NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC
Ðối tượng chung của văn học là cuộc đời nhưng trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm. Những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, những bức tranh thiên nhiên, những lời bình luận…đều góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho tác phẩm nhưng cái quyết định chất lượng tác phẩm văn học chính là việc xây dựng nhân vật. Ðọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là số phận, tình cảm, cảm xúc, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện
1. Khái niệm và chức năng của nhân vật
a. Khái niệm:
Nhân vật văn học là con người được nhà văn miêu tả trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Những con người này có thể được miêu tả kỹ hay sơ lược, sinh động hay không rõ nét, xuất hiện một hay nhiều lần, thường xuyên hay từng lúc, giữ vai trò quan trọng nhiều, ít hoặc không ảnh hưởng nhiều lắm đối với tác phẩm.
Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật có tính ước lệ, có những dấu hiệu để nhận biết: tên gọi, những dấu hiệu về tiểu sử, nghề nghiệp, những đặc điểm riêng…Những dấu hiệu đó thường được giới thiệu ngay từ đầu và thông thường, sự phát triển về sau của nhân vật gắn bó mật thiết với những giới thiệu ban đầu đó.
Nhân vật văn học không giống với các nhân vật thuộc các loại hình nghệ thuật khác. Ơí đây, nhân vật văn học được thể hiện bằng chất liệu riêng là ngôn từ. Vì vậy, nhân vật văn học đòi hỏi người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng, liên tưởng để dựng lại một con người hoàn chỉnh trong tất cả các mối quan hệ của nó.
b. Chức năng:
Nhân vật văn học có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Khi xây dựng nhân vật, nhà văn có mục đích gắn liền nó với những vấn đề mà nhà văn muốn đề cập đến trong tác phẩm. Vì vậy, tìm hiểu nhân vật trong tác phẩm, bên cạnh việc xác định những nét tính cách của nó, cần nhận ra những vấn đề của hiện thực và quan niệm của nhà văn mà nhân vật muốn thể hiện. Chẳng hạn, khi nhắc đến một nhân vật, nhất là các nhân vật chính, người ta thường nghĩ đến các vấn đề gắn liền với nhân vật đó.
Do nhân vật có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời cho nên trong quá trình mô tả nhân vật, nhà văn có quyền lựa chọn những chi tiết, yếu tố mà họ cho là cần thiết bộc lộ được quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Chính vì vậy, không nên đồng nhất nhân vật văn học với con người trong cuộc đời.
2. Phân loại nhân vật
a. Xét từ góc độ nội dung tư tưởng hay phẩm chất nhân vật.
Có thể nói đến các loại nhân vật chính diện (nhân vật tích cực), nhân vật phản diện (nhân vật tiêu cực).
Nhân vật chính diện là nhân vật đại diện cho lực lượng chính nghĩa trong xã hội, cho cái thiện, cái tiến bộ. Khi nhân vật chính diện được xây dựng với những phẩm chất hoàn hảo, có tính chất tiêu biểu cho tinh hoa của một giai cấp, một dân tộc, một thời đại, mang những mầm mống lí tưởng trong cuộc sống…có thể được coi là nhân vật lí tưởng.
Nhân vật phản diện là nhân vật đại diện cho lực lượng phi nghĩa, cho cái ác, cái lạc hậu, phản động, cần bị lên án.
b. Xét từ góc độ kết cấu (Tầm quan trọng và vai trò của nhân vật trong tác phẩm).
Xem xét chức năng và vị trí của nhân vật trong tác phẩm, có thể chia thành các loại nhân vật: nhân vật chính, nhân vật trung tâm, nhân vật phụ.
Nhân vật chính là nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức và triển khai tác phẩm. Ở đây, nhà văn thường tập trung miêu tả, khắc họa tỉ mỉ từ ngoại hình, nội tâm, quá trình phát triển tính cách của nhân vật. Qua nhân vật chính, nhà văn thường nêu lên những vấn đề và những mâu thuẫn cơ bản trong tác phẩm và từ đó giải quyết vấn đề, bộc lộ cảm hứng tư tưởng và tình điệu thẩm mĩ.
Trừ một hoặc một số nhân vật chính, những nhân vật còn lại đều là những nhân vật phụ ở các cấp độ khác nhau. Ðó là những nhân vật giữ vị trí thứ yếu so với nhân vật chính trong quá trình diễn biến của cốt truyện, của việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Nhân vật phụ phải góp phần hỗ trợ, bổ sung cho nhân vật chính nhưng không được làm mờ nhạt nhân vật chính. Có nhiều nhân vật phụ vẫn được các nhà văn miêu tả đậm nét, có cuộc đời và tính cách riêng, cùng với những nhân vật khác tạo nên một bức tranh đời sống sinh động và hoàn chỉnh.
c. Xét từ góc độ thể loại
Có thể phân thành các nhân vật: nhân vật trữ tình, nhân vật tự sự và nhân vật kịch.
d. Xét từ góc độ chất lượng miêu tả
Có thể phân thành các loại: nhân vật, tính cách, điển hình.
Nhân vật là những con người nói chung được miêu tả trong tác phẩm. Ở đây, nhà văn có thể chỉ mới nêu lên một vài chi tiết về ngôn ngữ, cử chỉ, hành động…cũng có thể miêu tả kĩ và đậm nét.
Tính cách là nhân vật được khắc họa với một chiều sâu bên trong. Nó như một điểm qui tụ mà từ đó có thể giải thích được mọi biểu hiện muôn màu, muôn vẻ sinh động bên ngoài của nhân vật.
Ðiển hình là tính cách đã đạt đến độ thực sự sâu sắc, là sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, cái khái quát và cái cá thể…Nói một cách nghiêm ngặt, thuật ngữ này chỉ được áp dụng từ chủ nghĩa hiện thực phê phán trở về sau.
3. Một số biện pháp xây dựng nhân vật
a. Miêu tả nhân vật qua ngoại hình
Ngoại hình là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật bao gồm y phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo…Ðây là yếu tố quan trọng góp phần cá tính hóa nhân vật.
Nếu như văn học cổ thường xây dựng ngoại hình nhân vật với những chi tiết ước lệ, tượng trưng thì văn học hiện đại thường đòi hỏi những chi tiết chân thực và cụ thể sinh động.
Ngoại hình nhân vật cần góp phần biểu hiện nội tâm. Ðây cũng chính là sự thống nhất giữa cái bên ngoài và cái bên trong của nhân vật. Vì vậy, khi tính cách, đời sống bên trong của nhân vật thay đổi, nhiều nét bên ngoài của nhân vật cũng thay đổi theo.
Khi xây dựng ngoại hình nhân vật, nhà văn cần thể hiện những nét riêng biệt, cụ thể của nhân vật nhưng qua đó, người đọc có thể nắm bắt được những đặc điểm chung của những người cùng nghề nghiệp, tầng lớp, thời đại…Những nhân vật thành công trong văn học từ xưa đến nay cho thấy nhà văn bao giờ cũng chọn lựa công phu những nét tiêu biểu nhất để khắc họa nhân vật
b. Miêu tả nhân vật qua biểu hiện nội tâm
Khái niệm nội tâm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện thuộc cuộc sống bên trong của nhân vật. Ðó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lí… của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống mà nó gặp phải trong cuộc đời.
Sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Nói như L. Tônxtôi: “Mục đích chính của nghệ thuật…là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được”. Ðể làm được điều đó, nhà văn phải hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất đời sống bên trong của nhân vật.
c. Miêu tả nhân vật qua ngôn ngữ nhân vật
Khái niệm ngôn ngữ nhân vật nhằm chỉ những lời nói của nhân vật trong tác phẩm. Lời nói đó phản ánh kinh nghiệm sống cá nhân, trình độ văn hóa, tư tưởng, tâm lí, thị hiếu…Ðằng sau mỗi câu câu nói của mỗi con người đều có lịch sử riêng của nó.
Trong các tác phẩm tự sự nói chung, lời nói của nhân vật thường chiếm tỉ lệ ít hơn so với ngôn ngữ người kể chuyện nhưng lại có khả năng thể hiện sinh động và khêu gợi cho người đọc hình dung về bản chất, tính cách của nhân vật.
d. Miêu tả nhân vật qua hành động
Hành động nhân vật là khái niệm nhằm chỉ các việc làm của nhân vật. Ðây là phương diện đặc biệt quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật vì việc làm của mỗi người là căn cứ quan trọng có ý nghĩa quyết định nói lên tư cách, lí tưởng, phẩm chất cũng như những đặc điểm thuộc về thế giới tinh thần của người đó. Hơn nữa, trong các tác phẩm tự sự, tính cách nhân vật không phải ngay từ đầu đã được hình thành trọn vẹn. Chính hành động có tác dụng bộc lộ quá trình phát triển của tính cách và thúc đẩy sự diễn biến của hệ thống cốt truyện…Thông qua các mối quan hệ, sự đối xử giữa các nhân vật trong những tình huống khác nhau, người đọc có thể xác định được những đặc điểm, bản chất của nhân vật.
Thông thường, khi miêu tả hành động nhân vật, nhà văn thường kết hợp với những biểu hiện nội tâm tương ứng vì đằng sau mỗi hành động, bao giờ cũng có một tâm trạng hoặc một động cơ nào đó. Dùng nội tâm để lí giải hành động, sử dụng hành động để làm sáng tỏ nội tâm là một hiện tượng phổ biến trong việc miêu tả nhân vật.
(Đào Văn Âu, Lý luận văn học)