Trong bất kỳ thời đại nào, nhân cách con người luôn là điều được đề cao để đảm bảo cho một xã hội phát triển ổn định. Tuy nhiên, xã hội càng phát triển kéo theo một bộ phận giới trẻ có những biểu hiện suy thoái nhân cách. Chính vì thế, hiểu rõ nhân cách là gì sẽ có ý nghĩa rất lớn cho giáo dục.
1. Nhân cách là gì?
Hiện nay có rất nhiều khái niệm khác nhau về nhân cách trong tâm lý học. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều thống nhất chung quan điểm: “Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lý của một cá nhân biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy”.
- “Thuộc tính tâm lý” chính là những hiện tượng tâm lý không xuất hiện ngẫu nhiên mà có tính quy luật (nét, thói, tính tình…).
- “Tổ hợp” là đang nói đến những thuộc tính tâm lý có quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau tạo thành một hệ thống nhân cách nhất định.
- “Bản sắc” là những thuộc tính đó có đặc điểm về nội dung và hình thức riêng biệt, không giống với bất kì ai khác.
- “Giá trị xã hội” là muốn nói những thuộc tính đó thể hiện ra bên ngoài ở hành động, cách ứng xử, hoạt động phổ biến của người đó và được xã hội đánh giá.
Nói một cách dễ hiểu hơn, nhân cách chính là phẩm chất, tính tình và cách cư xử của mỗi người trong xã hội.
Nhân cách là phẩm chất, tính tình và cách cư xử của mỗi người
2. Các mức độ và đặc điểm của nhân cách
Nhân cách được nghiên cứu theo nhiều góc độ khác nhau. Theo đó, người ta chia nhân cách qua 3 mức độ và 4 đặc điểm cơ bản như sau:
2.1. Các mức độ của nhân cách
Nhân cách được chia thành ba mức độ:
- Mức độ thấp: thể hiện thông qua cá tính của mỗi người.
- Mức độ cao: thể hiện giữa các nhân cách với nhau (nhân cách bề trên, nhân cách lệ thuộc,…)
- Mức cao nhất: thể hiện bằng những hành động có tác động tích cực tới người khác. Nhân cách này chính là nhân cách để người khác học tập theo.
2.2. Các đặc điểm cơ bản của nhân cách
Nhân cách có bốn đặc điểm chính bao gồm:
- Tính thống nhất: Nhân cách là tổ hợp thống nhất của các thuộc tính kết hợp chặt chẽ với nhau.
- Tính ổn định: Những tác động từ môi trường có thể làm cho các thuộc tính của nhân cách bị thay đổi, nhưng xét về tổng thể thì vẫn ổn định. Thông qua tính ổn định của nhân cách, người khác có thể đánh giá chung được giá trị xã hội của nhân cách.
- Tính tích cực: Thể hiện thông qua những hành động có mục tiêu thay đổi bản thân và thay đổi thế giới. Giá trị xã hội của nhân cách thể hiện rõ qua tính tích cực của nhân cách.
- Tính giao lưu: Nhân cách sẽ không thể nào hình thành được nếu không giao lưu với xã hội, không giao lưu với những nhân cách khác.
3. Nhân cách của một con người được quyết định nhiều nhất bởi yếu tố nào?
Quá trình hình thành nhân cách con người chịu rất nhiều sự ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, bất kì ai cũng có nhân cách được hình thành và phát triển dựa theo các yếu tố sau:
3.1. Yếu tố di truyền
Di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách. Di truyền chính là tiền đề tham gia tạo nên cơ sở vật chất của những hiện tượng tâm lý, trong đó có hệ thần kinh.
3.2. Hoàn cảnh sống
- Hoàn cảnh sống tự nhiên
Các điều kiện tự nhiên về địa lý, phong tục tập quán của dân tộc, địa phương có ảnh hưởng nhất định đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người.
Ví dụ: Đất nước Nhật Bản luôn phải gánh chịu những tổn thất nặng nề từ những thảm họa thiên nhiên. Do sống trong hoàn cảnh đặc biệt nên giúp người dân Nhật Bản luôn có tính tiết kiệm, sự kỉ luật cao và tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng.
- Hoàn cảnh sống xã hội
Nhân cách chịu ảnh hưởng lớn từ sự tiếp xúc xã hội. Bởi vì trong quá trình tiếp xúc, tâm lý phức tạp sẽ phát huy tính chủ động, bản sắc cá nhân để hình thành nên nhân cách phù hợp với cộng đồng. Bên cạnh đó, nghề nghiệp, giai cấp xã hội, chính trị và pháp luật cũng là yếu tố tác động lớn đến nhân cách.
Ví dụ: Một nguyên thủ quốc gia sẽ có những lý tưởng, tính cách, phẩm chất phù hợp với địa vị để đảm bảo cuộc sống của người dân và thúc đẩy đất nước phát triển.
3.3. Giáo dục
Giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển nhân cách. Giáo dục tác động đến tư tưởng, đạo đức và hành vi của con người một cách có mục đích và kế hoạch từ trong gia đình, nhà trường, cơ quan khác ngoài nhà trường theo những chuẩn mực của xã hội trong những giai đoạn nhất định.
Giáo dục giúp con người hình thành nhân cách tốt
Ngoài ra, giáo dục còn có thể thay đổi những phẩm chất tâm lý xấu để làm cho nó phát triển theo chiều hướng tích cực của xã hội (Ví dụ như những tội phạm phải chịu hình phạt ngồi tù hoặc cải tạo không giam giữ nhằm mục đích giáo dục những phạm nhân sửa đổi hành vi, bản tính).
Giáo dục cũng đồng thời tạo tiền đề cho mỗi cá nhân tự giáo dục. Con người khi được giáo dục đúng cách sẽ biết tự giáo dục bản thân để chống lại những tác động tiêu cực của xã hội và phát triển nhân cách đúng đắn mạnh mẽ.
3.4. Yếu tố hoạt động
Hoạt động thực tế ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách. Ví dụ những người quá tập trung vào công việc mà thiếu hoạt động thể thao sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, bức bối, dễ nổi nóng,…
3.5. Yếu tố giao tiếp
Khi thường xuyên giao tiếp với những người có hành vi, lời nói không phù hợp với chuẩn mực xã hội như hay văng tục chửi thề, hay kiếm chuyện cãi nhau thì sẽ bị ảnh hưởng ít hoặc nhiều những tính xấu này của họ.
Ngược lại, khi giao tiếp với những người có lời nói, hành vi chuẩn mực trong một môi trường văn hóa lành mạnh thì có thể giúp con người hình thành nên những nhân cách sống đẹp, biết đặt mục tiêu để phấn đấu xây dựng cộng đồng tốt đẹp đó.
4. Người có nhân cách sống tốt là người như thế nào?
Người có nhân cách sống tốt trước hết phải là người có đạo đức, được đánh giá thông qua thái độ, hành vi, lối sống, quan hệ trong công việc và quan hệ với những người xung quanh. Người có nhân cách tốt luôn nhận được sự tôn trọng và nhận được lòng tin của người khác.
Người mang nhân cách sống tốt sẽ biểu hiện bằng những việc như tận tụy làm việc hết mình, luôn thực hiện tốt bổn phận và nghĩa vụ, luôn sống vì người khác, biết đem tài năng của bản thân để giúp ích cho cuộc đời, lời nói là hành động luôn có sự nhất quán, sống có tâm, có tình, có nghĩa.
Người có nhân cách tốt luôn muốn giúp đỡ người khác
Bài viết đã chia sẻ những kiến thức xung quanh “nhân cách là gì”. Nhân cách của con người chính là nền tảng để xã hội phát triển văn minh bền vững. Do đó, mỗi cá nhân cần loại bỏ đi những thói hư tật xấu để rèn luyện nhân cách của bản thân ngày một tốt đẹp hơn.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet