vâng, chẳng phải khiêm tốn đâu, có lẽ đây là cái mà tôi thiếu. Không có những khoảnh khắc bùng nổ hay nhảy vọt. Nhưng chính từ cái thiếu này, tôi nghĩ mình có một phẩm chất khác, đó là kiên nhẫn, biết mình là ai để âm thầm đi tiếp. Tôi đã đi và có lẽ còn đi như thế. Ngoài tình yêu với văn chương, chẳng còn gì khác.
Trần Thu Trang: – Viết văn là công việc với chữ nghĩa. Tôi nghĩ, mình chỉ có một điểm sáng duy nhất là thái độ tôn trọng chữ nghĩa. Tức là, nói hơi sáo mòn một chút, tôi có cái tâm, còn cái tài và cái tầm thì chẳng được bao nhiêu. Nhiều lúc thấy mình thiếu mạnh bạo, thiếu quyết liệt, thiếu bao quát, thiếu đủ thứ, tôi cũng đành đem lời cụ Nguyễn Du ra an ủi rằng “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. An ủi vậy rồi lại cố thêm chút vậy.
Nguyễn Ngọc Thuần: – Sự kiên nhẫn và khả năng tập trung cao. Ngày trước tôi có thừa. Nhưng càng ngày tôi càng thiếu dần. Bây giờ, rất tệ, đôi lúc tôi còn phải đấu tranh với mình giữa ba việc: đi chơi, lướt web hay viết văn. Công tâm mà nói, để viết văn, phải có nghị lực lớn lắm!
Giá trị lớn nhất của văn chương, theo bạn là gì?
Inrasara: – Văn chương buộc ta nhìn lại những gì ta chỉ lướt qua (hay nó lướt qua ta) trong cuộc sống thường nhật. Văn chương gây cảm hứng và kích thích cuộc đời. Muốn thế nó phải mới, lạ và, đẹp. Cái đẹp cho ngôn ngữ và bởi ngôn ngữ.
Trần Thu Trang: – Trong cuốn Cocktail cho tình yêu, tôi có để nhân vật nói rằng văn chương xoa dịu nỗi đau. Hình như quan niệm đấy cũng không đến nỗi sai lạc lắm vì tôi thấy nhiều người nhờ đọc một cuốn tiểu thuyết mà từ bỏ những ý nghĩ tiêu cực. Còn giá trị lớn nhất trong văn chương của tôi có lẽ là một chữ “thật”, vì tôi đang ghi lại những gì diễn ra quanh tôi, quanh chúng ta.
Thuận: – Giá trị lớn nhất của văn chương là đi tìm bản chất. Cuộc sống không hoàn toàn là cái mà ta nhìn thấy hàng ngày, với đôi mắt trần trụi. Chỉ nhà văn, bằng tác phẩm của mình, mới có khả năng chạm đến tính đa chiều phức hợp trong mỗi con người. Với người cầm bút, viết còn là cuộc phiêu lưu tới những cái tôi khác. Kẻ bình thường sẽ mất công giải thích và chứng minh: tôi thực ra thế này, tôi không phải thế kia. Nhưng một nhà văn thì chỉ vào tác phẩm của mình. “Văn là người” có nghĩa như vậy.