“Nhất tự vi sư – Bán tự vi sư” – Làm người, trước sau như một phải luôn ghi lòng tạc dạ công ơn những ai đã (nuôi) dạy mình nên người, bởi có ai nên người mà không phải từ những điều đã được dạy, được học? Và có điều lớn lao nào ta biết được, hiểu được, giúp ta nên người được mà lại không phải được tạo nên từ những điều nhỏ mà ta đã được dạy, được học?
Chúng ta vẫn nghe nhiều về đạo làm thầy, nhất là trong bối cảnh cấp thiết của việc chấn hưng nền giáo dục như hiện nay, bởi đó là một trong những điều cốt lõi của chất lượng giáo dục.
Nay, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, cũng là ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo, thiết nghĩ, cũng nên nhắc đến cái vế thứ hai của chữ Đạo, đó là Đạo làm trò.
“Nhất tự vi sư – Bán tự vi sư”
Tôi nghĩ, cái cơ bản, cái cốt lõi của Đạo làm trò chứa đựng chính trong câu danh ngôn này.
Vừa qua, trong buổi giao lưu “Người đưa đò thầm lặng” được tổ chức nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, thầy Phượng Lựu, một nhà giáo lão thành của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, đã mở rộng và đào sâu nghĩa của câu nói trên bằng cách “vấn ngược”: Làm thầy mà không dạy nổi “nhất tự”, “bán tự”… thì nỗi khổ lớn lắm! Và: Dù đã là thầy, vẫn phải luôn luôn học, học nữa, học mãi như Lênin đã dạy…
Vâng. Còn trong bài viết ngắn này, xin được nói về nghĩa “xuôi” của câu này.
“Nhất tự vi sư – Bán tự vi sư”
Người Việt Nam ta – mà nói rộng ra là người phương Đông – chẳng mấy ai không thuộc câu nói này của tiền nhân và lấy nó làm câu nằm lòng của mình.
Và mỗi khi nghe đâu đó có ai đó buông những lời thiếu trân trọng về người thầy (hay người đã từng là thầy) của mình, ta lại muốn thốt lên câu đó như một lời nhắc nhở về Đạo làm trò.
Nhất tự vi sư – Bán tự vi sư,
Tôi nghĩ, điều răn lớn nhất của câu này là: Làm người, trước sau như một phải luôn ghi lòng tạc dạ công ơn những ai đã (nuôi) dạy mình nên người, bởi có ai nên người mà không phải từ những điều đã được dạy, được học?
Và có điều lớn lao nào ta biết được, hiểu được, thấm được, giúp ta nên người được mà lại không phải được tạo nên từ những điều nhỏ, kể cả những điều nhỏ “li ti” mà ta đã được dạy, được học?
Với thời gian, với tuổi tác, hay với sự “thăng tiến”, sự “lớn lên trong con mắt của công chúng”, nhất là “trong con mắt của bản thân”, nhiều khi người ta cũng không khó quên đi rằng điều này điều kia chính là ta đã được thầy ấy, cô ấy dạy chứ không phải là ta “vẫn tự biết từ đầu” như ta đã ngộ nhận, ngộ nhận từ cái lúc ta tự cho rằng “ta đã lớn lên rồi!”.
Hoặc giả, ta cũng có thể thấy nhỏ bé đi, tầm thường đi cái điều mà ta đã vô cùng hoan hỉ khi tiếp thu nó từ người thầy, người cô. Thế nên giờ đây, ta cũng không nhất thiết phải tôn họ là Thầy, là Cô làm gì nữa!
Và rồi, có thể cũng chỉ vậy thôi, chừng nấy thôi.
Thế nhưng, nếu như ta biết được chỉ chừng nấy cũng đủ làm cho ta mất đi cái phần đẹp nhất của Đạo làm người ở trong ta! Và từ đây đến cái chỗ bị người đời mắng cho là “Đồ ăn cháo đá bát” – phỏng là bao xa?
Lúc này, thật may mắn cho ta biết bao, nếu ơn trời cho ta có được một cảm giác xấu hổ vì ta sực nhớ đến cái hình ảnh đẹp đẽ của “Bà viện sĩ – học trò” trong truyện ngắn nổi tiếng của văn hào Xôviết Chingiz Aitmatov “Người thầy đầu tiên” – hình ảnh bà viện sĩ đang lặn lội trở lại vùng quê xa xôi nơi “ngày xửa ngày xưa” có một người thầy đã ra tay cứu vớt cô trò nhỏ nhà nghèo tội nghiệp khỏi một cuộc tảo hôn và chèo chống con đò đưa cô cập đến bến nơi đầu con đường đi tới đỉnh cao của tri thức nhân loại.
Ở nơi xa xôi ấy, không biết người thầy khiêm nhường của cô có còn đủ sức để tiếp tục lặng lẽ đưa đò chở bao thế hệ tiếp tục qua sông?
Tôi biết rằng những dòng vừa được viết ra trên đây không chứa đựng điều gì mới mẻ. Nhưng đó là những cảm nghĩ không biết bao nhiêu lần đã trở lại trong tôi trên những nẻo đường, mỗi khi bắt gặp những điều – những sự việc có thật chứ không phải chỉ trên lý thuyết – khiến phải bức bối trở trăn.
Và, tôi cũng nghĩ và tin rằng đây không chỉ là cảm nghĩ của riêng tôi