Nhân sinh quan là thuật ngữ liên quan đến phạm trù triết học, tôn giáo và tín ngưỡng, có ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời của con người và tư tưởng của xã hội. Hãy cùng muahangdambao.com khám phá ý nghĩa thực sự của nhân sinh quan là gì trong bài viết sau đây nhé!
Nhân sinh quan là gì?
Theo từ điển tiếng Việt, nhân sinh quan là hệ thống quan niệm về cuộc đời bao gồm lẽ sống, lý tưởng, lối sống… Theo từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, nhân sinh quan là hệ thống quan niệm về cuộc đời, ý nghĩa và mục đích sống của con người.
Nói một cách đơn giản, nhân sinh quan là cách con người nhìn nhận cuộc đời hay cái đạo làm người của chúng ta. Nhân sinh quan có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nguồn gốc của mọi suy nghĩ, chi phối hành vi và các hoạt động của con người trong đời sống.
Việc nghiên cứu nhân sinh quan chính là nghiên cứu về tư tưởng, thái độ, hành vi của con người. Mỗi thời đại khác nhau thì con người sẽ có nhân sinh quan khác nhau vì nhân sinh quan luôn đồng hành với sự phát triển của xã hội.
Nhân sinh quan trong Triết học
Nhân sinh quan và thế giới quan thường bị sử dụng nhầm lẫn vì có nhiều sự tương đồng về khái niệm. Tuy nhiên, nhân sinh quan chỉ là một bộ phận của thế giới quan bao gồm các quan niệm về cuộc sống của con người như: lẽ sống, mục đích, ý nghĩa, giá trị của cuộc sống…
Mỗi người đều có quan niệm riêng về cuộc sống gọi là nhân sinh quan tự phát. Các nhà tư tưởng đã khái quát các quan điểm này thành lý luận, tạo ra nhân sinh quan tự giác mang tính triết học.
Nhân sinh quan phản ánh sự tồn tại của xã hội loài người, thể hiện nhu cầu, lợi ích, khát vọng, hoài bão của con người trong mỗi chế độ xã hội. Trong xã hội có giai cấp, nhân sinh quan cũng có tính giai cấp.
Nếu nhân sinh quan phản ánh đúng khuynh hướng khách quan của lịch sử thì sẽ là nhân tố cải tạo xã hội mạnh mẽ. Ngược lại, nếu phản ánh không đúng thì sẽ cản trở xã hội tiến lên.
Ví dụ, chủ nghĩa Mác là khoa học về các quy luật phát triển trong lịch sử nên có tác dụng cải tạo tự nhiên và xã hội, thúc đẩy sự tiến bộ của con người và xã hội. Đó chính là nhân sinh quan cách mạng, khoa học của giai cấp vô sản, của con người mới trong chế độ chủ nghĩa xã hội.
Nhân sinh quan Phật giáo
Nhân sinh quan Phật giáo được hình thành và phát triển dựa trên tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng văn hóa Ấn Độ cổ đại trước Công nguyên, đồng thời xuất phát từ tấm lòng từ bi hỷ xả, cứu khổ cứu nạn.
Nhân sinh quan Phật giáo là hệ thống quan điểm, quan niệm của đạo Phật về nguồn gốc, bản chất và cấu tạo con người, định hướng mục tiêu, thái độ sống và giá trị của con người nhằm hướng đến giải thoát con người khỏi bể khổ trầm luân.
Nội dung cơ bản của nhân sinh quan Phật giáo tập trung vào 2 vấn đề chính cơ bản nhất là sự khổ não và sự giải thoát khỏi nỗi khổ. Khổ là sự tất yếu, sự luân hồi, muốn thoát khỏi khổ đau thì con người phải tu tâm dưỡng tính, tích công đức để tự mình thoát khỏi vòng luân hồi, nghiệp chướng.
Để giải thoát chúng sinh khỏi nghiệp nhân quả luân hồi, Đức Phật đã nêu ra Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên.
Tứ diệu đế là bốn chân lý giải thoát mà con người cần phải nhận thức bao gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
- Khổ đế là mọi nỗi khổ của con người trên thế gian, dù giàu hay nghèo, dù già hay trẻ… con người đều có nỗi khổ của riêng mình như ốm đau, bệnh tật, tuổi già, nghèo đói, cầu mà không được, yêu thương mà phải chia lìa…
- Tập đế là sự thật về nguyên nhân, bản chất đau khổ của con người, đó chính là sự vô minh, cội nguồn của tham – sân – si khiến con người tạo nghiệp và chịu quả Khổ.
- Diệt đế là tận diệt khổ đau, chấm dứt luân hồi sinh tử và đạt được cảnh giới giác ngộ, giải thoát gọi là Niết bàn tịch diệt.
- Đạo đế là con đường hướng đến giác ngộ, chấm dứt khổ đau và đạt được hạnh phúc chân thật do Đức Phật vạch ra.
Thập nhị nhân duyên là phép tu hành của Duyên giác thừa, chủ yếu quan sát mọi sự vật cho đến luân hồi đều do nhân duyên; nhân duyên hội họp thì gọi là sinh, nhân duyên tan rã thì gọi là diệt, sự thật vốn không có gì sinh – diệt cả.
Bao gồm: vô minh (u mê, không sáng suốt); hành; thức; danh sắc; lục nhập; xúc; thọ; ái; thủ; hữu; sinh; lão tử.
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo trong đời sống tinh thần của người Việt Nam
-
Ảnh hưởng đến đạo đức
Đạo Phật đã du nhập vào nước ta được hơn 20 thế kỷ. Các triết lý nhân sinh của Phật giáo đã thấm sâu vào tinh thần của người dân, ảnh hưởng sâu sắc đến nhân sinh quan và trở thành một bộ phận hợp thành đạo đức, nhân cách của con người Việt Nam.
Ý nghĩa nhân sinh quan Phật giáo góp phần giúp con người xây dựng lối sống lành mạnh, hướng thiện, giản dị, nề nếp và bao dung, vị tha, biết quan tâm đến nỗi khổ của người khác… đồng thời ngăn chặn sự suy thoái đạo đức trong xã hội.
-
Ảnh hưởng đến lối sống
Trong mười điều tâm niệm, Đức Phật đã dạy rằng: “Thi ân đừng cầu đền đáp vì cầu đền đáp là thi ân có mưu tính”. Điều đó có nghĩa là, làm phúc thì đừng mong người khác phải báo đáp lại vì đó chính là làm phúc có tính toán, không xuất phát từ thiện tâm.
Quan điểm này đã được con người Việt Nam coi trọng, lĩnh hội trở thành phương châm sống và truyền thống trọng tình trọng nghĩa của dân tộc.
-
Ảnh hưởng đến văn hóa
Phật giáo luôn có sự gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như lối sống, đạo đức, văn hóa…
Trong đó, ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức là nổi bật nhất. Một trong những lý do chính là do nhân sinh quan Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với truyền thống đạo lý của con người Việt Nam.
Trên đây là khái niệm nhân sinh quan là gì cũng như tổng hợp các thông tin về nhân sinh quan. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết đã giúp các bạn có cái nhìn đúng đắn và chi tiết về thuật ngữ trừu tượng này!