Nhạc cụ thuộc bộ gõ cổ nhất Việt Nam là nhạc cụ nào

Đàn đá (các dân tộc ở Tây Nguyên, Việt Nam gọi là goong lu, đọc là goòng lú, tức “đá kêu như tiếng cồng”) là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam và là một trong những loại nhạc cụ cổ thô sơ nhất của loài người. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm trong khi thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh. Người xưa sử dụng vài loại đá có sẵn ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ để tạo ra nhạc cụ này. Đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.

Năm 1949, những người phu làm đường phát hiện tại Ndut Liêng Krak, Đăk Lăk, Tây Nguyên một bộ 11 thanh đá xám có dấu hiệu ghè đẽo bởi bàn tay con người, kích thước từ to đến nhỏ trong đó thanh dài nhất 101,7 cm nặng 11,210 kg; thanh ngắn nhất 65,5 cm nặng 5,820 kg. Phát hiện này được báo cho Georges Condominas, một nhà khảo cổ người Pháp làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Tháng 6 năm 1950 giáo sư Georges Condominas đưa những thanh đá này về Paris và chúng được nghiên cứu bởi giáo sư âm nhạc André Schaeffner. Sau đó, Georges Condominas công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí m nhạc học (năm thứ 33 – bộ mới) số 97-98 tháng 7 năm 1951, khẳng định về loại đàn lithophone ở Ndut Liêng Krak, “nó không giống bất cứ một nhạc cụ bằng đá nào mà khoa học đã biết”.

Cấu tạo của đàn đá

Phần giúp tạo âm thanh của bộ đàn này là đá, với nhiều những mấu đá khác nhau, người ta dùng một cây sắt nhỏ, phần đầu được gia công to hơn hoặc được chuyển thành hình tròn. Với mỗi mẫu đá to, nhỏ, dày, bẹt khác nhau, âm thanh khi được phát ra cũng khác nhau, ân thanh được tạo ra từ đàn đá khá cao và sắc.

Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của vách đá. Người xưa quan niệm âm thanh của đàn đá như một phương tiện để nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. Đàn đá đã được giới thiệu ở trong và ngoài nước như một nhạc cụ đặc biệt của dân tộc. Hiện nay, lạo đàn này còn xuất hiện chủ yếu ở vùng Tây Nguyên như một nhạc cụ không thể thiếu tại nơi đây, tuy nhiên với một số triển lãm tại một số tỉnh khác, đàn đá cũng được giới thiệu là nhạc cụ của dân tộc, mang đậm bản sắc của núi rừng

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo Chuông, mình giới thiệu đến các bạn Thạch Cầm của Việt Nam hôm nay.

Thạch Cầm (Đàn Đá), là nhạc khí tự thân vang, thuộc loại xylophone, metallophone (các dân tộc ở Tây Nguyên, Việt Nam gọi là Goong Lu, đọc là Goòng Lú, tức “đá kêu như tiếng cồng”) là một nhạc cụ chi gõ cổ nhất của Việt Nam và là một trong những loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người.

Thạch Cầm được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Mỗi nhạc cụ là một bộ gồm nhiều thanh đá hợp thành. Mỗi thanh đá có hình dáng khác biệt, được chế tác bằng phương pháp ghè đẽo thô sơ. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm trong khi thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì có âm vực thanh. Người xưa sử dụng vài loại đá có sẵn ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ để tạo ra nhạc cụ này.

Thạch Cầm đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong “Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên”.

Năm 1949, những người phu làm đường phát hiện tại Ndut Liêng Krak, Đăk Lăk, Tây Nguyên một bộ 11 thanh đá xám có dấu hiệu ghè đẽo bởi bàn tay con người, kích thước từ to đến nhỏ trong đó thanh dài nhất 101,7 cm nặng 11,210 kg; thanh ngắn nhất 65,5 cm nặng 5,820 kg. Phát hiện này được báo cho Georges Condominas, một nhà khảo cổ người Pháp làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Tháng 6 năm 1950 giáo sư Georges Condominas đưa những thanh đá này về Paris và chúng được nghiên cứu bởi giáo sư âm nhạc André Schaeffner. Sau đó, Georges Condominas công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Âm nhạc học (năm thứ 33 – bộ mới) số 97-98 tháng 7 năm 1951, khẳng định về loại đàn lithophone ở Ndut Liêng Krak, “Nó không giống bất cứ một nhạc cụ bằng đá nào mà khoa học đã biết”. Hiện bộ Thạch Cầm này được trưng bày ở Bảo Tàng Con Người Paris, Pháp.

Năm 1956, trong Chiến tranh Việt Nam bộ Thạch Cầm thứ hai được phát hiện và một đại úy Mỹ mang về trưng bày ở New York.

Năm 1980, Georges Condominas lại phát hiện bộ Thạch Cầm thứ ba có 6 thanh tại buôn Bù Đơ thuộc xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là bộ đàn do dòng họ Ksiêng (người Mạ) lưu giữ qua 7 đời.

Từ những năm 1979 vấn đề nghiên cứu, sưu tầm về Thạch Cầm được giới khoa học Việt Nam khơi dậy và cho đến những năm đầu thập niên 1990, người ta tìm được khoảng 200 thanh Thạch Cầm rải rác ở Đắc Lắc, Khánh Hòa, Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Sông Bé và Phú Yên…; mỗi bộ đàn này có từ 3 đến 15 thanh. Nổi tiếng trong đó là các bộ Thạch Cầm Khánh Sơn, Thạch Cầm Bắc Ái, Thạch Cầm Tuy An, Thạch Cầm Bình Đa (gọi theo địa danh phát hiện). Căn cứ vào loại Thạch Cầm tìm được ở di chỉ khảo cổ Bình Đa, các nhà khoa học cho biết những thanh đá để làm đàn này có tuổi đời khoảng 3.000 năm.

Các nhà nghiên cứu sau khi khai quật và khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo, thuộc địa phận thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp, Khánh Sơn đã tìm ra nhiều dấu tích chứng tỏ người xưa đã chế tác Thạch Cầm tại đây với nhiều khối đá và mảnh tước thuộc loại đá phún trào có nhiều ở Khánh Sơn, cũng là loại đá để chế tác Thạch Cầm Khánh Sơn. Những dấu hiệu chế tác Thạch Cầm tại chỗ chứng tỏ những cư dân từ xưa ở nơi này, dân tộc Raglai, là những người chủ thực sự của những bộ Thạch Cầm.

Tháng 6 năm 2003 ông K’Branh (dân tộc Cơ Hơ) ở buôn Bờ Nơm, Lâm Đồng phát hiện bộ Thạch Cầm 20 thanh. Hai thanh dài nhất rộng bản 22 cm và dài 151 cm và 127 cm. Thanh ngắn nhất rộng bản khoảng 10 cm, chiều dài 43 cm. Số còn lại có độ dài từ 71 đến 75 cm và độ rộng bản trên dưới 15 cm. Đây là bộ Thạch Cầm cổ nhiều thanh nhất từng được phát hiện.

Tháng 7 năm 2006 một bộ Thạch Cầm được phát hiện ở Bình Thuận, gồm 8 thanh trong đó thanh dài nhất là 95 cm rộng 17 cm và nặng 12,5 kg; các thanh khác có chiều dài thấp dần đến thanh cuối cùng là 52,5 cm nặng 4,5 kg. Cả 8 thanh đều được ghè đẽo tinh xảo, có hình dạng giống nhau với hai đầu dày và hơi phình to, ở giữa có eo nhỏ lại và là nơi mỏng nhất. Giới khảo cổ học xôn xao vì khu vực phát hiện bộ Thạch Cầm này nằm gần biển, tại vùng ảnh hưởng đậm của văn hóa Sa Huỳnh, trong khi từ trước tới nay tất cả các bộ Thạch Cầm được phát hiện đều tại các vùng rừng, núi cao.

Bộ Thạch Cầm hiện đại 100 thanh do hai anh em nghệ sĩ Nguyễn Chí Trung và Nguyễn Đức Lộc sáng tạo, gồm 2 giàn đàn mỗi giàn 50 thanh. Hiện bộ Thạch Cầm này giữ kỷ lục là bộ Thạch Cầm nhiều thanh nhất tại Việt Nam.

Ở âm vực cao, tiếng Thạch Cầm thánh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, Thạc Cầm vang như tiếng dội của vách đá. Người xưa quan niệm âm thanh của Thạch Cầm như một phương tiện để nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. Thạch Cầm đã được giới thiệu tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.

Thanh âm của Thạch Cầm được GSTS Trần Văn Khê ca ngợi là “Biểu hiện tâm tư hệt như con người”.

Một số dân tộc ở Tây Nguyên coi những thanh đá được phát hiện như những vật thiêng và giữ gìn như của gia bảo. Có tộc dùng chúng trong những lễ hội lớn để cúng thần, có tộc lại dùng làm Thạch Cầm giữ rẫy.

Trong âm nhạc triều đình Huế còn có Biên Khánh là dàn khánh đá gồm 12 chiếc. Đặc Khánh là chiếc Khánh Lớn. Biên Khánh, Đặc Khánh và Biên Chung, Bác Chung đều được sử dụng trong Dàn Nhạc Huyền cùng với Chúc, Ngữ, đàn Cầm, đàn Sắt… theo hệ thống bát âm của dàn Nhã Nhạc lớn.

Ngoài bộ Thạch Cầm 11 thanh phát hiện tại Ndut Liêng Krak, Đăk Lăk, Tây Nguyên năm 1949 được bảo quản trưng bày ở Bảo Tàng Con Người Paris, Pháp – nhiều bộ Thạch Cầm khác đang được bảo quản tại Việt Nam.

Dưới đây mình có các bài:

– Nghệ Thuật Âm Nhạc Đàn Đá Việt Nam
– Đàn Đá và Kèn Đá Tuy An dưới gốc độ âm thanh học
– Nghe đàn đá ở nhà thầy Khê

– Kon Tum: Chàng “phù thủy” thổi hồn cho đàn đá

Cùng với 6 clips tổng hợp độc tấu, hòa tấu Thạch Cầm/Đàn Đá để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

Nghệ Thuật Âm Nhạc Đàn Đá Việt Nam

(MINH HIẾN)

Đàn đá là nhạc khí tự thân vang cổ xưa của các dân tộc M’Nông, Mạ, Raglai… Người M’Nông gọi là kologolo, người Mạ gọi là goong luk (nghĩa là cồng đá)… Đàn đá gồm nhiều thanh đá cùng chất liệu, hình dáng tương đồng nhưng độ dài ngắn, rộng hẹp, dày mỏng, nặng nhẹ khác nhau, được đẽo gọt cùng một phương pháp, tạo nên những âm thanh khá chính xác theo một âm giai điệu thức nhất định.

* Quá trình phát hiện những cây đàn đá

Đàn đá được phát hiện cách đây hơn 50 năm. Ngày 2/2/1949 bộ đàn đá Việt Nam đầu tiên được tìm thấy tại một làng xa xôi hẻo lánh của núi rừng Tây Nguyên, làng Nđut Liêng Krak của dân tộc M’Nông thuộc tỉnh Đak Lak, do các công nhân đào đất làm đường cuốc phải. Sau này gọi là đàn đá Nđut Liêng Krak.

Đàn gồm 11 thanh đá, sắp theo chiều đứng thành ba hàng áp sát nhau, đất cát không chen vào được. Khi đào lên thì 1 thanh đã vỡ 10 thanh còn nguyên vẹn.

Ba hôm sau, sáng ngày 5/2/1949, nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Gioócgiơ Côngđôminax.(G.Condominas), giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học Viễn đông đã tìm đến. Qua âm thanh kỳ diệu và hình dáng độc đáo, ông biết đây là một cây đàn cổ quý giá. Hơn một năm sau, tháng 6/1950 ông hoàn thành “cuộc thám hiểm hải ngoại” và trở về Pháp, mang theo toàn bộ 11 thanh đá. Ông đã viết bài “Đàn đá thời tiền sử Nđut Liêng Krak” để giới thiệu đàn đá Việt Nam.

Bộ đàn đá đã làm chấn động dư luận ở Pháp và thế giới đặc biệt là trong giới nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học và âm nhạc học, vì người ta không thể hình dung được tại sao cách đây ba, bốn nghìn năm lại có thể có được một cây đàn gõ định âm làm bằng đá – là chất liệu khó đẽo gọt, trong lúc ở châu Âu cây đàn gõ định âm xilôphôn làm bằng gỗ là loại rất dễ đẽo gọt, theo Rôlăng Đơ Cađê (Roland de Cadé), chỉ mới có từ thế kỷ XIV (nghĩa là sau cây đàn đá 2.500 năm).

Đàn đá Việt Nam được trân trọng trưng bày tại Viện bảo tàng Con người (Musée de Homme) ở Paris coi như vật phẩm minh chứng cho sự tiến hóa của nhân loại trong một giai đoạn.

Năm 1969, đúng 20 năm sau khi phát hiện cây đàn đá Nđut Liêng Krak, nhà thơ Cù Huy Cận và tôi đã có dịp đến thăm Viện bảo tàng Con người ở Paris và đã trực tiếp xem cây đàn đá (lúc ấy còn chưa đặt trong lồng kính). Được biết tôi là chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật dân tộc Việt Nam sang biểu diễn tại Paris, bà phụ trách đã cho phép tôi được “sờ vào hiện vật”, gõ đàn để thu thanh và làm một số việc phục vụ cho nghiên cứu.

Đàn gồm những thanh đá – thuộc nhóm đá sừng – hình chữ nhật, được đẽo gọt công phu, tinh tế ở cả hai mặt và hai cạnh. Thanh số 2 là thanh dài nhất 101cm70, thanh số 9 ngắn nhất 65cm50, thanh số 5 rộng nhất 15cm85, thanh số 8 hẹp nhất 10cm60, thanh số 3 nặng nhất 11kg410, thanh số 8 nhẹ nhất 4kg810, thanh số 1 trầm nhất Fa3, thanh số 10 cao nhất Sol4 (xem ảnh).

Thanh 11 bị vỡ. Theo tôi, căn cứ vào âm giai của các dân tộc Tây Nguyên, căn cứ vào cấu trúc âm thanh của những cây đàn đá được phát hiện sau này và của các dàn cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên. Có thể thẩm đoán rằng: thanh đàn đá bị vỡ có nốt Sib4 nốt chủ âm (ở phần trầm đã có, nhưng phần cao còn thiếu), và đó mới là thanh đàn có âm cao nhất.

Âm giai đàn đá Nđut Liêng Krak hiện nay:

Fa3 Sol3 Sib3 Mib4 Mi4 Fa4

* Chín năm sau, năm 1958, tạp chí Ăngtơrôpôlôgi (Anthropologie) của Pháp đăng một mẩu tin ngắn:

Một Đại úy công binh Mỹ trong khi dùng máy ủi để ủi đất ở “An Nam” đã phát hiện được một bộ đàn đá, bộ này giống như bộ ở Nđut Liêng Krak nhưng loại nhỏ hơn, gồm có 7 thanh, nhưng sau đó 1 thanh bị vỡ. Sĩ quan nọ đã bán cho một nhà chơi đồ cổ ở Lôx Ănggiơlex (Los Angeles) tên là Clerơ Ôma Muytxơ (Claire Omar Musser). Bản tin không ghi cụ thể địa điểm nơi phát hiện đàn đá và tên của ông Đại úy.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Hà Lan Giap Kơnxt (Jaap Kunst) đã đến khảo sát, nghiên cứu bộ đàn này, nhưng chưa kịp công bố tài liệu thì ông đã chết.

– Bộ đàn đá thứ ba do Bunbê (J. Boulbet), người Pháp, chủ đồn điền chè ở Blao, Di Linh, Lâm Đồng phát hiện ở Boon Boocđa, của dân tộc Mạ. ông giới thiệu trên tạp chí Ăngtơrôpôlôgi (Anthropologie) ngày 23/5/1958 với nhan đề: Đàn đá Goong Luk của làng Boon Boocđa.

21 năm sau, ngày 15/5/1979 Viện Nghiên cứu âm nhạc và Sở Văn hóa Lâm Đồng đã tiến hành khảo sát.
Đàn có 6 thanh, nhưng đã bị thất lạc mất 3 thanh, là của gia bảo của ông K.Brôi (K.Broih). 3 thanh đàn đều cùng một cỡ về chiều ngang 15cm và chiều dày 3cm6, chỉ chiều dài là khác nhau: 60cm, 62cm, 65cm.

– Bộ đàn đá thứ tư phát hiện vào năm 1979 ở Khánh Sơn thuộc tỉnh Phú Khánh là của ông Bo Boren, người dân tộc Raglai. Đàn trước đây có 21 thanh, nhưng năm 1964 do bị máy bay Mỹ oanh tạc, vỡ mất 9 thanh, hiện còn 12 thanh. Đàn to và nặng hơn đàn Nđút Liêng Krak, thanh nặng nhất là 28kg100 (thanh nặng nhất của đàn Nđút Liêng Krak là 11kg410), thanh nhẹ nhất là 5kg, thanh dài nhất 103cm, thanh ngắn nhất 45cm60, thanh 1 có nốt trầm nhất là La3 với âm tần 452hz, thanh 12 có nốt cao nhất là Sol#5với âm tần 1.653hz.

– Tháng 12/1979 Viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa Thông tin Đồng Nai đã đào bới được ở Bình Đa, một di chỉ khảo cổ thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhiều thanh đàn đá bị vỡ, nhưng có thanh số 4 còn nguyên, có nốt Fa4, với âm tần 722hz lẫn với những dụng cụ bằng đá, đồ gốm và những thanh củi cháy dở ở các bếp cổ xưa. Nhờ những mảnh than ấy, Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa dân chủ Đức, với phương pháp định niên đại bằng các-bon phóng xạ C14 đã có thể xác định được tuổi của đàn đá Bình Đa: cách đây 3.180 + 50 năm. Đó là bộ đàn đá thứ năm.

– Tháng 1/1980, tại Bắc Ái thuộc tỉnh Thuận Hải đã phát hiện Được bộ đàn đá thứ 6. Bộ đàn này là của gia bảo của ông Kator Achoh, dân tộc Raglai. Cây đàn gồm 15 thanh, to và nặng hơn đàn Nđút Liêng Krak, thanh nặng nhất là 31kg750, thanh nhẹ nhất 4kg350, thanh dài nhất 94cm, thanh ngắn nhất 47cm, thanh 1 có nốt trầm nhất là Sib3 với âm tần 464,6hz, thanh 15 có nốt cao nhất là Fa#5, với âm tần 1.511,3hz. Đàn được làm cùng một chất đá như đàn Khánh Sơn: đá trầm tích riôlit poocphia (rhyolite porphire) có nhiều ở Khánh Son, có sức chịu đựng với những tác dụng cơ học rất tốt, chỉ thua loại đá ngọc mà thôi và phát ra được âm thanh đẹp, vang.

– Tháng 6/1980 đã đào được ở đỉnh núi Yamaquai (tiếng Raglai có nghĩa là gạo tấm, nay là Dốc Gạo) thuộc xã Trung Hạp, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Sơn một số bộ đàn đá và hàng chục thanh đàn đá bị vỡ trong khi chế tác, với trên 500 mảnh tước cùng loại đá trầm riôlit poocphia như các bộ đàn đá Khánh Sơn, Bắc Ái, Tuy An…, chứng tỏ nơi đây là công xưởng để chế tác đàn đá từ thời xa xưa, điều đó minh chứng: đàn đá là sản phẩm văn hóa bản địa do người Việt Nam chế tác từ nguyên liệu đá Việt Namchứ không phải “từ nơi khác trôi dạt về do những biến động di dân” như một số học giả phương Tây đã phát biểu.

– Năm 1981, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày sinh của giáo sư Côngđôminax, người đã phát hiện bộ đàn đá đầu tiên Nđut Liêng Krak có một bài của Anbina Pherâyrô (Albina Pherreiros) đăng trong cuốn Ôriăng (Orents) xuất bản ở Tuludơ và Paris, thông báo đã phát hiện được cây đàn đá (thứ 8) tại một làng gần làng Bu Dang Srê của dân tộc M’Nông (thuộc Đắc Min Đắc Nông, tỉnh Đak Lak).

Ông kể lại rằng vào tháng 9/1973 ông đi mua những vò rượu cần và đổi thảm dệt thổ cẩm, đồ gốm của dân tộc M’Nông, trời đã tối dân làng báo cho biết có một con voi dữ lẩn quất quanh đây, ông đành ở lại và vô tình đã được dự một buổi liên hoan hòa nhạc gồm các nhạc cụ: khèn, sáo dọc, đàn dây có cung vĩ kéo và đàn đá mà người N’Nông gọi là kologolo.

Bộ đàn này gồm 3 thanh: thanh 1 dài 55cm, thanh 2 dài 33cm, thanh 3 dài 27cm. Hình các thanh đã hơi cong, hai đầu nhọn. Ông đã thu thanh buổi hòa nhạc đó. Một tuần sau làng đó đã bị máy bay Mỹ oanh tạc. Ông đã vẽ lại thanh đàn đá hình hơi cong, chiếc dùi bằng đá, 3 người nâng 3 thanh đàn và 1 người ngồi đối diện cầm dùi đánh đàn (xem phần ảnh).

– Giữa năm 1989 đã đào và phát hiện được 3 thanh đàn đá ở Lộc Ninh (Sông Bé).

– Tháng 2/1992 ông Huỳnh Ngọc Hồng, một nông dân đã phát hiện tại sườn núi Hòn Một, thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên một bộ đàn đá gồm 8 thanh, thanh dài nhất 59cm, thanh ngắn nhất 39cm, thanh nặng nhất 14kg, thanh nhẹ nhất 2kg300, thanh trầm nhất 810hz, thanh cao nhất 1.893hz. Đàn có độ chuẩn về cung bậc khá chính xác, được làm bằng loại đá riôlit poocphia như đàn Khánh Sơn, Bắc Ái.

Bộ đàn đá Tuy An là bộ đàn đá thứ 10 được phát hiện…

– Từ những cây đàn đá trên chúng ta có những nhận định như sau:

Về mặt chất liệu đá, đàn đá có hai nhóm:

1. Nhóm đá sừng, ít rắn hơn, dễ ghè đẽo, âm vực trầm: đàn Nđút Liêng Krak, Blao (Goong Luk), Lộc Ninh, Bình Đa.

2. Nhóm đá trầm tích riôlit poocphia, rất rắn nhưng ghè đẽo ít bị vỡ, âm vực cao, vang xa: Khánh Sơn, BắcÁi, Tuy An, Dốc Gạo. Loại đá này có rất nhiều ở Khánh Sơn, đặc biệt là ở đỉnh núi Dốc Gạo.

Âm giai đàn đá là âm giai của các dân tộc Tây Nguyên, các dân tộc ở ven Trường Sơn: loại ngũ cung có bán âm.

Qua một số tư liệu thu thập được thấy rằng có những lối chơi đàn khác nhau: Người M’Nông buộc dây ở hai đầu thanh đá, người chơi đàn ngồi đối diện với những người cầm dây nâng những thanh đá lên, người kia cầm dùi đá gõ (gần gũi với cách đánh cồng chiêng của các dân tộc Giarai, Banar: xách cồng đánh). Người Mạ thì lại ngồi duỗi hai chân, đặt thanh đá lên đùi mà đánh (gần gũi với cách đánh cồng chiêng của dân tộc Êđê: đặt cồng lên đùi đánh). Mỗi người đánh một âm, tập thể thành bộ đàn cũng như cồng chiêng vậy; có thể đánh giai điệu, chồng âm.

Về mặt sử dụng, người M’Nông dùng đàn đá hòa tấu cùng sáo và đàn kơní để đệm cho hát, cho múa trong những buổi vui chơi, giải trí. Người Mạ và người Raglai thì lại coi đàn đá như vật thiêng gắn với tục thờ đá rất nguyên thủy, do đó đàn đá được đặt ở nơi thờ phụng và chỉ được rước xuống để sử dụng trong lễ thức cúng Giàng và chỉ đánh độc tấu, không hòa tấu với bất cứ một nhạc khí nào.

Âm thanh đàn đá đẹp, trong sáng, vang vang tạo cảm giác về hang động, núi rừng.

* Đàn đá Việt Nam – qua cây đàn Nđút Liêng Krak – đã được nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc trên thế giới ca ngợi.

Giáo sư âm nhạc Saphne (A.Schaeffner), người Pháp, đã viết một công trình nghiên cứu về đàn đá: “Một sự khám phá khảo cổ quan trọng”, trong đó có câu: (Đàn đá NLK)”đã có những âm thanh được tính toán với một độ chính xác kỳ lạ làm ta phải ngạc nhiên. Tính nhạy cảm của các phiến đá rất cao, chỉ cần chạm nhẹ ngón tay vào cũng làm chúng rung động. Âm sắc tuyệt đẹp gợi lên tiếng vang tinh tế”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Liên Xô (cũ) R.L.Xađôcôp trong bài: “Nhạc khí bằng đá tối cổ của Việt Nam” đã viết: (Đàn đá NLK) “không giống bất cứ một nhạc khí bằng đá nào mà khoa phân tích giải phẩu học đã biết” … “Ngành nghiên cứu lịch sử nhạc khí đã có được một tài liệu quý giá cho phép vươn tới một thời đại mà cho đến nay các nhà âm nhạc chưa hề nghiên cứu tới”.

Giáo sư G.Côngđôminax đã gọi đàn đá Nđut Liêng Krak là “Nhạc khí thời tiền sử”, “Nhạc khí cổ xưa nhất thế giới”.

Đàn đá là một sản phẩm văn hóa bản địa, do người Việt Nam chế tác từ nguyên liệu đá Việt Nam, với âm giai độc đáo của các dân tộc Việt Nam.

Đàn Đá và Kèn Đá Tuy An dưới gốc độ âm thanh học

(GSTS Trần Quang Hải – Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia, Pháp)

Đàn đá và kèn đá là hai nhạc cụ được tìm thấy tại huyện Tuy An. Đàn đá được khám phá tại Hòn Núi Một thuộc thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An vào năm 1990 cho tới năm 1991 thì tìm được tất cả 8 thanh đá. Bộ đàn đá này được đánh giá là có thang âm thuộc loại chuẩn nhất trong số những đàn đá thời tiền sử được phát hiện tại Việt Nam. Kèn đá được phát hiện dưới lòng một phế tích Chăm Pa ở thôn Phú Cần, xã An Tho, huyện Tuy An và đã được giữ gìn và sử dụng qua bảy đời các vị trụ trì của chùa Hậu Sơn ước khoảng trên 150 năm , và được xem là nhạc cụ độc nhất vô nhị trên thế giới .

Đứng về mặt âm thanh học, đàn đá đã được đo âm thanh và tần số vào năm 1992 tại phòng thu thanh của hội âm nhạc TP HCM và đã công bố kết quả các tần số. Hội đồng khoa học đàn đá Tuy An đã phát hành một tư liệu khoa học về đàn đá Tuy An, tỉnh Phú Yên vào tháng 9, 1992 gồm một số bài báo cáo kết quả sơ khởi về âm thanh và tần số 8 thanh đá.

GS Tô Vũ có viết một bài về Kèn Đá với đề tài “Cặp kèn đá tiền sử, hai hiện vật lạ bằng đá ở Phú Yên dưới gốc độ âm thanh nhạc học và nhạc khí học lý luận” đăng trong tư liệu “các báo cáo chuyên đề” (Phú Yên, 2 tháng 10, 1996). Kết quả việc đo hai kèn đá do NSND Đỗ Lộc thổi và được các chuyên viên kỹ thuật của Z.755 (cơ quan đã đo 8 thanh đá trước đây) thực hiện vào ngày 29 tháng 6 năm 1995 tại TP HCM.

Trong bài tham luận này, tôi sử dụng bộ phận mềm “Overtone Analyzer” do một bạn người Đức tên là Bodo Maass có thể đo chính xác cao độ các tần số 8 thanh đá và kèn đá. Qua cách đo này có thể đối chiếu với kết quả đo năm 1992 và hiện nay để xác định thang âm của 8 thanh đá Tuy An và khẳng định giá trị của hai nhạc cụ bằng đá, đồng thời cho thấy giá trị của hai hiện vật âm nhạc hiếm có và tiêu biểu cho nền hóa nghệ thuật của tỉnh Phú Yên.

Những khám phá đàn đá tại Việt Nam trước đàn đá Tuy An

Năm 1949, những người phu làm đường phát hiện tại tại Ndut Liêng Krak, Đắc Lắc, Tây Nguyên một bộ 11 thanh đá xám có dấu hiệu ghè đẽo bởi bàn tay con người, kích thước từ to đến nhỏ trong đó thanh dài nhất 101,7 cm nặng 11,210 kg; thanh ngắn nhất 65,5 cm nặng 5,820 kg.

Phát hiện này được báo cho Georges Condominas, một nhà khảo cổ người Pháp làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Française d’Extrême Orient). Tháng 6 năm 1950 giáo sư Georges Condominas đưa những thanh đá này về Paris và chúng được nghiên cứu bởi giáo sư âm nhạc André Schaeffner. Sau đó, Georges Condominas công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Âm nhạc học (năm thứ 33 – bộ mới) số 97-98 tháng 7 năm 1951, khẳng định về loại đàn lithophone ở Ndut Liêng Krak, “nó không giống bất cứ một nhạc cụ bằng đá nào mà khoa học đã biết”. Hiện bộ đàn đá này được trưng bày ở Viện Bảo Tàng Quai Branly (Musée du Quai Branly), Paris (Pháp).

Năm 1956, trong chiến tranh Việt Nam bộ đàn đá thứ hai được phát hiện và một đại úy Mỹ mang về trưng bày ở New York.

Năm 1980, Georges Condominas lại phát hiện bộ đàn đá thứ ba có 6 thanh tại buôn Bù Đơ thuộc xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là bộ đàn do dòng họ Ksiêng (người Mạ) lưu giữ qua 7 đời.

Từ những năm 1979 vấn đề nghiên cứu, sưu tầm về đàn đá được giới khoa học Việt Nam khơi dậy và cho đến những năm đầu thập niên 1990, người ta tìm được khoảng 200 thanh đàn đá rải rác ở Đắc Lắc, Khánh Hòa, Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Sông Bé và Phú Yên…; mỗi bộ đàn này có từ 3 đến 15 thanh. Nổi tiếng trong đó là các bộ đàn đá Khánh Sơn, đàn đá Bắc Ái, đàn đá Tuy An, đàn đá Bình Đa (gọi theo địa danh phát hiện). Căn cứ vào loại đàn đá tìm được ở di chỉ khảo cổ Bình Đa, các nhà khoa học cho biết những thanh đá để làm đàn này có tuổi đời khoảng 3.000 năm.

Đàn đá Khánh Sơn

Các nhà nghiên cứu sau khi khai quật và khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo, thuộc địa phận thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp, Khánh Sơn, đã tìm ra nhiều dấu tích chứng tỏ người xưa đã chế tác đàn đá tại đây với nhiều khối đá và mảnh tước thuộc loại đá phún trào có nhiều ở Khánh Sơn, cũng là loại đá để chế tác đàn đá Khánh Sơn. Những dấu hiệu chế tác đàn đá tại chỗ chứng tỏ những cư dân từ xưa ở nơi này, dân tộc Raglai, là những người chủ thực sự của những bộ đàn đá.

Những khám phá đàn đá sau đàn đá Tuy An

Tháng 6, năm 2003, ông K’Branh (dân tộc Cơ Hơ) ở buôn Bờ Nôm, Lâm Đồng phát hiện bộ đàn đá 20 thanh. Hai thanh dài nhất rộng bản 22cm và dài 151cm và 127cm. Thanh ngắn nhất rộng bản khoảng 10cm, chiều dài 43cm. Số còn lại có độ dài từ 71cm đến 75cm và độ rộng bản trên dưới 15cm. Đây là bộ đàn đá cổ có nhiều thanh nhất được phát hiện.

Đàn đá Bình Thuận

Tháng 7 năm 2006, một bộ đàn đá được phát hiện ở Bình Thuận gồm 8 thanh trong đó thanh dài nhất là 95cm rộng 17cm và nặng 12,5kg. Các thanh khác có chiều dài thấp dần đến thanh cuối cùng là 52,5cm nặng 4,5kg. Cả 8 thanh đều được ghè đẽo tinh xảo, có hình dạng giống nhau với hai đầu dày và hơi phình to, ở giữa có eo nhỏ lại và là nơi mỏng nhất. Giới khảo cổ học xôn xao vì khu vực phát hiện bộ đàn đá này nằm gần biển, tại vùng ảnh hưởng đậm của văn hóa Sa Huỳnh, trong khi từ trước tới nay tất cả các bộ đàn đá được phát hiện đều tại các vùng rừng, núi cao .

Bộ đàn đá hiện đại 100 thanh do hai anh em nghệ sĩ Nguyễn Chí Trung và Nguyễn Đức Lộc sáng tạo, gồm 2 giàn đàn mỗi giàn 50 thanh. Hiện bộ đàn đá này giữ kỷ lục là bộ đàn đá nhiều thanh nhất Việt Nam.

Đàn đá Tuy An

Được phát hiện tại Hòn Núi Một thuộc thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An. Năm 1990 tìm thấy thanh đá đầu tiên khi gõ phát ra âm thanh và hơn một năm sau mới tìm thấy thanh đá thứ tám. Chúng không phải là “đá kêu” mà là một bộ đàn đá được đánh giá là hoàn chỉnh nhất trong tất cả các bộ đoàn đá đã được phát hiện tại Việt Nam, kể cả bộ đàn đá đang lưu giữ tại Viện Bảo tàng Quai Branly ở Paris (Pháp).

Theo kết quả nghiên cứu khoa học thì bộ đàn đá Tuy An là sản phẩm lâu đời của cộng đồng người đã từng sinh sống trên đất nước Việt Nam, có niên đại vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ I trước Công Nguyên, thuộc loại thang âm điệu thức gần gũi với các loại thang âm dân tộc khu vực Nam Á, Đông Nam Á và có khả năng diễn tấu một số bài dân ca, dân nhạc của một vài tộc người đã từng cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là di sản văn hoá có giá trị lịch sử của cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung và của miền Trung cũng như tỉnh Phú Yên nói riêng.

Hội đồng khoa học đàn đá Tuy An đã phát hành một tư liệu nhan đề “Tư liệu khoa học về Đàn Đá Tuy An, tỉnh Phú Yên” vào tháng 9, năm 1992 có giá trị về mặt địa chất học, âm nhạc học và âm thanh học với sự cộng tác của GS Tô Vũ, nhạc sĩ Ngô Đông Hải và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cùng với ban kỹ thuật của đơn vị X, thuộc Tổng cục kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam (1)

Kết quả sơ khởi 8 thanh đá vào ngày 24 tháng 7, năm 1992 tại phòng thu thanh của hội âm nhạc TP HCM, số 81, đường Trần Quốc Thảo, quận 3 cho biết kết quả như sau:

Thanh đá số 1: tần số: 822 Hz
Thanh đá số 2: tần số: 973 Hz
Thanh đá số 3: tần số: 1076 Hz
Thanh đá số 4: tần số: 1214 Hz
Thanh đá số 5: tần số: 1474 Hz
Thanh đá số 6: tần số: 1592 Hz
Thanh đá số 7: tần số: 1856 Hz

Thanh đá số 8: tần số: 1940 Hz

Sau khi rửa sạch các thanh đá, ban kỹ thuật lại đo lần thứ nhì với kết quả như sau:

Thanh đá 1: tần số: 816 Hz
Thanh đá 2: tần số: 938 Hz
Thanh đá 3: tần số: 1056 Hz
Thanh đá 4: tần số: 1197 Hz
Thanh đá 5: tần số: 1447 Hz
Thanh đá 6: tần số: 1558 Hz
Thanh đá 7: tần số: 1834 Hz

Thanh đá 8: tần số: 1893 Hz

Phương pháp đo tần số này chỉ cho thấy cao độ cơ bản của 8 thanh đá mà thôi. Phần âm vang các bội âm phía trên âm cơ bản đóng một vai trò quan trọng về âm sắc của mỗi thanh đá. Nhưng ban kỹ thuật không lưu ý tới hay không đủ thì giờ để đi sâu vào khía cạnh này.

Tám thanh đá có hình dáng và kích thước khác nhau với độ dày mỏng không giống. Do đó âm thanh của từng thanh đá có độ kêu trong / đục không cùng một cường độ.

Kết quả việc đo cao độ với bộ phận mềm “Overtone Analyzer”

Bộ phận mềm “Overtone Analyzer” do anh Bodo Maas, người Đức và là bạn của tôi, kỹ sư âm thanh học , và ca sĩ Wolfgang Saus đã sáng chế bộ phần mềm đặc biệt cho tôi dùng để đo các tần số bội âm của kỹ thuật hát đồng song thanh mà tôi đã nghiên cứu từ hơn 40 năm tại Pháp .

Bộ phận mềm có một bàn đàn piano với âm giai bình quân (tempered scale) để có thể so sánh với giọng hát gồm những bội âm của thang âm thiên nhiên (natural scale hay harmonic scale).

Những tần số các âm thanh được ghi bằng hệ thống Hertz và cent (đơn vị đo cao độ về âm thanh học). Mỗi thanh đá gồm có 1 âm cơ bản (fundamental degree) và từ 2 tới 5 bội âm tùy theo từng thanh đá . Những bội âm (harmonics / overtones) của những nhạc cụ thuộc bộ “roi” hay “tự âm vang” (idiophone) như đá, các bộ gõ bằng kim loại, gỗ, sừng, phát ra không cùng khoảng cách như bội âm của giọng hát.

Sau đây là kết quả của việc đo tần số 8 thanh đá với hình ảnh và tổng số bội âm.

Thanh đá 1

Thanh đá 1: tần số: 837,1Hz (Ab5+13ct)
Bội âm 1: 1520, 8 Hz (Gb6+47ct)
Bội âm 2: 2266, 4 Hz (Db7+38ct)
Bội âm 3: 2484, 4 Hz (Eb7-3ct)
Bội âm 4: 3746, 8 Hz (Bb7+8ct)

Bội âm 5: 4050, 9 Hz (B7+43ct)

Thanh đá 2

Thanh đá 2: tần số: 985, 1 Hz (B5-5ct)
Bội âm 1: 2104, 9 Hz (C7+10ct) dày
Bội âm 2: 2543, 6 Hz (Eb7+38ct) dày+mỏng
Bội âm 3: 2907 Hz (Gb7-31ct) mỏng
Bội âm 4: 3943, 3 Hz (B7-3ct) dày

Bội âm 5: 4406, 2 Hz (Db8-11ct) mỏng

Thanh đá 3

Thanh đá 3: tần số: 1084, 7 Hz (Db6-38ct)
Bội âm 1: 2142, 6 Hz (C7+41ct)
Bội âm 2: 2379, 4 Hz (D7+22ct)

Bội âm 3: 2917, 7 Hz (Gb7-25ct)

Thanh đá 4

Thanh đá 4: tần số 1235, 5 Hz (Eb6-13ct)
Bội âm 1: 2333, 7 Hz (D7-12ct)
Bội âm 2: 2648, 6 Hz (E7+8ct)
Bội âm 3: 3055 Hz (G7-45ct)
Bội âm 4: 3695, 6 Hz (Bb7-16ct)

Bội âm 5: 4341, 6 Hz (Db8-37ct)

Thanh đá 5

Thanh đá 5: tần số: 1535, 5 Hz (G6-50ct)
Bội âm 1: 2799, 3 Hz (F7+3ct)
Bội âm 2: 4104, 8 Hz (C8-34ct)

Bội âm 3: 4390, 1 Hz (Db8-18ct)

Thanh đá 6

Thanh đá 6 có 2 cao độ khác nhau tùy theo nơi gõ
Cao độ 1: tần số: 1706, 5 Hz (Ab6+47ct)
Bội âm 1: 2866, 6 Hz (F7+45ct)
Bội âm 2: 3682, 2 Hz (Bb7-22ct)
Bội âm 3: 4145, 1 Hz (C8-17ct)
Cao độ 2: tần số: 1652, 7 Hz (Ab6-9ct)
Bội âm 1: 2869, 3 Hz (F7+46ct)
Bội âm 2: A3616, 1 Hz (Ab7-3ct)
Bội âm 3: 3671, 4 Hz (Bb7-27ct)

Bội âm 4: 4115, 5 Hz (C8-29ct)

Thanh đá 7

Thanh đá 7 có hai cao độ cách nhau một quãng 5
tần số: 1862, 6 Hz (Bb6 – 2ct)
Bội âm 1: 2847, 8 Hz (F7+33ct)
Bội âm 2: 3722, 6 Hz (Bb7-3ct)
Bội âm 3: 4263, 6 Hz (C8+32ct)

Hai âm Bb6 và F7 nghe rõ ràng khi gõ ở một vài nơi trên thanh đá.

Thanh đá 8

Thanh đá 8: tần số: 1975, 7 Hz (B6)
Bội âm 1: 3972, 9 Hz (B7+10ct)

Bội âm 2: 4182, 8 Hz (C8+1ct)

So sánh giữa hai kết quả đo tần số của nhà máy Z755 thuộc tổng cục kỹ thuật quân đội nhân dân Việt Nam năm 1992 khi chưa rửa các thanh đá và của tôi năm 2011 không có cách biệt nhiều lắm.

Tần số đo: 1992 2011

Đá 1 822 Hz 837, 1Hz
Đá 2 973 Hz 985, 1Hz
Đá 3 1076Hz 1084, 7Hz
Đá 4 1214 Hz 1235, 5Hz
Đá 5 1474 Hz 1525, 5Hz
Đá 6 1592 Hz 1652, 7Hz
Đá 7 1856 Hz 1862, 6Hz

Đá 8 1940 Hz 1975, 7Hz

Đối chiếu hai đề nghị thang âm của đàn đá Tuy An:

Sol#5 Si 5 Do#6 Ré#6 Fa#6, Sol#6, La#6, Si6 – 1992
Sol#5 Si 5 Do#6 Ré#6 Sol-6, Sol#6, La#6, Si6 – 2011

Về âm sắc có thể thay đổi tùy theo dụng cụ dùng để gõ như gỗ, sừng hay đá vì độ vang với bội âm có thể nhiều hay ít làm thay đổi độ âm vang của thanh đá.

Tôi không đồng ý về sự cho rằng thang âm của bộ đàn đá giống như thang âm dây Nam của Việt Nam. Nên biết rằng dây Nam của nhạc miền Nam chỉ có chừng 100 năm nay thì làm sao thang âm của đàn đá được tạo ra cả ngàn năm trước. Ngoài ra phải biết bộ đàn đá này do bộ lạc nào sáng chế ra và bộ lạc đó có thang âm như thế nào. Đa số nhạc sĩ người Kinh khi sáng tác nhạc Tây nguyên đều chỉ dùng có một thang âm của dân tộc Gia rai và Ba na chứ không biết thang âm của các bộ lạc khác ở Tây nguyên như người Mờ Nông Ga, Lắc, Mạ, Xê Đăng, Rờ glai, Ê đê, vv….

Do đó việc đưa ra giả thuyết là nhạc cụ đàn đá Tuy An có thể hòa chung với các nhạc cụ của người Kinh hay Tây phương là điều không chính xác.

Kèn Đá

Năm 1994-1995, việc phát hiện cặp kèn đá (tù và) hình hai con cóc tại huyện Tuy An (Phú Yên) đã làm chấn động giới khảo cổ học. Đây là báu vật vô giá bởi sự độc đáo và là nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện được ở nước ta.

Cặp “cóc kêu” này đang nằm trong một kho chứa trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa), bởi cơ sở trưng bày của Bảo tàng tỉnh Phú Yên phải đến năm 2011 mới xây xong. Đây là một trong những hiện vật đã được tỉnh hoàn thành hồ sơ đăng ký bảo vật quốc gia.

Được phát hiện dưới lòng một phế tích Chăm Pa ở thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An và đã được giữ gìn và sử dụng qua bảy đời các vị trụ trì của chùa Hậu Sơn, ước khoảng trên 150 năm.

Theo các nhà nghiên cứu khoa học: hai cổ vật này được con người (có khả năng là sản phẩm của tổ tiên người Chăm) chế tác từ đá bazan có tại địa phương, niên đại của hai cổ vật ở vào khoảng trước thế kỷ VII. Việc phát hiện ra cặp kèn đá này có ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt, trong đó có việc phục vụ cho tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu văn hoá lịch sử dân tộc.

Chi tiết chính về cặp kèn đá hình hai con cóc, một lớn (cái) một nhỏ (đực). Kèn “cái” nặng 75 kg, kích thước đáy 40 cm, cao 35 cm, chiều cong của lưng 55 cm, lỗ thổi rộng 2,5 cm; từ lỗ thổi đến lỗ thoát hơi (có chiều hơi cong) dài 29,6 cm có một lỗ xoáy sâu vào trong 11,7 cm, miệng lỗ rộng 33 cm. Kèn “đực” nặng 34,5 kg, kích thước đáy 29 cm, cao 35 cm, chiều cong của lưng 52 cm; từ lỗ thổi đến lỗ thông hơi dài 29,5 cm, lỗ thổi rộng 1,8 cm, chỗ thoát hơi mở rộng thêm 6,7 cm; một bên có lỗ xoáy sâu 8,7 cm.

Những nhát ghè đẽo nhỏ ở phần lỗ thổi, điều này để tiện lợi hơn khi đưa miệng vào thổi; còn phần đế có những nhát ghè đẽo lớn, tạo một độ phẳng để khi thổi không bị rung; còn các lỗ xoáy sâu là nơi đặt ngón tay cái vào để tì trong khi thổi.

Theo nhạc sĩ Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Phú Yên, cặp kèn đá này là loại nhạc cụ “nặng đô” của bộ hơi, người thổi phải có làn hơi khỏe thì mới có thể chơi được, nhiều người đã thổi kèn trumpet nhưng qua kèn đá này cũng “bó tay”; thế nhưng cũng có người thuộc loại “thấp bé, nhẹ cân” nhưng có phương pháp nén hơi phù hợp thì vẫn có thể thổi kèn đá rất hay.

Chính nhạc sĩ Ngọc Quang và nhiều nghệ sĩ “thư sinh” ở Đoàn ca múa dân gian Sao Biển (Phú Yên) đã nhiều lần biểu diễn thành công trong và ngoài nước bằng nhạc cụ độc đáo này; ông cũng là người viết ca khúc “Hồn đá” khá thành công với cảm hứng từ cặp kèn đá này. Nhạc sĩ Ngọc Quang sôi nổi: “Những giai điệu trầm hồn, âm sắc nguyên sơ vang vọng từ cặp kèn đá Tuy An hiện thuộc hàng “đặc sản” có một không hai trên thế giới. Và âm thanh của kèn “cái” luôn có sự vang vọng, sắc sảo hơn kèn “đực”, thế nhưng khi cả hai cùng hòa tấu thì có một sự hòa quyện hết sức… hút hồn!”

GS Tô Vũ đã viết một bài “cặp kèn đá ‘tiền sử’, hai ‘hiện vật lạ’ bằng đá ở Phú Yên dưới gốc độ âm thanh nhạc học và nhạc khí học lý luận” trong bản tư liệu của UBND tỉnh Phú Yên sở văn hóa và thông tin phát hành ngày 2 tháng 10, 1996. Ông đã công bố kết quả cao độ và tần số của hai kèn đá cổ qua nghệ thuật thổi của NSND Đỗ Lộc và được nhà máy Z755 đảm nhận việc đo tần số vào ngày 29 tháng 6, năm 1995 tại TP HCM.(2)

Cao độ của hai kèn đá chỉ quan trọng khi đo cao độ cơ bản (fundamental degree). Còn việc thay đổi cao độ lên xuống là do nơi tài nghệ của người thổi. Anh Đỗ Lộc là một nghệ nhân chuyên nghiệp biết cách dùng dăm môi để thổi thì có thể biến chuyển cao độ lên xuống. NSUT Thanh Hải cũng là nhạc sĩ chuyên nghiệp biết thổi kèn trumpet nên việc sử dụng môi, miệng để thổi tạo âm thanh hoàn chỉnh . Còn tôi là một người không biết thổi, chỉ tạo được âm cơ bản của hai kèn đá. Dù sao âm cơ bản chỉ xê xích chút đỉnh tùy theo hơi thổi vào mạnh hay nhẹ.

Sau đây là kết quả của việc đo cao độ hai kèn đá của Thanh Hải và của tôi vào ngày 21 tháng 2, 2011 vừa qua.

Trần Quang Hải thổi:

Kèn đá 1 – Cóc lớn

Âm cơ bản: tần số: 314, 9 Hz (Eb4+21ct)
Bội âm mạnh từ 2 tới 6

Bội âm nhẹ từ 13 tới 14

Kèn đá 2 – Cóc nhỏ

Âm cơ bản: tần số: 333, 8Hz (E4+22ct)
Bội âm mạnh từ 2 tới 5

Thanh Hải thổi:

Kèn đá 1 – Cóc lớn

Âm cơ bản: tần số: 304, 2Hz (Eb4-39ct)
Có thể thổi xuống thấp tới 271,9Hz (Db4-34ct)

Kèn đá 2 – cóc nhỏ

Âm cơ bản: tần số: 323Hz (E4-35ct)

Qua cách thổi của mỗi người cho thấy sự xê dịch cao độ rất nhỏ:

TQH
Thanh Hải
Đỗ Lộc

Kèn đá 1 cơ bản
314, 9Hz
304, 2Hz
316Hz

Kèn đá 2 cơ bản
333, 8Hz
323Hz
329Hz

KẾT LUẬN

Qua việc đo tần số các thanh đá Tuy An, tôi nhận thấy bộ đàn đà nay có cao độ khá chính xác và tạo một thang âm hoàn chỉnh hơn những bộ đàn đá trước. Hai thanh đá số 7 và 8 có thể thuộc vào một bộ đàn đá khác vì không có liên hệ vào thang âm của 6 thanh đá của bộ này. Thang âm gồm một bát độ không giống với những thang âm hiện có của Việt Nam.

Hai kèn đá có âm thanh giống như âm thanh của tù và hay hải loa. Có thể chỉ dùng để thổi thay thế cho tù và kèn sừng trong các lễ hội làng xã.

Việc thể nghiệm dung đàn đá và kèn đá trong những sáng tác đương đại cần phải xem lại vì cao độ của đàn đá và kèn đá không hạp với thang âm bình quân của Tây phương.

Đàn đá Tuy An và kèn đá là hai nhạc cụ cổ được xem là báu vật của kho tàng văn hóa Phú Yên. Không nên mang đi khắp nơi để trình diễn mà nên giữ gìn ở viện bảo tàng cho hậu thế. Có thể phục chế những nhạc cụ này để đi trình diễn hơn là sử dụng báu vật gốc có thể bị hư hao trong việc di chuyển.

Đàn đá và kèn đá Phú Yên xứng đáng được tôn vinh và được xem là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tài liệu tham khảo:

(1) – Hội đồng khoa học đàn đà Tuy An: Tư liệu khoa học về Đàn đá Tuy An tỉnh Phú Yên, 59 trang, Phú Yên, tháng 9, năm 1992

(2) – Hội đồng khoa học nghiên cứu hai hiện vật bằng đá : Các báo cáo chuyên đề, UBND tỉnh Phú Yên, sở Văn Hóa và Thông Tin, 88 trang, Phú Yên, 2 tháng 10, 1996.

Bộ phần mềm “Overtone Analyzer” do Bodo Maas và Wolfgang Saus sáng chế. Có thể vào xem ở http://sygyt.com

Nghe đàn đá ở nhà thầy Khê

(Tác giả: ANH KHANG)

Một điều khiến những người yêu mến âm nhạc dân tộc cùng GS.TS. Trần Văn Khê cảm thấy ấm lòng nhất trong đêm 19/6 là dù ngoài trời mưa không dứt và trái bóng đang lăn trong mùa World Cup, vẫn có rất đông khán giả đến dự đêm sinh hoạt nghệ thuật mang chủ đề “Đàn đá – nhạc cụ gõ cổ nhất trong truyền thống Việt Nam”. Đêm sinh hoạt được sự tài trợ của Công ty Toyota Biên Hòa. sự kiện nóng

Nhạc cụ gõ cổ nhất của âm nhạc dân tộc

Từ thời xa xưa, tại nước ta đã xuất hiện và lưu truyền hai loại nhạc cụ độc đáo, mang ý nghĩa nghệ thuật lẫn văn hóa cao là trống đồng của dân tộc Kinh ở miền Bắc và đàn đá của dân tộc Tây Nguyên ở miền Nam. GS.TS. Trần Văn Khê đã tái hiện dòng lịch sử để quay về với Tây Nguyên thời cổ đại và cho người dự khán một cái nhìn toàn cảnh về di sản độc đáo mà tiền nhân của chúng ta đã sáng tạo nên.

Có thể nói trên thế giới, chỉ ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam mới có những bộ “đàn đá kêu”, ghép từ những phiến đá có âm sắc mà người dân tộc gọi là goong lu (tức là đá kêu như những chiếc cồng).Những thanh đá này thường được đẽo từ đá nham, dáng đá dài nên không thể treo được, mà phải để nằm song song nhau trên một giá ngang.

Mỗi thanh có vết mòn và chỉ cho được một âm khác nhau vang to khi gõ vào (riêng đàn đá Khánh Sơn có một thanh xuất hiện đến hai chỗ mòn cho ra hai âm riêng biệt). Âm thanh phát ra từ những thanh đá này cũng không cố định theo 12 âm luật lữ hay thang âm ngũ cung, mà phù hợp với những loại thang âm được dùng trên Tây Nguyên.

Bộ đàn đá đầu tiên được tìm thấy tại Việt Nam vào năm 1949 là đàn Ndut Lieng Krak, gồm 11 thanh đá chôn sâu trong lòng đất đã được ghè đẽo do nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas khai quật tại xã Ndut Lieng Krak (huyện Lạc Dương, tỉnh Đắk Lắk). Sau này, ông đã đưa những thanh đá đó về Pháp để nghiên cứu và trưng bày tại Bảo tàng Con người (Museé de l’Homme) ở Paris.

Một loại đàn đá nữa được biết đến nhiều nhất là đàn đá Khánh Sơn, gồm 12 thanh đá tìm thấy ở huyện cùng tên thuộc tỉnh Khánh Hòa vào năm 1979. Kể từ đó, loại nhạc cụ gõ cổ nhất này bắt đầu cuộc hành trình cùng các nghệ sĩ sáng tạo kỳ công và không ngừng để làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của âm nhạc dân tộc.
Những nhạc sĩ như Tô Vũ, Thế Viên hay sau này là NSND Đỗ Lộc đã nghiên cứu và chế tác để những thanh đá thô ráp, vô tri cất lên được những âm thanh sống động, cả vui tươi lẫn u buồn, cả nhịp nhàng lẫn trúc trắc… Thế mới biết thiên nhiên đất trời đã gửi gắm biết bao điều kỳ lạ, hữu tình hữu ý vào vạn vật trên đời này!

Đá như biết khóc – cười

Buổi sinh hoạt văn nghệ tại tư gia GS.TS. Trần Văn Khê càng thêm sôi nổi khi NSND Đỗ Lộc xuất hiện cùng bộ nhạc cụ đàn đá để diễn tấu bài nhạc Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh và Chào Mặt trời mọc. Nghệ sĩ đã giới thiệu cho khán giả bộ đàn đá do chính ông chế tác gồm những thanh đá mỏng bằng phẳng, không sần sùi và góc cạnh như những bộ đàn đá nguyên thủy.

Những tràng pháo tay vang lên không dứt khi những phiến đá vô tri bỗng phát ra những giai điệu trong trẻo, réo rắt, làm nao lòng người. Có lẽ lời khen của vị giáo sư cả đời gắn bó với âm nhạc dân tộc dành cho nghệ sĩ Đỗ Lộc là rất xác đáng: “Dường như những thanh đá vô tri vô giác nhiều khi cũng rơi lệ hay nhoẻn miệng cười, biết khóc than lẫn nói cười dưới bàn tay của Đỗ Lộc”.

Nhiều khán giả đã đứng hẳn lên, trầm trồ khen ngợi tài năng của người nghệ sĩ “thổi hồn vào đá vô tri” này khi ông buộc những phiến đá tưởng chừng vô tri “hát” lên những bài ca theo làn điệu âm nhạc truyền thống hay Tây phương.

Dù đang giữa mùa hè, nhưng khi giai điệu Happy New Year vang lên và bàn tay người nghệ sĩ uyển chuyển trên các phiến đá tạo thành tiếng chuông đêm giao thừa, ai trong khán phòng cũng cảm thấy nôn nao như đang ở vào thời khắc chuyển giao sang mùa.

Không chỉ mang đến đêm sinh hoạt các tiết mục diễn tấu cùng đàn đá, NSND Đỗ Lộc cùng người bạn đời là nghệ sĩ Bích Diệp còn giới thiệu các tiết mục song tấu, hợp tấu cùng đàn t’rưng, phong tiêu và đàn angklung cách điệu – một nhạc cụ truyền thống của Indonesia.

Có thể nói tài năng âm nhạc của vợ chồng nghệ sĩ này đã đạt đến độ viên mãn khi với bất kỳ loại nhạc cụ dân tộc nào cũng đem lại cho khán giả những màn trình diễn độc đáo, được khán giả vỗ tay nhiệt tình tán thưởng. Các khán giả cũng được dịp cầm tận tay các nhạc cụ bằng tre, trúc của Tây Nguyên để cùng tham gia dàn hợp tấu Chào Mặt trời mọc hay Trở về Tây Nguyên.

Đã lâu rồi mới thấy cảnh khán giả hào hứng cầm trên tay các nhạc cụ dân tộc để cùng các nghệ sĩ tấu lên khúc nhạc sôi nổi, tươi vui.

Nhiều bậc cao niên và cả GS.TS. Trần Văn Khê không giấu nổi xúc động khi thấy vẫn còn rất nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ, đã hồ hởi lắng nghe những giai điệu của đàn đá nói riêng và nặng lòng với âm nhạc dân tộc nói chung. Một cô giáo còn đưa cả các trò nhỏ đến dự và bày tỏ mong muốn truyền cho thế hệ trẻ sự hiểu biết về văn hóa cổ truyền để sau này lớn lên, các em biết giữ gìn và nâng niu di sản mà ông cha để lại.

Tiếng đàn đá – nhạc cụ gõ cổ nhất của âm nhạc truyền thống đã được GS.TS. Trần Văn Khê ca ngợi là “biểu hiện tâm tư hệt như con người”. Và chính những nghệ sĩ có tâm lẫn tài như NSND Đỗ Lộc đã giúp giữ gìn và phát triển nhạc cụ độc đáo này của dân tộc.

Vị giáo sư gần 90 tuổi đã xuất khẩu thành thơ và tặng ngay cho NSND Đỗ Lộc bốn câu thơ đầy ý nghĩa:

Nghệ sĩ diệu thủ
Biểu diễn tuyệt vời
Đá tre cười khóc

Dưới bàn tay người.

Kon Tum: Chàng “phù thủy” thổi hồn cho đàn đá

Chàng trai ấy là A Huynh ở làng Chót – nổi tiếng là người phát hiện và khám phá ra 2 bộ đàn đá “biết nói”. Trong tâm hồn A Huynh, tình yêu nhạc cụ dân tộc là một đam mê mãnh liệt.

Bàn tay biết “bảo” đá hát

Sinh năm 1983, năm nay A Huynh (thị trấn Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã bước sang tuổi 32, nhưng vì quá đắm say những tiếng nói thoát ra từ đá nên đến tận bây giờ anh chưa có ý định lập gia đình riêng. Khi hỏi đường về nhà A Huynh chúng tôi mới hay công việc chính của chàng thanh niên này là… nhân viên bảo vệ Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. “Mình có 2 bộ đàn đá, một bộ đã gửi cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum, bộ còn lại mình đang cất tại nhà riêng. Nếu các bạn muốn tìm hiểu thì về nhà mình” – nói rồi Huynh cười rất hiền hậu.

Kể về sự tích và cơ duyên có được bộ đàn đá này A Huynh nói: “Cách đây 6 năm, vào một buổi chiều đi ngăn lũ trên suối Ya Lăh, tay xếp những hòn đá ngăn nước không cho xói lở rẫy, mình nghe là lạ bởi đá phát ra tiếng thanh thoát. Hiếu kỳ, mình lấy đá gõ vào đá, có cái kêu thanh, cái thì không thanh. Lúc này mới nghĩ hay đây là “đá biết nói’ cha từng kể. “Cha mình là A Đới cũng rất giỏi về nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, cha kể rằng ngày trước đồng bào Ja Rai nói riêng, vùng bắc Tây Nguyên nói chung hay lấy đá biết nói ghép lại rồi dùng sức nước chảy cho đá va vào nhau vang thành tiếng để đuổi chim ăn lúa, con chuột, con chim phá bắp, phá mì… Dần dần, cách đuổi chim thú này không còn nữa, đá biết hát cũng im lìm nằm dưới dòng nước lạnh nghe suối chảy ”- A Huynh nhớ lại.

Từ hôm lên suối Ya Lăh về, A Huynh cứ suy nghĩ mãi rồi cuối cùng quyết định về lại suối Ya Lăh để tìm đá. Cứ theo phương pháp lấy đá gõ đá, A Huynh chọn được 20 viên đá phát ra âm thanh hay rồi xếp ngang bờ suối gõ… cho vui.

Ban đầu, sau buổi làm rẫy mệt mỏi, A Huynh cùng đám trai tráng làng xuống suối gõ đá cốt là cho vui tai. Sau này, A Huynh phát hiện các viên đá khi gõ vào, âm thanh phát ra tiếng to, tiếng nhỏ khác nhau. Thế là A Huynh xếp lại theo thứ tự từ viên đá phát âm thanh từ to đến nhỏ.

Thứ tự xong đâu vào đó, A Huynh lại nghĩ: Gõ “chay” như vậy sao hay, phải theo nhạc điệu mới “đúng bài” nên bắt đầu tập gõ theo làn điệu dân ca Ja Rai. Thuần thục các bài dân ca, A Huynh tập gõ đá theo cường điệu hòa âm của các bộ cồng chiêng đánh trong lễ hội của làng. Sau những tháng ngày đam mê miệt mài, A Huynh thành công khi biết cách thổi hồn mình vào đá, hai bàn tay biết bảo đá hát câu chuyện tình sơn cước, câu giao duyên thiếu nữ lên rẫy, địu con… cùng các bài ca cách mạng mà dân làng mình hay ca hát. Và cứ thế, A Huynh mê mải theo đá hát, cho đến ngày anh mang “đá biết hát” ra trình diễn cho bà con nghe…
Lưu giữ hồn dân tộc

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì bộ đàn đá A Huynh đang giữ không phải hay nhất. Bộ hay nhất, A Huynh đã gửi cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, đã 6 năm phát hiện đàn đá, cũng đủ cho chàng trai này khám phá thêm nhiều tiếng nói từ đá. Bây giờ chỉ cần ngồi trước đá “biết nói”, A Huynh biến nó thành tiếng ngân nga, du dương mãi không thôi, ai nghe cũng phải nghiêng mình thán phục.

Không để chúng tôi chờ đợi, A Huynh thoạt đứng dậy vào sau gian nhà lôi một bao tải nhỏ ra và bảo: “Bộ đàn đá A Huynh để ở trong này đấy ạ!”. A Huynh trải bộ đàn đá ra sàn nhà, lấy dùi gõ nhẹ 12 viên đá, giải thích, nếu không có gì lót bên dưới thì âm thanh ít ngân nga. Nói đoạn, A Huynh lấy bao bố lót phía dưới 12 viên đá rồi gõ nhẹ, âm thanh quả là hay hơn lúc nãy. Theo giải thích của chàng thanh niên đam mê nhạc cụ truyền thống: “Nếu để trên khung trên giá đàng hoàng, âm thanh còn hay hơn nữa”.

A Huynh nói, ban đầu chơi đàn đá ở dưới suối Ya Lăh cho vui. Sau anh mang 20 viên đá lên rẫy, để mỗi khi buồn, hay ngồi bên ghè rượu với anh em, khi đã ngà ngà hơi men, chất nghệ sĩ trong hồn trỗi dậy, A Huynh mới gõ đàn làm nhạc cho trai tráng hòa ca. Những khi ấy, đàn đá trong tay A Huynh mới thực sự hay, hay hơn hàng chục lần anh mang đá đi biểu diễn các miền Nam, Bắc những năm qua.

Bà Ngô Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho hay: “A Huynh rất tốt bụng, khéo tay. Mỗi lần giáo viên trường làm mô hình học cụ đều được A Huynh làm giúp, rất đẹp nhưng miễn phí. Hay mỗi bận biểu diễn nhạc cụ trong các nhà lễ trọng đại của nhà trường, A Huynh sẽ góp các tiết mục đàn đá, thổi điêng pút (người Xê Đăng gọi là blong pút) hay gọi là ống vỗ (theo tiếng Ja Rai, “điêng” là ống, “pút” là vỗ), chơi đàn ting ning, đàn tơ rưng và cả đàn ghita nữa”.

Hỏi vì sao còn trẻ, học của ai mà chơi được nhiều nhạc cụ, A Huynh thật thà: Đàn ghita là học thời còn đi lính, còn tất cả các nhạc cụ dân tộc còn lại là do đam mê nên tự mày mò để học tập, rèn luyện.

Bây giờ chỉ cần ngồi trước đá “biết nói”, A Huynh biến nó thành tiếng ngân nga, du dương mãi không thôi, ai nghe cũng phải nghiêng mình thán phục.

oOo

NSND ĐỖ LỘC – Biểu diễn ĐÀN ĐÁ “CHÀO MẶT TRỜI MỌC” (Part 1):

NSND ĐỖ LỘC – Biểu diễn ĐÀN ĐÁ “CHÀO MẶT TRỜI MỌC” (Part 2):

THỜI SỰ VỀ CÂY ĐÀN ĐÁ 100 THANH VIỆT NAM:

Khám phá Việt Nam – 074 – Hai anh em 25 năm nhặt đá làm đàn (Đàn Đá 100 Thanh):

Đọc tấu đàn Đá:

Hòa tấu Đàn đá: Âm vang ngàn xưa – NS Đức Dậu ft. Nhóm nhạc Phù Đổng:

Nhã nhạc cung đình Huế – Biên Chuông và Khánh Đá:

Rate this post

Viết một bình luận